Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Luật Đất đai sửa đổi: Bỏ ngỏ những điểm nóng nhất

Luật Đất đai sửa đổi: Bỏ ngỏ những điểm nóng nhất

Viết email In

Đó là đánh giá của GS. Đặng Hùng Võ về kết quả tiếp thu ý kiến của dân đối với dự thảo Luật đất đai của bộ Tài Nguyên và Môi trường trong một cuộc hội thảo mới đây. 

Theo GS. Đặng Hùng Võ, sau 10 năm chúng ta thực thi Luật đất đai năm 2003, vẫn còn đầy những bề bộn: tham nhũng rất nhiều, khiếu kiện rất lớn, tình hình thực thi pháp luật "lăng nhăng" vẫn phổ biến. 

Phân tích báo cáo tiếp thu ý kiến, ông chỉ ra, những vấn đề còn tồn tại, bỏ ngỏ lại là những vấn đề nóng nhất, quan trọng hàng đầu hiện nay.  

Thứ nhất là cơ chế nhà nước thu hồi đất: Ý kiến nên bỏ quy định nhà nước thu hồi đất, chuyển thành cơ chế trưng mua chiếm tới 800.000 trên tổng số 7 triệu ý kiến, nhưng không được Bộ TN - MT tiếp thu. Lý do được đưa ra là thuật ngữ "thu hồi" đã dùng quen, là để đảm bảo nguyên tắc sở hữu toàn dân thì không thể dùng "trưng mua", v.v... 

Bản dự thảo mới nhất luật Đất đai sửa đổi có đưa ra phương án không thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án kinh tế, xã hội. Nhưng thực chất chỉ là trên câu chữ. Bởi bản thân các dự án kinh tế, xã hội lại được chia ra, một loạt đưa vào các dự án vì lợi ích công cộng, ví dụ bệnh viện, đường xá, thủy điện, v.v... Một loạt lại đưa vào lợi ích quốc gia, như khu công nghiệp, khu kinh tế. 

Như vậy, có thể thấy sự thật là giữ nguyên theo dự thảo trước, không thay đổi về nội dung. Các loại dự án bị thu hồi đất vẫn giữ nguyên. 

Trong cơ chế nhà nước thu hồi đất cho các dự án, sự thật ta chỉ gắn chữ "xã hội" vào "kinh tế" để làm nhẹ đi, chứ gốc của nó là cho các dự án phát triển kinh tế. Nếu một nhà nước can thiệp để lấy quyền lợi người này cho người khác là một xã hội không văn minh, dân chủ, công bằng.

Tuy nhiên, hiện số người bảo vệ cơ chế nhà nước thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế còn rất nhiều, với lý do vì lợi ích quốc gia nhằm đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, không phải cứ thu hồi đất mà thành công nghiệp hóa được, còn rất nhiều thứ khác. 

Thứ hai là vấn đề định giá đất: Đây là câu chuyện còn lung bung nhất. Định giá đất là một chuyên môn kỹ thuật sâu nhưng chưa được quản lý theo dạng chuyên môn, chưa xác định vai trò của định giá độc lập.

Theo kiến nghị của Oxfam, chúng ta rất cần có cơ quan quyết định giá đất độc lập với cơ quan quyết định đất đai, hay nói cách khác, hệ thống quyết định giá đất phải nằm ở TƯ. Cơ quan này có thể thuộc Chính phủ, có thể thuộc Quốc hội nhưng đó là cơ quan định giá chuyên nghiệp và không thể trực thuộc UBND cấp tỉnh, bởi đây là nơi có quyền giao đất, cho thuê, thu hồi đất.

Ai có quyền quyết định về đất đai thì không có quyền quyết định về giá đất. Đây là một nguyên tắc kiểm soát quyền lực. Trình tự thủ tục định giá cũng chưa được đề cập trong dự thảo luật.  

Thứ ba là vấn đề kiểm soát quyền lực: Chúng ta quyết định giữ nguyên tắc sở hữu toàn dân về đất đai, nhà nước đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định đất đai của các cơ quan nhà nước hiện chưa rõ. Vấn đề đặt ra ai là người kiểm soát, cơ chế kiểm soát quyền lực này ra sao? Vấn đề này vẫn chưa được xử lý trong dự thảo luật mới nhất. Quyền lực nếu không được kiểm soát, theo lý luận, sẽ rất dễ dẫn đến tha hóa.

Một điểm tiến bộ trong dự thảo mới là tiếp thu việc quy định cụ thể về hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai, thay cho việc giám sát của cơ quan hành chính.

Song quy định xây dựng hệ thống giám sát này mới chỉ dừng ở mức độ khung, hệ thống giám sát đánh giá vẫn không trao cho dân, cho tổ chức xã hội dân sự. Vấn đề là liệu hệ thống này có được sử dụng để giám sát hay lại biến thành công cụ quyền lực lại là câu chuyện tiếp theo.

Nhiều ý kiến cho rằng cơ chế người dân, các tổ chức xã hội dân sự, doanh nghiệp tham gia giám sát là rất khó. Nhưng thực ra, không hề khó. Ví dụ, có thể tổ chức một đường dân nóng để người dân phản ánh các bức xúc, vấn đề. Đây là một cách thức bộ TN-MT từng thực hiện.

Một điểm nữa liên quan đến kiểm soát quyền lực là cơ chế hiện nay cho phép cơ quan cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất có quyền thu hồi GCN đó khi tự mình phát hiện ra mình cấp sai. Đây là một cơ chế cực kỳ nguy hiểm, gây rủi ro rất lớn đến người được cấp giấy.

Thực tế cho thấy, rất nhiều nơi đã vướng mắc ở chuyện thu hồi giấy. Chẳng hạn đến khi có khiếu kiện, cơ quan cấp giấy nói rằng khi cấp giấy có vấn đề, phải xem xét thu lại. Điều này dẫn tới hệ quả xử lý: một là tiếp tục cho sử dụng đất mà không có giấy, hai là mạnh hơn nữa thì thu hồi cả đất cả giấy nếu cho rằng việc cấp giấy và sử dụng giấy đều sai.

GS. Đặng Hùng Võ cũng nêu ý kiến Luật Đất đai sửa đổi nên chậm lại một chút, chờ sau khi Hiến pháp được thông qua, do còn nhiều vấn đề liên quan. Chẳng hạn, Hiến pháp có nhiều điểm quy định quyền lực của nhà nước rất cao, như quy định quyền thu hồi đất. 

Tuy nhiên, một quyền đã được Liên hợp quốc quy định là quyền con người, đó là quyền được tiếp cận đất đai lại chưa có trong Hiến pháp ta chưa có. Như vậy, một mặt Hiến pháp đưa quyền lực nhà nước lên rất cao, nhưng quyền của mỗi người với đất đai trong chế độ sở hữu toàn dân này được đến đâu lại không có. Nếu tới đây Hiến pháp có thay đổi về quy định này, chúng ta sẽ lại tốn thêm thời gian sửa luật./. 

Mỹ Hòa (Tuần Việt Nam /lược ghi) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo