Ashui.com

Tuesday
Apr 16th
Home Tương tác Đối thoại Phát triển đô thị trung bình để có giới trung lưu

Phát triển đô thị trung bình để có giới trung lưu

Viết email In

Trong bối cảnh tăng trưởng, Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hóa rất nhanh và tự phát. Điều này đang mang lại những hệ lụy phức tạp, cần có cách tiếp cận đúng đắn. Giáo sư Phan Văn Trường (*) chia sẻ một số quan điểm của ông về vấn đề này.

PV: Xã hội bây giờ đang chuyển biến quá nhanh, theo quan điểm của ông, đâu là cái giá đắt nhất mà con người đang phải trả cho những cái gọi là tiến bộ?

- GS Phan Văn Trường (ảnh bên): Tư duy của nhân loại đã đổi, những giá trị cũ mà người ta tưởng là cố định đã thay đổi. Trên rất nhiều phương diện, xã hội từ giữa thế kỷ 20 không còn là một xã hội che chở nhân loại nữa. Điều này có thể thấy rõ trong ngành dược phẩm, thực phẩm.

Đáng lẽ trong những lãnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe, người ta phải cẩn thận hơn nữa thì họ lại không ngần ngại bất chấp tất cả để đạt được mục tiêu tối hậu. Đó là tiền, tiền và tiền. Thật khó tìm được yếu tố nhân văn trong bối cảnh đó!

Con người đã gặt hái được những gì mong muốn: có thêm tiền, tiêu dùng nhiều hơn, nhưng cũng đang phải trả một giá rất đắt. Con người sẽ không sống nữa mà chỉ nuốt vội những ngày trôi qua, sẽ tiêu thụ vội vàng thay vì hưởng thụ.

Ông bình luận như thế nào khi hiện tượng đô thị hóa đang đứng đầu trong dòng chuyển biến nhanh đến chóng mặt đó?

- Việt Nam đang có ý tập trung đô thị hóa vào hai đô thị lớn trong nước, đó là Hà Nội và TPHCM. Chúng ta trực tiếp biến hai đô thị trên thành đô thị cực lớn và làm cho chúng trở nên có sức hút lớn hơn nữa. Nếu không cẩn thận chúng ta sẽ làm yếu đi vai trò của nông thôn. Tôi cảm thấy đáng tiếc vì điều này đang diễn ra.

Theo tôi, nông thôn là nòng cốt muôn đời của nền kinh tế cổ truyền Việt Nam. Khuynh hướng thế giới ngày nay là thiếu sản phẩm nông nghiệp, nhất là những sản phẩm có chất lượng cao. Nông thôn truyền thống có thể ví như một kho tàng quý báu. Kho tàng này là một sự chồng chất kinh nghiệm muôn đời, một tài sản của đất nước chúng ta.

Nếu như chúng ta biến một anh nông dân biết trồng bông quý hoặc biết nuôi cá khó nuôi thành một anh bán vé số lề đường hoặc đánh giày trong đô thị, chúng ta sẽ làm cho nền kinh tế của chúng ta nghèo đi rất nhiều. Trong sự cạnh tranh toàn cầu, có vẻ như chúng ta tự ý biến tinh hoa thành một nhân công vô nghề. Nếu vậy, đó thật sự là một thảm họa.

Nông thôn còn đóng một vai trò to lớn hơn nữa, đó là cơ cấu gia đình, một cái nôi nuôi dưỡng văn hóa dân gian. Để cho cơ cấu gia đình tan vỡ sẽ có ảnh hưởng lâu dài, rất lâu dài cho xã hội. Rất buồn mà nói, đô thị hóa - nếu diễn ra quá nhanh - lại có nguy cơ trở thành một hiện tượng phá vỡ cơ cấu gia đình - trong khi cơ cấu gia đình là sức mạnh tiềm tàng của một dân tộc. Cứ nhìn sang các quốc gia khác, đô thị càng lớn, càng mất tính gia đình.

Lấy một ví dụ rất gần là Thái Lan. Bangkok đang đi trên đà phá tan đời sống gia đình, rất đông thanh niên mới 14, 15 tuổi đêm không về nhà, ở lại những quán nước thâu đêm, bắt buộc Quốc hội Thái phải ra nhiều đạo luật để che chở tuổi trẻ không nhận gia đình của họ nữa. Điều đáng sợ là Bangkok hiện vẫn chưa tìm được giải pháp cho vấn đề này.

Vậy nếu bây giờ ở vào vị trí một nhà quy hoạch phát triển đô thị cho Việt Nam, ông sẽ làm gì?

- Việt Nam có rất nhiều đô thị trung bình hoặc nhỏ nằm rải rác một cách đều đặn trên miền duyên hải từ Nam chí Bắc. Các đô thị đó cần lớn thêm và sẽ trực tiếp là những cột trụ của kinh tế đất nước. Nếu chỉ lo ưu tiên phát triển TPHCM và Hà Nội, chúng ta sẽ không còn phương tiện và năng lực để cho những đô thị nhỏ hoặc trung bình phát triển đúng mức.

Một điều khác mà chúng ta không nên bỏ qua là các đô thị trung bình cho phép giải quyết nhà ở cho tất cả dân cư với ít khó khăn hơn. Mà có gia cư, dù khiêm tốn, là một bước quan trọng để đi vào ngưỡng cửa của thành phần trung lưu.

Trong các đô thị nhỏ và trung bình, chúng ta sẽ dễ đưa thành phần thu nhập thấp lên hàng trung lưu. Mà thành phần trung lưu là gì nếu không là nòng cốt của sức mạnh sản xuất của một quốc gia. Ưu tiên trong phát triển kinh tế xã hội Việt Nam là phải nhanh chóng đưa số đông người nghèo sang thành phần trung lưu. Bổn phận của thành phần thu nhập cao là tiếp tay giúp đỡ cho sự phát triển này. Và cũng vì vậy, tôi nhấn mạnh, đô thị hóa phải ưu tiên cho các thành phố nhỏ và trung bình, trong đó có vùng duyên hải.

Ông vừa đề cập đến bổn phận của người có thu nhập cao. Ông có cho rằng khoảng cách giàu nghèo hiện nay ở các đô thị là đáng lo ngại?

- Những con số tăng trưởng của chúng ta là đáng tự hào. Nhưng đời sống xã hội, văn hóa, và tiện nghi cho người dân vẫn chưa theo kịp. Nói nôm na, nếu phải sản xuất thêm, phải làm việc nhiều hơn, di chuyển khó khăn hơn, sống trong một môi trường ô nhiễm hơn nhưng vẫn không thấy sự phát triển của gia đình, thì con người ta sẽ nghĩ ngợi, bức xúc, đôi khi cảm thấy cay đắng.

Sự chênh lệch giữa những người giàu và người nghèo có thể làm cho xã hội đứt quãng. Gọi là đứt quãng bởi xã hội sẽ mất đoàn kết, sẽ sanh nghi kỵ, sẽ mất thăng bằng.

Tôi cho rằng một vấn đề cần chú ý trong quá trình phát triển là mọi người, giàu hay nghèo đều phải có cơ hội làm giàu, tạm gọi là đồng đều. Ngay như Tổng thống Mỹ Barack Obama lúc tranh cử cũng đã nhấn mạnh điều đó. Đành rằng chúng ta và nước Mỹ không có nhiều điểm giống nhau, tuy nhiên dân nghèo phải nhìn thấy họ “có cơ hội”. Hy vọng giúp con người ta sống. Ngày xưa, các gia đình tin rằng hy sinh cho con học là một việc có ý nghĩa, sẽ mang lại kết quả. Nhưng ngày nay thì sao?

Tôi ước ao chúng ta có được một kịch bản phát triển mạnh dạn như Nhật Bản vào đầu thế kỷ 20, Hàn Quốc vào giữa thế kỷ 20. Chúng ta không thể chỉ hô hào. Chúng ta phải vẽ lên một kịch bản chi tiết, mục tiêu gì, ai nhận việc gì, vào thời điểm nào, với phương tiện nào, phải hy sinh những gì để đạt được mục tiêu. Nếu không có kịch bản e rằng chúng ta lại thấy 50 năm trôi qua như chớp mắt, rồi nơi này vẫn thiếu nước sạch, nơi kia vẫn chưa có máy thiêu rác, sông nọ vẫn hôi thối, nhà kia vẫn ổ chuột...

  • (*) GS. Phan Văn Trường hiện đang giảng dạy bộ môn Kinh tế Quy hoạch vùng tại Đại học Kiến trúc TPHCM và là Cố vấn Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế.

Minh Anh (thực hiện) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2414 khách Trực tuyến

Quảng cáo