Quốc hội vừa chấp thuận đề nghị của TP.HCM về sự cần thiết phải xây dựng đề án thí điểm về mô hình Chính quyền đô thị (CQĐT). Có thể nói, động thái này của Quốc hội đóng vai trò như một “bà đỡ” để cho ra đời một mô thức mới quản lý nhà nước về đô thị. Tuy nhiên, vấn đề cần đặt ra là “chiếc áo mới" phải như thế nào”?
Bất cứ hình thức tổ chức quản lý xã hội đô thị theo kiểu nào thì cũng không ngoài lợi ích chính đáng, hợp pháp của đại bộ phận thị dân mà cụ thể là phát huy tối đa quyền lực giám sát của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân khi tiếp xúc với chính quyền theo nguyên tắc “dĩ nhân vi bản”. Và đặc biệt là, hiệu suất quản lý và sự hài lòng của người dân là thước đo để kiểm chứng hiệu quả cũng là “chuẩn mực” cho chính đội ngũ quản lý đô thị.
Cần quản trị đô thị theo tư duy mới
Chính lẽ đó có thể khẳng định rằng, xây dựng CQĐT trước tiên là phải có óc quản lý đô thị theo tư duy mới, vì nhân dân phục vụ. Khi nào mà sự quan liêu, bao cấp, bao biện, óc tiểu nông, bè cánh, vụ lợi…. của chúng ta vẫn còn hiện hữu và “còn đất sống”; chừng nào nhận thức và cách điều hành của người đứng đầu đô thị còn mang tư duy “vừa chạy vừa xếp hàng”, “nóng đâu phủi đó”, thiếu hẳn tầm chiến lược trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý (quản lý không gian vật chất và quản lý cả không gian xã hội) khiến cho đô thị của chúng ta phát triển một cách lộn xộn, mất trật tự, không theo một chiều tích định hướng nhất định thì việc xây dựng (và chấp nhận) kiểu quản lý đô thị theo kiểu CQĐT sẽ khó lòng đạt được những mục tiêu cao nhất, nếu không muốn nói là “tác dụng ngược”.
Do đó, việc chấp nhận và cho phép xây dựng một mô thức quản lý CQĐT cần phải có những điều kiện hết sức khắt khe, những nguyên tắc ràng buộc và kể cả những bước đi, lộ trình rõ ràng, khả thi, khoa học, phù hợp với thực tiễn của mỗi đô thị, mỗi quốc gia. Nói cách khác, “chiếc áo mới” phải phù hợp với cơ thể xã hội đô thị về cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, điều kiện về tâm lý lối sống, phong tục tập quán và kể cả những thói quen cố hữu và những nét văn hoá mà đô thị đó đang dung nạp.
Quản lý một đô thị không chỉ là những chuyện thuộc tầm vĩ mô... (Ảnh: Lê Hồng Thái)
Không “mặc áo gấm đi đêm”...
Nói đến CQĐT không thể không nói đến vai trò hết sức quan trọng của “người đứng đầu thành phố”: thị trưởng. Mô thức vận hành kiểu CQĐT quyết định đến quyền hạn, vai trò, vị thế của thị trưởng và ngược lại tư duy, nhận thức, cách điều hành, tài năng và cả đạo đức của thị trưởng tác động vô cùng lớn đến sự phát triển cũng như vận mệnh của chính đô thị đó.
Chính lẽ đó, người đứng đầu thành phố là người cần phải có kiến thức về quản lý đô thị kiểu mới. Khi đã là thị trưởng thì kiến thức và tầm nhìn về quản lý đô thị càng phải được đặt lên hàng đầu trong tiêu chí lựa chọn. Thực tế nước ta cho thấy, kiến thức về đô thị nói chung và về quản lý đô thị nói riêng của một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo quản lý (kể cả liên quan đến công tác quản lý đô thị hiện tại) còn sơ sài. Chính sự yếu kém về nhận thức dẫn đến sự yếu kém trong công tác chỉ đạo, ra quyết định và điều hành. Điều này được kiểm chứng ngay trong các đô thị ở nước ta trên các lĩnh vực quy hoạch đô thị, xây dựng đô thị và quản lý công đô thị trong thời gian qua.
Sự thiếu thống nhất trong công tác quy hoạch, sự thiếu đồng bộ và quyết đoán trong công tác xây dựng, kiến thiết, quản lý, vận hành đô thị; sự nhập nhằng và thiếu quyết đoán trong công tác quản lý đô thị trong thời gian qua đã cho thấy năng lực về nhận thức và thực hành quản lý đô thị của cán bộ lãnh đạo, quản lý hữu quan còn đơn giản.
Thiết nghĩ, trước khi “có” CQĐT thì cần phải “có” đầu óc về quản lý theo kiểu chính quyền đô thị. Bởi xét đến cùng, thể chế quản lý CQĐT là một bộ phận tổ thành trọng yếu trong kiến trúc thượng tầng xã hội đô thị, sự chấp thuận và cho phép TP.HCM xây dựng đề án và tiến hành thí điểm vận hành CQĐT là một chiếc “áo gấm” về cơ chế, thế nhưng nếu không khéo vận dụng và tận dụng cơ hội hiếm có này để tạo cú hích mới cho phát triển kinh tế xã hội, cũng như phương thức quản lý mới thì chẳng khác nào “áo gấm đi đêm”.
Tiếp nữa, thị trưởng là người phải biết lắng nghe, biết tập hợp sức mạnh khoa học, kỹ thuật... từ những nhà chuyên môn về đô thị, về quản lý hành chính, quản lý công, quản lý thị chính để từ đó mà xây dựng được những mối quan hệ từ các cơ cấu (mới và phức tạp) trong thiết chế thị trưởng (mối quan hệ giữa cơ cấu tư pháp, cơ cấu hành chính, cơ cấu các cơ quan đại diện của thành phố; mối quan hệ giữa các đoàn thể xã hội, tổ chức chính Đảng và cơ cấu nhà nước). Bởi khi đã hình thành CQĐT gắn với chế độ thị trưởng thì không những “chấp nhận tên gọi” mà còn là sự chấp nhận và thay đổi hàng loạt cách nghĩ, cách làm; các mối quan hệ từ các chủ thể lợi ích mới; các thiết chế mới của đô thị và đặc biệt là tư duy quản lý mới và không thể rơi vào tình trạng “mặc áo quá đầu” trong quản lý theo kiểu mệnh lệnh, hành chính, bảo thủ…
TS Phạm Đi - Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
- Những vấn đề trong bồi thường, di dân, tái định cư
- Mơ hồ như... định giá đất
- Cần đồng bộ mạng lưới kiến trúc dành cho người tàn tật
- Xây dựng chính quyền đô thị ở TP.HCM: Nên bắt đầu từ đâu?
- Tiêu chí xây dựng nông thôn mới cần đi vào thực tế hơn
- Luật Xây dựng sửa đổi: Cần cuộc “cách mạng” về thủ tục
- Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn: Thủ phạm là “giao thông”
- Tương lai bền vững từ những nỗ lực
- Phát triển bền vững giá trị di sản đô thị Đà Lạt
- Kiến nghị loại bỏ dự án “Đường sắt đồ cổ tân trang”