Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Nhiều dự án đầu tư mới xử lý chất thải nguy hại

Nhiều dự án đầu tư mới xử lý chất thải nguy hại

Viết email In

400 tấn/ngày là lượng chất thải nguy hại phát sinh hiện tại trên địa bàn TPHCM. Con số này sẽ tăng lên 1.000 tấn/ngày vào năm 2020. Điều đáng nói là bất chấp sự gia tăng nhanh chóng về số lượng chất thải nguy hại trên thì đến nay TPHCM vẫn chưa có nhà máy cũng như bãi chôn lấp với quy mô công nghiệp đủ để tiếp nhận và xử lý loại chất thải này, góp phần cải thiện cũng như bảo vệ môi trường sống của cộng đồng.  

Thiếu đơn vị xử lý, doanh nghiệp bị ép giá 

Kết quả kiểm tra, khảo sát thực trạng hoạt động xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn thành phố cho thấy, hầu hết những cơ sở xử lý chất thải nguy hại của thành phố hiện đang hoạt động riêng lẻ và nằm xen cài trong khu dân cư. Tất cả các cơ sở này lại có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu và có nguy cơ gây ô nhiễm cũng như ảnh hưởng chất lượng môi trường nghiêm trọng, lâu dài. Chưa hết, các nhà máy xử lý chất thải nguy hại của doanh nghiệp có công suất thấp, chỉ khoảng vài chục tấn/ngày. Vì thế phát sinh tình trạng nhiều đơn vị dù không đủ khả năng vẫn nhận thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại; sau đó, lén thải bỏ ra môi trường. Thực trạng này đã được cơ quan chức năng phát hiện nhiều lần tại các khu vực ngoại thành, khu giáp ranh tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. 

  • Ảnh bên: Việc đầu tư nhiều nhà máy xử lý chất thải nguy hại công nghiệp giúp các doanh nghiệp giảm chi phí chuyển giao chất thải. (Ảnh: Phạm Kim Ngân) 

Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp còn cho rằng, chính tình trạng thiếu các đơn vị thu gom, xử lý chất thải nguy hại với quy mô công nghiệp, nên doanh nghiệp có nhu cầu xử lý chất thải thường bị ép phải trả mức phí xử lý rất cao, dao động từ 12 triệu - 40 triệu đồng/tấn chất thải nguy hại. Nhiều doanh nghiệp không kham nổi mức phí xử lý chất thải nguy hại này, đã chọn cách lén chôn lấp hoặc thải bỏ chất thải ra môi trường.

Từ thực tế đó, việc kêu gọi đầu tư vào những dự án xử lý chất thải nguy hại với quy mô công nghiệp, công nghệ xử lý tiên tiến là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của việc đảm bảo an toàn cho môi trường. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, hiện sở đang tiếp nhận và đề xuất với thành phố 3 dự án xử lý chất thải rắn công nghiệp và nguy hại. Cụ thể là dự án của Công ty cổ phần Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu với công suất 500 tấn/ngày; dự án công ty Liên doanh Ramsky International - Công ty TNHH Tiến Phước với công suất 360 tấn/ngày và dự án của Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị TPHCM với công suất 100 tấn/ngày. 

Chỉ cần hỗ trợ địa điểm đầu tư 

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TPHCN khẳng định, kết quả thẩm định công nghệ của 3 dự án trên cho thấy, công nghệ chủ đầu tư áp dụng đạt tiêu chuẩn công nghệ hiện đại. Theo đó, dự án của Công ty cổ phần Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu và dự án của Công ty Liên doanh Ramsky International - Công ty TNHH Tiến Phước xử lý bằng phương pháp tái chế, hóa - lý, đốt và chôn lấp an toàn. Riêng dự án của Công ty Môi trường Đô thị thì sẽ xây dựng bãi chôn lấp an toàn. Các nhà đầu tư còn cho biết, để đầu tư các dự án trên, các doanh nghiệp đều dùng nguồn vốn tự có và vốn vay của doanh nghiệp, hoàn toàn không sử dụng nguồn vốn ngân sách. Hoạt động của các dự án sẽ theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, tức là chủ nguồn thải trả trực tiếp cho nhà đầu tư để xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại. Các chủ đầu tư sẽ tự thu hồi vốn chính bằng nguồn thu của việc xử lý chất thải và nguồn bán các sản phẩm tái chế từ chất thải. Điều này sẽ tạo tiền đề cho sự hình thành ngành công nghiệp mới - ngành công nghiệp xử lý chất thải, mà ở đó các doanh nghiệp để có thể tồn tại và phát triển phải tham gia cạnh tranh thị trường với nhau. Đây cũng sẽ là cơ sở để giúp hạ nhiệt giá thành xử lý chất thải nguy hại vốn đang cao ngất ngưỡng, khiến nhiều doanh nghiệp phải điêu đứng khi bắt buộc phải chuyển giao xử lý.

Có thể thấy, việc thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu những nhà đầu tư, dự án xử lý chất thải nguy hại với quy mô công nghiệp trong thời gian qua đã và đang là nguyên nhân chính khiến cho lượng lớn chất thải nguy hại thải bỏ tràn lan ra môi trường, gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng. Việc kêu gọi nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này là chủ trương hết sức đúng đắn, dù có chậm trước tốc độ đô thị hóa và phát triển nhanh chóng của hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, để có thể đẩy nhanh tiến độ đầu tư cho các dự án trên, các chủ đầu tư cho biết, thành phố cần sớm xác định và hỗ trợ địa điểm xây dựng nhà máy cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng đường, điện và nước đến tận chân tường nhà máy. Sự đầu tư hạ tầng này càng sớm bao nhiêu thì thời gian triển khai cũng như đưa vào hoạt động những dự án trên càng được rút ngắn bấy nhiêu. 

Ái Vân 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo