Chính quyền đô thị là mô hình quản lý mà TPHCM nung nấu, tâm huyết theo đuổi đề xuất thực hiện từ hơn 10 năm nay. Yêu cầu khách quan này xuất phát từ những rào cản, bất cập lớn trong công tác quản lý mà chính quyền TPHCM gặp phải. Kỳ vọng rằng khi có được hệ thống điều hành quản lý thích hợp mang tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao sẽ tạo sức bật lớn để TPHCM phát triển tăng tốc, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.
(ảnh: Phạm Xuân Vinh)
Tính chất quan liêu, bàn giấy nặng nề
Để thấy rõ tính bức thiết của mô hình quản lý mới, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, phân tích: Hiện nay, TPHCM được quản lý không khác một tỉnh bất kỳ, dù đó là tỉnh có dân số nhỏ bé rất nhiều lần so dân số TPHCM với GDP đạt rất thấp, không nộp ngân sách; trong khi TPHCM nộp khoảng 30% tổng ngân sách quốc gia.... Bên cạnh đó, do TP cũng là một đơn vị trực thuộc Trung ương như các tỉnh, thành khác nên quyền hạn, trách nhiệm và lợi ích nhân dân của TP cũng bị hạn chế theo tính chất bình quân cả nước. Điều này thể hiện rõ nhất trong tổ chức biên chế, tài chính ngân sách, vốn đầu tư Trung ương trên địa bàn...
Ông Lê Minh Trí, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM (nay là Phó ban Nội chính Trung ương), người từng tham gia chấp bút đề án Chính quyền đô thị, minh chứng: Tại các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng (huyện Bình Chánh) số dân mỗi xã hiện đã phát triển đến 70.000 - 80.000 dân, trong khi bộ máy quản lý nhà nước được tổ chức tương đương với một phường 20.000 - 30.000 dân. “Chính sự bất cập trong tổ chức bộ máy như thế đã gây không ít khó khăn cho địa phương trong quản lý địa bàn”, ông Lê Minh Trí nói.
Ngoài ra, cơ chế hoạt động tại đô thị đông dân nhất nước nhưng lại giống ở nông thôn, đơn giản, chậm chạp, không phù hợp với khối lượng, tần suất, tốc độ công việc cần xử lý khiến tình trạng bất cập xảy ra liên miên, kéo dài không dứt, tính chất quan liêu bàn giấy nặng nề. Điều này dễ thấy qua lịch công tác của Thường trực UBND TPHCM lúc nào cũng kín hội họp, điểm khác biệt lớn với cấp chính quyền tương đương ở các tỉnh.
“Cha chung không ai khóc”
Ở cấp cơ sở, nhiều bất cập nặng nề không kém, khi trình độ, nhân lực của cán bộ kém nhiều so với nhiệm vụ được giao. Chưa hết, quan hệ giữa chính quyền cấp TP với cấp quận - huyện và cấp cơ sở cũng giống như các tỉnh thành khác, tất cả đều phụ thuộc hệ thống tổ chức và cơ chế điều hành 3 cấp nên TP cũng không thể thay thế hay giúp đỡ cho cấp dưới, nhất là cấp cơ sở khi thấy cần thiết. Hệ quả mô hình quản lý nhiều tầng nấc cũng là nguyên nhân dân khiếu kiện không qua phường hay quận mà đi thẳng lên TP, kể cả Trung ương để được giải quyết nhanh, thay vì phải qua các tầng nấc chậm chạp.
Một thực tế khác gây bức xúc khi mô hình tổ chức cấp chính quyền TPHCM hiện hành thiếu đồng bộ, chức năng phối hợp chưa tốt nên công tác quản lý nhà nước còn yếu. Điều này thấy rõ trong việc quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp thoát nước…). Do hệ thống hạ tầng kỹ thuật phân bố qua nhiều địa bàn quận huyện, trong đó mỗi địa phương quản lý một đoạn dẫn đến việc đầu tư nâng cấp thiếu đồng bộ. Còn lực lượng quản lý nhà nước theo ngành dọc lại bị hạn chế bởi địa giới hành chính khi lực lượng chức năng của địa phương này không được phép sang địa phương khác làm nhiệm vụ. Đây cũng là nguyên nhân chính mà tình hình an ninh trật tự tại các địa bàn giáp ranh luôn phức tạp.
(ảnh: Phan Lương Trường Hải)
Đặc điểm của đô thị đòi hỏi một số lĩnh vực phải được quản lý thống nhất, đồng bộ và liên thông để rõ địa chỉ trách nhiệm. Nhưng với mô hình quản lý hiện hữu, do nhiều cấp chính quyền có tính độc lập tương đối, cộng với nhiều cơ quan cùng có trách nhiệm tham gia quản lý, dẫn đến hệ lụy “cha chung không ai khóc”. Hầu hết các cơ quan chuyên môn của TP có chức năng chủ yếu là tham mưu và cũng chỉ có quyền quản lý nhà nước khi được UBND TP giao hoặc ủy quyền. Cả 2 chức năng này chưa xác định rõ ràng, gây chồng chéo khi các sở - ngành có thẩm quyền trong một phạm vi nhất định, song không có cơ quan nào có thẩm quyền và trách nhiệm thật sự, gây cản trở trong công tác quản lý. Đặc biệt, trong mối quan hệ giữa các cơ quan Trung ương và TP có một số lĩnh vực chưa được xác định rõ ràng, làm phát sinh mâu thuẫn với những nguyên tắc tổ chức nền hành chính, khó điều hòa lợi ích giữa Trung ương và địa phương. Hệ quả là tạo cơ sở phát sinh cơ chế xin - cho, hoặc ngược lại là tính cục bộ địa phương. Chế độ lãnh đạo tập thể của UBND và thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND cũng chưa được xác định rõ ràng, nhất là trong chỉ đạo điều hành, quyết định những chủ trương cụ thể. “Việc chưa xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu là nguyên nhân dẫn đến hội họp nhiều, phản ứng chậm, hiệu quả kém, thậm chí dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm”, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM nhận định.
Khi thời cơ trôi qua
Cùng với đó, nhiều cơ hội lẽ ra thúc đẩy TPHCM phát triển nhanh hơn nữa nhưng lại để vụt mất do bị gò bó về cơ chế. Ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM nhớ lại: Những năm 1992 - 1993, TPHCM đã thấy được sự cần thiết trong việc xây dựng cầu qua Thủ Thiêm nên đã đề xuất Trung ương cho thực hiện nhưng đề xuất này không được giải quyết. Tương tự, các khu dân cư An Khánh, An Phú quận 2 ngày nay, ông Lý Quang Diệu khi còn là Thủ tướng Singapore từng đề xuất TPHCM đầu tư 1 triệu USD để phát triển khu đô thị này nhưng cũng không được xem xét thấu đáo. Cũng giai đoạn này, nhận thấy lưu lượng xe trên đường Điện Biên Phủ gia tăng và để giảm tải, TPHCM kiến nghị Bộ GTVT cho phép mở rộng tuyến đường này nhưng bộ cũng lắc đầu vì cho rằng lãng phí!
Theo TS Trần Du Lịch, đóng góp 1/3 cho ngân sách quốc gia nhưng chính quyền TPHCM không bao giờ là cấp chính quyền đầy đủ về ngân sách. Do không được tự chủ nên cái gì cũng phải xin Trung ương. HĐND họp cái người ta đã quyết rồi, phân cái người ta đã phân rồi. TP muốn đi vay cũng không được, ai cho TP vay cũng không được vì không có cơ chế. Trong khi đó, nhu cầu huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng rất lớn nên địa phương “bó tay”. Thấy được bất cập này, năm 2001 với Nghị định 93, Trung ương phân cấp quản lý cho TPHCM 4 lĩnh vực. Tiếp tục cởi trói cho TP, năm 2002, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 20 (về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2010) có nội dung rất quan trọng: Cho phép vấn đề gì mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định không phù hợp thì Chính phủ nghiên cứu cho TPHCM thực hiện thí điểm. Đây là nội dung rất mở. Chủ trương là vậy nhưng thực tế những gì trái luật, pháp lệnh là bị bỏ ngỏ, để lại. Do vậy, TP vẫn phải xin từng vấn đề một.
TPHCM là đô thị đông dân nhất nước. Đây cũng là nơi kinh tế thị trường sôi nổi, sầm uất và năng động nhất nước. Nhưng với khuôn khổ chật hẹp, nặng nề của mô hình tổ chức chính quyền hiện hữu cũng như cơ chế quản lý điều hành còn nhiều bất cập đã khiến bước đi của TPHCM chậm lại. Đã đến lúc TPHCM cần được “cởi trói” bằng một mô hình quản lý mới phù hợp.
Vân Anh - Ái Chân - Hồng Hiệp
- Quy hoạch trung tâm TPHCM mới phê duyệt đã xin điều chỉnh
- Nên quy định hạn mức thu hồi đất đối với hội đồng nhân dân
- Ban hành khung giá đất hằng năm để... ngắm?
- Quản lý và phát triển chợ dân sinh vẫn nhiều bất cập
- Quy hoạch kiến trúc khu phố cổ: Người dân được lợi gì?
- Dự án cầu đường Bình Triệu 2: Quy hoạch lạc hậu, cần giảm quy mô?
- Dân đủ sáng suốt để bầu thị trưởng
- Dân được lợi gì từ chính quyền đô thị?
- Bảo tồn làng cổ Đường Lâm trong sự phát triển tiếp nối
- Những vấn đề trong bồi thường, di dân, tái định cư