"Về lâu dài, đã biết “gốc rễ” của tình trạng ùn tắc giao thông là từ quy hoạch, thực hiện không nghiêm quy hoạch và vấn đề buông lỏng thực hiện pháp luật về giao thông thì phải kiên quyết khắc phục," TS Trần Trọng Hanh nhấn mạnh. Đối với khu phố cũ, phải nhất quán giảm tải và phải thể hiện quan điểm này trong việc xử lý các “khu đất vàng” do các trường đại học, cao đẳng di dời để lại.
Một lần nữa Hà Nội thừa nhận vấn đề căn bản của giao thông chưa thể giải quyết sau hàng loạt biện pháp như phân làn phương tiện, bịt ngã tư, thay đổi giờ học giờ làm… tốn kém không biết bao nhiêu tiền của công sức của thành phố và người dân. Điểm không mới nhưng hút được sự chú ý của dư luận chính là chỗ, Hà Nội đã nhận ra những biện pháp tình thế mãi chỉ là tình thế, các giải pháp “chiến thuật” dù cố gắng cũng không tạo nên chuyển biến căn bản cho giao thông nên đã trở lại “gốc rễ” vấn đề như phát biểu của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: “Giải quyết vấn đề giao thông phải bằng tầm nhìn của quy hoạch”.
Nhìn thẳng vào sự thật: Lấy quy hoạch làm gốc
Mới nhất là giải pháp thay đổi giờ học, giờ làm đang áp dụng. Sau thời gian thực hiện, thành phố đã thừa nhận biện pháp này bước đầu có hiệu quả nhưng không căn bản. Các điểm thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm giảm từ 124 xuống còn 79, nhưng lại phát sinh nhiều điểm ùn tắc khác.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải thành phố thừa nhận, sau đổi giờ học giờ làm lưu lượng phương tiện có giảm vào giờ cao điểm, nhưng những trục đường chính không thay đổi nhiều, như các đường Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã, Tôn Thất Tùng - Trường Chinh, Lê Duẩn - Đê La Thành, và ngay cả đường Phạm Hùng có mặt cắt lớn cũng tắc…
- Ảnh bên: Công trình xây dựng cầu vượt chống ùn tắc giao thông tại ngã tư Tây Sơn - Chùa Bộc (ảnh: Lê Nguyên /Lao Động).
Điều này không quá bất ngờ bởi như Báo CAND đã phản ánh ý kiến của nhiều chuyên gia trong đó có PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT: Việc bố trí lệch giờ cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên TP HCM đã làm nhưng tác động cải thiện tình hình không rõ nét. Nhìn lại các biện pháp phân làn phương tiện không thành, bịt ngã tư không xong, đổi giờ học giờ làm không tạo chuyển biến căn bản về giao thông…
Kết quả của những thử nghiệm chưa thành công đó đã có ích là tác động vào cách nhìn của các nhà quản lý giao thông, với một thông điệp là phải trở về “gốc rễ” của vấn đề là quy hoạch giao thông phải đi trước một bước, mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội chứ không thể để nó tạo thành “nút thắt” của sự phát triển như hiện nay.
Khi bàn tới giải pháp giải bài toán tắc nghẽn giao thông đô thị, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an, Thiếu tướng Lê Văn Cương đặt vấn đề giải pháp của các giải pháp là phải tìm cho được “điểm nghẽn” của giao thông hiện nay nằm ở đâu để từ đó mới đưa ra lộ trình giải quyết.
Theo hướng tư duy này, qua thực tiễn giao thông hai thành phố lớn thời gian qua, phần đông các nhà quản lý, nhà chuyên môn đều chung một quan điểm “nút thắt” chính là do lâu nay quy hoạch giao thông đã và luôn đi sau so với yêu cầu thực tiễn. TS Trần Trọng Hanh cho rằng, tại Hà Nội, chúng ta đã không thực hiện nghiêm quy hoạch, lại tiếp tục chất tải vào khu vực phố cũ làm bức tranh giao thông càng thêm trầm trọng.
Khu phố cổ tuy đường nhỏ nhưng dễ lưu thoát cho dù lượng người đông gấp nhiều lần so với lúc mới thiết kế xây dựng, đó là bằng chứng thuyết phục có căn nguyên từ làm tốt quy hoạch. Tình trạng đô thị “trắng trường”, không sân chơi, chuyển đổi mục đích công trình… là những nguyên nhân gây gia tăng tần suất đi lại của người dân khi buộc họ phải thỏa mãn các nhu cầu này ở những nơi khác trong thành phố.
Kiên quyết di dời các trường đại học, cao đẳng, tổ chức lại giao thông
Chúng ta không đủ tiềm lực vật chất và con người để cùng một lúc giải quyết mọi vấn đề bức xúc về giao thông nói chung, ùn tắc giao thông đô thị nói riêng thì phải đột phá vào khâu nào, biện pháp gì cho lay chuyển tình hình?
Về lâu dài, đã biết “gốc rễ” của tình trạng ùn tắc giao thông là từ quy hoạch, thực hiện không nghiêm quy hoạch và vấn đề buông lỏng thực hiện pháp luật về giao thông thì phải kiên quyết khắc phục, TS Trần Trọng Hanh nhấn mạnh. Đối với khu phố cũ, phải nhất quán giảm tải và phải thể hiện quan điểm này trong việc xử lý các “khu đất vàng” do các trường đại học, cao đẳng di dời để lại.
Trên bình diện toàn thành phố, ông Lê Vinh - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội - cho biết: Quy hoạch đặt ra 8 tuyến đường sắt đô thị. Mạng lưới đường bộ khung của thành phố mở rộng bao gồm 5 tuyến đường vành đai từ I đến V (trong đó đường vành đai V chạy qua nút Hòa Lạc, sát đường chỉ giới các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên).
Ngoài ra còn một số đường cao tốc như Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai… đều đang triển khai. Nối các tuyến đường vành đai bằng một số đường trục hướng tâm như chúng ta đã thấy. Trong quy hoạch lần này các bến, bãi đỗ xe liên tỉnh đã được xác định…Vấn đề là giải quyết bài toán vừa đầu tư vừa khai thác sao cho hiệu quả, trong khi tiềm lực của chúng ta còn hạn hẹp.
Giải pháp trước mắt là nghiên cứu kỹ lưỡng rồi thực hành việc tổ chức lại giao thông ở từng nút giao, tuyến đường trong thành phố, TS Doãn Minh Tâm - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ GTVT đề xuất. Ông Tâm cho biết, sở dĩ việc bịt ngã tư, hay một vài giải pháp khác chưa đạt hiệu quả mong muốn vì chưa có sự nghiên cứu thấu đáo dưới góc độ khoa học, phần nhiều do nôn nóng kiểm chứng trong thực tiễn.
Cùng với tổ chức lại giao thông, việc di dời các trường đại học, cao đẳng ra khỏi trung tâm đang nằm trong tay thành phố cần phải kiên quyết thực hiện với tinh thần khẩn trương. TS Trần Trọng Hanh nhấn mạnh, để cuộc di dời thành công thì phải căn cứ trên cơ sở đề án rà soát sắp xếp các trường đại học, cao đẳng chứ không phải cứ xây dựng trường ở nơi xa vắng sau đó mới thu hút người đến như bài học trước đây.
Phần lớn các chuyên gia cho rằng giải quyết vấn đề quy hoạch đô thị, giao thông đô thị phải lấy con người làm trung tâm, chứ không phải phương tiện hay yếu tố nào khác. Muốn thế, cần tạo sức hút ở các đô thị vệ tinh, không nên tập trung dân cư vào vùng lõi bằng các cơ chế, chính sách cụ thể. Những mô hình đã thành công ở thủ đô của Pháp, tại Nhật Bản... ta có thể tham khảo.
Thanh Phong
- Mẫu nhà cho nông thôn TPHCM - Những lời khuyên bổ ích
- Hệ thống giao thông công cộng ở Hà Nội: tính cấp thiết và những rào cản
- Đô thị hóa ở Việt Nam đứng trước ngã ba đường
- Đứt gãy, động đất và núi lửa ngầm tác động làm nứt đập Sông Tranh 2
- Xe đạp “hậu hiện đại”
- Cần đa sở hữu đất đai
- "Nhường" và "chờ" trong giao thông
- Cần có quy hoạch dài hạn trong phát triển đô thị tại Việt Nam
- Đau đầu với các “quan” giao thông
- Quyền sở hữu đất đai trong Hiến pháp 1992 sửa đổi?