Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Nam Sài Gòn - một lược sử quy hoạch - Trò chuyện với KTS John Lund Kriken, tác giả đồ án Nam Sài Gòn / Phú Mỹ Hưng

Nam Sài Gòn - một lược sử quy hoạch - Trò chuyện với KTS John Lund Kriken, tác giả đồ án Nam Sài Gòn / Phú Mỹ Hưng

Viết email In
Chỉ mục bài viết
Nam Sài Gòn - một lược sử quy hoạch
Trò chuyện với KTS John Lund Kriken, tác giả đồ án Nam Sài Gòn / Phú Mỹ Hưng
Tất cả các trang

Trò chuyện với KTS John Lund Kriken,
tác giả đồ án Nam Sài Gòn /Phú Mỹ Hưng

Kiến trúc sư John Lund Kriken là người sáng lập Studio Quy hoạch và Thiết kế đô thị của công ty Skidmore, Owings & Merrill (SOM) tại San Francisco và là lãnh đạo cao nhất của SOM chịu trách nhiệm trong đồ án Nam Sài Gòn (NSG) – một dự án “đặc biệt” trong sự nghiệp quốc tế của ông. Ông vừa trở về Mỹ sau chuyến đi Việt Nam để thực hiện giai đoạn tiếp theo của NSG, tôi cố gắng xen vào lịch làm việc bận rộn của ông những câu hỏi về chất lượng thiết kế đô thị, vấn đề môi trường và tương lai đô thị Sài Gòn.


KTS John Lund Kriken (phải) với ông Lê Văn Năm, người đã làm việc với John với tư cách KTS trưởng TP HCM trong quá trình triển khai đồ án Nam Sài Gòn và đô thị Phú Mỹ Hưng.

Ở Mỹ, đồ án được ca ngợi cho sự tôn trọng văn hóa và môi trường địa phương. Chính xác là những "nguyên tố" nào của đô thị Việt Nam mà ông mang vào Phú Mỹ Hưng?
- Các hoạt động thương mại được tổ chức ở tầng trệt của gần như tất cả các toàn nhà như diễn ra ở hầu hết các công trình tại TP HCM. Rất nhiều cây xanh và công viên lớn nhỏ được tổ chức để tạo không công cộng xanh và có bóng mát như ở các khu dân cư trong thành phố. Mạng lưới kênh rạch là một yếu tố không gian mở nổi bật. Bản quy hoạch đề xuất sử dụng công cộng đối với dải đất ven mặt nước (thưc tế: 95% công cộng) để không gian mở này có thể được thưởng ngoạn bởi tất cả mọi người. Bản quy hoạch cũng đề xuất làm sạch những con kênh này để tránh các rủi ro về sức khỏe cho người dân. Kiến trúc sư cho các công trình trong dự án đến từ Singapore, Nhật Bản và Việt Nam. Bản quy hoạch chỉ định hình các tuyến được, mật độ và hình thức sử dụng (của công trình/đất đai). Chúng tôi chỉ là những nhà tư vấn phương Tây và thực sự quan tâm đến cách phản ánh yếu tố văn hóa và khí hậu địa phương trong các công trình quốc tế mà chúng tôi thiết kế.

Làm sao để toàn bộ Nam Sài Gòn có được chất lượng thiết kế đô thị của Phú Mỹ Hưng?
- Phú Mỹ Hưng có một sự pha trộn của những loại hình nhà ở, mật độ và được thiết kế bởi các kiến trúc sư khác nhau, nhờ đó tạo được cảm giác về sự thay đổi và đa dạng vốn nằm trong chính bản sắc của không gian đô thị lớn hơn - thành phố HCM. Điều này chưa chắc sẽ xảy ra ở những khu đô thị khác ở NSG. Chúng tôi đã cố gắng để tránh lặp đi lặp lại một kiểu công trình khiến cho mọi đường phố đều trông giống hệt nhau. Chúng tôi cũng tin rằng các cao ốc cần được bố trí nhằm nhấn mạnh những hướng nhìn đẹp và cho phép ánh sáng tự nhiên tới được công viên và những tòa nhà thấp tầng ở dưới.

Ấn tượng đầu tiên của ông 20 năm trước khi bước chân lên vùng đất sình lầy phía Nam Sài Gòn là?
- Đó là những dòng sông rộng và uốn khúc như thể định hình rất rõ ràng những khu dân cư nằm gọn trong bán kính đi bộ. Là mật độ cây xanh dày đặc và khoảng cách thật là gần đối với Quận 1.

Và với những thách thức của một vùng đất yếu, thấp và ngập nước?

Về Nam Sài Gòn, KTS John Lund Kriken (1), kể lại trong chương trình “Lịch sử kiến trúc Chicago bằng lời”(*) của Viện Nghệ thuật Chicago:

Thành phố Hồ Chí Minh vào thời điểm chúng tôi bắt đầu (triển khai dự án) có 4 hay 5 triệu dân, họ cũng không thực sự rõ, và giờ đây có lẽ có lẽ nó đã gần 10 triệu. Như vậy thành phố phát triển rất nhanh - cả tốc độ sinh đẻ và lượng người nhập cư từ vùng nông thôn […] Tôi cứ giữ ý nghĩ rằng trung tâm TP HCM, trước đây là Sài Gòn, có một sự quyến rũ và nét đặc sắc rất tích cực cho thành phố, cho du khách và mọi người tới và thưởng thức thành phố xanh và về cơ bản là thấp tầng này. Tôi muốn hướng tới một thành phố xanh. Không phải "xanh" ở khía cạnh "bền vững", mà màu xanh của cây cối, hoa, vườn và công viên. Và như vậy, tôi nghĩ rằng họ sẽ phải rất cẩn thận trong việc quyết định nơi nào sẽ đặt những tòa nhà mới. […] Họ không có ý tưởng về một khu vực (bảo tồn) lịch sử hay một hướng suy nghĩ về những gì giá trị trong quá khứ và những gì có thể thay đổi để hướng tới tương lai. […] Mỗi khi tôi quay lại, sẽ có nhiều tòa cao ốc mới hơn lần trước, nhiều như số lần tôi cố gắng thuyết phục thành phố cần cẩn trọng. Cho tới khi thành phố nhìn giống như Hong Kong, tôi đoán vậy, sẽ chỉ có những tòa nhà cao tầng và tất cả những gì tôi nói ở trên sẽ biến mất.

- Nền đất đã được nâng cao 1,5 m trên mực nước triều cao nhất nhằm chuẩn bị cho mực nước biển dâng cao trong tương lai. Dải đất công cộng dọc hai bên các dòng sông cũng có thể là chỗ để gia tăng bảo vệ (khỏi ngập lụt) nếu cần trong tương lai xa. Các công trình đều được ổn định trên nền móng cọc. Còn đường phố thì sẽ cần duy trì bảo dưỡng, gia cố thêm một số năm nữa. Ứng phó với điều kiện (đất) như thế này là việc phổ biến với tất cả các thành phố xây dựng gần mặt nước hoặc trên vùng đất lấn biển hay nền đất yếu.

Liệu việc xây dựng một đô thị quy mô như vậy trên vùng đất ngập nước có gia tăng rủi ro ngập lụt cho phần còn lại của thành phố như một số ý kiến gần đây?
- Tôi không phải là một chuyên gia về thoát nước. Nhưng có lẽ tôi có thể có một vài ý kiến. Bất cứ khi nào một thành phố phát triển, sẽ có thêm diện tích diện tích bê-tông hóa và nước (mưa) không thể thấm vào lòng đất. Trong đồ án Nam Sài Gòn, chúng tôi đã thiết kế để tất cả những bề mặt không phải mặt đường có khả năng thấm nước. Đây được coi là giải pháp môi trường hợp lý trên thế giới. Những tuyến kênh Bắc - Nam cần được nạo vét để khơi thông dòng chảy, chúng là một phần quan trọng của hệ thống hạ tầng đô thị TP HCM. Cuối cùng, tôi hy vọng thành phố sẽ thiết lập một giới hạn phát triển nhằm hạn chế sự lan tỏa vô tổ chức (urban sprawl) của đô thị ra bên ngoài giới hạn đã được để xuất trong đồ án NSG.

Còn nhà ở cho người có thu nhập thấp thì sao?
- Tất cả mọi người ở công ty PMH đều muốn cung cấp thêm nhà ở cho người có thu nhập thấp trong dự án. Tuy nhiên khi (nhà) được bán với giá thấp, chúng lại được mua bởi các nhà đầu cơ để rồi bán lại với giá cao. Đây là vấn đề toàn cầu.

Có điều gì ông muốn làm mà đã không thể đạt được trong dự án?
- Tôi đã mong rằng chúng tôi có thể giữ một số lô đất lớn dọc theo cạnh phía bắc của NSG và gần Quận 1. Những lô đất này có thể phục vụ toàn thành phố với nhưng mục đích công cộng trong tương lai như xây dựng trường đại học, vườn bách thảo, công trình thể thao, và những gì tương tự. Tôi cũng hy vọng rằng chúng ta có thể xác lập một giới hạn (phát triển) đô thị về phía Nam để giữ đất nông nghiệp khỏi sự phát triển tràn làn của đô thị.

Cuối cùng, nếu ông được bắt đầu đồ án hôm nay chứ không phải 20 năm trước?
- Xin nhớ rằng tôi được thuê bởi một liên doanh giữa chính phủ Việt Nam và Đài Loan với quan tâm là tạo ra nhiều việc làm qua việc xây dựng Khu chế xuất và giao thông thông qua xây dựng tuyến đường Đông-Tây (Đại lộ Nguyễn Văn Linh - PV).
Ngày nay, tôi tin rằng trọng tâm của việc phát triển đô thị tại TP HCM cần tiếp tục ở Nam Sài Gòn và giờ đây là bờ Đông, đối diện Quận 1. Ngay trong lòng thành phố hiện hữu cũng còn những không gian để gia tăng mật độ xây dựng. Giống như nhiều thành phố đang phát triển nhanh khác , mục tiêu là phải giữ được thành phố ở dạng nén (compact) nếu có thể. Phát triển xa hơn về phía Bắc sẽ gia tăng thời gian di chuyển từ nhà tới công sở và có thể tác động xấu vào nguồn cấp nước của thành phố. Phát triển về phía Tây sẽ khó khăn bởi hạn chế về tiếp cận giao thông.
Tôi cũng sẽ nỗ lực nhiều hơn để giữ lại những công trình lịch sử trong Quận 1. Giữ lại tài nguyên này sẽ dần mang lại lợi ích bởi chúng tạo ra một ấn tượng về hồn đô thị đầy bản sắc và hoài niệm cho thành phố.
Ông Ting(**), người tới Việt Nam từ Đài Loan để dẫn dắt nỗ lực này (PMH), đã nói với tôi rằng ông ấy thực sự tin rằng "đây không phải về những gì bạn có thể mang đi mà về những gì bạn có thể để lại" - những gì  tạo ra giá trị và kiến tạo một dự án thành công. Tôi cũng tin đây là chìa khóa thành công cho công cuộc xây dựng đô thị.  

Cảm ơn ông.

Nguyễn Đỗ Dũng (thực hiện)

Chú thích:
(*) Riess, S. (2008). John Lund Kriken Interview transcript. Chicago Architects Oral History Project. Source: http://www.artic.edu/aic/libraries/research/specialcollections/oralhistories/kriken.html;
(**) Ông Lawrence Ting (Đinh Thiện Lý), cố chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Phú Mỹ Hưng, người đóng vai trò chủ chốt trong các dự án của tập đoàn CT&D tại Việt Nam bao gồm khu đô thị PMH, khu chế xuất Tân Thuận và nhà máy điện Hiệp Phước. Ông từng là thiếu tá trong quân đội và từng là phó chủ tịch Ủy Ban Olympic Đài Loan. Ông được nhà nước Việt Nam trao huân chương Lao động.

(Các nội dung bài viết và phỏng vấn được đăng trên Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 09 - 2012)




Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...