Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Nguồn nước sạch đang bị đe dọa

Nguồn nước sạch đang bị đe dọa

Viết email In

Việt Nam vốn có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nguồn nước ngọt dồi dào và phong phú. Thế nhưng, điều đáng lo ngại là nguồn nước ngọt này đang bị đầu độc từ nhiều yếu tố khác nhau. Nếu như vấn đề này vẫn chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức thì trong thời gian ngắn tới, người dân sẽ không còn nước sạch để sử dụng. 

Hơn 80% người dân sống khu vực nông thôn đang phải sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh. Còn những người dân sống tại các TP lớn được hỗ trợ sử dụng nguồn nước cấp sạch nhưng đầu vào của những nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt của người dân cũng đang bị suy thoái nghiêm trọng. Với những con sông phục vụ cấp nước tại những TP lớn như Hà Nội, TPHCM, Huế và Đà Nẵng thì bị đầu độc bởi chất thải công nghiệp.

Đơn cử như những con sông được chọn lấy nước cấp phục vụ sinh hoạt như sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Đồng Nai, sông Hương… đều đang trong tình trạng báo động về chất thải ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép. Thậm chí, vào những thời điểm nhất định, tình trạng xả thải ồ ạt chưa qua xử lý hoặc xử lý nhưng chưa đạt tiêu chuẩn của các doanh nghiệp khiến cho việc lấy nước cấp sinh hoạt của các nhà máy phải ngưng hoạt động. 

Riêng tại khu vực nông thôn, tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản không đảm bảo yếu tố môi trường, hoạt động sản xuất làng nghề thủ công thiếu đầu tư hệ thống xử lý chất thải cần thiết, những thói quen sống không thân thiện với môi trường đã khiến cho nguồn nước sông suối đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. 

Một tác nhân khác khiến cho chất lượng nguồn nước đang xấu đi nhanh chóng chính là nguồn nước thải sinh hoạt. Một nghiên cứu do Chính phủ Tây Ban Nha hỗ trợ nước ta chỉ rõ, lượng nước thải đang gây ô nhiễm sông Sài Gòn - một trong những con sông cung cấp nước sinh hoạt cho TPHCM không phải là nước thải công nghiệp mà chính là nước thải sinh hoạt.

Kết quả nghiên cứu này đã gây ngạc nhiên cho không ít cơ quan chức năng và tỉnh thành vốn vẫn cho rằng ô nhiễm nguồn nước từ chất thải sản xuất. Từ kết quả trên, các chuyên gia Tây Ban Nha đã mở rộng phạm vi nghiên cứu cho thấy, hầu hết các khu đô thị của Việt Nam đều không có hệ thống xử lý nước thải đô thị. Hiện toàn bộ lượng chất thải sinh hoạt đều đang được dẫn theo hệ thống cống rạch và thoát ra sông ngòi…

Chưa hết, những tác động từ biến đổi khí hậu khiến cho tình trạng xâm nhập mặn tăng cao và đẩy nhanh tốc độ lan truyền nguồn nước bẩn cũng góp phần đáng kể làm suy giảm mạnh chất lượng nguồn nước…

Để có thể cải thiện và bảo vệ chất lượng nguồn nước sạch, theo các chuyên gia của Pháp, Việt Nam cần thay đổi cách thức quản lý sông ngòi. Theo đó, quản lý sông ngòi không thể căn theo địa giới hành chính mà cần phải quản lý theo vùng. Địa giới vùng được định hình bao quát theo diện tích của sông. Việc cấp phép và kiểm tra hoạt động sử dụng và xả thải nguồn nước vào con sông đó phải được giao về cho ban quản lý vùng. Kế đến mới đề ra những chính sách kinh tế và giải pháp xử lý thích hợp với những đối tượng có nhu cầu sử dụng cũng như xả thải vào nguồn nước sông. Những giải pháp này trước khi áp dụng cần phải tham vấn qua cộng đồng sống dọc hệ thống sông. Nếu Việt Nam chưa làm được việc thống nhất vùng trong hoạt động quản lý chất lượng nguồn nước sông ngòi thì rất khó để có thể cải thiện chất lượng nguồn nước ngọt đang bị ô nhiễm hiện nay.

Vấn đề mấu chốt khác xuyên suốt mọi hoạt động là nâng cao nhận thức cộng đồng. Chỉ khi nào nhận thức của doanh nghiệp và cộng đồng được nâng cao, họ tự giác chấp hành Luật Bảo vệ môi trường thì mới đạt sự phát triển bền vững. Nếu không có ý thức tự giác thì dù luật có đủ, chế tài nghiêm khắc thì việc thực hiện của họ cũng chỉ mang tính chất đối phó, hiệu quả đạt được sẽ không cao. 

Ái Vân 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo