Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Công nghệ Ứng dụng Chuyển đổi số ngành Xây dựng: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

Chuyển đổi số ngành Xây dựng: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

Viết email In

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận thức sâu sắc, đầy đủ về tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển của ngành Xây dựng, ngày 31/7/2020, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã phê duyệt “Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020 - 2025 định hướng đến năm 2030”. Đây là kim chỉ nam cho hoạt động chuyển đổi số của ngành Xây dựng trong thời gian tới.

Lồng ghép tối đa các nội dung về chuyển đổi số

Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng xác định rõ quan điểm: Chuyển đổi số ngành Xây dựng là nội dung rất quan trọng cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả để góp phần tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và DN trong lĩnh vực xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công của Bộ Xây dựng.

Trong quá trình xây dựng các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành Xây dựng, phải nghiên cứu, xem xét lồng ghép tối đa các nội dung về chuyển đổi số.

Chuyển đổi số phải được thực hiện một cách tổng thể, có lộ trình phù hợp, tiến tới toàn diện và đồng bộ trong mọi lĩnh vực của ngành Xây dựng.

Kế hoạch xác định trung tâm của chuyển đổi số là phục vụ người dân, DN; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước. Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định thành công của chuyển đổi số, do vậy, thực hiện các giải pháp toàn diện để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.

6 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số

Trong chuyển đổi số, ngành Xây dựng xác định 6 đối tượng, lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số gồm cơ sở dữ liệu số (CSDL) các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá để phục vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; Thực hiện Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng; Các hoạt động xây dựng (tư vấn thiết kế; tư vấn thẩm tra, thẩm định; thi công xây lắp; nghiệm thu công trình); Khai thác và sản xuất VLXD; Quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị; Nhà ở, công sở và thị trường bất động sản.

Kế hoạch hướng đến nhiều mục tiêu quan trọng, mang tính căn cơ, cốt lõi trong quá trình phát triển ngành Xây dựng, gồm hoàn thiện thể chế để phục chuyển đổi số của ngành Xây dựng; vận hành và cập nhật Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng.

Hoàn thiện CSDL số cho hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tiêu chuẩn, quy chuẩn; định mức và giá xây dựng; nhà ở, thị trường bất động sản; khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng; quy hoạch xây dựng; nâng cấp đô thị; thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng; nghiệm thu các công trình đưa vào sử dụng; thanh tra, kiểm tra; hồ sơ cán bộ, viên chức ngành Xây dựng; chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của tổ chức và cá nhân; phòng thí nghiệm chuyên ngành Xây dựng; đề tài, dự án sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học công nghệ và môi trường…

Cùng với đó, ngành Xây dựng phối hợp với cơ quan quản lý ngành ở địa phương để xây dựng CSDL phục vụ chuyển đổi số cho một số lĩnh vực ưu tiên, như quy hoạch xây dựng; quản lý chuyên môn về hoạt động xây dựng; thí điểm xây đô thị thông minh trong việc lựa chọn tiêu chí, tiêu chuẩn áp dụng; xây dựng CSDL số các công trình hạ tầng kỹ thuật phục nhằm kết nối với trung tâm điều hành đô thị thông minh…

Ngành Xây dựng lựa chọn một số đối tượng cụ thể trong phạm vi quản lý nhà nước của ngành để ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ cho việc chuyển đổi số. Đơn cử như ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS trong công tác lập quy hoạch và quản lý xây dựng; Ứng dụng Mô hình thông tin công trình BIM trong các hoạt động đầu tư xây dựng công trình; Ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong quản lý vận hành đô thị thông minh, doanh nghiệp số.

Một số giải pháp căn cơ

PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường cho biết: Để thực hiện được các mục tiêu nói trên, Bộ Xây dựng đề ra một số giải pháp, như nâng cao nhận thức bằng các hình thức phù hợp và thường xuyên để phổ biến, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động về Chính phủ điện tử; về mô hình kinh tế số và mô hình doanh nghiệp số; tăng cường chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4…

Đặc biệt, Bộ chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin hoặc thuê hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị phục vụ Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng; phục vụ lưu trữ CSDL của Bộ Xây dựng.

Cùng với đó, Bộ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các đơn vị trực thuộc Bộ, các cơ quan quản lý chuyên ngành xây dựng địa phương bằng các phương thức phù hợp; Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn quá trình thực hiện Kế hoạch theo định kỳ hàng năm thông qua việc tổ chức các cuộc giao ban trực tiếp, trực tuyến thực hiện các nội dung trong Kế hoạch.

Và để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, ngành Xây dựng sẽ chú trọng đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho bộ, công chức, viên chức ngành Xây dựng cũng như cho sinh viên các trường đào tạo trực thuộc Bộ.

PGS.TS Vũ Ngọc Anh nhận định: Với các giải pháp nói trên, ngành Xây dựng đã và đang tạo dựng được những tiền đề vững chắc, qua đó bắt nhịp, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, hướng đến phát triển hiện đại, bền vững.

Bộ Xây dựng cùng với các Bộ ngành Trung ương đang không ngừng phấn đấu thực hiện thắng lợi “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Quý Anh

(Báo Xây dựng)

Attachments:
Download this file (1004-QD-BXD_2020.pdf)1004-QD-BXD_2020.pdf[Quyết định số 1004/QĐ-BXD ngày 31/07/2020 về việc phê duyệt "Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030"]6066 Kb

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo