Cùng với văn hoá đọc, thư viện là một trong những loại hình không gian công cộng lâu đời nhất trên thế giới và không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng. Quy mô, nội dung và “bản sắc” của mỗi thư viện trung tâm chính là một mảng lớn trong bức tranh ghép phản ánh cuộc sống văn hoá của cộng đồng ấy. KT&ĐS xin giới thiệu tới bạn đọc thư viện thành phố Stuttgart, CHLB Đức – một không gian đặc biệt kết nối giá trị kiến trúc và tri thức.
Thông tin công trình: Hoàn thành: 10/2011 |
Thành phố Stuttgart với hơn 600.000 dân là thủ phủ của bang Baden – Württemberg, đồng thời là trung tâm văn hoá kinh tế của miền Tây Nam CHLB Đức. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và hình thức trao đổi thông tin đang dần thay đổi theo sự phát triển của công nghệ, thành phố này đã mở cuộc thi tìm ý tưởng thiết kế cho công trình thư viện thành phố vào năm 1999. Về mặt công năng, thư viện mới phải là một không gian có tính sáng tạo cao, có thể đáp ứng được thay đổi và thách thức mới trong tương lai, một trung tâm học tập đa phương tiện. Trong quy hoạch đô thị, nó cần có vai trò đánh dấu và định hình không gian khu vực Mailänder Platz, qua đó tạo ra sức hút cân bằng với trung tâm thương mại và những dãy phố đi bộ ở hướng bên kia của trung tâm thành phố.
Mặt đứng được tạo nên trên cơ sở những ô vuông bàn cờ từ gạch kính và khung bêtông
Kết cấu mặt tiền hai lớp tạo ra hành lang đệm vừa là bancông, điểm nhìn ra xung quanh vừa giảm thiểu tác động của môi trường tới lớp chính bên trong.
“Trong khi trái tim (không gian rỗng 14 x 14 x14 ) tượng trưng cho nguồn gốc của mọi kiến thức, thì không gian đọc dạng phễu ý nghĩa cho sự mở rộng ra thế giới bên ngoài, thế giới vô biên của tri thức” – KTS Yi đã giải thích tính triết lý cho thiết kế kiến trúc của mình. |
Với hình thức nguyên khối cùng không gian sáng tạo, thiết kế của văn phòng kiến trúc Yi Architects (Cologne/Seoul) đã đạt giải nhất và là phương án được lựa chọn xây dựng. Hoàn toàn có chủ định, KTS Yi đã đặt nguyên khối “lập phương” có kích thước 44 x 44 x 40 đứng độc lập giữa Mailänder Platz, tạo ra một điểm hút cho toàn khu vực. Bốn mặt đứng của khối nhà có hình thức giống nhau, được tạo nên trên cơ sở những ô vuông 9 x 9m từ gạch kính và khung bêtông. Không như kính trong suốt hay tường đặc, việc sử dụng gạch kính tạo ra một lớp vỏ “mờ” ngăn cách khối “rubic” với bên ngoài, gợi mở ra tò mò về không gian. Với mục đích nhấn mạnh vào bản chất của tri thức và công năng một thư viện, thiết kế của KTS Yi đặc biệt ở xử lý không gian bên trong của khối lập phương này. Trong lõi của toà nhà là ba không gian rất ấn tượng chồng lên nhau, cả ba đều có mặt bằng là hình vuông: một khán phòng ở tầng hầm, trên nó là một lõi không gian rỗng 14 x 14 x 14m như “trái tim” của toà nhà, trên cùng là sảnh đọc có không gian dạng phễu.
Tổng thể không gian đọc – không gian trải nghiệm của sách và ánh sáng.
Mặt cắt mô hình không gian công trình (Yi Architects)
Ngoài trục thang máy thẳng đứng, thang bộ xoay quanh lõi rỗng dẫn dắt qua các phòng đọc đơn năng khác nhau. Đây cũng là con đường trải nghiệm không gian, tạo ra nhiều góc nhìn ở cao độ khác nhau hướng tới “trái tim” của toà nhà.
Tất cả mọi phòng của thư viện đều được thiết kế theo nguyên tắc hình khối mạch lạc, vuông – phẳng – thẳng. Ấn tượng và níu chân bạn đọc một cách mạnh mẽ nhất của thư viện là sảnh đọc. Không gian sảnh đọc dạng phễu tạo ra định hướng “tìm – đọc” tổng thể rõ ràng ngay từ ban đầu khi bước chân lên đây. Toàn bộ nội thất tường – sàn – kệ đều trắng là một không gian nền tuyệt vời cho màn trình diễn của đối tượng chính: “sách”. Tại đây bạn có thể tìm thấy mọi góc để đọc và cùng với đó là trải nghiệm không gian của sách và ánh sáng. Nguồn sáng tổng thể chủ yếu ở đây là ánh sáng tự nhiên từ mái, được lọc và tản sáng qua lớp trần lưới thép. Song song với nguồn sáng tự nhiên, phương pháp chiếu sáng nhân tạo cho khu vực tủ sách tạo ra định hướng không gian và công năng rất rõ ràng. Cùng với kết cấu mặt đứng hai lớp, lớp ngoài từ gạch kính và bêtông – lớp trong là hệ cột – dầm và kính, concept màu sắc và chiếu sáng cũng là giải pháp tiết kiệm năng lượng trong quá trình vận hành thư viện.
Định hướng “tìm – đọc” tổng thể rõ ràng ngay từ ban đầu khi bước chân lên sảnh đọc dạng phễu.
Lõi không gian rỗng 14 x 14 x 14m đầy tính triết lý với nguồn chiếu sáng từ trên cao được coi như “trái tim” của toà nhà. Đây được sử dụng như không gian gặp gỡ, tập trung trong các sự kiện.
Nội thất các phòng đọc đơn năng với không gian mang tính thư giãn cao.
Đường dẫn và định hướng không gian được tạo nên bởi “sách” trên nền nội thất trắng.
Màn trình diễn ánh sáng của thư viện về đêm.
Thư viện thành phố Stuttgart mới được hoàn thành đã thực sự đáp ứng được nhu cầu về không gian văn hoá mới của thành phố, đồng thời trở thành một biểu tượng kiến trúc mới trong lòng Stuttgart – thành phố của kiến trúc. |
KTS Lê Anh Đức
- Công trình văn phòng và nhà ở Kirchplatz của Oppenheim và Huesler
- Các công trình đoạt giải Festival Kiến trúc Thế giới - WAF Awards 2012
- Absolute Towers - Tòa tháp mang đường cong của Marilyn Monroe
- Bảo tàng nghệ thuật Thiên Tân (Trung Quốc) / KSP Jürgen Engel Architekten
- Ant-house / thiết kế: mA-style Architects
- Mái vòm như lụa tại khu triển lãm Milan
- MediaCorp. Singapore / thiết kế: Henning Larsen Architects
- Cải tạo lô cốt quân sự Anh thành căn nhà hiện đại
- Tối giản
- 10 cảng hàng không có nội thất đẹp nhất thế giới