Khu vực Chợ Lớn hình thành vào khoảng thế kỷ 17 với những nhóm cư dân người Hoa làm nhiều nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Lúc đó trung tâm thương nghiệp Đàng Trong là cảng sâu Cù lao Phố trên sông Đồng Nai, cũng do người Hoa lập ra và phát triển. Sau cuộc chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh (1778), Cù lao Phố bị tàn phá, người Hoa ở đây đổ về Chợ Lớn và khu vực này trở thành một “khu phố Tàu” – trung tâm thương nghiệp, thủ công nghiệp với nghề làm gốm nổi tiếng. Trong nửa đầu thế kỷ 20, Sài Gòn – Chợ Lớn nối liền nhau, song vẫn là hai khu vực có chức năng khác nhau: Sài Gòn chủ yếu là trung tâm hành chính – chính trị, còn Chợ Lớn là khu thương mại, tập trung các chợ đầu mối hàng hoá cho thị trường đồng bằng sông Cửu Long cũng như đầu mối thu gom nông sản, nhất là lúa gạo, từ đồng bằng sông Cửu Long để xuất khẩu.
Chùa Bà Thiên Hậu trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, một điểm đến khám phá của nhiều du khách (Ảnh: Trần Việt Đức)
Dự án Bảo tồn và phát triển Chợ Lớn trên cơ sở kiểm kê hệ thống di tích (nhà ở, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, cảnh quan kiến trúc đô thị, cảnh quan văn hoá…) đã lựa chọn đề xuất những tuyến, điểm tiêu biểu nhất để bảo tồn cảnh quan và không gian, những tuyến điểm khác sẽ có sự “phát triển” – xây dựng mới – khai thác giá trị hiện hữu của đô thị hoá, nhưng vẫn phù hợp với không gian rộng lớn và lịch sử phát triển của cả thành phố. Khu vực “bảo tồn” là điểm tựa và khu vực “phát triển” là đòn bẩy để Chợ Lớn thực sự trở thành một “đô thị di sản” như nhiều đô thị di sản nổi tiếng trên thế giới.
Tuy nhiên, cũng như nhiều dự án bảo tồn khác của nước ta, ở khu vực bảo tồn dường như mục đích “phục vụ du lịch” (khai thác kinh tế) vẫn là hàng đầu và quan trọng nhất, mà lẽ ra, vì cộng đồng dân cư phải là mục đích chính. Bởi nếu không chú trọng đến cộng đồng đã tạo nên di sản văn hoá thì khó có thể bảo tồn và phát triển. Nói đến Chợ Lớn là nói đến cộng đồng người Hoa và những sinh hoạt kinh tế – văn hoá đặc trưng. Tuy đã dự tính những tác động đến dân cư khi dự án tiến hành nhưng đó mới chỉ là “bề nổi”, “bề sâu” là cần nhận biết kết cấu cộng đồng người Hoa ở khu vực này đã biến đổi thế nào, và sự biến đổi đó tác động thế nào đến di sản văn hoá (vật thể và phi vật thể) ở đây? Đánh giá được điều này sẽ cho một dự báo, cảnh báo cho hiện tại và tương lai của khu vực Chợ Lớn. Ta đã biết người Hoa có lối sống, truyền thống sinh hoạt từ gia đình đến cộng đồng rất gắn bó (tam tứ đại đồng đường, các bang hội nhóm…). Diện mạo di sản không thể tách rời diện mạo cộng đồng đã gắn bó và làm chủ di sản trong quá khứ. Cộng đồng nào thì sẽ xây dựng hoặc làm biến đổi di sản theo văn hoá của mình.
Thứ hai, ở các đô thị lớn nếu mặt tiền đường phố thể hiện sức sống thì những con hẻm chằng chịt phía sau, bên trong chính là mạch máu nuôi sống đô thị ấy. Ở khu vực Chợ Lớn điều này càng rõ. Đơn cử: cung cấp hàng hoá cho chợ đầu mối Bình Tây và nhiều tiệm hàng hoá khác có một phần quan trọng từ những ngôi nhà là “kho hàng” trong các hẻm nhỏ, nghề “bỏ mối” hàng hoá bằng xe máy, xe ba gác rất linh hoạt đã nuôi sống nhiều người, chưa kể những cơ sở tiểu thủ công nhỏ lẻ trong các hẻm này. Ngoài ra, có thể nói ở khu vực Chợ Lớn vẫn còn duy trì khá rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa “huyết thống” và “cư trú” trong các hẻm (lý, hạng – theo cách gọi của người Hoa). Vì vậy, quy hoạch bảo tồn các “ô phố” gồm cả mặt tiền và hệ thống hẻm lớn nhỏ cần được dự án chú ý hơn.
“Bảo tồn và phát triển” là hai yêu cầu đồng thời là điều kiện quan trọng nhất của các dự án bảo tồn di sản văn hoá, nhất là đối với những “di sản sống cùng thành phố” như Chợ Lớn.
TS Nguyễn Thị Hậu
Theo dự án Ý tưởng thiết kế đô thị bảo tồn và cải tạo khu phố cổ Chợ Lớn của đơn vị tư vấn, công ty DCU (Tây Ban Nha) được sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM lựa chọn để trình UBND thành phố, khu vực nghiên cứu bảo tồn được giới hạn bởi các tuyến đường Tản Đà – Nguyễn Trãi – Phù Đổng Thiên Vương – kênh Hàng Bàng – Nguyễn Trãi – Tháp Mười – Lê Tấn Kế – Bãi Sậy – Võ Văn Kiệt. Trong 68ha, có ba khu vực được đơn vị tư vấn chọn để nghiên cứu sâu làm điểm nhấn cho toàn bộ không gian cần bảo tồn của phố cổ Chợ Lớn. Một là khu vực chợ Bình Tây và các dãy phố lân cận rộng khoảng 4,2ha được giới hạn từ đường Tháp Mười – Lê Tấn Kế – kênh Hàng Bàng, trong đó kênh Hàng Bàng sẽ được nạo vét, cải tạo để kết hợp với khu đất trước mặt chợ Bình Tây thành không gian công cộng, đồng thời khôi phục không gian chợ – kênh của Chợ Lớn xưa. Khu vực thứ hai là đường Phú Định, Nguyễn Án, Triệu Quang Phục rộng 4,6ha với nhiều đình, chùa, hội quán mang nét đặc trưng của người Hoa như chùa Tam Sơn, đình Minh Hương... Khu vực còn lại dành cho phát triển mới, giới hạn bởi đường Hải Thượng Lãn Ông – Vạn Kiếp – Võ Văn Kiệt rộng 5,3ha. Những khu đất mặt tiền đường Võ Văn Kiệt dành cho nhà cao tầng, tiếp đó là khu cách ly có phố đi bộ, bãi đậu xe ngầm và cây xanh để bảo vệ khu vực bảo tồn phía đường Hải Thượng Lãn Ông. Mục tiêu lâu dài của dự án là sẽ khôi phục nét văn hoá chợ – kênh vốn có của Sài Gòn xưa. |
- Khu công nghiệp, khu chế xuất ở ĐBSCL: Áp lực cạnh tranh
- Nên điều chỉnh hướng tuyến đường trên cao dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
- Hà Nội: Chống ùn tắc giao thông bằng quy hoạch
- Phải đổi cách xác định giá đất khi giải tỏa
- Nâng cấp quy hoạch chung TP Huế: Giữ gìn, phát huy các giá trị di sản
- 12 kiến nghị gửi đến Quốc hội
- Khu phố Chợ Lớn: Bảo tồn, nhưng tránh thành... bảo tàng
- Xây dựng bãi đỗ xe ngầm công cộng khu vực trung tâm thành phố Hà Nội
- Mặt đất TP.HCM đang bị biến dạng
- Phát triển bền vững - Nhận diện từ giới chuyên môn