Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Phát triển bền vững giá trị di sản đô thị Đà Lạt

Phát triển bền vững giá trị di sản đô thị Đà Lạt

Viết email In

Với độ cao 1.500m so với mực nước biển và được các dãy núi cùng quần hệ thực vật rừng bao quanh, Đà Lạt (Lâm Đồng) thừa hưởng một khí hậu miền núi ôn hòa và dịu mát quanh năm. 

Tiền thân là một đô thị nghỉ dưỡng do người Pháp xây dựng, Đà Lạt sở hữu một di sản kiến trúc giá trị, ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu thế kỷ 20. Qua hơn một thế kỷ, Đà Lạt ngày nay đã trở thành một thành phố du lịch nổi tiếng, là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên. Đà Lạt còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như “Thành phố mù sương,” “Thành phố ngàn thông,” “Thành phố ngàn hoa,” “Xứ hoa Anh Đào” hay “Tiểu Paris.”  

Tuy vậy, sau một thời gian dài phát triển thiếu quy hoạch, kiến trúc đặc sắc của Đà Lạt đã chịu nhiều biến dạng. Quá trình đô thị hóa ồ ạt khiến thành phố ngày nay phải chịu nhiều hệ lụy. Nhiều cánh rừng thông dần biến mất, thay thế bởi các công trình xây dựng hoặc những vùng canh tác nông nghiệp. Những ngôi nhà xây cất trái phép, không phù hợp với quy hoạch, những công trình quy mô lớn phá vỡ cảnh quan, những ngôi nhà ống, nhà hộp xuất hiện dày đặc ở khu vực trung tâm, những khu rừng nội ô bị tàn phá... tất cả đã khiến bộ mặt kiến trúc của thành phố trở nên nhem nhuốc. Không ít những công trình kiến trúc giá trị chịu sự tàn phá của thời gian mà không có được sự bảo tồn chu đáo, nhiều ngôi biệt thự cổ bị bỏ hoang hoặc biến thành chung cư, nhà trọ… 
 

Đà Lạt bị "tổn thương" 

Theo tiến sĩ, kiến trúc sư Đỗ Hữu Phú (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội), Đà Lạt đang bị "tổn thương", biến dạng trong quá trình đô thị hóa tự phát. Từ năm 2010 đến nay, chính quyền tỉnh Lâm Ðồng đã triển khai mời nhóm chuyên gia quy hoạch của Pháp thực hiện “Đồ án Điều chỉnh quy hoạch Ðà Lạt, tầm nhìn 2030-2050” và tổ chức nhiều hội nghị góp ý, chỉnh sửa để trình các cấp thẩm quyền phê duyệt thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay, Đà Lạt đang gặp không ít khó khăn và thách thức trong công tác bảo tồn, khôi phục, chỉnh trang, hoàn thiện không gian đô thị lịch sử, các danh thắng và khu di tích. 

Đà Lạt đang thiếu các chiến lược và chính sách kiểm soát, quản lý đô thị một cách chặt chẽ, cụ thể, sát sao để hạn chế và ngăn chặn tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai, nguồn lực đầu tư và tình trạng xuống cấp, hủy hoại theo thời gian của di sản đô thị vô giá của thành phố. Ngoài ra, sự gia tăng dân số không kiểm soát được, đặc biệt là hiện tượng di cư từ các tỉnh, thành phố trong cả nước đến Đà Lạt và sự di dân từ các vùng phụ cận vào thành phố để tìm kiếm việc làm cũng làm tổn hại nghiêm trọng đến kiến trúc và môi trường của thành phố. Không ít danh thắng và di tích nổi tiếng đang bị xuống cấp và ô nhiễm môi trường như: thác Cam Ly, thung lũng Tình yêu, hồ Than Thở, thác Prenn, thác Voi, thác Liên Khương, thác Gougah ...Một số công trình kiến trúc cổ có giá trị đã bị lãng quên hoặc bị xâm hại như: nhà ga Đà Lạt, quần thể di tích kiến trúc Trường Cao Đẳng Sư phạm, khu lăng mộ Nguyễn Hữu Hào ... 

Tiến sĩ, kiến trúc sư Đỗ Hữu Phú nhận định: Nếu không có những chủ trương và hướng đi đúng đắn, kịp thời, phù hợp với hoàn cảnh tình hình và năng lực của địa phương thì quá trình xây dựng, quy hoạch phát triển thành phố sẽ ngày càng khó khăn. Một mặt, cơ sở hạ tầng Đà Lạt không đáp ứng kịp những nhu cầu ngày càng phát triển của hiện tại và tương lai, mặt khác các hiện tượng xây dựng tùy tiện, tự phát không được phát hiện và có biện pháp đẩy lùi, ngăn chặn kịp thời sẽ dần ảnh hưởng dẫn đến nguy cơ làm tổn hại, mất đi những giá trị quy hoạch-kiến trúc truyền thống của một quá khứ phát triển rực rỡ, huy hoàng quý giá vốn có của mình. 


Các dãy phố mặt tiền Đà Lạt cho thấy một tập hợp lô xô nhà ống đang phá hỏng cảnh quan thành phố ngàn thông (nguồn: KT&ĐS) 
 

Cần phát huy giá trị vốn có 

Ông Đỗ Hữu Phú cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong công tác xây dựng phát triển thành phố Đà Lạt theo hướng phát triển bền vững là cần coi trọng công tác bảo tồn, giữ gìn những giá trị văn hóa-lịch sử, quy hoạch-kiến trúc xây dựng của quá khứ đồng thời với việc phát triển thành phố phù hợp với những yêu cầu của xã hội hiện tại và tương lai trong một tổng thể hài hòa, khoa học, hợp lý và có bản sắc riêng.

Theo Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt, tầm nhìn 2030 Đến 2050” do các chuyên gia Pháp đề xuất đang được chính quyền tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan chuyên môn góp ý chỉnh sửa để trình các cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, thành phố Đà Lạt mở rộng sẽ hình thành một mạng lưới các thành phố có quy mô phù hợp trong đó bao gồm trung tâm Đà Lạt được quy hoạch là thành phố lịch sử, là cốt lõi quan trọng và mang thương hiệu đặc trưng của toàn vùng. Tuy vậy, việc triển khai thực hiện xây dựng theo quy hoạch cần có quy trình và thời gian, đặc biệt là cần tập trung nguồn lực đầu tư rất lớn, trong khi đó tình trạng xuống cấp, hủy hoại theo thời gian của di sản đô thị vô giá của thành phố Đà Lạt không dừng lại. Bởi vậy, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa-lịch sử, quy hoạch-kiến trúc xây dựng của di sản đô thị Đà Lạt vẫn cần phải được ưu tiên đi trước cho phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng cần bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc chung của quy hoạch chung được phê duyệt đã định hướng. 

Vì thế, chính quyền Đà Lạt cần triển khai ngay một số giải pháp nhằm giải quyết khẩn cấp những bất cập trước mắt như: Nghiên cứu và lập các quy hoạch chi tiết khoanh vùng bảo tồn, gìn giữ những khu vực chính, những trục không gian chủ đạo để bảo vệ cảnh quan của thành phố, bảo vệ những khu vực môi sinh của thành phố (khu vực hồ Xuân Hương, suối Cam Ly), cải tạo, bảo vệ và phục hồi môi trường rừng cảnh quan thiên nhiên của thành phố; Chỉnh trang nâng cấp chất lượng môi trường và cảnh quan những khu vực danh thắng của thành phố (thác Cam Ly, thung lũng Tình yêu, hồ Than Thở, thác Prenn, thác Voi, thác Liên Khương, thác Gougah...); Nghiên cứu và lập quy hoạch bảo tồn, khôi phục và gìn giữ hệ thống các khu di tích và công trình kiến trúc có giá trị về văn hóa-lịch sử, quy hoạch-kiến trúc trong thành phố làm cơ sở pháp lý cho việc lập chương trình, kế hoạch thực hiện các công tác bảo tồn, trùng tu, sửa chữa, duy tu bảo dưỡng định kỳ ...cho từng đối tượng cụ thể…; Nâng cấp và cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật thành phố (hệ thống giao thông, hệ thống cấp Điện, bảo vệ nguồn nước và hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước mưa, thoát nước sinh hoạt, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống chiếu sáng Đô thị, hệ thống quản lý các chất thải, Đảm bảo vệ sinh môi trường, nạo vét hồ Xuân Hương). 

Cùng với đó, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy khai thác các công trình kiến trúc cổ cũng rất cấp bách và cần được quan tâm đầu tư thích đáng. Đà Lạt từng sở hữu quỹ kiến trúc vô giá với các dinh thự, các công trình công cộng, trường học và hơn 1.500 ngôi biệt thự cổ được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp vào thế kỷ XIX. Đến nay, nhiều công trình và biệt thự trong số này đã xuống cấp nghiêm trọng. Trước sức hấp dẫn và tiềm năng to lớn của kiến trúc cổ, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã tham gia vào các dự án nhằm khôi phục, bảo tồn và khai thác hệ thống biệt thự cổ, trong đó một số dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động hiệu quả như: Dự án của tập Đoàn Six Senses cải tạo 15 ngôi biệt thự cổ xây dựng từ những năm 1920 tại khu Lê Lai thành khu resort nghỉ dưỡng 4 sao, dự án 16 biệt thự Đường Trần Hưng Đạo của công ty Cadasa, khu biệt thự đường Nguyễn Du của tập đoàn Hoàng Anh-Gia Lai, dự án biệt thự Phi Ánh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam… 

Tuy vậy, số lượng các công trình đã và đang được bảo tồn và cải tạo là còn rất nhỏ so với tổng số với các công trình công cộng và hơn 1.500 ngôi biệt thự cổ của Đà Lạt. Nên di sản này đang đối diện với nguy cơ bị xuống cấp và mai một, cần phải giữ lại những gì sắp mất và khôi phục lại những gì đã mất. Một giải pháp tổng thể, mang tính lâu dài nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các kiến trúc cổ là yêu cầu cấp bách đối với Đà Lạt hiện nay. 

Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa-lịch sử, quy hoạch-kiến trúc xây dựng của di sản Đô thị Đà Lạt nhằm bảo vệ, hoàn thiện những giá trị quý giá của quá khứ sẽ tiếp thêm sinh lực mới để khai thác và đưa vào cuộc sống hiện tại, từ đó tôn vinh vai trò thành phố lịch sử, là cốt lõi quan trọng và mang thương hiệu đặc trưng của toàn vùng trong quy hoạch mạng lưới thành phố mở rộng thời tương lai là việc làm cần thiết, đúng đắn, đảm bảo chắc chắn cho phát triển bền vững./. 

Thu Phương 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo