Báo Lao động nhận được thư của tiến sĩ Trần Đình Bá gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng, kiến nghị khẩn cấp thủ tiêu dự án “Đường sắt đồ cổ tân trang” (dự án nâng cấp đường sắt khổ 1m) để tránh đi theo vết xe đổ của tàu biển và ụ tàu “đồ cổ” theo kiểu Vinashin, Vinalines!
Vấn đề này đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có công văn số 3711/BGTVT-KHĐT ngày 26/4 trả lời, tuy nhiên tiến sĩ Bá chưa đồng tình.
Để rộng đường dư luận, tòa soạn xin lược đăng nội dung bức thư này với hy vọng nhận được nhiều ý kiến đóng góp, phản biện nhằm có một phương án tốt nhất cho sự phát triển đường sắt Việt Nam.
Đường sắt “đồ cổ tân trang” sẽ cảnh báo một “Vina railways”!
Sau tai nạn lật tàu tại đoạn cua Bàu Cá (Dầu Giây - Đồng Nai) năm 1982 làm chết hơn 200 người, cùng với hàng loạt vụ đổ tàu khách S1, E1, tàu hàng... kinh hoàng, năm 2004 Bộ GTVT đã đưa dự án đầu tư 26.500 tỉ đồng - tương đương 2 tỉ USD (lúc đó) để nhập tà vẹt ngoại - tiêu chuẩn Nhật Bản 1,067m để cắt ngắn thành 1m thay thế tà vẹt bêtông 2 cục, nhằm tăng tốc chạy của đoàn tàu lên 120km/h để đạt tốc độ trung bình 80-90km/h.
- Ảnh bên: Ga Hà Nội nhìn từ trên cao.
Khi đó, Bộ GTVT và ĐSVN từng tuyên bố “Đến năm 2010 VN sẽ có ĐS tốc độ 120km/h - hành trình Bắc Nam là 15 giờ”. Nhưng đến nay, tàu Bắc Nam vẫn chạy 32 giờ, mà tai nạn lật tàu không hề giảm. Như vậy, dự án "Tân trang ĐS cổ” qua 9 năm vẫn chỉ là “đường sắt tốc độ thấp”. Điều này cho thấy, việc nâng cấp ĐS khổ 1m bằng tà vẹt BTCT dự ứng lực đã sai lầm về luận chứng kinh tế lẫn kỹ thuật công nghệ ĐS từ những năm 2004, do thời kỳ đó việc nâng cấp ĐS 2 tỉ USD không thông qua Quốc hội và phản biện khoa học. Có thể nói “Sáng kiến đánh bóng ĐS cổ vật” nêu trên giống như việc tân trang ụ nổi, tàu biển... đã tồn tại ba thập niên qua.
Đã vậy, ĐS “đồ cổ” sau “tân trang” còn tiêu tốn thêm 1.200 tỉ đồng/năm để duy trì hoạt động. Như vậy, dự án chạy tàu tốc độ 120km/h đã “tiền mất tật mang”, và còn để lại hệ lụy cho sự nghiệp khoa học công nghệ GTVT, cản trở sáng tạo của hàng trăm tiến sĩ.
Nay Bộ GTVT “Tiếp tục nâng cấp khổ 1m tốc độ tối đa 120km/giờ để đạt tốc độ bình quân 100km/giờ” khác nào tiếp tục sai lầm. Bởi sẽ không có ai dám “liều mình” ngồi lên con tàu với hệ thống đường sắt 1m như hiện nay để thử nghiệm tốc độ 120km/h. Vì đó là “tốc độ tử thần”, có chung tham vọng của tư duy “tân trang đồ cổ” và hứa hẹn sẽ là một “Vina railways”.
Phải xóa sổ “Đường sắt đồ cổ”…
Sau “đổi mới” 1986, tất cả các bộ ngành đều thành công lớn, nhưng Bộ GTVT mới “đổi mới nửa vời”, trong đó có “bảo tàng 3.200km ĐS cổ” khổ 1m.
Đến nay ĐS khổ 1m các quốc gia văn minh đều thay thế bằng ĐS khổ rộng 1,435m an toàn, tốc độ cao kết nối mạng quốc tế. Với 3.200km ĐS chạy dọc đất nước, ngành ĐS đang nắm giữ kho tài sản quốc gia có giá trị trên 30 tỉ USD, nên không được biến thành “ĐS cổ vật” hay “bảo tàng ĐS”. Chỉ cần đầu tư từ 5-6 tỉ USD (chiếm 5% GDP) thì chúng ta sẽ có hệ thống ĐS hiện đại, tốc độ cao mà giá trị sử dụng cũng như giá trị tài sản quốc gia tăng gấp nhiều lần.
Công nghệ ĐS không thể vừa ôm “ĐS cổ vật” vừa tham vọng làm mới ĐS tốc độ cao, bởi làm như thế 50 năm nữa chúng ta chưa có ĐS hiện đại. Thảm họa mỗi năm 12.000 người chết, 30.000 người bị thương, gây thiệt hại 2 tỉ USD/năm từ TNGT, trong đó có nguyên nhân từ việc kìm hãm ĐS lạc hậu, kéo theo hệ lụy GTVT quá tải, gây thảm họa giao thông trên đường bộ.
Triệt để xóa sổ ĐS 1m để có chỗ cho ĐS 1,435m hiện đại tốc độ cao 150-200km/h mới là thực sự đổi mới, và vì lợi ích cộng đồng. Còn việc Bộ GTVT cho rằng: “Coi ĐS là loại hình vận tải đường dài chủ đạo về hành khách trên tuyến Bắc - Nam và hàng hóa cùng hành khách trên tuyến Đông - Tây...” là chưa thoả đáng và đúng tầm. Vì ĐS Bắc - Nam là trục giao thông quốc gia phải chuyên chở được hành khách và cả hàng hóa siêu trường siêu trọng để phục vụ cho cả nhiệm vụ đặc biệt là QP – AN. Đây là sai lầm từ năm 2004 nên đã kìm hãm sự nghiệp ĐS. Bởi hệ thống ĐS 3.200km chính nó đã có tầm quan trọng đặc biệt chiến lược về kinh tế xã hội lẫn QP – AN. Hủy các dự án ĐS cải tạo để làm ĐS quốc gia tốc độ cao là một việc làm sáng suốt, hợp lòng dân.
Huy Bình (lược ghi)
Đường sắt đoạn đi qua phố Khâm Thiên, HN - ảnh chụp ngày 23/6. (Ảnh: G.H)
TS Trần Đình Bá: Mở rộng ĐS sẽ là cú đột phá chiến lược Bề rộng khổ ĐS chính là “Cánh tay đòn của mô men kháng lật”, mô men kháng lật của khổ 1,435m gấp 2,94 lần so với khổ đường 1m. Có nghĩa rằng độ an toàn của đường sắt khổ rộng gấp 3 để có tốc độ cao 150-200km/h. Khổ 1m khi chưa nâng cấp và sau nâng cấp vẫn thiếu 0,5m nên biện pháp dùng tà vẹt tiêu chuẩn Nhật Bản, Mỹ, Nga hay EU... đều không cải thiện được cánh tay đòn cho mô men kháng lật, thậm chí phản tác dụng vì độ cứng của tà vẹt bêtông dự ứng lực có phản lực cao hơn, làm giảm mô men kháng lật càng dễ gây lật. Kỷ lục tốc độ thời Pháp cho hành trình chạy tàu Bắc-Nam là 42 tiếng với toa xe nhỏ thấp. Nay ta dùng đầu máy toa xe có khối lượng lớn hơn nên càng nguy hiểm. Hành trình Bắc-Nam 30-29 tiếng đã là quá mạo hiểm, thậm chí để an toàn còn phải giảm tốc độ, kéo hành trình về 34 tiếng so với khi dùng tà vẹt cũ 30 tiếng. Năng lực vận tải của đường sắt 1,435m sẽ gấp 2,5 lần quốc lộ 1A, mở rộng hiện đại ĐS sẽ là cú đột phá chiến lược, để lấy lại thế cân bằng “cung - cầu” vận tải hàng hóa và giảm thiểu 50% số tai nạn giao thông. Việc thi công mở rộng đường sắt rất nhanh vì chúng ta chỉ mở rộng khổ đường thêm 2 gang tay bằng cách thay tà vẹt, ray và bánh sắt, không phải đền bù giải tỏa, không phải làm mới cầu hầm, nhà ga...nên thời gian thi công rất nhanh. Biện pháp kỹ thuật thi công là vừa mở rộng đường sắt nhưng không làm gián đoạn hoạt động giao thông. Đây là bí quyết thành công để thần tốc mở rộng hiện đại “chiếc áo đường sắt”. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: Sẽ cập nhật nghiên cứu trong quá trình phát triển đường sắt Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đang nghiên cứu lập điều chỉnh chiến lược và quy hoạch phát triển tổng thể ngành GTVT ĐS để trình Thủ tướng phê duyệt; trong đó trục giao thông vận tải ĐS Bắc – Nam theo hướng: Ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến ĐS Bắc – Nam nhằm khai thác có hiệu quả tuyến ĐS hiện có đảm bảo tốc độ chạy tàu bình quân 80-90km/h đối với tàu khách và 50-60km/h đối với tàu hàng; nghiên cứu xây dựng mới tuyến đường sắt đôi Bắc – Nam, khổ đường 1,435m với tốc độ từ 160km/h – dưới 200km/h, chạy chung cả tàu khách và tàu hàng. Chiến lược phát triển ĐS phải phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH của đất nước, chiến lược phát triển GTVT từ nay đến 2020 và có tầm nhìn đến 2050 phù hợp với đặc thù của ngành; phát triển GTVT ĐS cần có bước đi phù hợp, khai thác có hiệu quả các tuyến ĐS hiện có, đồng thời nghiên cứu đầu tư khu xây dựng các tuyến ĐS hiện đại, gắn kết chặt với phương thức GTVT khác, phát huy lợi thế, phục vụ hiệu quả cao nhất cho sự phát triển của đất nước. Bộ GTVT xin cảm ơn ông Trần Đình Bá đã quan tâm và đóng góp ý tưởng cho lĩnh vực phát triển ngành GTVT ĐS. Ý tưởng của ông cùng các đóng góp của cá nhân, tập thể khác sẽ được cập nhật để xem xét nghiên cứu trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển ĐS. C.T (lược ghi) |
(Lao Động)
- Chính quyền đô thị: "Chiếc áo mới" phải như thế nào?
- Luật Xây dựng sửa đổi: Cần cuộc “cách mạng” về thủ tục
- Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn: Thủ phạm là “giao thông”
- Tương lai bền vững từ những nỗ lực
- Phát triển bền vững giá trị di sản đô thị Đà Lạt
- Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc TPHCM: Mặt tiền nhà không quá ba màu sơn
- Hoàn thiện đồ án quy hoạch làng cổ Đường Lâm: Không có nhà 2 tầng trong lõi di sản
- "Không thể tu bổ di tích như nhà cửa bình thường"
- Luật Đất đai sửa đổi - Cần lắng nghe ý kiến người dân
- Cần chiến lược phát triển kinh tế biển cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long