Việt Nam đang đứng trước thách thức bùng nổ dân số với tốc độ tăng hơn 1 triệu người một năm. Với tốc độ này, dân số Việt Nam sẽ lên tới 120 triệu vào năm 2050. Đồng thời, Việt Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, mặc dù hiện nay mới chỉ có khoảng 30% dân số thành thị, thấp hơn rất nhiều tỷ lệ trung bình của thế giới là 50%. Cả hai yếu tố tăng dân số và đô thị hóa đều tiểm ẩn nguy cơ khiến nhu cầu năng lượng quốc gia tăng đột biến do mức sử dụng năng lượng trên đầu người tại các đô thị cao hơn nhiều vùng nông thôn.
Công trình xây dựng sử dụng 100% gạch không nung
Thách thức buộc phải đổi thay
Căn cứ vào số liệu chính thức từ Bộ Xây dựng thì diện tích đô thị Việt Nam có thể tăng gấp đôi vào năm 2020 so với số liệu khảo sát năm 2010. Như vậy, mức tăng diện tích xây dựng này sẽ đòi hỏi một lượng vật liệu, năng lượng, nước sạch khổng lồ. Đồng thời cũng sẽ gây áp lực lớn lên hệ thống vệ sinh môi trường và các cơ sở hạ tầng. Cùng với đó chúng ta còn phải đối mặt với vấn đề xả thải. Dự kiến khối lượng chất thải sẽ tăng lên gấp đôi trong 10 năm tới. Đây sẽ là thách thức lớn với các nỗ lực giảm thiểu tác động đến chất lượng nước và sức khỏe con người.
Nếu vẫn duy trì cách thức và mô hình phát triển ngành xây dựng như hiện nay, Việt Nam sẽ vấp phải những khó khăn khôn lường do cạn kiệt tài nguyên và môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng. Phát triển bền vững là giải pháp duy nhất giúp chúng ta giải quyết được những vấn đề trên. Đối với ngành xây dựng, để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững, nhất thiết phải thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành các công trình xây dựng theo cách bền vững hơn. Thiết kế, xây dựng và vận hành công trình xanh đã tạo ra một cuộc cách mạng, bởi nó đòi hỏi các chuyên gia ngành xây dựng phải thay đổi tư duy và cách thức hành động mới có thể thành công trên con đường này.
Tuy vậy, đang còn nhiều rào cản hạn chế sự phát triển của công trình xanh và chúng cần phải được giải quyết tuần tự. Trong bối cảnh đó, năm 2012, Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) đã đệ trình lên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và Bộ Xây dựng “Bản khuyến nghị Phát triển Công trình Xanh ở Việt Nam”, đóng góp vào việc xây dựng Chiến lược Tăng trưởng Xanh cho đất nước.
Nỗ lực đồng thuận từ nhiều bên tham gia
Rõ ràng là Chính phủ có vai trò then chốt trong nỗ lực này. Nhiều quốc gia đang áp dụng chiến lược 2 mũi giáp công “Cây gậy và củ cà rốt”. “Cây gậy” chính là tăng cường khung pháp lý với những quy định về hiệu quả năng lượng, mức tiêu thụ nước, nước thải và chất thải rắn, chất lượng vật liệu xây dựng... nhằm đảm bảo đạt mức tiêu chuẩn tối thiểu cần thiết, vì tình trạng xây dựng hiện nay thường không tuân thủ những quy chuẩn xây dựng đã ban hành.
Vì thế, ưu tiên hàng đầu cần đạt được với “cây gậy” là đảm bảo có sự tuân thủ những quy chuẩn ở mức tối thiểu được Chính phủ biên soạn và ban hành liên quan tới những lĩnh vực trên. Chính phủ cũng cần hoạch định một chiến lược cụ thể và một lịch trình rõ ràng nhằm thúc đẩy các công trình xanh. Để đạt được mục đích này đòi hỏi sự phối hợp thực chất và cụ thể giữa các bộ liên quan. Mà sự phối hợp hiệu quả đó có lẽ chỉ có thể có được với sự cam kết ở cấp cao nhất trong Chính phủ. Thúc đẩy phát triển xây dựng bền vững không chỉ liên quan tới Bộ Xây dựng, mà thực chất liên quan tới trách nhiệm của nhiều cơ quan khác như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo và đương nhiên không thể thiếu Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thiết kế nhà trẻ "xanh" PouChen Farming Kindergarten, Đồng Nai [chi tiết]
Khu vực tư nhân cần "củ cà rốt" khuyến khích xây dựng công trình xanh thông qua việc ban hành những lợi ích kích thích xây dựng công trình xanh hơn mức quy định của luật pháp. Để đạt được mục đích này, cần thông qua những biện pháp khuyến khích tài chính và phi tài chính cho các chủ đầu tư và doanh nghiệp xây dựng. Ví dụ những biện pháp khuyến khích đó có thể gắn với Chương trình Chứng chỉ Công trình Xanh (LOTUS) ở Việt Nam - một hệ thống đánh giá tự nguyện, độc lập và dựa trên nguyên tắc thị trường, đã được phát triển trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế tiên tiến nhất và phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam. Chính phủ có thể khuyến khích các chủ đầu tư và các doanh nghiệp xây dựng đăng ký chứng chỉ LOTUS cho dự án của họ.
Một chiến lược như vậy đã rất thành công trong việc phát triển nhanh chóng các công trình xanh ở Malaysia và Singapore. Thông qua cách làm này, thị trường sẽ dần xác định được “mức chuẩn” cao nhất có thể và sẽ trở thành động lực thực sự cho trào lưu xây dựng công trình xanh ở Việt Nam.
Một trong những cản trở cơ bản chính là sự thiếu nhận thức và kỹ năng cần thiết của các bên liên quan. Vì vậy, quan trọng là cần có các chiến dịch nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực ở mọi cấp độ: với các cơ quan nhà nước, các bộ ngành liên quan nhằm đảm bảo các quy chuẩn, luật pháp phù hợp được tuân thủ; với khu vực tư nhân trong lĩnh vưc xây dựng nhằm đảm bảo việc thiết kế, thi công, vật liệu, và quản lý vận hành công trình... phải theo phương cách bền vững môi trường nhất; với sinh viên, các trường đại học và các cơ sở đào tạo... nhằm đảm bảo thế hệ tương lai được trang bị kiến thức và kỹ năng tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng bền vững.
Vì thế cần nhanh chóng nâng cấp giáo trình đại học. Các dự án tăng cường năng lực được quốc tế tài trợ, chủ yếu là dành cho các cơ quan chính phủ. Chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) chủ yếu nhắm vào khu vực tư nhân, cũng cần được thúc đẩy trên bình diện toàn quốc.
Hiện đã có một số dự án đang được đánh giá Chứng chỉ LOTUS và có thể trở thành những ví dụ khích lệ trào lưu công trình xanh, không những mang lại lợi ích về môi trường mà còn hiệu quả về mặt kinh tế.
Các quy chuẩn hiện hành ở Việt Nam
Quy chuẩn là những quy định bắt buộc. Ở Việt Nam hiện đã ban hành một số quy chuẩn liên quan tới Công trình Xanh, như về hiệu quả năng lượng, chất lượng nước thải, sử dụng gạch không nung, không gian xanh, đánh giá tác động môi trường...
Tuy nhiên, nhiều quy chuẩn này đã không được tuân thủ. Việc rà soát, điều chỉnh những quy chuẩn này cho phù hợp cần được nhanh chóng thực hiện và có sự tham gia của khu vực tư nhân ngành xây dựng, nhằm đảm bảo sự tuân thủ sau này.
Trong tương lai, cũng cần đưa các yếu tố như tiêu chí xanh cho vật liệu, xử lý chất thải rắn, chất lượng môi trường trong nhà, không gian xanh... vào luật xây dựng. Tuy nhiên những thay đổi này không thể được thực hiện trong một sớm một chiều. Vì vậy các tiêu chí này trước tiên cần được xem xét trở thành các tiêu chuẩn không bắt buộc và khi thị trường đã cơ bản đáp ứng được mới đưa thành quy chuẩn bắt buộc sau.
Các công cụ đánh giá công trình xanh ở Việt Nam
Việc áp dụng công cụ đánh giá công trình xanh ở Việt Nam còn rất ít so với các nước trong khu vực, chỉ có vài công trình đăng ký và nhận được Chứng chỉ LEED hoặc Green Mark.
Những công cụ đánh giá này là hoàn toàn tự nguyện, nhằm nêu bật những công trình được thực hiện tiên tiến nhất về môi trường bền vững. Các công cụ này cần phải phù hợp với bối cảnh luật pháp, với điều kiện khí hậu, và trình độ phát triển ở mỗi nước. Một số nước đã cố “copy" công cụ đánh giá của nước ngoài, nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện sau đó.
Chính vì lý do này, Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) đã nghiên cứu xây dựng công cụ LOTUS phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, đồng thời phân tích, chắt lọc những nét tiên tiến nhất từ nhiều hệ thống công cụ quốc tế khác.
Công cụ LOTUS đã được sự công nhận rông rãi bởi các thành viên của Hội đồng Công trình Xanh Quốc tế (WGBC) mà VGBC là hội viên từ năm 2007, đặc biệt với các thành viên cùng trong Mạng lưới các hội đồng công trình xanh tại châu Á - Thái Bình Dương (GBC/APN). Hiện nay, các Hội đồng Công trình Xanh trong mạng lưới khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang cùng nhau xây dựng những quy ước chung về việc ưu tiên áp dụng công cụ đánh giá công trình xanh của mỗi nước trong lãnh thổ nước đó vì phù hợp hơn với điều kiện cụ thể tại địa phương. Quy ước sẽ sớm trở thành văn bản chính thức trong thời gian tới.
Công cụ đánh giá LOTUS dù mới là những nỗ lực ban đầu của VGBC, nhưng nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý giá của tất cả các đối tác liên quan, từ cấp Chính phủ, giới chuyên gia nghiên cứu, cho đến các công ty xây dựng tư nhân... Đây tựa như "cánh én nhỏ báo hiệu mùa xuân" cho trào lưu công trình xanh ngày càng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.
Thiết kế, xây dựng và vận hành công trình xanh đã tạo ra một cuộc cách mạng, bởi nó đòi hỏi các chuyên gia ngành xây dựng phải thay đổi tư duy và cách thức hành động mới có thể thành công. Rõ ràng là Chính phủ có vai trò then chốt trong nỗ lực này. Nhiều quốc gia đang áp dụng chiến lược 2 mũi giáp công “Cây gậy và củ cà rốt”. Ưu tiên hàng đầu cần đạt được với “cây gậy” là đảm bảo có sự tuân thủ những quy chuẩn ở mức tối thiểu được Chính phủ biên soạn và ban hành liên quan tới những lĩnh vực trên. Chính phủ cũng cần hoạch định một chiến lược cụ thể và một lịch trình rõ ràng nhằm thúc đẩy các công trình xanh. Khu vực tư nhân cần "củ cà rốt" khuyến khích xây dựng công trình xanh thông qua việc ban hành những lợi ích kích thích xây dựng công trình xanh hơn mức quy định của luật pháp. Để đạt được mục đích này, cần thông qua những biện pháp khuyến khích tài chính và phi tài chính cho các chủ đầu tư và doanh nghiệp xây dựng.
Yannick Millet - Giám đốc điều hành - Hội đồng công trình Xanh Việt Nam (VGCB)
(Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 5/2013)
- Xây dựng chính quyền đô thị ở TP.HCM: Nên bắt đầu từ đâu?
- Tiêu chí xây dựng nông thôn mới cần đi vào thực tế hơn
- Chính quyền đô thị: "Chiếc áo mới" phải như thế nào?
- Luật Xây dựng sửa đổi: Cần cuộc “cách mạng” về thủ tục
- Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn: Thủ phạm là “giao thông”
- Phát triển bền vững giá trị di sản đô thị Đà Lạt
- Kiến nghị loại bỏ dự án “Đường sắt đồ cổ tân trang”
- Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc TPHCM: Mặt tiền nhà không quá ba màu sơn
- Hoàn thiện đồ án quy hoạch làng cổ Đường Lâm: Không có nhà 2 tầng trong lõi di sản
- "Không thể tu bổ di tích như nhà cửa bình thường"