Đó là ý kiến của hầu hết đại biểu tham dự buổi tọa đàm “Đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước” do Văn phòng T.Ư Đảng và Trường ĐH Mở TP.HCM tổ chức ngày 30/3.
Theo ông Nguyễn Phượng Vỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn, bất cập lớn nhất của luật Đất đai năm 2003, là quy định về việc sở hữu đất đai. Nếu không xác định rõ được chủ thể sở hữu đất đai một cách cụ thể thay cho chủ thể toàn dân như hiện nay thì sắp tới, có sửa những vấn đề bất cập khác của luật cũng không mang lại giá trị đột phá.
Ông Vỹ đề nghị nên sửa đổi từ quy định “đất đai là sở hữu toàn dân” thành “đất đai là đa sở hữu”. Quy định như vậy sẽ phù hợp hơn với thực tiễn phát triển kinh tế của nước ta hiện nay. Vì hiện nay, chính sách phát triển kinh tế của nước ta là nhiều thành phần nên đất đai cũng phải là tài sản đa sở hữu để ứng với từng thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, đa sở hữu cũng phù hợp hơn với thực tiễn vì có đất đai do cá nhân bỏ tiền ra mua, do thừa kế của cha, mẹ... (sở hữu tư nhân) hoặc một nhóm người đã bỏ tiền ra mua đất (sở hữu tập thể)... Bất cập hiện nay là trong khi chúng ta không quy định quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai, nhưng thực tế mảnh đất đó vẫn là tài sản hợp pháp của họ. Người dân đã mua đất thì họ phải có quyền sở hữu đất chứ không phải chỉ có quyền sử dụng đất (như quy định của luật Đất đai hiện nay). Vì vậy, nên có 3 hình thức sở hữu là nhà nước, cộng đồng và tư nhân. Khi đó, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai sẽ giảm và tài nguyên đất cũng được sử dụng hiệu quả hơn, không lãng phí như vừa qua. Ông Vỹ cũng đề xuất, sửa Hiến pháp năm 1992 vì thuật ngữ "toàn dân" là hết sức mơ hồ.
Dinh lũy cuối cùng của cơ chế bao cấp TS Phạm Văn Võ, Trường ĐH Luật TP.HCM nói rằng, 20 năm định kỳ chia lại, cào bằng, như vậy sẽ tiếp tục manh mún, không tích tụ tập trung ruộng đất. Người nông dân không dám đầu tư để khai thác đất có hiệu quả hơn. Chính sách đất đai là “dinh lũy” cuối cùng của cơ chế bao cấp. |
Đến từ Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, ông Trần Anh Tuấn cho rằng, vấn đề sở hữu cần xác định rõ theo nguyên tắc thị trường. Nên đa sở hữu, trong đó công nhận quyền sở hữu của cá nhân.
Manh mún vì hạn điền
TS Nguyễn Quốc Ngữ, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng T.Ư Đảng cho rằng, cái rắc rối nhất của luật Đất đai 1993 và luật Đất đai 2003 là hạn điền. Khi chính quyền xem chính sách hạn điền có thể tùy nghi vận dụng trong quản lý, trong thủ tục thu hồi đất và cấp đất, xét xử tranh chấp… nên chính quyền không muốn sửa luật. Còn người dân, để đối phó với chính sách hạn điền, họ nhờ người khác đứng tên, né thuế lũy tiến trước đây và thuế vượt hạn điền sau này. Điều này vừa tạo ra tâm lý không an tâm về một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước vừa tạo điều kiện cho sự bội tín trong nội bộ nông dân, gia đình họ hàng. “Ngày nào chúng ta còn tính sống với cái bình quân đất đai, bình quân lương thực trên mỗi nhân khẩu là ngày ấy chưa thoát ra khỏi tư duy và hệ quả của nền kinh tế tiểu nông lạc hậu”, TS Ngữ nói.
Tạo điều kiện tham nhũng Theo ông Nguyễn Phượng Vỹ, đối với vấn đề giao đất cho hộ gia đình, thuật ngữ “sử dụng đất không hiệu quả” đã gây khó cho dân, khi chính quyền địa phương là người giao đất nhưng cũng chính họ là người xác nhận hiệu quả sử dụng đất. Cơ chế này đã gián tiếp bắt người nông dân phải cầu cạnh chính quyền địa phương nếu muốn được chính quyền giao đất cho sử dụng tiếp. Người nông dân bị chèn ép còn nguy cơ tham nhũng trong cơ quan công quyền lại rất cao. |
TS Trần Du Lịch nói, khi đi tham quan cánh đồng mẫu lớn ông nhận thấy, tích tụ ruộng đất là đúng. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng bao chiếm đất đai khi bãi bỏ chính sách hạn điền, nên dùng chính sách thuế. Nếu trên hạn điền thì đóng thuế, còn nếu thuê của nông dân thì miễn thuế. Nếu đánh thuế lũy tiến thì không còn ai dám làm “địa chủ". Điều này cũng giúp những người nông dân có thể làm thuê trên đất của chính mình. Khi không còn làm nữa thì lấy tiền thuê đất để sinh sống. Số tiền này như một khoản lương hưu.
Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Ngọc Vinh, ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, chính sách hạn điền được ban hành rất lâu nên đã lạc hậu, xóa đi để phát triển kinh tế trang trại. Ngày nay có 10 triệu ha đất phục vụ đất nông nghiệp chia ra 7 triệu thửa, cho 14 triệu nông dân. Nếu chính sách hạn điền vẫn duy trì thì tính manh mún trong nông nghiệp sẽ làm hạn chế công nghiệp hóa.
Thiên Bảo
- Hệ thống giao thông công cộng ở Hà Nội: tính cấp thiết và những rào cản
- Đô thị hóa ở Việt Nam đứng trước ngã ba đường
- Đứt gãy, động đất và núi lửa ngầm tác động làm nứt đập Sông Tranh 2
- Xe đạp “hậu hiện đại”
- Giải quyết “nút thắt” giao thông Hà Nội: Quy hoạch phải đi trước
- "Nhường" và "chờ" trong giao thông
- Cần có quy hoạch dài hạn trong phát triển đô thị tại Việt Nam
- Đau đầu với các “quan” giao thông
- Quyền sở hữu đất đai trong Hiến pháp 1992 sửa đổi?
- Vai trò của quy hoạch đô thị trong việc giải quyết ngập lụt tại TPHCM