Dự án “Nâng cấp quy hoạch chung Thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050" đang trong giai đoạn khảo sát, nghiên cứu, phân tích. Nhiều nhà quản lý, chuyên gia, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành đã có những ý kiến đóng góp với mong muốn dự án có một hướng đi đúng...
(ảnh: KTS Lê Việt Sơn)
Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ di sản
KTS Huỳnh Quang, Viện Trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng tỉnh, là người rất quan tâm đến công tác quy hoạch, thiết kế và phát triển đô thị của tỉnh cũng như của TP Huế. Góp ý về dự án nâng cấp quy hoạch TP Huế, ông nói, để định hướng phát triển đô thị Huế trong tương lai một cách hợp lý, có bản sắc riêng; đồng thời, đặt nền móng cho một đô thị phát triển bền vững, hài hoà với môi trường thì cần gắn sự phát triển của Huế với các giá trị văn hóa. Để làm được điều này cũng như tạo cơ sở cho việc nghiên cứu quy hoạch đô thị Huế, phải quan tâm đến các yếu tố hình thái, thiết kế, sinh thái và văn hoá đô thị. KTS Huỳnh Quang lý giải: cây xanh, sông nước và đường viền mềm mại của các dãy núi bao quanh Huế đã tạo cho Huế một hình thái đặc trưng nhẹ nhàng. Những đột phá về hình khối, hình thức đều ít nhiều phá vỡ cấu trúc hình thái nguyên thể của Huế. Cho nên, đô thị Huế phải là một đô thị ưu tiên, tôn trọng thiên nhiên, các công trình nên vừa phải, chừng mực, có sự hòa quyện, xen kẽ giữa thiên nhiên, cảnh quan và công trình xây dựng. Đây chính là đặc điểm quan trọng tạo nên hình thái đô thị riêng biệt của Huế.
Yếu tố thiết kế đô thị cũng phải được quan tâm nhằm nâng cao chất lượng của kiến trúc đô thị, không gian công cộng, cảnh quan... hướng đến sự phát triển bền vững, sử dụng không gian, cơ sở hạ tầng có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần chú ý thêm yếu tố sinh thái đô thị và việc ứng dụng những bài học quý giá từ di sản kiến trúc truyền thống Huế trong việc quy hoạch, thiết kế các khu đô thị mới nhằm phát huy và tiếp nối giá trị đặc thù của Huế. Quy hoạch đô thị Huế sẽ thiếu nếu không có yếu tố văn hoá đô thị. KTS Huỳnh Quang cho rằng, phát triển trên cơ sở bảo tồn những giá trị văn hóa vốn có của đô thị Huế luôn là vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu trong quy hoạch và thiết kế đô thị hôm nay.Việc phát huy cấu trúc không gian sinh thái tự nhiên, nhận diện các giá trị văn hóa nhân văn ẩn chứa trong lòng đô thị nhằm tìm ra các logic kết nối để tạo lập các cấu trúc đô thị vào cấu trúc sinh thái tự nhiên sẽ khiến cho đô thị có bản sắc riêng, vừa đặt nền móng cho một đô thị phát triển bền vững.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho rằng, để quản lý, bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản Cố đô Huế, tỉnh, TP và cơ quan quản lý trực tiếp cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy hoạch, nhất là việc mở rộng phạm vi cảnh quan nền của các khu di sản; có chính sách quản lý chặt chẽ đối với tất cả các dự án xây dựng, phát triển trong vùng ảnh hưởng của các di sản, đặc biệt là khẩn trương xây dựng Kế hoạch quản lý tổng hợp khu di sản Huế. TS Phan Thanh Hải đưa ra ý kiến như vậy bởi theo ông, tuy đạt nhiều kết quả nhưng công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế còn những khó khăn. Có những bất cập như quy hoạch đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu của công tác bảo tồn di sản. Việc thiếu quy hoạch tổng thể và chi tiết đã dẫn đến sự phát triển tùy tiện, ảnh hưởng đến các khu vực bảo tồn...
- Ảnh bên: Lăng Minh Mạng (ảnh: KTS Lê Kim Hải)
Nâng cấp quy hoạch xứng đáng là đô thị hạt nhân
Đề cập đến những vấn đề cần quan tâm trong việc điều chỉnh, nâng cấp quy hoạch chung TP Huế, ông Trương Văn Quảng, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị - nông thôn (VIAP / Bộ Xây dựng) lưu ý: trong quy hoạch phải chú ý giữ gìn các giá trị di sản văn hoá Huế và “TP Huế sẽ mãi là TP di sản văn hóa có giá trị đặc sắc của cả nước, sẽ được bảo tồn và phát triển theo một quy chế riêng”. Theo ông, trong quy hoạch đô thị Huế nhất thiết phải được mở rộng. TP Huế là hạt nhân của hệ thống các cấu trúc đô thị trung tâm và của địa bàn tỉnh.
Dự án "Nâng cấp quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050" được sự giúp đỡ, tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc mà đại diện là Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Dự án được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại với số vốn 3,5 triệu USD và vốn đối ứng của UBND tỉnh là hơn 5 tỷ đồng. Hiện dự án đang trong giai đoạn khảo sát, nghiên cứu, phân tích, tìm một hướng đi đúng. |
Tại hội thảo dự án “Nâng cấp quy hoạch chung TP Huế” diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, nhiều đại biểu đã thể hiện sự quan tâm lớn đến dự án và cho rằng, việc nâng cấp, điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế là hết sức cần thiết, cần phải được thực hiện một cách đầy đủ, cẩn trọng và phù hợp, phải xác định Huế là đô thị hạt nhân, đô thị trung tâm của một đô thị trực thuộc Trung ương trong những năm tới. Quy hoạch TP Huế phải phù hợp với quy hoạch vùng tỉnh Thừa Thiên Huế và đảm bảo cho kinh tế-xã hội của TP phát triển bền vững, môi trường sống chất lượng cao. Ông Kim In, Trưởng đại diện thường trú Văn phòng KOICA (Hàn Quốc) đưa ra ý kiến: do đặc điểm địa lý của Huế là một vùng đất thấp, nằm ở hạ lưu sông Hương, hàng năm thường chịu ảnh hưởng không nhỏ của các đợt lũ lụt nên trong công tác quy hoạch phải có những phương cách để giảm được thiệt hại do lũ lụt gây ra; quy hoạch cũng đảm bảo cho hạ tầng giao thông của TP ngày càng phát triển...
Rõ ràng, việc nâng cấp, điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế là một vấn đề hết sức khó khăn, đòi hỏi phải xây dựng một cách khoa học, hợp lý, đảm bảo được nhiều yêu cầu đặt ra. Những ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia và cán bộ, người dân về quy hoạch TP Huế những ngày qua và trong thời gian tới hi vọng sẽ được người thực hiện dự án nghiên cứu, chọn lọc để xây dựng một sản phẩm quy hoạch tốt nhất, hiệu quả và bền vững nhất.
Cổng chùa Thiên Mụ (ảnh: KTS Lê Kim Hải)
Bích Thùy
- Phát triển cây xanh đô thị & sự tham gia của cộng đồng
- Khu công nghiệp, khu chế xuất ở ĐBSCL: Áp lực cạnh tranh
- Nên điều chỉnh hướng tuyến đường trên cao dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
- Hà Nội: Chống ùn tắc giao thông bằng quy hoạch
- Phải đổi cách xác định giá đất khi giải tỏa
- Diện mạo di sản phải là diện mạo cộng đồng
- 12 kiến nghị gửi đến Quốc hội
- Khu phố Chợ Lớn: Bảo tồn, nhưng tránh thành... bảo tàng
- Xây dựng bãi đỗ xe ngầm công cộng khu vực trung tâm thành phố Hà Nội
- Mặt đất TP.HCM đang bị biến dạng