Hiện vẫn còn dai dẳng một sự hiểu nhầm về vai trò của chính quyền địa phương trong thu hút đầu tư từ doanh nghiệp.
Đúng là chính quyền phải tìm mọi cách để làm sao doanh nghiệp sẵn lòng chuyển cơ sở sản xuất hay mở cơ sở mới tại địa phương của mình từ đó mới tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương, tạo nguồn thu cho ngân sách, cũng như tạo sự lan tỏa ra các hoạt động kinh doanh khác. Những ưu đãi các tỉnh, thành có thể đưa ra gồm cả mức thuế hấp dẫn, nguồn lao động dồi dào, các cơ sở hạ tầng thuận lợi, điện nước có sẵn...
Nhưng, nếu thế, làm sao phân biệt được với các doanh nghiệp sân sau, các mối làm ăn thân hữu; làm sao loại trừ hiện tượng bắt tay với nhau để khai thác các nguồn lợi của địa phương cho túi tiền riêng của các quan chức?
Ảnh minh họa mặt bằng của Khu kinh tế Dung Quất. (Ảnh: TTXVN)
Có rất nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất vẫn là đất đai và các nguồn tài nguyên công sản khác. Đã đến lúc phải chấm dứt việc chính quyền địa phương “thu hồi” đất của người dân rồi giao cho doanh nghiệp dưới danh nghĩa vì sự phát triển kinh tế địa phương. Chính quyền địa phương có thể làm tất cả mọi việc khác, kể cả miễn hẳn thuế cho doanh nghiệp nhưng khi đụng đến đất đai thì cứ để doanh nghiệp thỏa thuận với người dân. Có thể đi theo cách này, doanh nghiệp sẽ mất thời gian hơn, vất vả hơn, tốn kém hơn nhưng sẽ chấm dứt tình cảnh mâu thuẫn giữa ba bên: chính quyền - người dân - doanh nghiệp.
Nếu cứ để cho quy luật cung cầu của thị trường tác động, doanh nghiệp cũng sẽ cân nhắc đầu tư hay rút đi khi người dân gây sức ép để đòi mức đền bù cao không thực tế và người dân cũng sẽ cân nhắc lợi hại khi nhìn nhận các cơ hội được đưa ra.
Với đất đai đã là đất công hay các nguồn tài nguyên công sản khác, mấu chốt là sự công khai minh bạch. Công khai sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh để tự thân các doanh nghiệp không cần phải móc nối với quan chức khi cân nhắc đấu thầu hay không, đưa ra giá như thế nào... vì lúc đó họ sẽ được bảo đảm không bao giờ có chuyện bị bắt buộc hủy bỏ hợp đồng mang tính chạy chọt. Thiết nghĩ các doanh nghiệp lớn, tầm nhìn lâu dài vượt qua tính nhiệm kỳ của hệ thống hành chính, sẽ biết ứng xử chuyên nghiệp để tự bảo vệ cho chính họ.
Gần đây các hiện tượng “chủ nghĩa tư bản thân hữu” trắng trợn đã dần dần được bóc trần qua các vụ án đang trong quá trình điều tra hay xét xử. Người dân bình thường không thể nào hiểu nổi vì sao những khoảng đất lớn, ở vị trí đắc địa được giao một cách dễ dàng cho các doanh nghiệp sau một hai bút phê của lãnh đạo địa phương. Trong khi đó, khiếu kiện về đất đai vẫn không suy giảm.
Giới làm chính sách phải nhân các vụ án để thiết kế các biện pháp chặn đứng sự cấu kết giữa quan chức tham nhũng và doanh nghiệp “thân hữu” - các khuôn khổ pháp lý thật ra cũng đã có sẵn; chỉ cần một quyết tâm áp dụng luật một cách cương quyết, không có ngoại lệ. Và từ đó cũng nên bỏ cái thông lệ “bút phê” để buộc bất kỳ lãnh đạo địa phương nào phải chịu trách nhiệm cho quyết định của mình bằng văn bản chính thức mà người dân có thể tiếp cận dễ dàng.
(Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
- 'Nhóm lợi ích' làm méo mó quy hoạch
- Bảo tồn di sản đô thị - trách nhiệm từ ai?
- HoREA: Cần đấu thầu rộng rãi các dự án hạ tầng theo hình thức PPP, BT, BOT
- Đà Nẵng: Báo động đỏ về đất cây xanh
- Phải minh bạch thông tin điều chỉnh quy hoạch Thủ Thiêm
- TP.HCM được khuyên xây trung tâm hành chính mới ở Thủ Thiêm
- Quy hoạch phương tiện giao thông đô thị vị dân sinh
- Quy hoạch cảng ĐBSCL: nên thuận theo tự nhiên
- Khuyến khích tư nhân tham gia phát triển không gian ngầm
- Xây dựng luật về PPP có ý nghĩa gì?