Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Công nghệ Ứng dụng Huế phát triển đô thị thông minh như thế nào?

Huế phát triển đô thị thông minh như thế nào?

Viết email In

Thành phố di sản Huế (tỉnh TT-Huế) có ý tưởng phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) và chính quyền điện tử từ 10 năm trước. Dựa trên những đặc thù và điều kiện cụ thể của địa phương mà thành phố đã triển khai chính quyền điện tử và ĐTTM trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 là vận động động viên; giai đoạn 2 là chế tài và giai đoạn 3 là trở thành nhu cầu cấp thiết của thành phố.


Áp dụng CNTT giúp phát hiện và cảnh báo các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông. 

Ông Phan Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế cho biết, TT-Huế không phải tỉnh giàu, vốn đầu tư cho công nghệ thông tin không nhiều nhưng làm sao phải có công nghệ tốt. Chúng tôi xác định xây dựng ĐTTM theo quan điểm là phải hướng tới người dân, xuất phát từ nhu cầu dịch vụ của người dân; đồng thời cũng xuất phát từ nhu cầu của chính quyền và phải phù hợp với nhiệm vụ cắt giảm biên chế, cắt gọn đầu mối trong quản lý.

Năm 2019, UBND tỉnh khai trương Trung tâm Giám sát điều hành ĐTTM của tỉnh. Mô hình được triển khai trên nền tảng giải pháp Smart City của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, thí điểm triển khai đồng thời 10 dịch vụ giám sát ĐTTM, bao gồm phản ánh hiện trường; nhóm giải pháp camera giám sát đô thị (giám sát vi phạm giao thông; giám sát trật tự đô thị; giám sát an toàn đô thị; tổng hợp hỗ trợ quy hoạch, phát triển giao thông); thông tin cảnh báo; giám sát thông tin báo chí địa phương; thẻ điện tử công chức, viên chức; giám sát dịch vụ hành chính công; giám sát quảng cáo điện tử; giám sát môi trường; giám sát an toàn thông tin; giám sát tàu cá.

Trong đó, dịch vụ tiếp xúc với người dân nhiều nhất là phản ánh hiện trường. Người dân có thể phản ánh, kiến nghị về những bất cập trong đời sống xã hội với chính quyền trực tiếp bằng smartphone hoặc qua website của Trung tâm, kèm theo hình ảnh, video hiện trường. Những phản ánh này được Trung tâm ghi nhận và chuyển về các cơ quan chức năng xử lý. Quá trình tiếp nhận, xử lý và kết quả được đăng tải để người dân có thể giám sát quá trình đến khi ra kết quả cuối cùng.

Dịch vụ giám sát đô thị thông qua cảm biến camera cũng tác động tích cực đến thay đổi xã hội địa bàn tỉnh. Hệ thống camera được lắp đặt trên địa bàn tỉnh sẽ được chuyển dữ liệu về Trung tâm. Tại đây, hệ thống sẽ phân tích và đưa ra các cảnh báo vi phạm. Trung tâm kiểm tra, xác minh mức độ cảnh báo, hỗ trợ công an hoặc các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xử lý.

Ứng dụng phản ánh hiện trường là một thành phần của ứng dụng dịch vụ ĐTTM, đây là công cụ giúp người dùng phản ánh các vấn đề bất cập trong cuộc sống thông qua đó hỗ trợ công tác quản lý, xử lý hiệu quả từ các đơn vị chức năng, hướng đến cải thiện môi trường sống và làm việc tốt cho người dân.

Trên nền tảng của công nghệ thông tin, ứng dụng Hue-S đã cung cấp chức năng hỗ trợ cho người dân, DN, khách du lịch phản ánh toàn diện các hoạt động trên địa bàn tỉnh khi nhận thấy các vấn đề bất cập bằng cách gửi phản ánh về trung tâm giám sát điều hành ĐTTM kèm theo hình ảnh chụp hoặc quay video clip. Từ đây, bộ phận kỹ thuật sẽ sàng lọc thông tin, rồi chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý. Các thông tin cá nhân được hệ thống thu thập và đảm bảo chế độ bảo mật, không thể khai thác thông tin cá nhân ra bên ngoài.

Không phải địa phương có tiềm lực mạnh nhưng TT-Huế đã tìm cho mình mô hình phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng ĐTTM, chính quyền TT-Huế khẳng định thành công bước đầu trong việc xây dựng ĐTTM của Huế chính là sự kế thừa những thành tựu của việc xây dựng chính quyền điện tử trong suốt 10 năm qua của tỉnh.

Với chủ trương lấy người dân làm trọng tâm trong quá trình xây dựng thành phố thông minh, chính quyền có thể tiếp cận người dân tốt hơn, từ đó có được thông tin giúp cho quá trình hoạch định chính sách cũng như cung cấp được các dịch vụ phù hợp với thực tế của địa phương.

Chính quyền tỉnh TT-Huế ngay từ giai đoạn đầu của quá trình triển khai đề án ĐTTM đã phối hợp với một số DN để lựa chọn một mô hình đảm bảo giúp cho lãnh đạo tỉnh, các địa phương quản lý và điều phối chung, tiếp theo là quy tụ tất cả ý kiến phản ánh của người dân về tất cả mọi vấn đề trên địa bàn thành phố.

Ông Trần Tuấn Ngọc - Phó giám đốc Khách hàng DN Tổng công ty Giải pháp Viettel cho biết: “Huế xác định mô hình phát triển ĐTTM là đi từ nhu cầu thực tiễn của người dân để xây dựng một thành phố Huế thông minh. Chứ không phải là thành phố thông minh của Viettel hay một thành phố nào khác. Trên quan điểm như thế, Viettel đã cùng với Huế khảo sát rất kỹ và may đo một mô hình ĐTTM phù hợp nhất với Huế”.

Ông Phan Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế chia sẻ: “Cơ sở dữ liệu mở là từ thông tin của người dân. Ngoài trừ những hệ thống camera cố định thì chúng tôi quan điểm người dân chính là hệ thống camera lưu động, hệ thống thông tin phong phú, những cảm biến từ người dân khi xảy ra những thông tin quan trọng giúp vận hành ĐTTM một cách tốt nhất. Những giải pháp chúng tôi đề ra đều được người dân hưởng ứng và tỷ lệ người dân tham gia các nhiệm vụ giải pháp của tỉnh TT-Huế đều rất cao. Khi người dân tham gia vào quá trình vận hành ĐTTM thì đây là một trong những yếu tố để đánh giá sự thành công hay không thành công của một ĐTTM thông qua việc triển khai các dịch vụ của ĐTTM”.

Thanh Tân

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo