Đề án Bảo vệ môi trường khu vực sông Cầu giai đoạn 2016 - 2018 đã triển khai tích cực, tuy nhiên, kết quả còn hạn chế do gặp một số khó khăn nhất định liên quan đến nguồn vốn đầu tư, năng lực của một số chủ thể liên quan.
Xử lý nước thải tại nhà máy xử lý nước thải Từ Sơn, Bắc Ninh.
Xử lý nước thải sinh hoạt đạt 25,75% so với dự kiến
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu tại Quyết định số 174/2006/QĐ-TTg ngày 28/7/2006. Triển khai thực hiện Đề án, Bộ Xây dựng đã tổ chức lập, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu đân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Cầu đến năm 2030 tại Quyết định số 228/QĐ-TTg ngày 25/01/2013 (Quy hoạch 228) và Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Cầu đến năm 2020 tại Quyết định số 2211/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 (Quy hoạch 2211).
Đến nay, về kết quả thực hiện Quy hoạch 228 gồm 06 tỉnh: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Dương và một phần TP Hà Nội (huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh), đã có 04/07 tỉnh, thành phố đã lập và phê duyệt quy hoạch chuyên ngành thoát nước trên địa bàn: Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc, các tỉnh còn lại nội dung quy hoạch thoát nước được rà soát và lồng ghép trong quy hoạch chung xây dựng.
Theo Quy hoạch 228, đến năm 2020, dự kiến lưu vực Cầu có 20 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất thiết kế là 499.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 07 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung đang vận hành với tổng công suất thiết kế là 128.500 m3/ngày đêm, đạt 25,75% so với dự kiến, trong đó: TP Thái Nguyên có công suất 8.000 m3/ngày đêm, TP Bắc Giang có công suất 10.000 m3/ngày đêm, TP Bắc Ninh có công suất 17.500 m3/ngày đêm, thị xã Từ Sơn có công suất 33.000 m3/ngày đêm, TP Vĩnh Yên có công suất 5.000 m3/ngày đêm, Bắc Thăng Long - Hà Nội có công suất 42.000 m3/ngày đêm, TP Hải Dương có công suất 13.000 m3/ngày đêm.
Bắc Ninh chưa phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn
Thực hiện đồ án Quy hoạch 2211, các địa phương đã rà soát và bố trí khu xử lý chất thải rắn phù hợp, tránh chồng chéo về địa điểm, vị trí trạm xử lý, khu vực, tuyến thu gom chất thải rắn. Hiện, có 05/06 địa phương trong lưu vực phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn, riêng tỉnh Bắc Ninh chưa phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn.
Quy hoạch 2211 xác định 15 cơ sở xử lý chất thải rắn vùng tỉnh với diện tích dự kiến là 376,7ha. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 05/15 cơ sở xử lý đang hoạt động, diện tích là 196ha, bao gồm: Khu xử lý TP Bắc Giang, diện tích 35ha; Khu xử lý huyện Thanh Hà (Hải Dương), diện tích 30ha; Khu xử lý huyện Lương Tài (Bắc Ninh), diện tích 60ha; Khu xử lý TP Thái Nguyên, diện tích 43ha và Khu xử lý huyện Phổ Yên (Thái Nguyên), diện tích 28 ha. Riêng tỉnh Bắc Kạn, chất thải rắn phát sinh chủ yếu được chôn lấp và chưa có cơ sở xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.
Theo thống kê năm 2017, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh tại 06 tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu khoảng 1.900 tấn/ngày với tỷ lệ thu gom đạt khoảng 86%, trong đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường là 952 tấn/ngày đạt tỷ lệ khoảng 58%.
Giải pháp tổng thể
Theo Bộ Xây dựng, việc triển khai các quy hoạch còn chậm, nguồn lực đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn, thoát nước và xử lý nước thải hạn chế, năng lực của một số chủ thể liên quan (chính quyền địa phương, đơn vị tư vấn lập quy hoạch, chủ đầu tư dự án) chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có các chính sách cụ thể đối với các khu vực được quy hoạch xây dựng công trình xử lý nước thải, chất thải rắn...
Giai đoạn 2019 – 2020, Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn; Rà soát, đánh giá tổng thể về việc triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải lưu vực sông Cầu và quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Cầu để đề xuất tổ chức thực hiện quy hoạch, xem xét điều chỉnh nếu cần thiết để phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của lưu vực sông Cầu.
Đối với UBND các tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu, cần tổ chức triển khai thực hiện điều chỉnh định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ) và điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018); Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thoát nước, quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn và nội dung quy hoạch thoát nước, quản lý chất thải rắn trong quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; Xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển cơ sở xử lý nước thải, chất thải rắn theo quy hoạch được phê duyệt; Chủ động tìm kiếm, huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn; Xây dựng và ban hành giá dịch vụ thoát nước, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng xã hội và các chủ thể khác trong việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường.
Thanh Nga
(Báo Xây dựng)
- Biến đổi khí hậu thách thức các doanh nghiệp châu Á
- Các công ty than Indonesia đa dạng hóa đầu tư vào năng lượng tái tạo
- Hai mặt của điện mặt trời
- Thu phí bảo vệ môi trường với khí thải: Nhiều tranh cãi
- Nóng với cuộc chạy đua đầu tư năng lượng tái tạo
- Chính sách năng lượng Nhật Bản: Xác định cấu trúc điện năng tương lai
- Chống biến đổi khí hậu ở đô thị: Cơ chế nào để thực hiện?
- Năng lượng sạch có thực sự sạch?
- Hé mở mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và chứng mất trí nhớ
- Chính phủ ban hành Quy định mới về giá điện gió tại Việt Nam