Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện Phát triển nhà ở xã hội: Giá hay cơ chế?

Phát triển nhà ở xã hội: Giá hay cơ chế?

Viết email In

Từ khi Nghị quyết 02 ra đời, nhiều doanh nghiệp kinh doanh địa ốc kỳ vọng thoát khỏi khó khăn thông qua đầu tư nhà ở xã hội bởi hàng loạt ưu đãi như lãi suất thấp, không tính tiền sử dụng đất, giá nhà thấp, cung cầu gặp nhau. Tuy nhiên, đến nay việc phát triển nhà ở xã hội lại là một câu chuyện dài.  
 

Nhanh nhẩu đăng ký 

Theo Sở Xây dựng TPHCM, từ nay đến năm 2015 thành phố sẽ đầu tư xây dựng 20 dự án nhà ở xã hội quy mô khoảng 21.070 căn. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 7 dự án quy mô 6.145 căn hộ sẽ hoàn thành theo thời hạn trên, còn lại chưa khởi công xây dựng vì thiếu vốn. Tất nhiên, với kiểu làm như lâu nay sẽ không đáp ứng được với nhu cầu nhà ở xã hội của xã hội. Trong bối cảnh thị trường địa ốc đóng băng, việc chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đi kèm hàng loạt ưu đãi sẽ rất thuận lợi. 

Cụ thể, ngay sau khi Nghị quyết 02 ban hành, thành phố có 12 chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại xin chuyển qua nhà ở xã hội với tổng số 9.646 căn hộ. Bức tranh khá phong phú, có dự án chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng như khu thương mại - dân cư Hưng Điền (quận 8), khu nhà ở Việt Liên Á (huyện Bình Chánh) hoặc đã đền bù xong nhưng chưa triển khai thi công như dự án chung cư Nhật Quang; hoàn thành dang dở như khu dân cư Lan Phương, Thủ Đức…  

  • Ảnh bên: Một dự án nhà ở xã hội sắp đưa vào phục vụ người dân tại quận Tân Bình (Ảnh: Phạm Kim Ngân) 

Có lẽ trong danh sách xin chuyển sang nhà ở xã hội “hẩm hiu” nhất là Công ty cổ phần Xây dựng và khai thác công trình giao thông 584, đăng ký chuyển tới 4 dự án! Số phận “long đong” của 996 căn hộ đã xây xong tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh bị bán ế, trước đây mặc dù được UBND TPHCM chấp thuận chuyển từ nhà chung cư sang bệnh viện, nhưng không thành nay xin chuyển tiếp sang nhà ở xã hội.

Dự án thứ hai, tại phường 17, Gò Vấp, “công trình thi công xong phần ép cọc thử tải và một phần tường vây trong năm 2011 và tạm ngưng cho đến nay” - đại diện Sở Xây dựng nhận xét. Dự án thứ ba, tại phường 6, quận Gò Vấp: Công trình hiện đang thi công xong hạng mục ép cọc, đang đào đất lô C để thi công phần móng. Còn dự án tại quận Tân Phú: “Lốc B thi công tới tầng 8, tiến độ rất cầm chừng vì thiếu vốn” - nhận xét của Sở Xây dựng.

Ngoài con số thống kê của Sở Xây dựng, nhiều dự án khác có mong mỏi chuyển sang nhà ở xã hội. Chẳng hạn, vào cuối tháng 3, trong buổi làm việc với UBND TP, lãnh đạo quận Tân Bình đề xuất: “Hiện quận có 24 dự án chủ yếu là chung cư cao tầng với hơn 10.000 căn hộ thương mại đã hoàn tất hoặc đang thực hiện thủ tục đầu tư nhưng bị tạm dừng do thị trường đóng băng. Với những dự án này, quận đề xuất UBND TP chấp thuận chủ trương cho chuyển đổi công năng thành nhà ở xã hội”. 
 

Cần cơ chế? 

Từ góc độ thị trường, rõ ràng nhà nước chủ động làm nhà ở xã hội thật khó nhưng khi “mở cửa” thì sự tham gia của doanh nghiệp rất lớn. Vấn đề làm sao hai bên gặp nhau, đồng thuận kẻ mua - người bán? 

Trở lại với chung cư nhà ở xã hội 157/R8 Tô Hiến Thành, quận 10, Sở Xây dựng TPHCM căn cứ theo giá trị quyết toán công trình, giá thành 1m² sàn căn hộ khoảng 11 triệu đồng, bao gồm giá trị xây dựng công trình, lợi nhuận định mức 10%, lãi vay và thuế giá trị gia tăng, không tính tiền sử dụng đất, sau đó đề xuất phương thức chung với giá bán nhà ở xã hội tối đa 12 triệu đồng/m² và được xác định cụ thể theo từng dự án. 

Tuy nhiên, mới đây Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân kết luận, dự án nhà ở xã hội tại chung cư Tô Hiến Thành được xây dựng trên đất có nguồn gốc sở hữu nhà nước nên cơ cấu giá bán tạm tính theo đề xuất của Sở Xây dựng chưa tính các chi phí có liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khi thu hồi mặt bằng. Thông điệp này cho thấy, chắc chắn giá bán nhà ở xã hội sẽ được bàn thảo rất kỹ lưỡng trước khi được chốt lại. 

Mặt khác, nếu lấy chung cư này giá chuẩn sẽ khó thuyết phục, bởi theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, vị trí xây dựng chung cư này gần trung tâm và xây chen, không phải làm hạ tầng và cũng không phải xây dựng các công trình xã hội khác.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - xây dựng Lê Thành, khẳng định: “Với giá bán từ 11 - 12 triệu đồng/m² theo đề xuất của Sở Xây dựng TPHCM, công ty chúng tôi sẽ làm được”. Công ty này đã đăng ký tham gia nhà ở xã hội 2 dự án nhưng sau khi Sở Xây dựng xét duyệt đã loại một dự án, dự án còn lại đang chờ.

Ông Lê Hữu Nghĩa phân tích, nhà ở xã hội phải ở vùng ven thì giá thành mới thấp, phải có cơ chế thoáng chứ còn như cách làm hiện nay rất khó. Nhằm phát triển nhà ở xã hội, bên cạnh ưu đãi về lãi suất, nhà nước nên có cơ chế thoáng. Tức là được bán ngay từ khi xây xong móng - như quy định dự án nhà ở thương mại, khách hàng được quyền tự do lựa chọn dự án để mua để các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau, không phải sa vào cơ chế xin - cho. Riêng về giá, nên dựa trên giá trần của nhà nước cho chủ đầu tư tự cân đối định giá bán. 

Liên Thượng 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo