Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Chống biến đổi khí hậu ở đô thị: Cơ chế nào để thực hiện?

Chống biến đổi khí hậu ở đô thị: Cơ chế nào để thực hiện?

Viết email In

“Đô thị là nơi tập trung nguồn lực lớn kinh tế quốc gia, cũng là nơi phát thải nhiều cacbon và là nơi cần bảo vệ, ứng phó chống biến đổi khí hậu. Vì vậy, vai trò và những đóng góp của đô thị trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu là rất lớn”, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Tấn đã nhấn mạnh như vậy trong Hội thảo Hành động ứng phó biến đổi khí hậu do UN-HABITAT tổ chức tại Hà Nội vào ngày 31/10 - Ngày đô thị thế giới.  


(Ảnh minh họa) 

Khi biến đổi khí hậu gọi tên “đô thị”

Theo Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Tấn, hiện dân số thế giới có 7,6 tỷ người, trong đó dân số đô thị chiếm 54%. 

Đô thị là nơi tập trung nguồn lực lớn kinh tế của các quốc gia, cũng là nơi phát thải nhiều cacbon, là nơi cần bảo vệ, ứng phó chống biến đổi khí hậu. Vì vậy, vai trò, đóng góp của đô thị trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu là rất lớn.

Chia sẻ câu chuyện về thách thức của các đô thị trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Thủy cho biết: Hà Nội là thành phố chịu và ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Quy hoạch phát triển thành phố chưa đồng bộ, thiếu các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai… là thách thức lớn mà Hà Nội đang phải đối mặt.

“Là một trong những thành phố lớn nhất của cả nước, Hà Nội đối mặt với nhiều thách thức khi dân số Thủ đô hiện đã lên đến gần 8 triệu người, với nhiều khu công nghiệp, làng nghề, 5,3 triệu xe gắn máy, hàng trăm nghìn ô tô… phát thải cacbon ra môi trường là rất lớn”, bà Lê Thanh Thủy nhấn mạnh.

Hà Nội đã hành động như thế nào trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu? Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp như cải tạo nạo vét ô nhiễm sông hồ ô nhiễm, phấn đấu xử lý nước thải trước khi thải ra sông hồ vào năm 2020; lắp đặt hệ thống quan trắc nước, không khí tại làng nghề và quận Hoàn Kiếm để kiểm soát tốt chỉ số chất lượng không khí và chất lượng nước thải. Xây dựng lộ trình áp dụng đo nhanh khí thải giao thông để đưa ra quy định đặc thù của Hà Nội trong phát thải giao thông.

Hà Nội đã yêu cầu toàn bộ các công trình xây dựng từ năm 2016 phải sử dụng đèn led khi xây dựng nhằm tiết kiệm năng lượng; TP Hà Nội phấn đấu xây thêm 25 công viên, hồ nước, trồng mới thêm 1 triệu cây xanh cho đến năm 2020, tính đến nay hơn 800 nghìn cây xanh mới đã được trồng.

Về xử lý rác thải, Hà Nội đang khuyến khích các nhà đầu tư, huy động các nguồn vốn xã hội hóa nhằm xây dựng các nhà máy xử lý rác thải và nước thải.

Không chỉ có Hà Nội mà theo chia sẻ của Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng Trần Thị Lan Anh, Việt Nam có tới 128 đô thị ven biển, ven sông bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng và 143 đô thị miền núi có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, lũ ống, lũ quét.

Nguồn lực nào để thực hiện chương trình ứng phó biến đổi khí hậu?

Theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Trần Thị Lan Anh, Bộ Xây dựng đã xây dựng các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu của ngành Xây dựng nhằm nâng cao nhận thức, đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng, giảm phát thải khí nhà kính, giảm tiêu hao năng lượng.

Đồng thời xây dựng triển khai chương trình phát triển đô thị xanh, công trình xanh; Bộ cũng đã thông qua đề án phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2020.

Ông Nguyễn Quang – Giám đốc UN-HABITAT Việt Nam khẳng định: Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đô thị bền vững, bao dung, thích ứng và an toàn, UN–HABITAT đã tổ chức hội thảo trong khuôn khổ Dự án V-Led để kỷ niệm ngày Đô thị thế giới, nhằm thúc đẩy nâng cao năng lực cho chính quyền quốc gia và các địa phương, giảm thiểu lượng cacbon, đảm bảo nhiệt độ tăng không quá 2 độ C vào năm 2020, giống thời kỳ tiền công nghiệp.

Để thực hiện được thỏa thuận Pari, vai trò chính quyền địa phương ở đô thị cực kỳ quan trọng. Sự hợp tác chính quyền địa phương và Trung ương cần phối hợp chặt chẽ để đạt hiệu quả cao.

Theo bà Chu Thị Thanh Hương - Cục Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên và môi trường, trên quan điểm: Thích ứng với biến đổi khí hậu là trọng tâm với nguồn lực chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, bao gồm cả hỗ trợ quốc tế.

Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là quan trọng với nguồn lực chủ yếu từ doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội với vai trò xúc tác của nguồn lực Nhà nước.

Việt Nam đang nỗ ực thực hiện thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu với nội dung chính của kế hoạch là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thực hiện các cam kết thích ứng phó với biến đổi khí hậu trong INDC; chuẩn bị nguồn lực về con người, công nghệ và tài chính để thực hiện và góp phần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng các con thấp, chống chịu cao; thiết lập và vận hành hệ thống công khai, minh bạch nhằm giám sát, đánh giá việc thực hiện thích ứng, giảm nhẹ và chuẩn bị nguồn lực; xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách tạo lập môi trường thuận lợi, tập trung nỗ lực quốc gia cho ứng phó biến đổi khí hậu.

Theo ông Michael Krakowski, GIZ (Đức): Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ưu tiên lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn lực không chỉ từ Chính phủ mà cần huy động các nguồn lực quốc tế.

Trong khi ngân sách Nhà nước hạn chế và ngày càng đưa nhiều tiêu chí để tăng hiệu quả đầu tư công, nguồn đầu tư quốc tế quan tâm hỗ trợ cho khu vực tư nhân - nơi chịu trách nhiệm cao ngày càng nhiều hơn là vấn đề phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước.

“Tôi đề xuất: Việt Nam cần có nghị định hoặc quy định để huy động trái phiếu Chính phủ nhằm thu hút thêm nguồn lực đầu tư. Hoa Kỳ và EU đã phát hành trái phiếu xanh để huy động nguồn lực đầu tư lĩnh vực trong các chương trình biến đổi khí hậu, đồng thời huy động vai trò các ngân hàng quốc tế để thực hiện các dự án đầu tư ở Việt Nam. Nhưng quan trọng nhất là chúng ta phải cải thiện hiệu quả đầu tư công”, ông Michael Krakowski, GIZ nhấn mạnh. 

Vũ Huyền 

(Báo Xây dựng) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo