Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện TPHCM - Nguy cơ tái ngập

TPHCM - Nguy cơ tái ngập

Viết email In

Mặc dù đầu tư hàng loạt công trình chống ngập, một số nơi ngập ở TPHCM đã giảm hẳn, tuy nhiên, khả năng kiểm soát ngập khó có thể thực hiện được. Trong khi đó, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, việc quản lý ngập lụt một cách hiệu quả thực sự là thách thức lớn. Nhiều khu vực tại TPHCM đang đối diện với nguy cơ tái ngập.  
 

Hệ thống thoát nước hạn chế 

Trong năm 2011 có 31 điểm ngập do mưa nhưng chỉ xóa được 17 điểm, thời gian ngập 91 phút. Năm 2012, Trung tâm chống ngập nước TP tiếp tục xóa 14 điểm còn lại, dù đã nỗ lực hết sức nhưng cũng chỉ xóa được 8 điểm, 6 điểm còn lại tiếp tục xóa trong năm nay. Hiện nay, ở khu vực trung tâm TP không còn các điểm ngập nặng do triều cường, không xuất hiện các điểm ngập mới. Nhưng điều đáng lo ngại là thời tiết diễn biến bất thường, tình trạng ngập do mưa to cùng với triều cường dâng cao ngày càng nghiêm trọng. 

Những cơn mưa trong thời gian gần đây kết hợp với triều cường đã gây ngập hàng loạt khu vực ở quận: 6, 7, 8, 9, 12, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, Gò Vấp. Hiện nay 75% khu vực bị ngập không phải do triều cường cao mà do khả năng thoát nước của hầu hết hệ thống thoát nước mưa chỉ đáp ứng lượng mưa 80mm (trong khoảng 3 giờ mưa liên tục), còn nhiều nơi chưa có hệ thống thoát nước. 

  • Ảnh bên: Mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập một số khu vực ở TPHCM. 

Tình trạng mưa lớn, thời gian mưa kéo dài nhiều giờ xảy ra cùng lúc đỉnh triều cường vượt mức báo động 3 đã gây ngập nặng ở nhiều khu vực, nhất là các khu vực có địa hình thấp hơn đỉnh triều. Bên cạnh đó, ở TPHCM hiện tượng lún nền cũng đang diễn ra khiến tình trạng ngập càng trở nên phức tạp. 

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, cho rằng, công việc cấp bách hiện nay để giải quyết tình trạng ngập nước là phải đảm bảo vận hành tốt hệ thống thoát nước cũ, xây dựng và đấu nối đồng bộ các tuyến cống, triển khai nạo vét kênh rạch. Việc hoàn thành hệ thống cống kiểm soát ngăn triều chống ngập khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án cống thoát nước Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh) cùng với cống ngăn triều Bình Triệu sẽ giảm tình trạng ngập úng do mưa hay triều cường trên quy mô 7 quận: 1, 3, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận và Gò Vấp. “Công trình đê bao bờ hữu sông Sài Gòn phát huy khả năng chống ngập rất tốt làm giảm áp lực nước triều vào hệ thống kênh rạch và các khu vực thấp, trũng, làm tăng khả năng tiêu thoát cho hệ thống cống rãnh khu vực xã Nhị Bình huyện Hóc Môn, quận 12, chấm dứt tình trạng úng ngập do lũ và triều, tạo nền cho việc tiêu thoát nước mưa từ hệ thống kênh rạch” - ông Long nói. 
 

Các điểm ngập mới 

Tình trạng cống thoát nước quá tải do sự gia tăng về cường độ mưa đã vượt hơn tần suất tính toán trong thiết kế hệ thống thoát nước, các trận mưa có tổng lượng trên 85mm xuất hiện thường xuyên và có xu hướng tăng dần, trong khi chu kỳ tràn cống cho phép đang áp dụng thuộc loại nhỏ, nếu không bổ sung các giải pháp công nghệ mới về quản lý nước mưa đô thị thích hợp thì các cống sẽ bị quá tải, gây ngập thường xuyên hơn cho dù TP đã hoàn thành các dự án thoát nước lớn.

Vì thế, để giảm ngập và tiến tới không còn ngập trên địa bàn TP, thời gian tới, TPHCM sẽ thực hiện các giải pháp kiểm soát ở khu vực ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn, bao gồm các giải pháp kiểm soát lũ thượng lưu, kiểm soát triều, nhằm giải quyết bài toán chống úng ngập cho khu vực thành phố trong điều kiện có lũ lớn ở thượng lưu và nước biển dâng trong tương lai… Để thực hiện mục tiêu này, các đơn vị chức năng TPHCM khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện đồng bộ 12 cống kiểm soát triều; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện toàn bộ tuyến kè kênh Đôi và các kênh rạch liên quan; nghiên cứu hiện trạng hệ thống cống thoát nước hiện hữu để có kế hoạch thay ống cũ, đầu tư xây dựng các cống mới tại các tuyến đường chưa có cống thoát nước. 

Theo kế hoạch, TPHCM tập trung giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước tại khu vực trung tâm TP (khoảng 100km²); kiểm soát, ngăn chặn không để phát sinh điểm ngập mới trên 5 vùng còn lại (khoảng 580km²). Từ nay đến 2015, giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do mưa và triều tại khu vực trung tâm (diện tích 100km², dân số khoảng 3,3 triệu người); phấn đấu xóa các điểm ngập do mưa hiện hữu, kéo giảm tình trạng ngập nước lưu vực Bắc kênh Tàu Hủ, kênh Tân Hóa - Lò Gốm (các quận 6, 11, Tân Phú, Bình Tân và một phần các quận 6, 8, Bình Thạnh), khắc phục tình trạng ngập do thi công, hạn chế phát sinh các điểm ngập mới. Đối với 5 vùng thoát nước còn lại (580km2, dân số khoảng 3,4 triệu người), phấn đấu giảm 70% các điểm ngập nước do mưa, 50% các điểm ngập do triều; kiểm soát, ngăn chặn không để phát sinh điểm ngập mới. 

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên, UBND TPHCM đưa ra nhiều giải pháp cấp bách và lâu dài. Trong đó, TP ưu tiên tập trung vốn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ công tác đầu tư, tổ chức thực hiện các dự án đê bao và cống kiểm soát triều, nạo vét các kênh rạch thoát nước quan trọng. 

Quốc Hùng 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo