Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Lập tòa án môi trường: Việc cấp bách để bảo vệ quyền lợi cộng đồng

Lập tòa án môi trường: Việc cấp bách để bảo vệ quyền lợi cộng đồng

Viết email In

Hiện nay, các cơ chế khiếu kiện khiếu nại, xử lý khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực môi trường chưa bảo vệ được quyền lợi của người dân. Ngoài ra, việc xử lý các vi phạm về môi trường cũng còn nhiều bất cập cả về xử phạt hành chính và xử lý hình sự, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành. 

Đây là một trong thông tin chính vừa được ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên đưa ra tại hội thảo “Bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng nhìn từ khía cạnh cải cách tư pháp” tổ chức ngày 27/11, tại Hà Nội.  

Theo đánh giá của ông Trịnh Lê Nguyên, sau gần 3 thập kỷ thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, hệ quả của sự đánh đổi không cân xứng giữa phát triển và bảo vệ môi trường đang dần bộc lộ với hàng loạt vụ việc xâm phạm môi trường, gây xung đột quyền lợi cũng như gia tăng số lượng lớn “làng ung thư.” 

Thống kê của Bệnh viện K cho thấy, trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 150.000 bệnh nhân ung thư mới phát hiện và khoảng 70.000 người chết vì căn bệnh này, tăng gấp nhiều lần so với thời gian trước. Trong đó, cộng đồng dân cư sinh sống tại khu vực bị ô nhiễm là đối tượng gánh chịu nặng nề nhất đối với những thiệt hại do ô nhiễm môi trường. 

Đại diện Trung tâm Con người và Thiên nhiên cũng cho biết, mặc dù ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tật và tử vong, thế nhưng hiện nay cơ chế khiếu kiện trong lĩnh vực môi trường còn chưa rõ ràng, dẫn đến thiếu khả thi trong thực tế. Thậm chí, nhiều đơn thư không được giải quyết và không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ các cơ quan chức năng. 

Theo báo cáo Chỉ số Công lý do UNDP thực hiện năm 2012, gần 31% người được phỏng vấn cho biết họ đang sống trong môi trường có ô nhiễm. Tuy nhiên, chỉ có 12% trong số đó có khiếu nại hoặc khiếu kiện tới chính quyền để yêu cầu khắc phục tình trạng ô nhiễm và bồi thường thiệt hại. 

Cũng vì thế, những vụ việc như người dân lấp cống xả thải Khu công nghiệp Thuy Vân (năm 2012); vụ nhà máy sản xuất tấm lợp Fibro xi-măng ở Phả Lại, tỉnh Hải Dương (2013); hay vụ Nicotex Thanh Thái ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa (tháng 8/2013) đã ngày càng trở nên phổ biến hơn trong thời gian gần đây. 

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Hoàng Văn Vy, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường thừa nhận tình hình khiến nại, tố cáo, tranh chấp môi trường đang ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, 84% đơn thư là tố cáo, tranh chấp môi trường; 15% đơn thư khiếu nại và 1% kiến nghị.

“Qua rà soát cho thấy, vi phạm về môi trường đang ‘nóng’ lên. Và dù nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng có đơn thư gửi tới cơ quan chức năng đã được giải quyết, nhưng việc khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường là rất khó khăn, do thiếu căn cứ pháp lý,” ông Vy chia sẻ thêm. 

Trước thực tế nêu trên, ông Vy kiến nghị, cơ quan qản lý nhà nước cần phải xây dựng hành lang pháp lý để giải quyết các tranh chấp về môi trường. Ngoài ra, để việc giải quyết được bồi thường thiệt hại cần có sự tham gia của các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước và các đoàn thể xã hội, nghề nghiệp. 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Tùng (Tòa án Nhân dân Tối cao) cho rằng để giải quyết nghiêm túc các vụ việc khiến nại, tố cáo, tranh chấp môi trường tại các khu vực ô nhiễm, việc cần thiết và cấp bách hiện nay là phải thành lập Tòa án môi trường. 

Theo ông Tùng, việc thành lập Tòa án môi trường sẽ góp phần khắc phục những trở ngại trước mắt của công tác bảo vệ môi trường, trừng phạt các hành vi ô nhiễm môi trường đồng thời có thể giải quyết vấn đề vướng mắc của các vụ khiếu kiện về ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay./. 

Hùng Võ (Vietnam+) 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo