Để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, trong năm 2015, Chính phủ Việt Nam sẽ dành ít nhất 3.000 tỷ cho ứng phó với biến đổi khí hậu, tập trung vào các dự án trồng rừng ven biển và rừng phòng hộ để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Đây là một trong những thông tin quan trọng, vừa được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đưa ra chiều 8/10, tại cuộc họp giữa Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu tổ chức cuộc họp với các nhà tài trợ chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và các đối tác phát triển tại Việt Nam.
Thiên tai tàn phá nhà cựa của người dân. (Ảnh: TTXVN)
Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, trong những năm qua, Việt Nam đã và đang hết sức nỗ lực để cùng cộng đồng quốc tế tìm ra các giải pháp ứng phó và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Nhiều cơ chế, chính sách đã được xây dựng và ban hành để phục vụ cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam trong quy mô dài hạn.
Tuy nhiên, trên thực tế, đầu tư của xã hội cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam vẫn nhỏ. Chính vì thế, để thực hiện mục tiêu của chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam rất cần sự đầu tư, hỗ trợ lớn hơn nữa của cộng đồng quốc tế.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho biết, Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu được đề xuất từ năm 2009 và bắt đầu được thực hiện vào năm 2010. Đến nay, chương trình đã xây dựng trên 200 chương trình hành động chính sách và nhận được khoảng 1 tỷ USD vốn tài trợ.
“Đây là nguồn vốn vô cùng quan trọng để Việt Nam thực hiện các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu như: trồng rừng ven biển và rừng phòng hộ, xây dựng các công trình ứng phó với nước biển dâng tại những vùng dễ bị tác động,” Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, các đối tác của Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu cũng đánh giá rất cao Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh mà các bộ, ngành và các địa phương đang thực hiện...
Trước đó, tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra sáng 8/10, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, biến đổi khí hậu đang là tác nhân làm cho nền nhiệt độ trung bình tăng, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên, làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, gia tăng sức ép lên con người…
Dự báo vào năm 2030, nếu không có giải pháp ứng phó quyết liệt thì khoảng 45% diện tích của khu vực này sẽ bị nhiễm mặn cục độ và gây thiệt hại về nông nghiệp nghiêm trọng do lũ lụt và ngập úng, thiệt hại ước tính sẽ khoảng 17 tỷ USD.
Cũng tại phiên họp này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, để giảm tránh những thiệt hại do thiên tai gây ra, Việt Nam cần rất nhiều tiền cho ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo tổng hợp, chỉ riêng xây dựng đê biển đã có 29 tỉnh đề nghị 63 dự án với kinh phí khoảng 50 nghìn tỷ đồng. Chính phủ đã lượng hóa được nhu cầu đến 2020. Theo đó, các dự án thích ứng (đê, kè…) cỡ khoảng 17.000 tỷ, kèm theo đó là các dự án về rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn thì kinh phí dự báo vào khoảng 1,7 tỷ USD./.
Hùng Võ (Vietnam+)
- Lập tòa án môi trường: Việc cấp bách để bảo vệ quyền lợi cộng đồng
- Đi tìm giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cho đô thị
- G20 ra thông cáo về an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu
- Quy hoạch 51 nhà máy xử lý nước thải trên hệ thống sông Đồng Nai
- Bảo vệ di sản thế giới Vịnh Hạ Long cho muôn đời sau
- Đánh giá tác động của thủy điện Don Sahong trên sông Mekong
- Ô nhiễm môi trường không khí tiếp tục là vấn đề nhức nhối
- Lượng khí CO2 thải vào khí quyển tăng kỷ lục trong năm 2013
- Phê duyệt danh mục Dự án "Quy hoạch phát triển điện gió Việt Nam"
- Gia tăng công nghệ biến rác thải thành năng lượng