Có ý kiến cho rằng phát triển không gian ngầm trong điều kiện tốc độ đô thị hóa nhanh như TPHCM là điều cần thiết. Song, để người dân sớm được sử dụng các công trình tiện ích ngầm thì nhà nước phải tạo cơ chế khuyến khích tư nhân tham gia xây dựng công trình ngầm.
Một đoạn dầm cầu đường sắt đô thị bắc qua sông Sài Gòn đã hoàn thành lao lắp vào tháng 9/2016. Ảnh: TTXVN
Ông Phan Hữu Duy Quốc, Phó trưởng Văn phòng đại diện Tập đoàn xây dựng Shimizu Nhật Bản, cho biết quy hoạch xây dựng không gian ngầm lấy phương tiện giao thông công cộng làm trung tâm và đây là xu hướng phù hợp đối với TPHCM. Từ đó, ông Quốc đề xuất để hiện thực hóa quy hoạch này thì cần phải kêu gọi tư nhân tham gia thực hiện quy hoạch.
Theo ông Quốc, nhà nước chỉ cần lập quy hoạch những nơi cần xây dựng công trình ngầm, xây dựng công trình ngầm công cộng, còn lại các công trình ngầm khác như trung tâm thương mại, dịch vụ giải trí ... thì cần mở rộng cho tư nhân tham gia.
Chẳng hạn, nếu quy hoạch không gian ngầm lấy các tuyến metro làm trục phát triển thì cần phải biến các nhà ga metro thành các trung tâm thương mại cả trên mặt đất lẫn dưới lòng đất. Có như vậy, giá trị của các nhà ga metro được nhân lên nhiều lần, người ta đi metro và đến các nhà ga để ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí, gặp gỡ bạn bè. Các không gian này được thiết kế đầy đủ các công trình phụ trợ và công trình tiện ích hoàn chỉnh, ví dụ như có bãi đậu xe, sẽ giúp phát huy hiệu quả các tuyến metro trong mục tiêu vận tải công cộng và giảm ách tắc giao thông.
Đối với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) nếu muốn làm được như nói ở trên sẽ tốn kém nhiều chi phí để di dời cho nên cần phải quy hoạch ngay từ bây giờ đối với các tuyến metro còn lại.
- Ảnh bên: Ông Phan Hữu Duy Quốc. Ảnh: V. Nam
"Mấu chốt vẫn là nhà nước cần tạo cơ chế, hành lang pháp lý về kỹ thuật để khuyến khích tư nhân tham gia phát triển không gian ngầm chứ ngân sách nhà nước sẽ khó kham nổi hết", ông Quốc đề nghị và nhấn mạnh thêm là không gian ngầm cần được tính toán kết nối giữa không gian ngầm chung công cộng và không gian ngầm riêng của các tòa nhà đô thị hiện hữu.
Ví dụ, chính quyền thành phố tạo cơ chế để tư nhân đầu tư một tuyến phố đi bộ ngầm dưới trục đường Lê Lợi ngay khu trung tâm, kết hợp trung tâm mua sắm ngầm, đảm bảo có lối đi bộ dưới lòng đất cho người dân. Nhà nước chỉ quy hoạch không gian kết nối giữa khu phố đi bộ ngầm này với trục metro số 1 đang xây dựng.
Ông Quốc nhấn mạnh nếu có đầy đủ cơ chế khuyến khích tư nhân tham gia khai thác không gian ngầm bằng những hành lang pháp lý rõ ràng và dài hạn thì việc phát triển một thành phố dưới lòng đất khu trung tâm 930 héc ta hiện hữu là điều trong tầm tay.
Hải La
(TBKTSG)
- Phải minh bạch thông tin điều chỉnh quy hoạch Thủ Thiêm
- Thu hút đầu tư không có nghĩa là đi dọn đất cho doanh nghiệp
- TP.HCM được khuyên xây trung tâm hành chính mới ở Thủ Thiêm
- Quy hoạch phương tiện giao thông đô thị vị dân sinh
- Quy hoạch cảng ĐBSCL: nên thuận theo tự nhiên
- Xây dựng luật về PPP có ý nghĩa gì?
- Thuế tài sản - Sự lựa chọn nào cho nền tài chính đô thị?
- Kiến nghị khu để xe chung cư cao tầng khu đô thị mới tách biệt nơi ở
- Nhà tái định cư ở đô thị: sai từ đề bài
- Nhà cao tầng - cỗ máy hái ra tiền hay hiểm họa?