Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Tương tác Phản biện Khu vực Công viên 23-9: Có những công trình gì?

Khu vực Công viên 23-9: Có những công trình gì?

Viết email In

Như đã đưa tin, tuần qua Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM đã báo cáo UBND TPHCM về việc nghiên cứu quy hoạch xây dựng nhà hát giao hưởng-nhạc-vũ kịch tại Công viên 23-9 và chủ trương này cũng đã được lãnh đạo thành phố chấp thuận. Tuy nhiên, Công viên 23-9 được quy hoạch như thế nào? Tại đây còn có những công trình gì?  

Trung tâm văn hóa, thương mại, giao thông 

Công viên 23-9 có diện tích khoảng 9,46ha với chiều rộng khoảng 90m và chiều dài hơn 1.100m. Công viên bị giới hạn bởi quảng trường Quách Thị Trang, đường Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, Nguyễn Trãi. Trong đó có hai đường là Nguyễn Thái Học và Tôn Thất Tùng nối dài cắt ngang qua công viên và cắt công viên ra làm 3 đoạn. 

  • Ảnh bên: Toàn cảnh Công viên 23-9 (Ảnh: Phạm Kim Ngân) 

Theo đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, Công viên 23-9 do Công ty TNHH Xây dựng và kiến trúc miền Nam lập và được Sở Quy hoạch Kiến trúc trình UBND TPHCM năm 2007, Công viên 23-9 có 9 chức năng. Trong đó, chức năng chính là công viên cây xanh, khu sinh hoạt văn hóa, quảng trường có tượng đài kỷ niệm ngày Nam bộ kháng chiến. Chức năng phụ của công viên là đầu mối giao thông (ga cho xe điện ngầm và trạm điều hành xe buýt), chỗ đậu xe (tại các tầng hầm dưới công viên) và trung tâm thương mại-dịch vụ (chưa có nhà hát giao hưởng-nhạc-vũ kịch). 

Các phân khu trong công viên được tính toán như sau: khu quảng trường sẽ giáp phía Công trường Quách Thị Trang với diện tích khoảng 0,89ha, tầng cao trung bình là một tầng và mật độ xây dựng 2%. Khu tượng đài Nam bộ kháng chiến giáp phía đường Nguyễn Thị Nghĩa có diện tích khoảng 2,64ha; tầng cao trung bình là một tầng và mật độ xây dựng 5%. Khu công viên văn hóa cũng giáp phía đường Nguyễn Thị Nghĩa có diện tích 1,4ha với tầng cao trung bình 4-5 tầng; mật độ xây dựng 15%. Khu công viên cây xanh và thương mại dịch vụ có diện tích khoảng 3,53ha; mật độ xây dựng 5%. Khu bến xe buýt rộng khoảng 1ha trong đó diện tích dành cho bến xe buýt 6.000m2. Phía dưới công viên là các tầng hầm, kết nối các nhà ga metro với trung tâm xe buýt, các tầng hầm thương mại và bãi đậu xe.

Quy hoạch của Công ty Tư vấn Nikken Sekkei Nhật Bản mà Sở Quy hoạch Kiến trúc trình UBND TPHCM năm 2011 về chức năng của Công viên 23-9 cũng tương tự nghiên cứu do Công ty TNHH Xây dựng và kiến trúc miền Nam lập. Cụ thể, trên mặt đất sẽ có công viên và quảng trường. Còn dưới mặt đất sẽ là các bãi đậu xe ngầm và trung tâm thương mại dịch vụ. Trong đó tầng ngầm được quy định tối đa là 4 với 2 tầng để làm bãi đậu xe và 2 tầng làm trung tâm thương mại.

Nhà hát giao hưởng-nhạc-vũ kịch 

Để thực hiện chủ trương của lãnh đạo TPHCM về việc xây dựng Nhà hát giao hưởng-nhạc-vũ kịch tại Công viên 23-9, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã đề xuất làm lại quy hoạch chi tiết 1/500 Công viên 23-9. Hiện nay theo đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu mở rộng của TPHCM (rộng 930ha trong đó có Công viên 23-9) mới chỉ có đề xuất lập phương án thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 cho Công viên 23-9 nhằm xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đô thị cho khu vực mà chưa phải là đồ án quy hoạch chi tiết 1/500. Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, phải nghiên cứu hoàn thiện đồ án này thì các bài toán về giao thông, cảnh quan, môi trường… mới được giải quyết thấu đáo.

Bước đầu Sở Quy hoạch Kiến trúc cho hay tại khu vực Công viên 23-9 có 4 vị trí có thể xây dựng nhà hát giao hưởng-nhạc-vũ kịch. Vị trí thứ nhất nằm gần đường Tôn Thất Tùng, vị trí thứ hai gần ga metro chợ Nguyễn Thái Bình, vị trí thứ ba nằm khoảng giữa Công viên 23-9 và vị trí thứ tư nằm gần đường Nguyễn Thái Học. Tuy nhiên, theo ông Hồ Quang Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, vị trí thứ nhất có nhiều ưu điểm hơn cả. Tại vị trí này, nhà hát có cả khoảng không gian phía trước, dễ dàng kết nối với phần (còn lại) của Công viên 23-9 phía trước để tạo thành một quảng trường trang trọng với mảng xanh rộng lớn. Ngoài ra, ở vị trí này, có thể dùng đường Tôn Thất Tùng làm lối tiếp cận phía sau tới nhà hát. Với tất cả những lợi thế trên, vị trí số một đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc đề xuất chọn để xây dựng nhà hát giao hưởng - nhạc-vũ kịch. Như vậy, nếu không có gì thay đổi, khu vực Công viên 23-9 của TPHCM sẽ đồng thời là công viên, trung tâm văn hóa, đầu mối giao thông và bãi đậu xe ngầm lớn của TPHCM.  

An Nhiên 

PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Phó Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc TPHCM: Tôi đề xuất xây dựng nhà hát ở Công viên 23-9 

Tôi là một trong những người đã đề xuất phương án xây dựng nhà hát giao hưởng-nhạc-vũ kịch tại Công viên 23-9. Tại sao tôi có quyết định này? Bởi khu vực này vừa ở ngay trung tâm thành phố, lại có không gian xung quanh khá rộng, quang đãng đồng thời là một trong những đầu mối giao thông (ga metro, xe buýt), trung tâm thương mại quan trọng của thành phố. Công viên 23-9 có vị trí đầu tiếp giáp với chợ Bến Thành, vị trí cuối gần chợ Nguyễn Thái Bình… Một không gian công cộng như thế rất thích hợp để xây dựng nhà hát giao hưởng-nhạc-vũ kịch. Người dân có thể đến nhà hát hay cũng có thể dạo mát xung quanh khu quảng trường của nhà hát hoặc đến các trung tâm thương mại.

TPHCM cũng đã có kế hoạch xây dựng nhà hát giao hưởng-nhạc-vũ kịch ở đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng do khủng hoảng kinh tế cùng một số nguyên nhân khác, có lẽ phải mất một thời gian khá lâu nữa đô thị mới Thủ Thiêm mới hình thành. Trông chờ vào tương lai khá xa này là không hay, trong khi nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của người dân là hiện thực. Hơn nữa, đây là khu đất công của TPHCM, TPHCM có thể chủ động xây dựng ngay nhà hát. Ý tưởng xây dựng nhà hát ở khu vực Ba Son cũng có nhiều ý tốt, nhưng khó khả thi vì đây là đất của quân đội. Lực lượng vũ trang còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ trên mảnh đất đó.

Tôi đã tham khảo một số kiến trúc sư nước ngoài trước khi đề xuất xây dựng nhà hát ở Công viên 23-9 và đa phần người được hỏi đã ủng hộ quan điểm này. Theo họ, Công viên 23-9 là vị trí tốt cho việc xây dựng nhà hát diện tích 1,2ha. Không gian xung quanh khá phù hợp cho một nhà hát quy mô như vậy. Đặc biệt, xu hướng kết hợp công viên với nhà hát, quảng trường, trung tâm thương mại, đầu mối giao thông là xu hướng đang được nhiều nước áp dụng vì nó rất tiện lợi cho sinh hoạt của người dân. Các vấn đề còn lại như kết nối giao thông, bảo vệ môi trường… sẽ có các giải pháp kỹ thuật để xử lý.  

KTS Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư TPHCM: Phải quan tâm đến nhu cầu thưởng ngoạn văn hóa của người dân 

Tôi ủng hộ việc xây dựng nhà hát giao hưởng-nhạc-vũ kịch ở Công viên 23-9 vì thưởng ngoạn nghệ thuật là một nhu cầu rất lớn của người dân. Có người nói với tôi, nhạc giao hưởng, vũ kịch… không phải là của người Việt Nam, không phải là văn hóa Việt Nam. Song nhạc nhẹ, kịch nói… và nhiều loại hình nghệ thuật khác cũng đâu phải của Việt Nam? Chúng ta phải từng bước tiếp cận thế giới, nâng dần khả năng cảm thụ nghệ thuật thế giới cho người Việt Nam. TPHCM đã phát triển mạnh về kinh tế, song văn hóa chưa theo kịp sự phát triển của các nước tiên tiến. Thêm một nhà hát, một nơi biểu diễn nghệ thuật trong thời điểm này nhằm hướng người dân, nhất là lớp trẻ tới với nghệ thuật chân chính là rất quý. 

Cách nay 10 năm, TPHCM đã đầu tư khá bài bản cho việc hình thành một nhà hát giao hưởng-nhạc-vũ kịch từ khâu đào tạo con người tới các nhạc cụ. TPHCM cũng đã nghiên cứu và xem xét đến nhiều vị trí có thể xây dựng nhà hát giao hưởng-nhạc-vũ kịch như ở đô thị mới Thủ Thiêm hay ở ngay vị trí của Công ty Xổ số kiến thiết trên đường Lê Duẩn… Thế nhưng, vị trí của Công ty Xổ số Kiến thiết không có không gian phù hợp cho một nhà hát. Còn ở đô thị mới Thủ Thiêm… có thể nói đây vị trí phù hợp nhất, song bao giờ mới có đô thị Thủ Thiêm? Trong lúc kinh tế cả thế giới suy thoái như hiện nay, tôi nghĩ ít nhất cũng phải gần 20 năm nữa… Chẳng lẽ đợi đến lúc đó mới xây dựng nhà hát? Còn nếu xây nhà hát ngay bây giờ, giữa “đồng không mông quạnh”, ai sẽ đến đó xem? TPHCM đã cân nhắc rất kỹ khi chọn khu vực Công viên 23-9 là nơi xây dựng nhà hát giao hưởng-nhạc-vũ kịch. Vấn đề còn lại hiện nay là các nghiên cứu về quy hoạch và thiết kế trong việc xây dựng nhà hát và toàn khu vực 23-9 phải đưa được công trình và khu vực này trở thành điểm nhấn về kiến trúc và văn hóa cho thành phố.  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo