Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện TP.HCM đối mặt với các vấn đề của "Vùng đại đô thị"

TP.HCM đối mặt với các vấn đề của "Vùng đại đô thị"

Viết email In

Xu thế hình thành các “Vùng đại đô thị” lan khắp thế giới, đặc biệt ở Đông Nam Á. Với đà phát triển kinh tế và tăng dân số nhanh như hiện nay, Hà Nội và TP.HCM sẽ sớm biến thành các “Vùng đại đô thị” và phải đối mặt với không ít vấn đề kinh tế - xã hội lẫn quy hoạch xây dựng. Các buổi hội thảo “Phát triển không gian đô thị Sài Gòn - TP.HCM” và góp ý “Quy hoạch Khu trung tâm mở rộng TP.HCM” cho ta nhìn thấy việc quy hoạch xây dựng TP.HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, vẫn còn ngổn ngang nhiều vấn đề rất cơ bản chưa thực sự được giải quyết.  


Công trình cao tầng hiện đại trung tâm Tp.Hồ Chí Minh 


CHƯA XÁC ĐỊNH ĐƯỢC "LÕI" CỦA MỘT VÙNG ĐẠI ĐÔ THỊ  

Ngày nay, TP.HCM cũng như Hà Nội đang trở thành các “Vùng đại đô thị” (VĐĐT) cực lớn, trung tâm phát triển kinh tế - dịch vụ toàn vùng. Năm 1996, theo phương án nghiên cứu hợp tác giữa Bộ Kế hoạch - Đầu tư và chính phủ Australia đã được thực hiện mang tên “Quy hoạch tổng thể phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, 1996 - 2010", sự phân bổ các hoạt động kinh tế vùng miền Đông Nam Bộ được xác lập như sau: 

  • Thương mại - dịch vụ, giáo dục bậc cao tập trung ở TP.HCM 
  • Hoạt động giao thương, đầu mối giao thông quốc tế xuyên Á qua các cảng Sài Gòn, Thị Vải và Vũng Tàu. 
  • Công nghệ cao, công nghiệp sử dụng nhiều lao động chủ yếu ở ngoại thành TP.HCM, công nghiệp nặng ở Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, chế biến nông sản ở Bình Dương và Đồng Nai. 

Vùng đô thị TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu - Bình Dương - Bình Phước - Tây Ninh - Tiền Giang - Long An, với hơn 10 triệu dân được đặt trong mối quan hệ của lý thuyết đô thị cực lớn (megacity). Quy mô dân số đô thị đã đuổi kịp các nước châu Á. Nhưng mấy năm gần đây khi kinh tế khó khăn, việc mở rộng các dự án đô thị đến cực điểm có khi trở thành lực cản cho phát triển kinh tế. 

Về mặt lý thuyết, muốn có vùng đô thị phải có sự kết nối triệt để quy hoạch hạ tầng xã hội lẫn hạ tầng kỹ thuật. Ví như thống nhất cao độ, khống chế ngập lụt, sạt lở đất, tôn nền và bổ sung lún, tách các trục giao thông chính ra khỏi khu dân cư, lập các trung tâm công cộng mới, tăng thu nhập đầu người, việc làm, hoàn thiện các dịch vụ kinh tế...

Mặt khác, vùng đô thị ở Việt Nam đang phải đối đầu với hiện tượng xung đột lớn giữa đô thị - nông thôn, cần rất nhiều thời gian để chuyển hóa. Tương lai của chúng nằm ở sự biến chuyển thật sự của các vùng ven và vùng nông thôn rộng lớn bao quanh. Có lẽ các khái niệm: đô thị nông nghiệp, đô thị rừng bảo tồn sinh thái, đô thị du lịch, vành đai xanh... cần được sử dụng để khi quy hoạch tránh được sự xáo trộn dân cư quá lớn.

Toàn vùng miền Đông Nam Bộ sẽ đô thị hóa nhanh chóng, nhưng nếu cứ để vùng này tiếp tục phát triển tự phát theo đà như các năm qua thì chẳng mấy chốc vùng đô thị TP.HCM sẽ biến thành một cực lớn nhưng rất hỗn độn, khó quản lý và phát triển hài hoà. 

Cho đến nay, ai cũng hô hào phối hợp phát triển nhịp nhàng cho toàn vùng miền Đông Nam Bộ, nhưng phải chăng gần 15 năm đã trôi qua mà các địa phương trong vùng vẫn khư khư phát triển riêng theo ranh giới hành chính, mạnh ai nấy làm nên sản sinh không ít vấn đề nan giải.

Đặc biệt, chưa có biện pháp ngăn chặn thảm họa cho toàn vùng, đến từ biến đổi khí hậu. Ở TP.HCM triều cường làm úng lụt 48% diện tích và không thể rút do ngập cục bộ. Nguyên nhân là chưa tính hết mức độ thiên tai, không khống chế nổi cốt cao độ toàn thành phố, lấp sông hồ, bê tông hoá mặt đất quá độ, khiến cho nước không chỗ thoát, đổ lẫn lộn sang các khu kề cận... sau lụt đi kèm là dịch bệnh.

Mối đe dọa đối với các thành phố hiện nay là rất khó tránh các thảm họa đô thị kiểu như ngập lụt Bangkok năm 2011. Thiếu bàn tay nhạc trưởng là các quy hoạch có tầm, thực thi được chúng, các đô thị đang cần trưởng thành nhanh hơn nữa. Đã ai nghĩ đến bi kịch động đất, cháy lớn ở các chung cư, văn phòng cao tầng có cả chục ngàn người, sập bệnh viện, trường học do chất lượng xây dựng, dịch bệnh do huỷ hoại môi trường... do quá tải đô thị? 

Chỉ có thể tránh chúng khi chúng ta có một chủ thuyết phát triển đô thị khoa học làm cẩn trọng các khâu xây dựng chúng. “Việc con người sẽ phải thích nghi với bão lũ là điều không tránh khỏi, câu hỏi duy nhất là liệu sự thích nghi ấy xảy ra trong một kịch bản được chuẩn bị trước hay trong sự hỗn loạn” - Chuyên gia Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu R.Jones đã cảnh báo chúng ta như vậy. 


VÌ SAO QUY HOẠCH NƯỚC TA VẪN CÒN CHẮP VÁ? 

Nghe phát biểu các giới đồng bào TP.HCM tại buổi góp ý cho rằng nhược điểm quy hoạch lớn nhất của ta là còn làm trên giấy, quy hoạch treo, ít chú tâm đến các vấn đề kinh tế và đời sống thiết thân của người dân. Điều này làm tôi bỗng nhớ lại nhận xét của GS Michael Leaf (Đại học British Columbia, Canada), người từng nhiều năm nghiên cứu đô thị Việt Nam trong một cuộc phỏng vấn cách đây không lâu. 

Ông cho rằng: “Quy hoạch đô thị tại Việt Nam có vai trò tương đối mờ nhạt trong việc tạo dựng hình ảnh đô thị. Thực tế này có lẽ trước tiên là do hệ thống luật pháp giúp thực thi quy hoạch tương đối yếu kém. Quy hoạch vẫn chỉ mang tính “đề xuất” và việc diễn giải từ quy hoạch và các quy định về quy hoạch ra thực tiễn còn tùy hứng và dẫn đến những kết quả rất khác nhau.

“…Một vấn đề cốt lõi trong phương pháp quy hoạch là sự tồn tại ranh giới giữa quy hoạch xây dựng đô thị (khía cạnh phát triển về hạ tầng, kỹ thuật và kiến trúc của một thành phố) và kế hoạch (hay còn gọi là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội) của thành phố đó. Vai trò của quy hoạch mới chỉ là thực hiện kế hoạch: xây dựng bao nhiêu căn nhà, mở bao nhiêu kilômet đường, nối bao nhiêu cây cầu...”

Về mặt tổ chức chính quyền, quy hoạch thuộc lĩnh vực xây dựng, và kế hoạch thuộc lĩnh vực kế hoạch - đầu tư, vẫn còn phụ thuộc vào các cơ quan quản lý riêng biệt và dường như ít đối thoại với nhau. Việt Nam cần giải quyết những vấn nạn trong đô thị hôm nay, ví như quy hoạch phải lồng ghép các mục tiêu kinh tế - xã hội, vào trong các bản vẽ thay vì chỉ tập trung vào việc tạo dựng hình ảnh bề ngoài của đô thị. Do việc không am hiểu các khía cạnh kinh tế - xã hội trong quá trình quy hoạch xây dựng đô thị mà hình ảnh thành phố bị biến dạng và chắp vá so với ý đồ thiết kế. GS Leaf lưu ý rằng tại các nước phát triển, các nhà quy hoạch (planner) đảm đương cả hai vai trò: đề xuất chiến lược phát triển kinh tế và kế hoạch phát triển đô thị, hạ tầng.

Quy hoạch TP.HCM chắp vá là do các nhược điểm nêu trên. Ví như theo quy hoạch vùng kinh tế, TP.HCM chủ yếu phát triển lên hướng Tây và Tây Bắc, trong thực tế thành phố lại đang phát triển mạnh sang Nam và Đông Nam - là nơi có quỹ đất phèn lớn và là đường thoát nước của thành phố. Câu hỏi đặt ra, liệu có phải quy hoạch đô thị đang hướng tới những nơi còn quỹ đất, chứ chưa căn cứ trên nền kinh tế - xã hội, vốn là động lực chính để nuôi dưỡng đô thị.


Dải cây xanh bờ sông Sài Gòn dành cho người đi bộ ngoạn cảnh 


TRÁNH VẾT XE CỦA CÁC ĐÔ THỊ ĐÔNG NAM Á 

“Kinh nghiệm gần đây của Thái Lan, Philippines và Indonesia cho thấy, quy hoạch đô thị hóa tồi là nguồn gốc tiềm tàng của bất ổn chính trị và xã hội. Một thách thức có liên quan trong đô thị hóa là thách thức về nhà ở và giao thông. Trừ phi việc sử dụng đất và giao thông được giải quyết một cách thỏa đáng và nhanh chóng, bằng không tình trạng tắc nghẽn, ô nhiễm, và đông đúc gia tăng nhanh chóng ở các thành phố lớn chắc chắn sẽ xảy ra”.

Nhận xét trên của Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (Trường Fullbright và Chương trình Việt Nam của ĐH Harvard) trong báo cáo năm 2011 về kết quả đạt được của Việt Nam về mặt “Cơ sở hạ tầng và đô thị hóa TP.HCM" là đáng quan tâm. Ông cho rằng chính sách đất đai là một vấn đề phức tạp cho cả khu vực thành thị và nông thôn. Ở Việt Nam, đất đai đã trở thành một khoản đầu tư và đầu cơ chứ không thuần túy chỉ phục vụ mục đích xây dựng nhà ở. Hơn nữa, lợi nhuận từ đầu cơ đất đai hấp dẫn hơn bất kỳ một hoạt động đầu tư sản xuất nào khác. Và chính điều này làm cho một phần lớn nguồn lực của nền kinh tế bị chuyển sang mục đích phi sản xuất. Giá đất ở các đô thị và khu vực sắp trở thành đô thị của Việt Nam tương đương với mức giá ở những khu vực tương tự ở Nhật Bản, một quần đảo đông dân với thu nhập trung bình cao hơn Việt Nam tới 50 lần. Giá mua hoặc thuê nhà rất cao ở nước ta đã vượt khỏi tầm với của rất nhiều hộ gia đình trong thành phố. 

Nếu như Hongkong và Singapore từ những năm 1960 đã bắt đầu xây nhà công cộng cho những hộ gia đình nghèo, thì Philippines, Thái Lan, Indonesia... vẫn chưa làm tốt được điều này. Kinh nghiệm của các nước láng giềng có thể cung cấp những bài học hữu ích cho Việt Nam. 

Chúng ta đã bỏ quên nguyên tắc đầu tiên của xây dựng đô thị là phát triển các Trung tâm phục vụ công cộng trước rồi mới xây nhà ở (Singapore là ví dụ). Các trung tâm thương mại, đời sống, giáo dục, sức khoẻ, biểu diễn, văn hoá, giải trí, thể thao... phải luôn là xuất phát điểm của quy hoạch đô thị.

Nỗi đau của đô thị Việt Nam là ngay từ khi ló dạng chúng đã bị què quặt do thiếu không gian công cộng. Chúng ta chỉ phát triển nhà ở thương mại theo kiểu chia lô bán nền để thoả mãn sự giàu có của thiểu số các đại gia mà quên hậu quả lâu dài số đông phải gánh chịu. Bởi không có các Trung tâm phục vụ công cộng sẽ không có bộ mặt đô thị và nhà ở chỉ là các “ổ chuột bằng vàng”, không là đô thị. Hiệu ứng này cũng tạo sức ép lên các Trung tâm đô thị lịch sử và sẽ giết dần mòn quỹ di sản ngàn đời cha ông để lại.

Kết luận bảng báo cáo, ông Tự Anh nói thành phố nước ta cần cấp thiết hình thành chính quyền đô thị: “TP.HCM đang có nhu cầu cấp thiết trong việc xây dựng một chính quyền đô thị tập trung và hiệu quả. Bằng không, tăng đầu tư trong khi quản trị kém chỉ làm tình hình trở nên tồi tệ thêm. Đề xuất xây dựng chính quyền đô thị để nâng cao chất lượng quản trị thành phố vì vậy nên được coi là một ưu tiên hàng đầu của TP.HCM cũng như các thành phố khác của Việt Nam”.

Thực vậy, ở nước ta, các thành phố sở dĩ không hoạt động hữu hiệu được là do sự kiện ‘quản lý đô thị’ mà lại không có ‘chính quyền đô thị’ đúng nghĩa. Chính điều này đã gây nên hiện tượng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong việc điều hành thành phố một cách đúng đắn. Quản lý theo kiểu chuyên môn hóa từng ban ngành như hiện nay rõ ràng đã bộc lộ không ít bất cập kiểu “ban ngành chủ nghĩa”, “dĩ ngành vi bản”. Điển hình nhất là cảnh “mạnh ai nấy đào đường” của giao thông, công chính, điện lực, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông… 

Về các phương diện nêu trên, TP.HCM có vẻ như đang đi vào vết xe đổ không mấy tốt đẹp của các đô thị Đông Nam Á! 


Khu ĐTM Sài Gòn Pearl, Tp.hồ Chí Minh 


TÍNH KHẢ THI PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH KHU TRUNG TÂM CHƯA CAO!

Trong cuộc thảo luận góp ý về phương án Khu trung tâm đô thị mở rộng do công ty thiết kế Nhật Nikken Sekkei đề xuất, ai cũng ngỡ ngàng khi nhìn thấy các dữ liệu về dân số, giá đất, quy hoạch chi tiết các ô phố… còn rất chủ quan và không sát thực tế. 

Theo các doanh nghiệp, nhà kinh doanh bất động sản thì tính khả thi của phương án không cao, khó áp dụng được trong thực tế do không phối hợp với các nghiên cứu kinh tế, xã hội học, bất động sản… Ví như các con số về dân số, không thấy nhắc đến số khách vãng lai, tạm trú rất cao ở các quận trung tâm, giá đất không sát thị trường, thực tế đền bù, tái định cư không dễ dàng…

Làm đường metro rất tốn kém, thường phải kèm phương án quy hoạch chi tiết dọc theo tuyến, kèm theo các dự án nhà ở, khu thương mại sinh lời để bù phần nào cho chi phí rất lớn của tuyến đường. Ví như tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chi phí lên đến 47.000 tỷ đồng vậy mà không nhìn thấy phương án phát triển kinh tế dọc tuyến đính kèm, cửa ra trạm cuối đường Suối Tiên mở ra một khu sinh thái vắng vẻ! 

Đại biểu các tổ chức nhân dân cũng cho rằng tính khả thi của phương án không cao, do chưa cho thấy sự kết nối giữa Thủ Thiêm và khu trung tâm cũ của thành phố. Ngoài ra làm sao tìm đâu ra nguồn vốn đầu tư xây dựng mới của hai nơi trong thời buổi kinh tế khó khăn này? Được biết dự án Thủ Thiêm cho đến nay vẫn ì ạch trong kêu gọi đầu tư, trong lúc đó hàng ngày phải chi ra 4 tỷ đồng trả lãi vay cho chi phí các mặt. 

Nhiều vấn đề như nạn ngập nước, ô nhiễm tiếng ồn, ùn tắc giao thông vẫn còn chưa nhìn thấy rõ trong phương án đề xuất, do thực tế tình hình các vấn đề nan giải trên vẫn chưa có hướng giải quyết rốt ráo. 

Phát triển hài hoà VĐĐT còn là một thách thức lớn và quá mới đối với chúng ta. Dĩ nhiên, còn cần rất nhiều chính sách, biện pháp và lộ trình để thực hiện được nó, nhưng tựu trung chúng phải phù hợp với bối cảnh địa phương của từng vùng và đáp ứng được các yêu cầu sau:

  • Thiết lập những hệ thống quản lý và điều hành hữu hiệu cho các VĐĐT. 
  • Làm cho các VĐĐT phát triển bền vững trong bối cảnh môi trường đang suy thoái và cạnh tranh kinh tế toàn cầu gay gắt. 
  • Mang lại cho các VĐĐT những điều kiện sống tốt về mặt công ăn việc làm, dịch vụ, cơ sở hạ tầng, và chính sách xã hội... 
  • Làm sao cho người nghèo và người kém may mắn sống tốt trong các VĐĐT để họ có công ăn việc làm và được hưởng các dịch vụ như y tế và giáo dục. 

Quy hoạch Khu trung tâm mở rộng TP.HCM 

Khu trung tâm mở rộng mới bám theo bờ Tây sông Sài Gòn, kéo dài từ cầu Sài Gòn (ở phía Bắc) đến cầu Tân Thuận (ở phía Nam), gồm các quận 1 và 3, một phần Bình Thạnh, quận 4, với diện tích 930ha, đã cân bằng được các khu chức năng kinh doanh - thương mại, bảo tồn cảnh quan và lịch sử. 

Phương án ý tưởng đoạt giải Nhất vào năm 2007 của Công ty thiết kế Nhật Bản Nikken Sekkei nay đã được chọn để triển khai thực hiện. Phân khu chức năng và các nét chính của phương án: 

  • Khu trung tâm thương mại - tài chính (Central Business District - CBD) gồm khu Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng, kéo dài đến Công viên 23/9 cùng khu lân cận. 
  • Khu trung tâm văn hoá - lịch sử gồm các trục đường Đồng Khởi, tổng thể công viên trước Dinh Độc Lập, vườn Tao Đàn, khu công sở Pháp cũ, trụ sở Ủy ban Nhân dân và Nhà hát. Khu biệt thự cao cấp hoặc ngoại giao trước đây (trên các đường Lê Duẩn, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Đình Chiểu, Tú Xương, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Quí Đôn...) 
  • Phát triển mạng lưới không gian mở - không gian xanh nối kết liên hoàn công viên 23-9 (dự kiến bố trí nhà ga tàu điện ngầm trung tâm, đầu mối giao thông trung chuyển của khu vực), Công viên Tao Đàn, khu vực Thảo Cầm Viên, Công viên Lê Văn Tám và nối kết về phía bờ sông. 
  • Khu bờ Tây sông Sài Gòn: tạo mối quan hệ giữa khu trung tâm hiện hữu với dòng sông Sài Gòn và khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Đề xuất táo bạo và đặc sắc là phát triển trục Lê Lợi kéo dài từ phía sau Nhà hát lớn TP về phía bờ sông (khu vực Ba Son), ngầm hóa đoạn đường Tôn Đức Thắng từ khu Ba Son tới cầu Khánh Hội, giải phóng mặt đất cho không gian đi bộ và tuyến xe điện mặt đất (tramway), đem lại sinh khí mới và cảm hứng nối kết các không gian đi bộ tại khu trung tâm với cảnh quan sông Sài Gòn. Cảnh quan nơi này được cân nhắc sao cho tạo được sự hài hòa chung giữa khu trung tâm lịch sử ở bờ Tây và khu đô thị mới Thủ Thiêm bờ Đông.

Các đặc điểm chính của phương án:

  • Giải pháp cho giao thông đô thị, đặc biệt nghiên cứu giải pháp cho giao thông công cộng, nghiên cứu phương án bãi đậu xe, hệ thống đường đi bộ (nổi và ngầm).  
  • Giải pháp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững: giải quyết vấn đề ngập lụt đô thị, mối liên hệ giữa đô thị với con người và môi trường tự nhiên, an toàn năng lượng... 
  • Xây dựng các chính sách, cơ chế kích thích phát triển và quản lý đô thị. 

KTS Nguyễn Hữu Thái (Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 1,2/2013) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo