Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Phản biện Luật Xây dựng sửa đổi: Cần cuộc “cách mạng” về thủ tục

Luật Xây dựng sửa đổi: Cần cuộc “cách mạng” về thủ tục

Viết email In

Đời sống xã hội luôn vận động và biến đổi không ngừng. Nhiều quy định của pháp luật nói chung, Luật Xây dựng nói riêng nhanh chóng trở nên lạc hậu, kìm hãm sự phát triển. Tuy nhiên, sự kì vọng vào độ chuyên nghiệp trong công tác xây dựng pháp luật của doanh nghiệp (DN) và người dân đối với Ban soạn thảo vẫn còn một biên độ khá rộng. 

Ban soạn thảo Luật Xây dựng sửa đổi đã chỉ ra rất nhiều điểm bất cập trong luật cũ gây bức xúc trong xã hội cần phải sửa đổi. Nhưng nhiều DN cho rằng, từng đó là chưa đủ mà phải thay đổi tư duy làm luật. Dự thảo Luật Xây dựng như vậy mới chỉ dừng ở mức chống đỡ và đối phó.  
 

Xa rời cuộc sống 

Theo TS Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, muốn sửa đổi một luật, điều đầu tiên cơ quan soạn thảo phải tiến hành tổng kết đánh giá lại luật cũ một cách đầy đủ và kỹ lưỡng. Không chỉ với Luật Xây dựng mà nhiều luật và bộ luật khác khi sửa đổi, công tác tổng kết đánh giá lại luật cũ làm rất qua loa và hình thức. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của luật sửa đổi. 

Thực tế, điều mà dự luận xã hội quan tâm lớn nhất trong những năm qua là Luật Xây dựng và các quy định liên quan chưa hạn chế được sự lãng phí, thất thoát đối với các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước. Thời gian qua, việc phân cấp để cho phép các chủ thể được làm chủ đầu tư khá “mở”. Do vậy, nhiều ngành, địa phương có hiện tượng “nở rộ” các cơ quan, đơn vị được giao làm chủ đầu tư. Vấn đề đáng ngại là nhiều chủ đầu tư yếu cả về kinh nghiệm chuyên môn lẫn tổ chức quản lý dự án. Điều này dẫn đến việc cơ quan quản lý nhà nước hoặc cấp quyết định đầu tư luôn trong tình trạng bị động, thậm chí bất lực khi xử lý tình trạng công trình chậm tiến độ, kém chất lượng, đội giá thành.

Chủ đầu tư với vai trò “nhạc trưởng” của dự án là chủ thể chịu trách nhiệm toàn diện đối với sự thành công của dự án. Ông Liêm cho rằng, đối với dự án đầu tư công, Luật sửa đổi cần đưa ra những quy định rõ ràng, cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư. Việt Nam cần học tập kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề xây dựng bộ máy tổ chức chuyên nghiệp làm chủ đầu tư các dự án đầu tư công. 

Theo ông Nguyễn Văn Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS VN, trong thực tế hoạt động xây dựng, có nhiều thiết kế công trình mẫu có thể được nhiều chủ đầu tư (người dân) sử dụng, đặc biệt có nhiều nước trên thế giới đã ban hành những mẫu thiết kế chuẩn để người dân có thể lựa chọn phù hợp với điều kiện xây dựng của mình. Người dân sẽ tiết kiệm được một phần chi phí thiết kế mà lại nhanh chóng hoàn tất các thủ tục về xây dựng để thi công xây dựng. Ông Minh đề xuất, Ban soạn thảo nghiên cứu và bổ sung thêm quy dịnh này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục xây dựng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu áp dụng khoa học và công nghệ xây dựng tiên tiến, sử dụng vật liệu xây dựng mới, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường…

Kinh nghiệm quản lí của TP HCM là phải kí quỹ để tuân thủ các quy định về thiết kế kĩ thuật. Khi xây dưng xong công trình nều đạt đủ các yêu cầu kĩ thuật cũng như quy tắc luật lệ thì mới được đóng dấu hoàn công để trả lại tiền kí quỹ. Đây là một kinh nghiệm tốt có thể đưa vào luật và các văn bản hướng dẫn, giúp công tác quản lí xây dựng đi vào quy củ. 
 

Quá nhiều rào cản thủ tục 

Thủ tục hành chính về xây dựng nhưng năm qua đã khiến rất nhiều DN phải lao đao, thậm chí có nguy cơ phá sản. Nhiều dự án từ khi bắt đầu triển khai đến khi hoàn thành thủ tục có thể hàng năm trời. Theo ông Bùi Như Điện – Trưởng phòng quản lí xây dựng (TCty Hàng không VN), để hoàn thành thủ tục cấp phép xây dựng, người dân và DN phải qua hai cửa chính là Sở Xây dựng và Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, hai sở này thường không công nhận kết quả hồ sơ thiết kế của nhau. Hồ sơ cứ được đá đi đá lại, khiến người dân và DN rất mệt mỏi.

Ông Điện cho rằng, cần quy về một mối, Sở Xây dựng nên chủ trì về mặt cấp phép. DN và người dân chỉ cần nộp hồ sơ đến Sở Xây dựng, Sở này sẽ gửi sang Sở Cảnh sát PCCC để bổ sung hoặc phê duyệt. Các thủ tục hành chính của Việt Nam cần học tập kinh nghiệm quốc tế. Ví dụ kinh nghiệm Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Khi cấp Visa, họ buộc người dân phải nộp một khoản phí. Tuy nhiên, hồ sơ chỉ cần gửi qua email. Họ sẽ kiểm tra và yêu cầu bổ sung thông tin nếu thấy thiếu. Sau đó, gửi hồ sơ lại bằng đường chuyển phát nhanh cho người dân.

Hơn nữa, tại Điều 71 của dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi cũng vẫn giữ nguyên yêu cầu phải có nhà thầu thi công đủ năng lực mới cấp giấy phép xây dựng. Thực tế, từ khi triển khai dự án, mời thầu đến đầu thầu là cả một quãng thời gian dài. Khi nhà thầu thi công trúng thầu mới đi xin cấp phép lại thêm một chặng nữa, không biết đến khi nào dự án mới được triển khai. Chính vì vậy, ông Điện cho rằng, Luật mới cần quy định rõ và tách bạch thời gian triển khai dự án gồm: thời gian làm thủ tục và thời gian thi công. Thời gian thi công là thời gian mà chủ đầu tư và nhà thầu có thể tính toán để giao ước trong hợp đồng, còn thời gian làm thủ tục thì trách nhiệm thuộc cơ quan quản lí nhà nước.

Một nội dung rất quan trọng trong vấn đề quy hoạch đô thị mà nhiều địa phương đang vướng đó là cốt xây dựng. Tại Điều 70 của dự thảo vẫn đẩy trách nhiệm này về cho DN và người dân. Tuy nhiên, theo ông Điện, khi xây dựng quy hoạch chi tiết các địa phương cần đầu tư về nội dung cốt xây dựng. Từ nhà dân đến các công trình lớn của DN cần dựa trên một cốt nền để không nhà nào bị ngập úng, không có nhà nào nền quá cao gây bất tiện. Thậm chí các địa phương có thể xã hội hoá, thuê một đơn vị nghiên cứu, tính toán cốt nền. Cá nhân tổ chức muốn có cốt nền phải trả phí, còn địa phương thì quản lí được một thiết kế tổng thể… 

Tuy nhiên, ngoài việc ban hành luật mới, nhiều DN và chuyên gia còn băn khoăn về tính khả thi cũng như sự nghiêm minh của pháp luật. Nhiều điểm luật cũ đặt ra khá văn minh nhưng vẫn chưa được các đơn vị thực thi. Ví dụ, trong thực tế, nhiều dự án, nhiều khu đô thị đã được xây dựng xong và bàn giao cho người mua sử dụng. Tuy nhiên, chủ đầu tư hầu hết không bàn giao dự án, hạ tầng kỹ thuật và các công trình phúc lợi, công cộng cho chính quyền địa phương quản lý theo địa giới hành chính. Điều này vừa gây mất ổn định an ninh trật tự khu vực vừa không đảm bảo được quyền lợi của cộng đồng. Chính vì vậy, cần có các chế tài đủ mạnh để buộc các bên phải tuân thủ nghiêm chỉnh luật pháp. 

Ls Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC): 
Dự thảo còn nhiều điểm bất hợp lý

Luật Xây dựng hiện hành cùng 16 đạo luật khác đã được VCCI chủ trì rà soát. Các DN, hiệp hội DN dựa vào thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của mình đã có những đóng góp rất thiết thực. Qua đó, DN đã chỉ ra nhiều điểm bất hợp lí, chồng chéo và không cần thiết trong Luật Xây dựng cùng những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Nhiều điều luật đã được DN đề nghị sửa đổi, thậm chí bãi bỏ. Tổng hợp các đóng góp của DN, VCCI đã có văn bản kiến nghị gửi đến các cơ quan liên quan như bộ chủ quản, Quốc hội, các UB của Quốc hội… Ban soạn thảo có thể sử dụng văn bản trên như những kiến nghị chính thức cùng các kiến nghị trực tiếp khác.

Ông Nguyễn Văn Châu -Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội tư vấn xây dựng VN: 
Vai trò của chủ sở hữu còn mờ nhạt

Trong Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi nêu quá nhiều quyền của Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND các cấp. Trong khi đó vai trò của Nhân dân (chủ sở hữu) còn lờ mờ, chưa rõ ràng. Chính những quy định “lầm tưởng” này mà đẻ ra cơ chế xin cho, quan liêu, bao cấp và tham nhũng trong hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý đầu tư xây dựng.

Tương tự như vậy với Vốn đầu tư trong các DNNN xưa nay cũng bị hiểu chưa đúng. Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV, TGĐ các Tập đoàn, TCty được trao các quyền quyết định đầu tư xây dựng. Mặc dù, về bản chất thì họ không phải chủ sở hữu thật sự, nhưng họ vẫn có quyền quyết định. Do đó, việc kiếm chác dựa trên quyết định của mình mới nảy sinh.

Bên cạnh đó, Luật Xây dựng sửa đổi lựa chọn giải pháp chống bỏ thầu giá thấp bằng cách đưa ra khái niệm “giá dự thầu hợp lý”. Cách đặt vấn đề này có vẻ hợp lý song khó khả thi do việc xác định khái niệm về “giá hợp lý” luôn là chủ đề gây tranh cãi, dễ dẫn đến các cuộc kiện tụng bất phân thắng bại.

Ls Phan Vũ Anh - Giám đốc Cty Luật TNHH Phan Anh: 
Thiếu nhiều quy hoạch chi tiết  

Thực tế hiện nay, quy hoạch chi tiết xây dựng ở nhiều địa phương còn chưa được ban hành thậm chí nhiều địa phương đã ban hành nhưng chất lượng quy hoạch xây dựng chi tiết còn hạn chế. Khi các địa phương chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết thì việc cấp phép xây dựng sẽ vô cùng khó khăn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các chủ thể có nhu cầu cấp phép xây dựng. Do vậy, đề nghị Bộ Xây dựng tiến hành rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương đặc biệt là tỉnh và thành phố lớn phải sớm ban hành quy hoạch xây dựng chi tiết làm cơ sở để cấp phép xây dựng.

Thực trạng hiện nay, tỷ lệ quy hoạch đặc biệt là quy hoạch chi tiết chưa được phủ kín nên cũng gây vướng mắc và dễ dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu trong công tác cấp phép xây dựng. Ở những khu vực yêu cầu quản lý về kiến trúc nhưng chưa có thiết kế đô thị hoặc chưa có các quy định về quản lý kiến trúc cũng gây khó khăn cho công tác cấp phép, dễ gây tùy tiện khi thỏa thuận về kiến trúc công trình. 

Bá Tú (Diễn đàn Doanh nghiệp / thực hiện) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo