Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất do thiên tai, bão lũ trên thế giới. Với khoảng 70% dân số sẽ phải đối mặt với những rủi ro của biến đổi khí hậu (BĐKH) thì tốc độ phát triển đô thị tại Việt Nam hiện nay đang là một thách thức đối với việc làm thế nào để các đô thị Việt Nam thích ứng được với BĐKH.
Theo thống kê của Cục Phát triển đô thị, tính đến tháng 6/2014, Việt Nam có 772 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 33,9%, dân số tập trung đông nhất tại vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm 22,78% dân số). Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (chiếm 21,58% dân số).
Do tác động của BĐKH, hàng năm thiên tai gây thiệt hại tương đương khoảng 1,5% giá trị GDP của cả nước. Điều này đòi hỏi phải nghiên cứu tìm giải pháp khắc phục với BĐKH để thích ứng với điều kiện và tốc độ phát triển đô thị hiện nay.
Những chia sẻ về bài học kinh nghiệm xây dựng kế hoạch hành động đô thị ứng phó với BĐKH ở đô thị do Bộ Xây dựng kết hợp với Viện Chuyển đổi môi trường và Xã hội và Diễn đàn Đô thị Việt Nam đã làm nổi bật những giải pháp cụ thể.
Phân vùng đô thị để đánh giá tác động
Tỷ lệ đô thị hóa cao nhất tại vùng Đông Nam bộ là 62%, mặc dù vùng Đông Nam bộ chỉ có 55 đô thị (ít nhất trên toàn quốc). Tuy nhiên theo dự kiến đến năm 2015, sẽ có khoảng 840 đô thị, 70 đô thị mới. Qua đó, với tốc độ đô thị hóa quá cao sẽ đồng nghĩa với việc ảnh hưởng, cũng như tác động của BĐKH đến hệ thống đô thị tại Việt Nam sẽ là một áp lực lớn.
Qua khảo sát cho thấy, Việt Nam là một trong 5 nước tại Đông Á sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ BĐKH. Trong đó Việt Nam xếp hạng 23/30 quốc gia chịu tác động lớn nhất của BĐKH. Riêng ĐBSCL sẽ là một trong 3 vùng có khả năng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới.
Trong báo cáo tham luận của Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng, theo kịch bản nước biển dâng khoảng 39% diện tích, 35% dân số vùng ĐBSCL trên 10% diện tích , 9% dân số vùng Đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh: Trên 2,5% diện tích, 9% dân số các tỉnh ven biển miền trung có nguy cơ chịu ảnh hưởng.
Nhất là các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng đô thị lớn, các khu kinh tế tổng hợp đóng vai trò là cực tăng trưởng chủ đạo cấp quốc gia và cấp vùng đang được tập trung đầu tư lớn về cơ sở sản xuất, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở… được cảnh báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng từ BĐKH.
Một số đô thị có nguy cơ ngập lụt cao như vùng Đồng bằng sông Hồng, với 141 đô thị thuộc 11 tỉnh, thành, dự kiến 5 tỉnh, thành có nguy cơ ngập cao là Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh. Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung hiện có 190 đô thị thuộc 14 tỉnh. Theo kịch bản BĐKH dự kiến toàn bộ 14 tỉnh có nguy cơ ngập lụt, có 41 đô thị có nguy cơ ngập cao, trong đó có các đô thị lớn như: Vinh, Huế, Đà Nẵng…
Vùng Đông Nam bộ có 6 tỉnh, hiện có 52 đô thị, dự tính đến 2015 phát triển thành 66 đô thị, và dự kiến có 73 đô thị vào năm 2020. Vùng ĐBSCL với 63 đô thị có nguy cơ ngập cao ở các đô thị lớn như Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá. Không chỉ là nguy cơ ngập úng, mà BĐKH còn gây mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tác động nhiều nhất đến phát triển hệ thống đô thị vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên và miền Trung. Nhận diện trên 29 tỉnh thuộc các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ với khoảng 143 đô thị chịu ảnh hưởng, trong đó có 17 đô thị lớn, trung bình.
Hệ thống đô thị ven biển, ven sông, các khu vực đô thị đồng bằng có nguy cơ ngập lụt, nước biển dâng, triều cường, mất đất, nhiễm mặn nguồn nước. Dự báo sẽ có khoảng 40 tỉnh với khoảng 128 đô thị có nguy cơ ngập cao, trong đó có 24 đô thị thuộc 15 tỉnh có nguy cơ ngập nặng đến rất nặng.
Để cụ thể hóa các yêu cầu chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu trong phát triển hệ thống đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020, việc điều tra đánh giá mức độ tác động của BĐKH đến phát triển hệ thống đô thị hiện có và đô thị dự kiến hình thành mới giai đoạn 2013 - 2020 phải xác định là mục tiêu chính. Thông qua đó khoanh vùng khu vực có nguy cơ chịu tác động cao của BĐKH. Tính toán khả năng mức độ thích nghi đề xuất giải pháp ứng phó, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro BĐKH tại đô thị.
Xây dựng hệ thống cảnh báo nguy cơ ngập lụt
Hệ thống kiểm soát hạn chế lũ, lụt, ngập úng trong đô thị phải được xây dựng như hình thành hồ chứa điều tiết ngập lụt, khai thông nạo vét cải tạo, gia cố, nắn dòng cho các đường thoát nước đô thị.
Xây dựng đê, kè tường chắn lũ, phân dòng lũ, công trình chứa nước ngầm hiện đại quy mô lớn. Khoanh vùng bảo vệ và có giải pháp tái định cư và di dời dân trong vùng cảnh báo rủi ro.
Phát triển nhà ở vượt lũ, nhà ở có khả năng chống chịu cao với gió bão là một trong các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ, thực hiện các dự án thí điểm phát triển đô thị xanh, kiến trúc xanh, xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tái sử dụng, tái chế.
Tuy nhiên, để ứng phó với BĐKH thì vai trò của các cấp ngành và cộng đồng cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế là rất lớn. Vì vậy việc thành lập tổ công tác BĐKH họp và làm việc định kỳ của các lãnh đạo sở, ban, ngành.
Theo đó, nâng cao năng lực lập kế hoạch thích ứng cho từng địa phương thực hiện nhằm đảm bảo tính bền vững của kế hoạch là tham luận của ông Trần Văn Giải -Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật - Viện Chuyển đổi Môi trường và Xã hội cho thấy, việc đánh giá một cách toàn diện và có hệ thống cả tác động của BĐKH và các hoạt động phát triển cũng như sự tương tác giữa các khu vực, ngành, đô thị với nhau là cả một việc làm cần thiết.
Bên cạnh đó, sự tham gia của khu vực như vai trò của chính quyền địa phương, với việc xem xét đến tác động của khu vực đô thị với khu vực ngoại ô, vùng nông thôn đòi hỏi sự gắn kết từ Trung ương đến địa phương, là một trong những giải pháp hữu hiệu đối với BĐKH tại các đô thị.
Thanh Huyền (Báo Xây dựng)
- Quy định rõ mức xử phạt trong Luật Bảo vệ Môi trường
- Tham vấn quốc gia về xây dựng công trình thủy điện Don Sahong
- Doanh nghiệp Việt Nam và Đan Mạch hợp tác xây dự án điện gió
- WB giúp Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó biến đổi khí hậu
- Lập tòa án môi trường: Việc cấp bách để bảo vệ quyền lợi cộng đồng
- G20 ra thông cáo về an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu
- Quy hoạch 51 nhà máy xử lý nước thải trên hệ thống sông Đồng Nai
- Bảo vệ di sản thế giới Vịnh Hạ Long cho muôn đời sau
- Việt Nam chi ít nhất 3.000 tỷ đồng ứng phó biến đổi khí hậu vào năm 2015
- Đánh giá tác động của thủy điện Don Sahong trên sông Mekong