Các công trình cầu tại TPHCM có một vị trí rất lớn trong cảnh quan chung của TP. Chính vì vậy, quản lý sử dụng các cây cầu như thế nào? Nhất là các dạ cầu, vốn thường xuyên bị chiếm dụng làm nơi vứt rác, nơi tụ tập của các thành phần bất hảo là vấn đề không đơn giản.
Đẹp nhất là làm mảng xanh
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc (QH-KT) TPHCM Nguyễn Hoài Nam đã nhận xét như trên khi nói về việc thiết kế cảnh quan dưới các công trình cầu như là một cách làm đẹp cầu và làm đẹp TP. Ông Hoàng Minh Trí, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nguyên là Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM cũng cho rằng, trồng cây xanh, tạo thành những tiểu cảnh thiên nhiên nho nhỏ dưới các dạ cầu là giải pháp tốt nhất để làm cho các công trình cầu của TPHCM đẹp hơn và được quản lý tốt hơn. Theo ông Hoàng Minh Trí, đây là giải pháp đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, đặc biệt là Singapore, để tạo thêm mảng xanh cho TP và tô điểm không gian của công trình cầu.
- Ảnh bên: Bên dưới gầm cầu Lò Gốm (phía quận 6) chứa vật liệu thi công bảo trì đường, vật liệu các công trình cầu tạm (Ảnh: Kim Ngân)
Tại TPHCM, từ năm 2006, UBND TPHCM đã có văn bản số 2059/UBND-ĐT cho phép Công ty Quản lý công trình cầu phà lập quy hoạch chi tiết và dự án sử dụng, khai thác mặt bằng dưới dạ các cây cầu trên địa bàn TP để trồng cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa công viên… Năm 2011 trong Công văn số 3011/UBND-MTĐT, TPHCM một lần nữa lại giao nhiệm vụ cho Công ty Quản lý công trình cầu phà TPHCM trồng cây xanh nhằm tăng cường mảng xanh đô thị TP dưới dạ cầu của một số cây cầu trên địa bàn.
Thực hiện chủ trương này, Sở GTVT, Công ty Quản lý công trình cầu phà TPHCM đã tiến hành trồng cây, tạo mảng xanh cho khoảng 10 cây cầu của TPHCM, đặc biệt gần như toàn bộ dạ cầu của các cây cầu nằm trên đường Võ Văn Kiệt đã được trồng cây xanh. Hiện nay, nhiều cây xanh dưới dạ các cây cầu như Calmette, chữ Y, Nguyễn Tri Phương, Lò Gốm… đã xanh mướt, tạo không khí thật dễ chịu cho người qua cầu. Tại dạ cầu những cây cầu này, tình trạng bị chiếm dụng làm nơi vứt rác, nơi tụ tập của các thành phần bất hảo gần như không còn.
Cân đối các lợi ích
Nhận xét rằng giải pháp tốt nhất cho việc giữ gìn vệ sinh và tô điểm không gian cho các dạ cầu ở TPHCM là trồng cây, tạo mảng xanh song ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho rằng trong bối cảnh thành phố đang thiếu bãi gửi xe, việc tận dụng dạ cầu làm nơi gửi xe cũng là một cách hay. “Vấn đề là việc giữ xe hay để một số thiết bị phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng cầu đường… phải đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn, đặc biệt về phòng chống cháy nổ”, ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Trên thực tế, nhiều dạ cầu TPHCM đã được tận dụng làm nơi giữ xe, nơi cất giữ một số thiết bị giao thông như cầu Calmette, chữ Y, cầu Lò Gốm… Trong hai công văn nêu trên, UBND TPHCM cũng chấp thuận cho Công ty Quản lý công trình cầu phà TPHCM kết hợp phát triển mảng xanh với tổ chức các bãi giữ xe ô tô, xe gắn máy 2 bánh.
Ông Trần Minh Trung, Phó Giám đốc Công ty Quản lý công trình cầu phà TPHCM cho biết, giải pháp kết hợp hai chức năng: vừa làm mảng xanh vừa làm nơi giữ xe đã giúp đơn vị giải quyết khá nhiều vấn đề. Khoản tiền thu được từ việc trông giữ xe đã góp phần giúp đơn vị tiết kiệm được khoảng 30% ngân sách dành cho việc duy tu, bảo dưỡng các dạ cầu. Việc dành một vài khoảng không gian dưới dạ cầu làm nơi lưu giữ tạm một số thiết bị giao thông đã qua sử dụng giúp đơn vị giải quyết được tình trạng thiếu kho bãi cất giữ các thiết bị này. “Công ty Quản lý công trình cầu phà có một kho diện tích khoảng 700m² - 800m² để cất vật tư nhưng hiện đã đầy ắp”, ông Trần Minh Trung nói.
Thiết bị giao thông đã qua sử dụng nếu được cất giữ và bảo quản tốt có thể sẽ được dùng lại và việc này tất nhiên cũng sẽ giúp đơn vị tiết kiệm thêm khoản tiền mua vật tư mới.
Ông Trần Minh Trung cũng cho biết thêm, toàn bộ công tác khai thác dạ cầu cho việc giữ xe hay làm kho bãi đều phải tuân theo các quy định về an toàn giao thông và cháy nổ. Khi quyết định chấp thuận cho Công ty Quản lý công trình cầu phà phát triển mảng xanh kết hợp trông giữ xe nơi các dạ cầu, lãnh đạo TP đã đặc biệt yêu cầu đơn vị phải tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn giao thông và phòng chống cháy nổ. Hiện tất cả các điểm giữ xe và giữ vật tư giao thông dưới dạ cầu đều có phương án phòng cháy, chữa cháy được Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy TPHCM thẩm định và phương án tổ chức giao thông được Sở GTVT kiểm tra. Việc tổ chức không gian dưới các dạ cầu được bố trí khá hài hòa. Bên trong là bãi gửi xe và bên ngoài là cây xanh che phủ. Nhìn tổng thể, việc này đã không ảnh hưởng xấu đến cảnh quan chung của cầu và của cả khu vực.
Quản lý đô thị nói chung và không gian các cây cầu, các dạ cầu nói riêng trong một TP còn nhiều khó khăn về kinh tế là vấn đề không đơn giản. Lãnh đạo TP cũng như các sở ngành chức năng luôn phải tính toán cân đối nhiều nhu cầu, yêu cầu khác nhau của xã hội. Cái đẹp, cái hoàn mỹ là điều mà ai ai cũng muốn hướng tới song trong bối cảnh còn “thiếu trước hụt sau” đòi hỏi phải có những bước đệm… Dành một không gian dưới các dạ cầu làm nơi trông giữ xe trong bối cảnh TPHCM thiếu gay gắt bãi giữ xe cũng là một bước đệm.
An Nhiên
Những gầm cầu xanh
Gầm cầu Ông Lãnh, Calmette, Chữ Y… dọc tuyến đường Võ Văn Kiệt trước kia là nơi một số người dân tụ tập bán hàng rong gây cản trở giao thông, mở quán cà phê, phóng uế bừa bãi... Nhưng nay, dưới những gầm cầu ấy người dân có thể ngồi hóng mát bên các mảng cây xanh, lưu thông dễ dàng an toàn do buôn bán hàng rong giảm đi rất nhiều; nơi phóng uế, tụ tập một số tệ nạn xã hội trước kia nay đã thành kho chứa vật liệu thi công các công trình cầu tạm phục vụ phát triển giao thông TP, thành nơi giữ xe cho người dân thay thế các bãi giữ xe chiếm dụng lòng lề đường. Những gầm cầu xanh trên đường Võ Văn Kiệt cùng với tuyến đường giao thông hiện đại này, kênh Bến Nghé - Tàu Hủ sạch đẹp góp phần làm cho TP này càng văn minh, hiện đại.
Giao thông thông thoáng bên dưới cầu Lò Gốm phía quận 8.
Mảng xanh bên dưới cầu Ông Lãnh.
Thông thoáng phía dưới cầu Ông Lãnh.
Kim Ngân
- Chống ngập phải đồng bộ
- TPHCM - Nguy cơ tái ngập
- Phát triển nhà ở xã hội: Giá hay cơ chế?
- Chính quyền đô thị trên thế giới tổ chức, vận hành như thế nào?
- Làm rõ khái niệm “bồi thường” trong sửa đổi Luật Đất đai
- Nên đầu tư "xe buýt nhanh" trước khi có metro
- Thực tiễn đòi hỏi cơ chế mới quản lý đô thị
- Cách tiếp cận tiên đề cho bài toán "giải cứu bất động sản"
- Lộn xộn quy hoạch tàu điện ngầm Hà Nội!
- Thu hồi đất: Khi nào, và bằng cách nào?