Đề xuất chuyển đổi 118.000 ha đất nông nghiệp ở TP.HCM thành đất công nghiệp, dịch vụ và đô thị đang gây nhiều ý kiến trái chiều.
Đề xuất này được PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, nêu ra tại Hội nghị thành ủy lần thứ 14 vừa qua.
Đất nông nghiệp hai bên đường Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh, TP.HCM). (Ảnh: Ngọc Dương)
118.000 ha đất nông nghiệp chỉ góp 0,8% GDP
Theo ông Ngân, TP.HCM đóng góp từ 20 - 25% GDP của cả nước tùy năm. Tuy nhiên gần đây, do áp lực quá tải về dân số, bệnh viện, trường học, nhà ở, giao thông công cộng với nguồn ngân sách được giữ lại giảm, TP bắt đầu thiếu vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng. Hiện đất dành cho nông nghiệp của TP là 118.000 ha, chiếm 56% diện tích, nhưng giá trị mà ngành này đóng góp chỉ hơn 0,8% GDP của TP. Điều này cho thấy việc sử dụng đất nông nghiệp không hiệu quả và không đúng chức năng.
Ngoài ra, tình trạng bức xúc, thưa kiện, tranh chấp của người dân TP đang tập trung vào vấn đề đất đai. Ở một số quận, huyện, việc xây dựng không phép, trái phép ngày càng gia tăng và thường rơi vào đất nông nghiệp. Đất nông nghiệp được coi là “điểm nóng”, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng không phép, sai phép rồi khiếu kiện đất đai kéo dài. Trong khi đó, đất dành cho công nghiệp, dịch vụ và đô thị theo quy hoạch quá ít thì đất nông nghiệp bỏ hoang hoặc sử dụng kém hiệu quả lại quá nhiều ảnh hưởng đến phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của TP.
Từ thực tế trên, ông Ngân đề nghị TP nên mạnh dạn kiến nghị T.Ư cho chuyển đổi mục đích sử dụng của hơn 118.000 ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị. Song song đó, TP cần có chính sách đột phá trong sử dụng đất đai cho mục tiêu phát triển, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân sử dụng đất có hiệu quả hơn, giảm khiếu kiện, khiếu nại liên quan đất đai và nhà nước thu được tiền chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. “Chúng ta vẫn nói tấc đất tấc vàng và đất là nguồn lực quan trọng cho phát triển, nhưng nhiều năm qua TP vẫn chưa có giải pháp và chính sách phù hợp để biến đất thành vàng”, ông Ngân nói.
Trong buổi gặp gỡ với giới trí thức gần đây, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói TP.HCM là thành phố dịch vụ, công nghiệp song cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý. Năm 2015, TP có hơn 118.000 ha đất nông nghiệp, nhưng chỉ đem lại giá trị 6.494 tỉ đồng (chiếm 0,89% tỷ trọng GDP), giá trị gia tăng trên mỗi héc ta đất nông nghiệp là 55 triệu đồng. Trong khi đó, đất công nghiệp, dịch vụ chỉ có 14.264 ha nhưng đem lại giá trị 726.978 tỉ đồng, GTGT mỗi héc ta đất đạt gần 51 tỉ đồng, gấp 926 lần so với giá trị đất nông nghiệp. Từ những con số đó, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề, nên chuyển một phần đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ. Bởi chỉ cần chuyển đổi 1/3 đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp, dịch vụ sẽ tạo tiền đề có thể tăng GDP cho TP thêm 2,73 lần.
Bê tông hóa thành phố
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực cho rằng ý tưởng trên chỉ nhìn thấy một khía cạnh kinh tế của vấn đề mà chưa xem xét một cách toàn diện.
TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng bộ môn Đô thị học (Đại học KHXH&NV - TP.HCM), nêu quan điểm: Nếu TP có chủ trương chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất nhà ở, công nghiệp, dịch vụ trước tiên cần xác định “chuyển ở đâu, cho ai, mô hình công nghiệp nào?”. Nếu là công nghiệp công nghệ cao thì không cần nhiều đất. Ngành cần nhiều đất là công nghiệp truyền thống gây ô nhiễm hoặc thâm dụng lao động. Trong khi chủ trương chung là giãn dân để giảm áp lực dân số lên hạ tầng ở khu trung tâm các TP lớn. Như vậy, việc chuyển đổi này lại kéo thêm công nghiệp thâm dụng lao động, theo đó là dân nhập cư tăng, tạo áp lực lên hạ tầng, cái vòng luẩn quẩn ngày càng rộng lớn và nặng nề hơn.
Mất cân đối trong phát triển đô thị
Hoạt động trong ngành bất động sản nhưng ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng nếu chuyển đổi tới cả trăm ngàn héc ta đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ, đô thị là không hợp lý. Theo ông Châu, chuyển đổi nhiều như thế sẽ tạo ra sự bất cân đối trong phát triển đô thị. Ông cho rằng để khắc phục việc phát triển đô thị theo kiểu “vết dầu loang”, từ khu trung tâm lan rộng ra các vùng lân cận như hiện nay, TP.HCM đang định hướng quy hoạch phát triển theo kiểu đô thị đa trung tâm bao gồm khu lõi và các khu đô thị vệ tinh. Tuy nhiên, phát triển đô thị không có nghĩa là phát triển 100% thương mại, dịch vụ, khu công nghiệp mà vẫn phải có vành đai nông nghiệp. Cần một phần đất thỏa đáng cho mảng xanh TP. Rìa đô thị nên tiếp giáp rừng hoặc cánh đồng như nhiều nước phát triển trên thế giới. Hơn nữa, tại TP.HCM hiện nay, nông sản chủ yếu không phải là lúa mà là nông nghiệp kỹ thuật cao, tập trung vào con giống và công nghệ ươm trồng, còn đang được định hướng xây dựng thành các sản phẩm du lịch nên giá trị kinh tế mang lại rất lớn.
“Kể cả khi có chuyển 1/3 đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp vẫn cần có lộ trình và trọng điểm, quy hoạch trong tầm nhìn 100 năm”, ông Châu nhấn mạnh.
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đặt vấn đề tại sao lại phải chuyển sang đất phi nông nghiệp khi 6.000 ha đất TP.HCM quy hoạch cho khu công nghiệp nhưng đến nay sử dụng chưa được 50%. Điều đó chứng tỏ nhu cầu sử dụng chưa tới vì giá đất hiện nay quá cao. Hơn nữa, không phải miếng đất nào cũng làm công nghiệp được.
“Đất nông nghiệp ở TP.HCM hiện nay chia thành 2 dạng: dạng thứ nhất đang phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao, dạng thứ hai không có lợi thế nông nghiệp nhưng dùng để dự trữ cho quỹ đất đô thị trong tương lai. Không chỉ riêng quỹ đất nông nghiệp, các loại khác cũng đều đã có trong quy hoạch, đang triển khai và không có lý do gì để phải chuyển đổi”, ông Lịch nói.
Chí Nhân - Trung Hiếu - Hà Mai
(Thanh Niên)
- Nên sớm có luật về PPP
- Định hướng và mô hình nào cho khu chế xuất?
- TPHCM đề xuất nghiên cứu lại đường sắt đến cảng Cát Lái
- Vì sao bờ sông Sài Gòn phải cõng dày đại dự án?
- Cuộc đua cảng quốc tế ở khu vực phía Nam: Cạnh tranh hay hợp tác?
- Tách đặc quyền sử dụng đất vàng khỏi doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa
- Phát triển công trình xanh tại Việt Nam: Đừng chiều nhà đầu tư
- Vì sao cần quy hoạch, tái thiết khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận?
- Để kiểm soát BOT tốt hơn: Ba vấn đề quan sát được
- Tranh luận chuyện đầu tư metro theo hình thức PPP