Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện Chính quyền đô thị trên thế giới tổ chức, vận hành như thế nào?

Chính quyền đô thị trên thế giới tổ chức, vận hành như thế nào?

Viết email In

Chính quyền đô thị trên thế giới thường mang hai đặc điểm: rút bớt cấp hành chính lãnh thổ và thị trưởng do dân bầu trực tiếp. Hai đặc điểm này, kéo theo một số đặc điểm trong tổ chức vận hành của chính quyền đô thị, chi phối hiệu quả hoạt động.  

Quyền tự quản lớn 

Các chính quyền đô thị lớn thường được quyền tự chủ rất lớn, điều này cho phép họ giải quyết thành công một số vấn đề mà Việt Nam đang loay hoay. 


(ảnh minh họa) 

Thứ nhất, về mặt ngân sách, tài sản, quan hệ giữa các đô thị lớn với chính quyền cấp trên giống như quan hệ giữa công ty mẹ – công ty con: là hai pháp nhân độc lập về tài sản, hạch toán độc lập. Nguồn thu, bao gồm các nguồn thu thuế, của các thành phố được luật hoá nên họ rất chủ động trong kế hoạch tài chính, không rơi vào bị động chờ phê duyệt. Ngược lại, nếu lạm chi thì thành phố phải bán tài sản của mình để trang trải các khoản chi. Nếu công chức thi hành công vụ gây thiệt hại thì phải bồi thường cho công dân; nếu ngân sách thường niên không đủ thì phải bán tài sản (trụ sở, đất đai) để bồi thường; nếu bán tài sản không đủ, công dân có quyền yêu cầu áp dụng thủ tục phá sản đối với thành phố. Thị trưởng không thể nào giữ được cái ghế của mình, nếu thành phố bị tuyên bố phá sản. 

Hiện nay, Việt Nam đã có luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều công dân thắng kiện tại toà hành chính nhưng vẫn không nhận được tiền bồi thường vì cơ quan nhà nước tương ứng không có đủ ngân sách dành cho việc bồi thường. 

Thứ hai, chính quyền thành phố có quyền lập quy rất lớn. Lấy ví dụ, nếu họ muốn hạn chế nhập cư như Đà Nẵng thì họ sẽ có công cụ lập quy là nâng diện tích nhà ở tối thiểu/đầu người lên kịch trần. Nếu muốn giãn dân ở khu phố cổ Hà Nội họ sẽ có công cụ lập quy là thành phố được quyền ấn định thuế suất bất động sản. Những ngôi nhà ở phố cổ trị giá hàng triệu đô sẽ phải đóng một số tiền thuế khủng khiếp; những cư dân bám phố cổ bán nước chè, tạp hoá sẽ không đủ khả năng trả khoản thuế này. Lúc đó, họ chỉ còn khả năng cho những người thông minh hơn thuê lại hoặc mua lại, còn mình thì mang số tiền khổng lồ thu được từ việc bán hoặc cho thuê nhà sang chỗ khác sinh sống. Chỉ những ai đủ khả năng thông minh khai thác hiệu quả mảnh đất vàng, đủ khả năng đóng tiền thuế khổng lồ thì sẽ ở lại. Bằng công cụ thị trường họ có thể giãn dân rất hiệu quả, không vi phạm nhân quyền, cũng chẳng tốn tiền ngân sách mà lại có thêm ngân sách. 

Thứ ba, các đô thị có quyền tự chủ lựa chọn mô hình quản lý phù hợp nhất với mình, không cần chờ một ai từ bên trên nghĩ hộ cho mình. Thực tế, khi rút bớt cấp hành chính lãnh thổ, các đô thị thường chú trọng mô hình tản quyền. Ví dụ: chính quyền thành phố (trực thuộc Trung ương) thay vì chỉ có duy nhất một văn phòng tiếp dân nằm ở trung tâm thì sẽ có nhiều văn phòng tiếp dân, nhiều đầu mối thụ lý hồ sơ nằm ở các đô thị vệ tinh phân bố đều trên toàn thành phố. Một số loại việc sẽ được uỷ quyền cho văn phòng tiếp dân trực tiếp giải quyết. Nói cho dễ hiểu, nếu mô hình này được áp dụng, công dân Cần Giờ có thể nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh và nhận kết quả ở ngay Cần Giờ chứ không phải lên tận trụ sở chính của sở Kế hoạch và đầu tư nộp. Việc luân chuyển hồ sơ, phân công cán bộ giữa văn phòng Cần Giờ và trụ sở chính là việc nội bộ của sở Kế hoạch và đầu tư, công dân không cần quan tâm, chỉ cần lo đủ giấy tờ và đúng hạn thì nhận kết quả. 

Trong tổ chức bộ máy, bộ phận liên quan đến thương mại, kinh doanh, an ninh trật tự, môi trường được chú trọng. 


TP.HCM đang hướng đến mô hình chính quyền đô thị. 

Quyền năng lớn – trách nhiệm lớn 

Người đứng đầu thành phố do dân bầu trực tiếp một cách công khai, minh bạch, dân chủ. Vì thế, muốn trúng cử thì người đứng đầu thành phố không còn cách nào khác là làm hài lòng dân; sự sắp đặt, ưu ái của cấp trên không có mấy ý nghĩa, bởi vậy họ sợ dân hơn sợ cấp trên.

Trách nhiệm, quyền năng của thị trưởng (người đứng đầu) được thiết kế theo nguyên tắc trọn gói. Người ta coi việc bảo đảm an ninh, môi trường, trật tự của một thành phố tương tự như cách mà khu đô thị Phú Mỹ Hưng đang làm: coi đó là một loại hàng hoá công cộng đặc biệt, không có gì cao siêu, trừu tượng. Nó khác với hàng hoá thông thường ở chỗ người mua không trả tiền trực tiếp mà trả qua thuế và phí; không mặc cả trực tiếp mà chọn nhà cung cấp qua lá phiếu của mình. Quá trình đấu thầu sẽ được thay bằng quá trình vận động tranh cử.

Bởi vậy, khi vận động tranh cử, thị trưởng phải “chào hàng” trọn gói: êkíp làm việc, chất lượng dịch vụ công và giá cả (thuế và phí sẽ tăng hay giảm). Sau khi trúng cử thì cử tri cùng với Hội đồng thành phố sẽ giám sát việc thực thi “hợp đồng” (cam kết tranh cử) này của thị trưởng.

Trên cơ sở ấn định thuế suất và các nguồn thu, Hội đồng thành phố sẽ quyết định ngân sách; trong phạm vi ngân sách được quyết, thị trưởng tự lo việc tinh giản bộ máy, chọn người tài làm việc cho mình. Toàn quyền chọn cấp phó, các giám đốc sở... Ông ta không còn chỗ nào để đổ lỗi.

Mọi sai sót, chất lượng dịch vụ công thấp đều có thể quy về trách nhiệm của thị trưởng và ông ta phải từ chức. Nếu ông ta không tự nguyện từ chức để giữ danh dự cho đảng của mình, cử tri cũng sẽ tống cổ ông ta và lựa chọn ứng cử viên đối lập. 

Một cộng đồng thống nhất 

Các đô thị trên thế giới không bị cắt khúc thành các đơn vị biệt lập đến lạ lùng như ở Việt Nam. Điều này giúp họ tránh khỏi một số hiện tượng mà Việt Nam đang gặp: công dân có quyền làm thủ tục hành chính ở bất kỳ nơi nào mà họ thấy thuận tiện nhất; không nhất thiết phải đúng quận. Chỉ rất ít thủ tục đòi hỏi phải đi đúng tuyến; việc cấp chỗ học mẫu giáo, trường phổ thông công lập được căn cứ vào bán kính từ nơi cư trú đến trường học gần nhất chứ không nhất thiết phải đúng tuyến; cảnh sát thành phố đang thi hành công vụ, khi thấy hành vi vi phạm pháp luật có quyền và nghĩa vụ bắt giữ mà không phân biệt địa bàn, không có chuyện gái mại dâm bị cảnh sát đuổi bên này cầu thì chạy sang đứng bên kia cầu vì bên kia cầu thuộc địa bàn của quận khác. Vì địa bàn thành phố về mặt an ninh trật tự được coi là một địa bàn thống nhất nên cảnh sát trưởng phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm pháp luật. Việc quy ra trách nhiệm cụ thể của chiến sĩ cảnh sát nào là việc nội bộ của cảnh sát trưởng; giống như mất xe máy trong khuôn viên công ty thì khách hàng chỉ cần quan tâm kiện công ty và giám đốc phải hầu kiện mà không cần quan tâm việc mất xe do lỗi của bảo vệ hay lỗi của giám đốc. 

TS Võ Trí Hảo, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo