Ashui.com

Sunday
Dec 29th
Home Tương tác Phản biện Xây dựng chính quyền đô thị ở TP.HCM: Nên bắt đầu từ đâu?

Xây dựng chính quyền đô thị ở TP.HCM: Nên bắt đầu từ đâu?

Viết email In

Xây dựng chính quyền đô thị (CQĐT) mà bản chất của nó là thay đổi phương thức quản lý đô thị, quản lý thị chính nhằm phù hợp với tình hình mới là việc làm cần thiết, phù hợp với nguyện vọng, mục tiêu xây dựng một TP.HCM văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, nó cũng phải có những điều kiện về thời gian, nhân lực, vật lực; cần tuân thủ những nguyên tắc và có bước đi thích hợp.  


TP.HCM đang hướng tới mục tiêu trở thành một chính quyền đô thị
(Ảnh: Hồng Thái) 

Trong điều kiện hiện nay, TP.HCM một mặt cần khắc phục những tồn tại, hạn chế và yếu kém mà ai cũng có thể gọi tên, mặt khác cần tạo ra những nhân tố mới về cơ chế, quản lý, môi trường đầu tư, sự ủng hộ và hưởng ứng của nhân dân… thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng mô hình và vận hành cơ chế quản lý CQĐT. Do đó, trong điều kiện hiện nay, để tiến hành xây dựng (thí điểm) mô hình quản lý kiểu CQĐT, theo tôi, TP.HCM cần phải bắt tay kiện toàn những phương diện sau: 

Thứ nhất: Kiện toàn và đổi mới cơ chế quản lý đô thị tiến đến hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý đô thị. Một CQĐT hoạt động có hiệu quả hay không, có đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân hay không, điều tiên quyết là nó được vận hành trên một nền tảng luật pháp mạnh, chặt chẽ, dân chủ và hiệu quả. Hệ thống pháp luật trong CQĐT cần phải phải đủ độ “mở” để nâng cao mức độ dân chủ, cho phép các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức quần chúng và cá nhân tham gia vào quá trình vận hành và quản lý đô thị theo hướng xã hội hoá, nhưng đồng thời cũng “khép” chặt sự lạm quyền, đặc quyền hay chuyên quyền của một số bộ phận, cán bộ, công chức có những biểu hiện lệch lạc trong quản lý để trục lợi. Do đó, hệ thống pháp luật và pháp chế của CQĐT cần phân định hết sức rạch ròi quyền và nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm của các tổ chức và công dân; giữa thị trưởng và hội đồng thị trưởng, các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể… 

Thứ hai: Kiện toàn tổ chức bộ máy vận hành quản lý đô thị theo hướng gọn nhẹ về số lượng, giảm bớt những tầng nấc trung gian, các đầu mối, các loại hình tổ chức; tăng cường hiệu lực và hiệu quả lãnh đạo, đảm bảo tính thống nhất trong điều hành và chỉ đạo. Một bộ máy cồng kềnh và chồng chéo giữa lĩnh vực lập pháp và hành chính sẽ là lực cản lớn cho tiến trình xây dựng và vận hành CQĐT. Theo kinh nghiệm của các nước đi trước, cho dù kiến lập CQĐT theo kiểu hội đồng thị trưởng (Mayor Parliamentary) là “Chế độ thị trưởng mạnh” hay “Chế độ thị trưởng yếu” thì vấn đề then chốt là ở chỗ: chỉ có chính quyền hai cấp và sự tách bạch giữa cơ cấu hành chính và cơ cấu quyết nghị (lập pháp), mà mục đích cuối cùng của nó là tập trung quyền lực và thống nhất trong điều hành, chỉ đạo quản lý đô thị, nâng cao hiệu suất hành chính.

Thứ ba: Từng bước nâng cao ý thức của thị dân về nếp sống văn minh đô thị, ý thức trách nhiệm công dân; nâng cao trình độ dân trí và tố chất thị dân. Một khi người dân chưa ý thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong tiến trình xây dựng và quản lý đô thị, thì tiến trình xây dựng một CQĐT sẽ gặp phải những “lực cản” lớn. Bởi chính thị dân là chủ thể, là mục tiêu và động lực của quá trình phát triển đô thị. Do đó, việc nâng cao trình độ dân trí, trình độ hiểu biết về pháp luật cho người dân, dần hình thành nếp sống kỷ cương trật tự, đề cao ý thức tự quản và phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ cộng đồng là những công việc hết sức quan trọng trong xây dựng CQĐT. 
 

Từ những tồn tại hiện hữu… 

1- Theo thống kê, tính đến năm 2011, dân số toàn TP.HCM khoản 7.521.100 người. Theo tính toán, mỗi năm thành phố này cần khoảng 200.000 lao động nhưng mỗi năm số lượng người bước vào tuổi lao động chỉ khoảng 86.000 người. Từ đó, xuất hiện sự nhiều mâu thuẫn: giữa sự gia tăng dân số và sức tải hạ tầng đô thị; giữa nhu cầu về nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng với sự cung ứng nguồn nhân lực từ thị trường lao động và sự di dân; giữa năng lực tổ chức và quản lý đô thị của đội ngũ quản lý hiện hữu...

2- Tình trạng sang nhượng trái phép, lấn chiếm đất đai (và sông rạch), xây dựng “chui” và hình thành nên những “xóm lều”, “khu nhà ổ chuột tự phát”, “xóm nước đen”… là những tồn tại và bất cập trong công tác quản lý đô thị và phân cấp quản lý, cho thấy: quản lý vừa lỏng lẻo và chồng chéo, thiếu đồng bộ và phân cấp giữa các địa phương và cơ quan hữu quan.

3- Hiện nay ở TP.HCM là, các văn bản liên quan đến quản lý đô thị, đến quản lý thị chính còn chồng chéo, mâu thuẫn giữa các ngành, giữa cấp dưới và cấp trên, giữa cái mới và cái cũ. Đó là chưa kể đến việc ban hành những văn bản thiếu tính khả thi, không phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương gây những khó khăn nhất định trong công tác điều hành, quản lý đô thị và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. 

4- Theo báo cáo của sở Nội vụ TP.HCM, từ năm 2006 đến nay, mỗi năm TP.HCM chi ngân sách từ 13.000 – 17.000 tỉ đồng để đưa đi đào tạo trong và ngoài nước hơn 30.000 cán bộ, công chức. Thế nhưng, đội ngũ cán bộ công chức hiện mới chỉ đáp ứng được hơn 60% yêu cầu công việc đặt ra. Đặc biệt, tỷ lệ cán bộ công chức không đủ trình độ, nhất là ở cấp xã còn khá cao (với khoảng hơn 30%). Hơn nữa, đại bộ phận cán bộ quản lý thị chính còn chưa được đào tạo chuyên nghiệp về quản lý đô thị, chưa thích ứng kịp với phương thức quản lý kiểu mới. Bên cạnh đó, tình trạng tham nhũng, quan liêu trong công chức làm người dân mất dần niềm tin vào năng lực điều hành của chính quyền. 

TS Phạm Đi - Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh 

Thị dân là linh hồn của đô thị 

Bất luận thế nào, thị dân luôn là chủ thể của một đô thị, tố chất của thị dân chính là “linh hồn và năng lượng” của một đô thị hiện đại. 

Với một thành phố mà tỷ lệ dân nhập cư chiếm khoảng 30% tổng dân số với thành phần đa dạng về nghề nghiệp, lứa tuổi, tín ngưỡng tôn giáo và khoảng 17% dân số nông thôn thì khi xây dựng CQĐT cũng cần đưa ra những biến số về tố chất dân số. Cần thừa nhận một thực tế là, tố chất thị dân của cư dân TP.HCM vẫn còn bị chi phối bởi lối sống tiểu nông, ý thức tuân thủ pháp luật hạn chế, tính tích cực xã hội chưa cao… Chính những yếu tố này tạo nên một áp lực không nhỏ về bài toán quản lý và công tác thực thi phương thức quản lý CQĐT. 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...