Trước tiên nên cân nhắc thêm: Làng cổ Đường Lâm là di tích hay là di sản. Việc gọi tên chính xác sẽ mở đường cho sự ứng xử, duy nhất phù hợp và mang tính khả thi.
Là di tích, bởi Đường Lâm là sự hiện thân đầy đủ, cô đọng, thị sở và hiếm hoi của thiết chế cộng cư thôn xã Việt truyền thống, với những tích lũy đặc sắc về các phương diện lịch sử, nhân văn và kiến trúc;
Là di sản, bởi Đường Lâm, với những gì hiện hữu, là sản phẩm hữu cơ của một tiến trình lịch sử liên tục, bao gồm chẳng những yếu tố di tích nổi trội, mà còn là một phức hợp cộng cư thôn xã đang tồn tại và phát triển như mọi thôn làng khác. Gọi Đường Lâm là “Làng - di sản” trước tiên để nói lên thực trạng cơ thể vật chất của nó, bao gồm chẳng những di tích lịch sử và những công trình kiến trúc có giá trị, mà còn cả một quỹ kiến trúc - tài sản luôn luôn đòi hỏi sự cải tạo và nhân lên. Cùng với đó, chủ nhân của “Làng - di sản” là một cộng đồng dân cư không chỉ đặc trưng bởi tính bảo lưu và kế thừa truyền thống, mà còn không ngừng thôi thúc bởi những nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống và hướng tới văn minh hiện đại.
Lưu giữ một không gian dân dã thôn quê
Làng cổ Đường Lâm mang bản chất di tích từ góc độ bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, song từ cái mà nó đang là, và, không kém phần quan trọng, từ đòi hỏi bảo tồn khả thi, nên nhận thức như là một di sản, một phức hợp cộng cư kiến trúc – cộng đồng lịch sử sống động.
Làng cổ Đường Lâm có thể ví với cây cổ thụ: Muốn duy trì sự sống cho cội rễ già nua, ta phải để cho cành non lá xanh đâm chồi nảy lộc. Cuộc đời làng cổ, dù cổ đến mấy, dù hiếm hoi đến mấy và dù ta mong muốn cứ giữ lại mãi mãi như thế, nó vẫn là một dòng chảy không ngưng nghỉ. Không thể ứng xử với làng cổ - di sản theo cách nghĩ tương tự như với một di tích lịch sử hoặc di tích kiến trúc: Giữ nguyên. Bảo tồn làng cổ Đường Lâm không thể theo kiểu thắt ga-rô để chặn dòng máu chảy. Hiểu làng cổ như một cơ thể sống và, từ dó, ứng xử tương ứng: Duy trì và điều tiết dòng chảy. Bảo tồn làng cổ trong sự phát triển tiếp nối.
Ngược lại, hễ ta ứng xử cứng nhắc với Đường Lâm như với di tích, sẽ nảy sinh những nguy cơ: Làng biến thành bảo tàng ngoài trời; khung cảnh sống của dân cư trong làng và trong nhà biến thành trưng bày bảo tàng; chủ nhân của những căn nhà cổ và cũ từ những người kế thừa trở thành những người trông nom và giới thiệu “di tích”. Làng còn xác mà mất hồn.
Nguy cơ hơn, hễ ta ứng xử với làng cổ như với di tích, sẽ nảy sinh mâu thuẫn đối kháng gia tăng giữa nhu cầu tự nhiên của cộng đồng dân cư và đòi hỏi về bảo tồn; mâu thuẫn giữa quyền lợi thực tế của người dân với kinh doanh du lịch; mâu thuẫn ở tầm vĩ mô giữa bảo tồn và sự phát triển... Tất cả những mâu thuẫn khó bề tháo gỡ ấy sẽ làm cho công cuộc bảo tồn trở nên hoàn toàn bất khả thi. Thực tế này đã hiện ra lừng lững rồi.
- Ảnh bên: Một góc kiến trúc chùa Mía với kiến trúc gỗ hài hòa với thiên nhiên
Một điều không thể không nhắc tới, đó là hàng chục căn nhà được coi là “di tích” sẽ phải giữ nguyên trạng, chẳng những làm cho sự sinh sống của chủ nhân trở nên bế tắc, mà còn đòi hỏi những sự đầu tư rất không nhỏ về kinh phí và nhất là về vật liệu theo nguyên gốc, ngày nay khan hiếm. Trong khi đó, nhà - “di tích” lại là sở hữu tư nhân, chủ nhân không dễ gì bỏ tiền ra để trùng tu bảo tồn như cũ. Họ sẽ tự hỏi: Được lợi lộc gì?
Khả thi, mang tính thực tế, chính là sự ứng xử từ tầm vĩ mô, theo triết lý nền tảng sau: Bảo tồn kết hợp nhuần nhị với kế thừa và với sự phát triển trong điều tiết.
Có như vậy, làng cổ Đường Lâm mới có cơ may duy trì hình ảnh làng - di sản, làng luôn bồi bổ sức sống trường sinh, làng Việt cho hôm nay và của muôn đời.
Tính khả thi của bảo tồn trong sự cộng sinh với phát triển không thể đảm bảo được bằng các giải pháp thuần túy bảo tồn và bảo tàng, các giải pháp quản lý xây dựng cũng như bằng biện pháp đảm bảo quyền lợi cho nhóm dân cư sở hữu vốn cổ. Việc công nhận làng cổ Đường Lâm là di tích không nên hiểu máy móc là sự vận dụng vào nó những nguyên tắc bảo tồn và trùng tu di tích theo Luật Di sản văn hóa, tương tự như ta ứng xử với Đình Tây Đằng hoặc với Thánh địa Mỹ Sơn. Luật cũng do các cơ quan chuyên ngành và các nhà chuyên môn đề xuất. Nếu chúng ta chưa tính tới những đặc thù của các di sản kiến trúc đô thị và nông thôn sống động, thì không thể có phương sách nào cứu vãn và duy trì được chúng. Khu phố cổ Hà Nội là một ví dụ. Các giải pháp quản lý xây dựng không tương ứng tính đặc thù của những cấu trúc cư dân cổ và cũ, mà chỉ tuân thủ cứng nhắc, đòi hỏi bảo tồn triệt để, cũng sẽ trở nên bất khả thi và người dân sẽ tìm cách né cho được. Khu phố cổ Hà Nội, một lần nữa, là ví dụ.
Bảo tồn khả thi phải được đảm bảo trước tiên bằng các chính sách, phản ảnh nhận thức đầy đủ và khách quan về di sản văn hóa làng, chiến lược bảo tồn và phát triển, tạo dựng những cơ sở thực tế cho việc duy trì một phức hợp vật chất - nhân văn do lịch sử để lại, đồng thời đáp ứng xít xao các nhu cầu của cuộc sống cộng đồng dân cư đương đại, là yếu tố quyết định vận mệnh của di sản.
Các chính sách sẽ là nền tảng cho những văn bản mang tính pháp quy hoặc hướng dẫn, cho công tác quản lý bảo tồn và xây dựng, cho các chương trình và kế hoạch bảo tồn và phát triển, cho phát triển kinh tế và văn hóa du lịch, đặc biệt cho sự gắn kết thiết thân quyền lợi của dân cư với công cuộc bảo tồn và phát triển kinh tế du lịch, như một yếu tố chuyển hóa nền kinh tế địa phương.
Cổng chính vào làng - Có nên bê tông hóa?
Từ những chính sách vĩ mô và vi mô, những công cụ quản lý và điều tiết phát triển, cần thực hiện có hệ thống và nhất quán những phần việc sau:
- Tổng điều tra toàn diện xã hội, kinh tế, đời sống, quỹ kiến trúc, nhu cầu và xu hướng phát triển... làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách, các quy chế, các hướng dẫn, các quy hoạch; xác định các giải pháp và biện pháp cụ thể...
- Xây dựng bản đồ chi tiết, phản ánh thực trạng quy hoạch và kiến trúc Đường lâm, không bao hàm chỉ riêng các di tích; một bản đồ và một hồ sơ phản ánh trung thực và chính xác thực trạng từng bộ phận của cấu trúc dân cư, các công trình kiến trúc cổ - cũ - mới, hệ ao ngòi, các yếu tố cấu thành đặc trưng cảnh quan xóm làng...
- Xác định danh mục những đối tượng là di tích, những đối tượng có giá trị, những không gian công cộng - cảnh quan cần được bảo vệ; các cấu trúc và đai có kiến trúc chuyển tiếp; các khu vực xây dựng xen kẽ hoặc xây dựng mới... Đối với từng đối tượng trên nơi cần thiết thì ban hành quy chế bắt buộc, nơi ban hành những hướng dẫn về cải tạo và xây mới. Chấp nhận sự cải tạo phù hợp đối với các căn nhà cổ và cũ có giá trị đặc biệt; khuyến khích và hướng dẫn cải tạo những căn nhà ít có giá trị song có vai trò đóng góp cho cảnh quan kiến trúc; cho phép việc xây xen kẽ song phải theo những chỉ dẫn nhất định (chẳng hạn như làm mái dốc, lợp ngói)... Việc di dân từng phần chỉ là một trong những giải pháp.
- Quy hoạch bảo tồn và phát triển làng cổ phải chú trọng đặc biệt việc duy trì cấu trúc công năng và cấu trúc không gian của cơ thể thôn xã cổ, mối liên hệ khăng khít và tinh tế giữa chúng, đảm bảo sự duy trì ổn định về phương diện hình thái học làng Việt truyền thống ngay cả khi có bổ sung xây dựng mới.
- Nên xây dựng thiết kế chi tiết bảo tồn và định hình diện mạo kiến trúc các con đường làng, các ngõ ngách, khẳng định các điểm và các cụm nhấn cảnh quan kiến trúc...
- Với cộng đồng dân cư, ngoài việc đảm bảo trên thực tế nhu cầu cải thiện điều kiện sống và phát triển cũng những quyền lợi từ các hoạt động phát huy giá trị di sản làng cổ, cốt lõi của thành công phải là những giải pháp mềm và mở; tránh lạm dụng công cụ xin và cho, cấm và cho; lấy sự tuyên truyền và, đặc biệt, sự hướng dẫn cụ thể để tranh thủ sự đồng tình và tuân thủ.
- Trong xây dựng mới, phù hợp hơn cả là việc tính tới các nhu cầu và khả năng: xây dựng cơi nới và xen kẽ; xây dựng trên những diện tích làng mở rộng và xây dựng trên những diện tích tách biệt. Cần có sự điều tiết vĩ mô và vi mô về cấu trúc và hình thái học để cơ thể làng cổ không bị tan vỡ, bị xộc xệch, tạo ra sự liên hoàn và cộng sinh kiến trúc các thời thành một thể. Những cái xây dựng thời nay có thể trở thành bộ phận cấu thành của một làng xã - di sản trong tương lai.
Bảo tồn các di sản kiến trúc đô thị và nông thôn phải dựa vào những cơ sở cốt yếu và đặc thù: đó là những cơ thể cộng sinh sống động và là nơi trú ngụ của những kiếp ngưởi.
Làng cổ Đường Lâm là di sản và mọi chủ trương chỉ khả thi khi đi ra từ những đặc thù ấy.
GS.TS.KTS.Hoàng Đạo Kính - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia
Ảnh: Phạm Tân
(Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 7/2013)
- Quy hoạch kiến trúc khu phố cổ: Người dân được lợi gì?
- Chính quyền đô thị TPHCM: Đổi mới - yêu cầu bức thiết
- Dự án cầu đường Bình Triệu 2: Quy hoạch lạc hậu, cần giảm quy mô?
- Dân đủ sáng suốt để bầu thị trưởng
- Dân được lợi gì từ chính quyền đô thị?
- Những vấn đề trong bồi thường, di dân, tái định cư
- Mơ hồ như... định giá đất
- Cần đồng bộ mạng lưới kiến trúc dành cho người tàn tật
- Xây dựng chính quyền đô thị ở TP.HCM: Nên bắt đầu từ đâu?
- Tiêu chí xây dựng nông thôn mới cần đi vào thực tế hơn