Không khí tại các đô thị lớn tại Việt Nam chủ yếu ô nhiễm bụi, có thời điểm đo tại các nút giao thông có nhiều phương tiện lưu thông và công trình xây dựng cao gấp 5 - 6 lần tiêu chuẩn cho phép. Và Hà Nội đang đứng trong danh sách những thủ đô ô nhiễm không khí nhất khu vực Đông Nam Á và Châu Á.
Tìm ra bệnh, nhưng “khó” bốc thuốc
Bạn đang hoài nghi rằng không hẳn Thủ đô của chúng ta đang đứng trong những TP ô nhiễm không khí nặng nhất Châu Á, so với những gì đang diễn ra và nghiên cứu của những nhà khoa học thì đây hoàn toàn là sự thực. Một vấn đề đang đặt ra là sự phát triển của kinh tế phải song hành với một môi trường xanh. Hà Nội cũng như nhiều TP hiện đang gặp phải nhiều vấn nạn, đó là gia tăng dân số cơ học, ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường không khí. Thời gian qua các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết vấn nạn giao thông, song vấn nạn ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí chưa được quan tâm đúng mức. Và chiếc khẩu trang từ lâu đã là vật bất ly thân của mỗi ai khi bước ra đường, và bất cứ ai cũng có thể tưởng tượng được ô nhiễm đang ở mức nào.
- Ảnh bên: Đường phố Hà Nội mù mịt bụi (ảnh chụp trên đường Nguyễn Xiển)
Qua một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy, trên địa bàn TP Hà Nội có đến 72% hộ gia đình mắc bệnh do ô nhiễm không khí (liên quan đến hô hấp), trong đó Q.Hoàng Mai chiếm tỷ lệ cao nhất 91,4%, thấp nhất là Q.Tây Hồ với 55%. Chỉ với những số liệu như vậy cũng có thể thấy ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã vượt tầm kiểm soát.
Ô nhiễm giao thông hiện nay đang là một trong những tác nhân lớn nhất ảnh hưởng đến không khí đô thị. Các nguồn khí thải khác như hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động khai thác khoáng sản, hoạt động xây dựng và hoạt động dân sinh chỉ chiếm một tỷ lệ tương đối về khí thải gây ô nhiễm không khí đô thị.
Theo các chuyên gia, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại các đô thị lớn ở Việt Nam, đặc biệt là ở những TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường thì ô nhiễm tại Hà Nội đã vượt quy chuẩn cho phép chủ yếu là hàm lượng bụi cao hơn 1 - 2 lần tiêu chuẩn. Đặc biệt, tại các nút giao thông và công trình xây dựng mức độ ô nhiễm không khí cao hơn gấp 5 - 6 lần tiêu chuẩn. Hà Nội hiện có hơn 4 triệu phương tiện cá nhân, đó là nguyên nhân của sự thường xuyên tắc đường và ô nhiễm môi trường không khí.
Ông Nguyễn Văn Thùy - Quyền giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường cho biết: Ở Hà Nội, tại nhiều nút giao thông như Kim Liên, Giải Phóng, Phùng Hưng (Hà Đông)... những khu vực đông dân cư, nồng độ bụi thường cao hơn mức cho phép, có lúc lên gấp 7 lần. Các khí ô nhiễm khác như CO; SO2 dưới tiêu chuẩn, nhưng đang có xu hướng tăng lên. Nguồn ô nhiễm từ hoạt động giao thông chiếm tới 70% tỷ lệ gây ô nhiễm ở Hà Nội. Các nguồn gây ô nhiễm khác là hoạt động từ làng nghề, khu tái chế, khu vực xây dựng.
Khoảng trống trách nhiệm
Việc kiểm soát chất lượng không khí hiện nay đã có những quy định khá đầy đủ, cao nhất là Luật Bảo vệ môi trường; các Nghị định của Chính phủ về niên hạn sử dụng đối với ôtô tải và ôtô chở người, làm cơ sở pháp lý để loại bỏ các phương tiện kém chất lượng; Quyết định 249/2005/QĐ-TTg về quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với, ôtô, xe máy... cùng các quy định cụ thể về Quy chuẩn Việt Nam khí thải công nghiệp.
Ông Hoàng Dương Tùng - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường: Việt Nam cần học Bangkok (Thái Lan) để phát triển hệ thống tàu điện ngầm trong việc cải tạo vấn đề về không khí. Trước mắt, Hà Nội cần xây dựng hệ thống quan trắc môi trường dày đặc hơn, ít nhất là 10 trạm quan trắc. Hiện nay, Hà Nội mới có hai trạm quan trắc không khí. |
Khi đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng hiện nay, Cục Kiểm soát ô nhiễm đã chỉ ra 3 nguyên nhân khiến chất lượng không khí của chúng ta ngày càng ô nhiễm. Trước hết là cơ quan quản lý chưa có cách tiếp cận tổng thể trong quản lý chất lượng không khí. Nhiệm vụ có vẻ quy định rõ như quan trắc môi trường, báo cáo hiện trạng (do Bộ TN&MT làm), kiểm soát khí thải từ phương tiện (do Bộ GTVT chịu trách nhiệm), quy định tiêu chuẩn nhiên liệu (do Bộ Khoa học Công nghệ ban hành) nhưng soi lại thì thấy việc kiểm kê phát thải, xây dựng cơ sở dữ liệu, kiểm soát nguồn thải, kiểm soát chất lượng nhiên liệu... chưa rõ ai chịu trách nhiệm.
Thứ hai là chức năng, nhiệm vụ bị chồng chéo. Bộ TN&MT chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về môi trường, trong đó có môi trường không khí. Nhưng nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm không khí đô thị, cải thiện chất lượng không khí đô thị lại thuộc về Bộ GTVT (theo Quyết định 328 và Quyết định 256 của Thủ tướng Chính phủ). Trong khi cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin về kiểm soát ô nhiễm giữa các bộ, ngành, giữa cơ quan Trung ương và địa phương chưa được thực hiện.
Cuối cùng, việc kiểm soát ô nhiễm không khí còn bỏ ngỏ do thiếu văn bản pháp luật đặc thù cho công tác quản lý môi trường không khí. Trong Luật Bảo vệ môi trường và các quy định khác về bảo vệ môi trường không khí ghi quá chung chung, khó thực hiện. Thực tế là các quy định về nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại... đều được chú trọng thì quy định về quản lý chất lượng không khí chưa có.
Hãy hành động trước khi quá muộn
Cách đây khoảng 10 năm, Hà Nội đồng loạt thay thế xe bus cũ bằng xe bus mới hầu hết được nhập về từ Hàn Quốc chạy bằng dầu diezel. Mặc dù hệ thống xe bus Thủ đô đã góp phần quan trọng trong việc chuyên chở khách, tuy nhiên do việc nhập khẩu ồ ạt các loại xe chạy dầu nên xe bus đã gây ra ô nhiễm không khí. Với mức độ xả khói thải như hiện nay, theo các chuyên gia, khí thải của các xe bus đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội mỗi một ngày đủ làm diện tích của một phường bị ô nhiễm! Khói xe bus, khói xe tải, ôtô, xe máy hàng ngày, hàng giờ đang “vắt kiệt” bầu không khí trong lành của thủ đô. Mặc dù, thủ phạm gây ra ô nhiễm không khí ở mức trầm trọng đã được các cấp, ngành xác định song trên thực tế vẫn chưa có phương thuốc nào để chữa khỏi căn bệnh này.
Hàng năm, Chính phủ và TP đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho việc phát triển hệ thống giao thông để giải quyết bài toán hạ tầng giao thông thấp kém gây cản trở cho phát triển kinh tế và giải quyết vấn nạn ách tắc giao thông, song chi cho bảo vệ môi trường thì vẫn chưa tương xứng. Theo các chuyên gia, vấn đề đặt ra với chính quyền TP hiện tại bên cạnh tầm tư duy chiến lược là hạn chế tốc độ gia tăng dân số cơ học, thì trên bình diện pháp lý và cơ cấu đầu tư Hà Nội cần ban hành các cơ chế về bảo vệ môi trường thật nghiêm sao cho không để tình trạng các công trình xây dựng, giao thông bụi mờ mịt như hiện nay. Nên thay thế hệ thống xe bus vốn quá lạc hậu như hiện tại bằng hệ thống xe chạy điện như trước đây, song hành với đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống tàu điện trên cao, tàu điện ngầm… Có như thế hy vọng 10 năm tới khẩu hiệu Hà Nội xanh - sạch - đẹp mới trở thành hiện thực.
Hiệp Bắc (Báo Xây dựng)
- Cần đồng bộ mạng lưới kiến trúc dành cho người tàn tật
- Xây dựng chính quyền đô thị ở TP.HCM: Nên bắt đầu từ đâu?
- Tiêu chí xây dựng nông thôn mới cần đi vào thực tế hơn
- Chính quyền đô thị: "Chiếc áo mới" phải như thế nào?
- Luật Xây dựng sửa đổi: Cần cuộc “cách mạng” về thủ tục
- Tương lai bền vững từ những nỗ lực
- Phát triển bền vững giá trị di sản đô thị Đà Lạt
- Kiến nghị loại bỏ dự án “Đường sắt đồ cổ tân trang”
- Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc TPHCM: Mặt tiền nhà không quá ba màu sơn
- Hoàn thiện đồ án quy hoạch làng cổ Đường Lâm: Không có nhà 2 tầng trong lõi di sản