Ashui.com

Friday
Nov 29th
Home Tương tác Đối thoại Làm du lịch gắn với lợi ích bền vững

Làm du lịch gắn với lợi ích bền vững

Viết email In

Hơn hai năm nay, ông Nguyễn Sự, cựu Bí thư Thành ủy thành phố Hội An, người gắn bó với du lịch Hội An, được Bí thư tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan mời về Đồng Tháp tư vấn cho tỉnh này làm du lịch nông nghiệp. TBKTSG đã trao đổi với ông Nguyễn Sự, xoay quanh câu chuyện này.

TBKTSG: Cơ duyên nào mà Đồng Tháp mời ông làm việc này?

Ông Nguyễn Sự (ảnh bên): - Năm 2016, tôi nhận lời nói chuyện du lịch với bà con xã Tân Thuận Đông, một xã nông nghiệp, trái cây của thành phố Cao Lãnh. Sáng hôm đó, khi ngồi nói chuyện với lãnh đạo thành phố Cao Lãnh thì lần đầu tiên gặp anh Lê Minh Hoan. Nghe tôi nói chuyện về du lịch Hội An, ảnh liền gọi điện thoại cho văn phòng tỉnh ủy nói chiều nay mời tập thể thường vụ tỉnh ủy và các trưởng đầu ngành của tỉnh xuống xã Tân Thuận Đông để nghe ông Sự nói chuyện về du lịch.

Khi nghe anh Hoan yêu cầu như vậy, tôi rất ngạc nhiên. Ấn tượng đầu tiên là khi đó mình đi nói chuyện với một xã, với nông dân một xã nhưng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lại yêu cầu cán bộ lãnh đạo của tỉnh xuống nghe. Lý ra sáng mai về, thì ảnh nói ở lại một bữa nữa, xuống nói chuyện với lãnh đạo thành phố Sa Đéc. Và ảnh rất tha thiết. Cho nên về, tôi ấn tượng, chứ hồi đó chưa hiểu nhiều về Đồng Tháp. Sau đó thì anh em Cao Lãnh ra, đi tham quan tất cả các điểm của Hội An. Tiếp đến là đoàn của tỉnh; tất cả thường vụ, do anh Lê Minh Hoan dẫn đầu, cũng đi khảo sát hết du lịch Hội An.

Sau anh Hoan thì anh Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Đồng Tháp, dẫn một đoàn nữa ra Hội An. Anh Hoan còn nói làm sao mời được ông nông dân Hội An vào nói chuyện với bà con Đồng Tháp... Đấy, ấn tượng vì thấy đây là một đội ngũ cán bộ vô cùng có trách nhiệm, cầu thị. Từ cơ duyên đó, sau này tôi tiếp tục vào làm việc với Đồng Tháp, cùng anh em chia sẻ nhiều hơn. Đặc biệt, mình hiểu nhiều hơn về Đồng Tháp.

Và ông đã gắn bó với Đồng Tháp?

- Sau những lần tiếp xúc với anh em cán bộ Đồng Tháp, tôi nghĩ, một đồng chí Bí thư như vậy, một đồng chí Chủ tịch như vậy, một bộ máy như vậy, Đồng Tháp không phát triển mới là lạ. Tất nhiên, không phải chỉ từ lòng nhiệt tình của các đồng chí lãnh đạo là có thể phát triển ngay, nhưng chính sự say mê và có trách nhiệm như vậy, dứt khoát phải có sức bật. Và nó tạo ra một sự đột phá nhất định, trong một chừng mực nào đó. Phong cách rất là hay, ngồi đâu, đi đâu cũng ghi chép, cũng viết và chuyển cho anh em cán bộ để mà đọc, và họ rất khiêm tốn. Chính điểm đó đã tạo cho mình cảm giác gắn bó với Đồng Tháp.

Ông đã đi những đâu và đã giúp Đồng Tháp những gì?

- Tôi đã đi huyện Cao Lãnh, Lấp Vò, Thanh Bình, Sa Đéc và thành phố Cao Lãnh. Thực ra, tôi cũng chưa giúp được nhiều. Tôi chỉ tư vấn cho các anh lãnh đạo Đồng Tháp về kinh nghiệm, cả kinh nghiệm thành công, thất bại và nguy cơ làm du lịch bắt nguồn từ cộng đồng, của Hội An. Đồng Tháp phong phú và đa dạng về nông nghiệp, về tự nhiên; có sông Tiền, sông Hậu, vườn trái cây, đồng lúa, đồng sen... Nhưng một cái chung nhất ở miền Tây, tỉnh nào cũng có, là sản phẩm dễ trùng lặp. Nếu Đồng Tháp làm giống như Cần Thơ, Tiền Giang, Hậu Giang... thì rõ ràng người ta chỉ cần đi một chỗ thôi, không cần đi hết. Do đó, cũng từ nguyên liệu đó, tài nguyên đó, lợi thế đó, phải biến nó trở thành một sản phẩm của riêng mình. Tức là phải tạo ra sự khác biệt có hương vị của Đồng Tháp.

Theo ông, du lịch Đồng Tháp cần có sự khác biệt gì?

- Sự khác biệt nói nôm na là “không giống ai”. Làm du lịch không thể nóng vội và cũng không nên rải mành mành, mà phải biết chọn điểm bắt đầu để có thể làm thông được sự phát triển. Trước hết là thông về nhận thức. Nhiều bà con nông dân ở Đồng Tháp, ở những chỗ tôi đi, thấy họ dễ chấp nhận với những gì sẵn có của tự nhiên như trên bờ thì có ruộng vườn, dưới sông thì có cá... Do đó, người ta ngại làm những điều chưa biết, cũng giống như Hội An lúc ban đầu. Bây giờ phải thông cho được cái này.

Thứ hai là học để làm cho riêng mình. Chúng ta đi học, Hội An cũng từng đi học. Học ở Huế, ở Đà Lạt... Chúng tôi học ở các nơi về và làm theo kiểu của Hội An, học nhưng không được bắt chước. Vì, có thể Đồng Tháp cũng làm được lồng đèn bằng mây tre rất tốt. Nhưng bây giờ là chuyển đổi sản phẩm, chứ không phải chuyển đổi ngành nghề. Thí dụ ở Lấp Vò có làng chiếu Định Yên, khoảng 1.000 hộ. Hiện nay người ta dệt bằng máy hoặc bằng tay. Ở đây vốn có một cái “chợ ma” để bán chiếu vào ban đêm, rất nổi tiếng. Lâu nay người dân mang chiếu ra sân chùa để bán. Nhưng bây giờ, nhu cầu mua bán đó không còn nữa. Tôi có đặt vấn đề với anh em Lấp Vò. Có thể nơi nào cũng có nghề dệt chiếu, nhưng để giữ lại được 100 hộ thì đã khó, không phải chuyện đơn giản. Như vậy, nếu chúng ta biết khôi phục lại cái “chợ ma” này phục vụ du lịch thì nó sẽ trở thành đặc sản của Đồng Tháp, thậm chí là đặc sản của cả nước. Và sản phẩm không chỉ có chiếu truyền thống, có thể có những chiếc chiếu nhỏ trải ghế, bàn, để du khách mua về lưu niệm. Như vậy, muốn xem được chợ ma Định Yên, phải ở lại ít nhất một đêm; buộc du khách ở lại, không thể đi được. Và như vậy, người dân ở đó có thể làm những dịch vụ kèm theo. Vậy, làng chiếu Định Yên sẽ có đất sống. Nó không chỉ phục vụ nhu cầu dân sinh bình thường mà còn cho cả du lịch.

Tương tự, những hội quán xoài cũng nên theo hướng này?

- Đúng rồi. Phải là cộng đồng, không có cách nào khác. Đồng Tháp thành lập những hội quán, chính là điều kiện để cộng đồng làm kinh tế. Từ những hội quán đó, mới chuyển qua làm dịch vụ phục vụ cho du lịch. Như vậy sẽ giải quyết được bài toán là cả cộng đồng làm du lịch. Không phải chỉ làm homestay, phòng nghỉ, mà sản phẩm bán cho khách du lịch, tức phục vụ cho du lịch. Như cái chợ phiên ở Cao Lãnh, tôi thấy hay quá, nên có nói tại sao mình không tổ chức “chợ phiên nông sản sạch” ở đây. Và Cao Lãnh đã làm rất nhanh, một tháng sau bắt đầu cho ra đời chợ phiên này. Khi tôi vào lại chợ phiên, thấy khách rất đông và sau này rất thành công.

Có lần, ở vườn xoài Tân Thuận Đông, ông nói nó đẹp như vườn dừa Cẩm Thanh ở Hội An, nhưng ngại cảnh bà con... xịt thuốc trừ sâu?

- Đúng vậy, tôi đã nói, chuyện này sẽ làm hại tới tính cộng đồng trong làm du lịch. Bởi vì bên này làm vườn để cho khách du lịch tham quan mà bên kia anh cứ phun thuốc; homestay là để ở trải nghiệm ban đêm mà xịt vậy sao tôi ở được. Tính cộng đồng là cùng nhau làm. Khi người ta cảm thấy anh này làm ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng, người ta sẽ lên án. Và không phải làm theo kiểu nhiệm vụ chính trị đâu, mà phải mang lại lợi ích kinh tế. Chứ chưa chắc làng dừa Cẩm Thanh đẹp hơn vườn xoài Tân Thuận Đông. Nhưng ở Cẩm Thanh, có sản phẩm lắc thúng trong rừng dừa rất thu hút du khách. Đó là câu chuyện bằng nguyên liệu sẵn có, mình tạo ra sản phẩm của chính mình.


Một góc Hội An.
(Ảnh: Huỳnh Kim)

Đó là những bài học từ Hội An. Vậy theo ông, nhờ đâu Hội An có thương hiệu du lịch?

- Đây là câu chuyện dài. Có lẽ chỉ có thể nói đơn giản thế này. Sở dĩ Hội An có thương hiệu du lịch, không chỉ là thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế, là chính nhờ con người Hội An đã tạo nên thương hiệu đó. Bởi con người Hội An đã biết khai thác các giá trị của chính mình để tạo ra một thương hiệu cho mình và để rủ rê du khách. Và người ta đến đây, họ thấy đó là Hội An. Du lịch Hội An, sản phẩm du lịch Hội An không giống các nơi khác, nó phải là của Hội An. Có thể nó chưa sáng tạo, chưa tinh tế, còn thô mộc nhưng chắc chắn một điều khi nhìn vào, người ta biết đó là Hội An. Chính đó là điều làm cho du khách đến với Hội An. Người ta tìm cái chỉ có Hội An có mà thôi.

Sản phẩm du lịch Hội An có những gì?

- Sản phẩm du lịch Hội An thì có rất nhiều. Phố cổ là văn hóa vật thể, cho du khách đến. Nhưng, không chỉ là phố cổ, Hội An còn rất nhiều các tài nguyên du lịch. Trong đó, nói về mặt văn hóa, có những làng nghề khác làng nghề nơi khác, ví dụ làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng... Những nghề đó, nhiều nơi có, nhưng khi đến đây, có sự khác biệt.

Thứ hai là người Hội An đã biết tận dụng các giá trị tài nguyên thiên nhiên của họ. Ví dụ sông nước, đất đai, con trâu, cánh cò, rừng dừa, bãi biển... để tạo nên sản phẩm du lịch trên chính mảnh đất của họ. Con trâu thông thường dùng để đi cày ruộng, nhưng người Hội An biết dùng con trâu đó để cho du khách đi tắm trâu, cưỡi trâu, cày ruộng... còn người nông dân họ thu được tiền dịch vụ này. Rồi cũng với những cánh đồng đó, khi lúa đã không mang lại nhiều tiền cho người nông dân thì doanh nghiệp họ trả tiền cho người nông dân mấy mùa vụ đó, trong khi người nông dân vẫn canh tác, lúa họ vẫn thu hoạch; và khi có du khách đến, người nông dân sẽ ra đi cày, bừa, gặt lúa cùng du khách và có thêm tiền dịch vụ này. Còn thuyền thúng, khi xưa dùng để đi vớt cá, nhưng giờ thuyền thúng đó lại chở du khách đi kéo lưới, chơi trò lắc thúng. Khách không thu hoạch cá, mà để trải nghiệm, đắm mình vào thiên nhiên, sông nước và người ta cảm thấy sung sướng.

Hoặc là ngay trên phố cổ, với những người buôn thúng bán bưng, một gánh chè đậu ván, một gánh bánh bèo, một gánh bánh tráng đập... du khách ngồi đó ăn, thưởng thức không chỉ là ẩm thực mà còn về không gian, kiểu cách của người Hội An khi buôn bán giữa một phố cổ.

Phải chăng đó là cốt cách Hội An, cũ mà vẫn mới?

- Đúng rồi. Điều quan trọng hơn trong tất cả những thứ đó là gì? Chính là con người Hội An. Chính con người đã tạo nên hồn phách cho những sản phẩm Hội An. Con người Hội An hiền lành, dù hiền lành ở đâu cũng có, nhưng họ rất thô mộc mà lại tinh tế. Vì sao tôi nói điều này? Vì Hội An có văn-hóa-thị phát triển rất sớm. Vì nó từng là một thương cảng. Nhưng bên cạnh đó, văn-hóa-làng cũng rất mạnh. Thông thường, văn hóa thị phát triển theo kiểu văn minh còn văn hóa làng theo kiểu bảo thủ, nó giữ được cái nề nếp nhưng vẫn bảo thủ. Và cái văn hóa thị nó phát triển mạnh, lôi theo văn hóa làng để rồi cái tính bảo thủ của văn hóa làng giảm đi. Còn văn hóa làng lại tạo ra một sức kéo, khiến văn hóa thị không phát triển một cách quá mức. Tạo nên sự cân bằng.

Còn về chuyện thu nhập cho người dân làm du lịch?

- Trước 1992, khái niệm du lịch còn xa lạ ở Hội An. Đến năm 1995, tiền bán vé được 52 triệu đồng, nhưng tiền in vé hết 57 triệu đồng. Tham quan phố cổ, phải bù lỗ. Và người dân lúc đó, họ không hiểu du lịch là cái gì. Nhưng đến năm 2018, tiền vé tham quan thu gần 300 tỉ đồng. Năm 1994, bắt đầu dịch vụ nghỉ trọ, xây dựng 8 phòng với nhiều ý kiến khác nhau; đến nay, Hội An có trên 18.000 phòng nghỉ. Năm 2000, Hội An chưa có một homestay nào; hiện nay, có gần 7.000 phòng homestay. Năm 2018, gần 4 triệu lượt khách đã đến Hội An, trong đó 70% là khách nước ngoài.

Về thu nhập, khi xưa, người ta quan niệm du lịch là ở các doanh nghiệp, nhưng người dân Hội An nay đi đâu cũng làm du lịch. Từ chỗ giá trị du lịch chỉ chiếm tỷ lệ dưới 10% trong tổng giá trị sản phẩm của thành phố của những năm 90 của thế kỷ trước, đến giờ nó chiếm gần 80% các giá trị tổng sản phẩm của nền kinh tế thành phố. Và người dân, gần như hưởng lợi gián tiếp, trực tiếp đều thông qua con đường du lịch.

Chốt lại câu chuyện làm du lịch này, theo ông, kinh tế hay văn hóa là quyết định?

- Du lịch cộng đồng là ngành kinh tế làm cho người dân cảm thấy gắn bó, bảo vệ tốt môi trường. Cộng đồng cùng làm, cùng hưởng lợi. Họ đang đi chung trên một con thuyền du lịch, nếu có sóng to gió lớn làm con thuyền chao đảo thì họ cũng bị ảnh hưởng. Nên buộc lòng mọi người phải đoàn kết, chèo chống với nhau, làm cho con thuyền vượt qua sóng to gió cả để đi đến bờ. Đó là bài học bền vững của du lịch Hội An.

Và người làm du lịch, kể cả giới lãnh đạo, phải có tư duy của một “ông địa chủ” chứ đừng như một anh tá điền hay anh đi làm thuê. Người dân cũng vậy, dù là một homestay, một khu vườn, cũng hãy nghĩ theo kiểu làm giàu, như địa chủ. Nghĩa là mình thực sự làm chủ miếng đất này và mình có tầm nhìn để bản thân nó bền vững. Gắn với lợi ích bền vững lâu dài, không chỉ đời anh, mà còn đời con cháu anh nữa. Cái gì gắn với văn hóa thì bền vững, còn chỉ gắn với thực dụng thì “chết” sớm.

Huỳnh Kim thực hiện

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2366 khách Trực tuyến

Quảng cáo

  

  


Loading...