Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Phản biện Cần có quy hoạch dài hạn trong phát triển đô thị tại Việt Nam

Cần có quy hoạch dài hạn trong phát triển đô thị tại Việt Nam

Viết email In

Là quốc gia đang có tốc độ đô thị hóa cao, dân số thành thị tăng ngày một nhanh, Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại trong việc làm thế nào để quy hoạch đô thị đạt hiệu quả cao hơn. 


Thách thức trong nông nghiệp và giao thông 

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đang là nước có tốc độ đô thị hóa thuộc hàng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tính đến thời điểm cuối năm 2010, số lượng dân cư sống tại các đô thị tại Việt Nam khoảng hơn 26 triệu người, tăng 30,5% so với thời điểm năm 1986. 

Cũng như nhiều nước đang phát triển, tại các vùng giáp ranh giữa đô thị và nông thôn của Việt Nam, diện tích đất nông nghiệp đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đã từ lâu, Hà Nội phát triển trong mối liên hệ chặt chẽ với các khu vực nông nghiệp xung quanh. Kể từ khi sáp nhập với Hà Tây năm 2008, tổng diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội chiếm 57%, dân số nông thôn tăng từ 42% lên 59% tổng dân số. Tỷ trọng của nông nghiệp đối với kinh tế Hà Nội vẫn ổn định quanh mức 6% GDP. 

  • Ảnh bên: Diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa (nguồn: Petrotimes)

Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp đang ngày càng có xu hướng giảm nhanh và rõ rệt. Đặc biệt, vào những năm 2000, đô thị hóa kéo theo việc các khu sản xuất và khu dân cư ven đô mọc lên dọc theo các tuyến đường mới xây dựng. Thành phố không ngừng mở rộng, theo dự kiến, giai đoạn 2010-2020, diện tích đất nông nghiệp sẽ giảm tới 30%.

Người nông dân phải đối mặt với tình trạng đất canh tác bị thu hẹp dần, nhu cầu về sản phẩm có chất lượng vẫn chưa cao, chăn nuôi bị đẩy ra xa ngoại vi thành phố. Từ năm 2002 tới 2011, khu vực cung cấp thực phẩm của Hà Nội đã mở rộng. Mối liên hệ giữa trung tâm thành phố với khu vực ven đô trong bán kính gần nhất đã giãn ra. Các khu ven đô vẫn là nơi cung cấp lượng thực phẩm lớn cho thủ đô, đặc biệt là rau quả, tuy nhiên hiện nay các nông sản này đang dịch chuyển dần ra xa Hà Nội.

Trong 10 năm từ 1999 đến 2009, dân số đô thị tại Hà Nội đã tăng từ 34,2% lên 40,5%, nhưng phần lớn lại sống tập trung ở các quận nội thành, vốn có diện tích nhỏ hẹp. Điều này dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông ở nội đô, hệ thống dịch vụ quá tải, suy giảm chất lượng sống, ảnh hưởng đến cấu trúc đô thị và cảnh quan môi trường. 

Với bản Quy hoạch đô thị tổng thể, mặc dù Hà Nội đã xác định các định hướng phát triển của thành phố cho các thập kỷ tới, nhưng việc triển khai các định hướng này như thế nào khi mà đường giao thông không chỉ phục vụ cho nhu cầu đi lại mà còn phải đáp ứng được cho lưu thông vận tải hàng hóa, khi mà lượng xe máy chiếm tới 75% phương tiện đi lại, số lượng ô tô gia tăng một cách nhanh chóng. 
 

Giải pháp về quan hệ đối tác nhà nước – tư nhân

Nằm trong chương trình thảo luận của Diễn đàn kinh tế và tài chính Việt – Pháp diễn ra trong hai ngày 19 và 20/3 tại Hà Nội, một trong những nội dung được các đại biểu đưa ra trong sự phát triển các khu vực ven đô tại Việt Nam là vấn đề quan hệ đối tác giữa nhà nước và tư nhân.

Hiện tại, chính phủ Việt Nam mong muốn phát triển quan hệ đối tác nhà nước – tư nhân (PPP). Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP của Việt Nam đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15/1/2011 và Việt Nam cũng vừa đề ra chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng rất lớn với giải pháp tài chính quan trọng là ưu tiên mô hình PPP.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, nhiều ý kiến cho rằng, một mặt phải xác định được các cơ hội mở ra cho các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc cải thiện dịch vụ công, mặt khác phải có những năng lực cần thiết để triển khai các dự án có tính chất phức tạp này. Việt Nam cần phải cải cách rộng rãi hơn các ngành, xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các tác nhân, gây dựng được lòng tin của đối tác tư nhân. Đối với khu vực ven đô, cần ưu tiên cải thiện chất lượng dịch vụ và đảm bảo hiệu quả tài chính cho các doanh nghiệp địa phương nhằm thu hút đầu tư.

Các đại biểu cũng lưu ý các mô hình PPP không thể áp dụng như nhau cho mọi hoàn cảnh, mọi lĩnh vực mà cần phải được triển khai trên cơ sở đặc thù của mỗi dự án.

Liên quan tới vấn đề nông nghiệp và phát triển đô thị, nhiều đề xuất đã thẳng thắn đưa ra cho chính quyền địa phương như việc quy hoạch nên phân vùng địa lý chi tiết để có thể đảm bảo quỹ đất cho nông nghiệp. Khuyến khích các hình thức chứng nhận chất lượng, cũng như nâng cao nhận thức của người phân phối và người tiêu dùng trong vấn đề này. Đẩy mạnh nông nghiệp ven đô cùng với phát triển chế biến các sản phẩm thiết yếu, cung cấp các dịch vụ liên quan tới du lịch sinh thái. 

Để phát triển nông nghiệp ven đô một cách bền vững trong tương lai, cần phải tổ chức sản xuất nông nghiệp tại khu vực đô thị, chính quyền cần phải thừa nhận vai trò tích cực của nông nghiệp ven đô trong việc giải quyết việc làm, cung cấp thực phẩm và các dịch vụ môi trường phục vụ cho đô thị. 

Vũ Thành 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo