Khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên khoáng sản nói riêng luôn là vấn đề nóng và được đặt lên hàng đầu tại mỗi quốc gia phát triển.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên khoáng sản phong phú, được khai thác theo nhiều hướng, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trong số các giải pháp khai thác tiềm năng phải kể đến giải pháp khai thác di sản địa chất, di sản thiên nhiên theo hướng kết hợp giữa việc khai thác và bảo tồn, nhằm phát huy tiềm năng khai thác du lịch – ngành công nghiệp không khói có hiệu quả kinh tế cao.
Phong Nha - Kẻ Bàng
Thế mạnh từ thiên nhiên
Theo định nghĩa của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), di sản địa chất là những phần tài nguyên địa chất có giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế. Chúng bao gồm: Các cảnh quan địa mạo, các di chỉ cổ sinh, các miệng núi lửa đã tắt hoặc đang hoạt động, các hang động, hẻm vực sông hồ tự nhiên, thác nước, các diện lộ tự nhiên hay nhân tạo của đá và quặng, các thành tại cảnh quan còn ghi lại những biến cố, bối cảnh địa chất đặc biệt; các điểm mà tại đó có thể quan sát được quá trình địa chất đã và đang diễn ra hàng ngày, thậm chí cả các khu mỏ đã ngừng khai thác... di sản địa chất có vai trò quan trọng hàng đầu trong số các di sản thiên nhiên. Cũng như các di sản khác, di sản địa chất là tài nguyên không tái tạo, một khi đã làm mất đi thi không tạo lại được. Bởi vậy, di sản địa chất cần được bảo vệ, bảo tồn, quản lý và khai thác sử dụng hợp lý cho sự phát triển bền vững kinh tế xã hội.
Cũng theo định nghĩa và phân loại của UNESCO có thể chia di sản địa chất thành hai nhóm cơ bản là: thiên tạo và nhân tạo. Nhóm thiên tạo là những di sản địa chất hình thành từ các quá trình địa chất tự nhiên. Nhóm nhân tạo là các di sản địa chất được tạo ra bởi hoạt động của con người như: Các hoạt động khai thác khoáng sản tạo nên các moong khai thác lộ thiên, các lò ngừng khai thác, hồ nhân tạo do khai thác khoáng sản và các hồ trữ nước cho các công trình thủy điện có cảnh quan đẹp...
Tiến sỹ La Thế Phúc, Giám đốc Bảo tàng Địa chất Việt Nam cho biết: Hiện nay tại Việt Nam có 3 khu bảo tồn di sản địa chất, di sản thiên nhiên có giá trị rất cao, được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và công viên địa chất toàn cầu. Đó là Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh; Di sản Thiên nhiên Thế giới Phong Nha-Kẻ bàng của tỉnh Quảng Bình và Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang.
Ngoài ra, nước ta còn có nhiều khu vực tiềm năng đang được nghiên cứu lập hồ sơ trình UNESCO công nhận các danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới và công viên địa chất toàn cầu như: Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), Tràng An (Ninh Bình), Ba Bể (Bắc Cạn), Hoàng Liên – Sa Pa (Lào Cai)...Nhờ việc bảo vệ bảo tồn, quản lý và khai thác hợp lý nên ngành du lịch tại những địa điểm trên đã có bước phát triển vượt bậc, đạt doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Đoàn nghiên cứu đang khảo sát hang Sinh, một trong những hang động mới của Tràng An (Ảnh: Công Đạt)
Giải pháp cho các di sản địa chất nhân tạo
Di sản địa chất đã mang lại những hiệu quả kinh tế xã hội rõ rệt, song việc nghiên cứu di sản địa chất có nguồn gốc nhân tạo lại là một vấn đề mới ở Việt Nam . Theo ông Nguyễn Anh Tuấn (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản), hoạt động khai thác khoáng sản tại Việt Nam hiện nay đang diễn ra khá ồ ạt ở hầu hết các tỉnh thành.
Bên cạnh những giá trị kinh tế mang lại, ô nhiễm môi trường đang nảy sinh những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến phát triển bền vững, đặc biệt là vấn đề bãi thải và hoàn nguyên sau khai thác khoáng sản. Sau khi tiếp cận, nghiên cứu các ứng dụng đưa di sản địa chất vào thực tiễn và học tập kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, các nhà địa chất Việt Nam đã đề xuất và tư vấn quy hoạch khai thác các mỏ kiểu trên thành các điểm di sản địa chất để khai thác du lịch. Hiện nay, đã có một số mỏ như: Mỏ than Na Dương (Lạng Sơn, mỏ than Hà Tu (Quảng Ninh), mỏ Sn-W Núi Pháo (Thái Nguyên), khu mỏ Pb – Zn Chợ Đồn (Bắc Cạn)...thực hiện quy hoạch theo hướng này.
Na Dương là một khu mỏ được khai thác lộ thiên từ năm 1959. Đặc biệt, đây còn là một khu di sản địa chất độc đáo. Trong quá trình tiến hành khai thác than, đơn vị khai thác phối hợp các nhà địa chất đã phát hiện được nhiều hóa thạch động thực vật với khối lượng lớn khá hoàn chỉnh, phong phú và đa dạng, có giá trị cao về mặt khoa học. Kết quả nghiên cứu cổ sinh cho thấy, đây là một hệ sinh thái Miocen ( một thế địa chất kéo dài từ 23,03 đến 5,33 triệu năm trước) độc nhất vô nhị ở Nam Á rất cần được bảo tồn.
Được sự tư vấn của các nhà địa chất, lãnh đạo công ty khai thác mỏ than Na Dương đã bổ sung quy hoạch khai thác mỏ theo hướng trở thành địa điểm du lịch sau khi khác thác hết than mà không phải hoàn nguyên. Theo đó, bên cạnh moong khai thác sẽ là một bảo tàng địa chất ngoài trời về địa tầng Miocen và các phức hệ động thục vật Miocen đã từng sinh sống tại đây. Hiện nay, công ty đã quy hoạch ngăn nắp bãi thải và tổ chức trồng cây gây rừng trên khu bãi thải, thu gom các thân cây hóa đá và các háo thạch động thực vật phục vụ cho xây dựng bảo tàng địa chất ngoài trời sau này.
Như vậy, sau 30 năm nữa, khi khai thác hết than và đóng cửa mỏ, nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với các kiểu di sản địa chất. Du khách đến đây ngoài được thưởng ngoạn cảnh đẹp của thiên nhiên, còn được tìm hiểu và quá trình phát triển các cấu tạo địa chất, địa tầng tại khu bảo tàng địa chất ngoài trời. Hiện, nhiều khu mỏ tại Việt Nam cũng đang chuyển hướng quy hoạch sang phát triển du lịch sau khai thác như mỏ than Na Dương.
Để hướng đi hiệu quả được nhân rộng
Theo các nhà địa chất Việt Nam, để các di sản địa chất nhân tạo phát huy hiệu quả phát triển kinh tế xã hội khi chuyển hướng sang khai thác du lịch thì cần phải có các bước quy hoạch ngay từ đầu nhằm chuyển các công trình khai thác trở thành di sản địa chất. Hiện trong hàng nghìn khu mỏ đã và đang khai thác với quy mô công nghiệp ở Việt Nam, hầu như không có một mỏ nào có quy hoạch các công trình khai thác trở thành di sản địa chất ngay từ ban đầu. Điều này có thể do khái niệm về di sản địa chất còn quá mới mẻ đối với các nhà doanh nghiệp khai thác mỏ.
Việc tiếp cận thông tin về vấn đề này còn khó khăn và chưa có cơ sở pháp lý, các văn bản pháp quy đối với hướng giải pháp mới này; hoặc do áp lực về giá trị lợi nhuận kinh tế của mỏ còn quá lớn trong khi các nhà khai thác thác mỏ lại xem nhẹ các vấn đề về phát triển bền vững.
Để hướng đi hiệu quả này được phổ biến, nhân rộng và phát huy giá trị kinh tế xã hội, các nhà địa chất Việt nam đã kiến nghị một số nội dung chính như: Đối với các mỏ đang trong giai đoạn quy hoạch và thiết kế thi công, ngoài vấn đề an toàn môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, cần tích hợp tư duy về di sản địa chất để quy hoạch các công trình khai thác mỏ trở thành các điểm di sản địa chất.
Đối với các mỏ đang trong quá trình khai thác, các nhà địa chất sẽ nghiên cứu, tư vấn góp ý bổ sung quy hoạch các công trình khai thác mỏ trở thành điểm di sản địa chất, phục vụ khai thác du lịch sau khi đóng cửa mỏ. Bên cạnh đó, di sản địa chất là phần tài nguyên địa chất rất có giá trị cả về khoa học và thực tiễn nhưng chưa được luật pháp bảo vệ, bởi vậy cần thiết phải bổ sung di sản địa chất vào các văn bản phạm quy, văn bản luật để di sản địa chất được bảo tồn, quản lý phát triển và khai thác bền vững./.
Thu Phương
- Khu vực Công viên 23-9: Có những công trình gì?
- “Nên bỏ thu hồi đất với lý do phát triển kinh tế”
- "Lĩnh vực đất đai đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp"
- Góp ý sửa Luật Đất đai: Chưa có sự bình đẳng giữa các bên!
- Bàn lại về sở hữu đất đai
- TPHCM lại nghiên cứu triển khai quyền mua xe cá nhân: Tiền - hậu bất nhất (!?)
- Đường sắt lạc hậu
- Quảng trường ở Việt Nam: có gì khác với khái niệm gốc trong quy hoạch phương tây
- Mật độ dân cư đô thị - các góc nhìn..
- Nông dân Long An Góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): Đề nghị tăng thời hạn giao đất