Trong khi mô hình tổ chức như hiện nay đang ngày càng bộc lộ nhiều bất cập so với yêu cầu quản lý và phát triển đô thị thì chính quyền đô thị (CQĐT) được kỳ vọng sẽ giải quyết được những hạn chế, bất cập và “cởi trói” để TPHCM phát triển. Là thành viên nhóm biên tập dự thảo đề án CQĐT, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, cho rằng, một trong những điểm nhấn quan trọng mà mô hình sẽ mang lại là quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm…
Tạo ra đổi mới lớn
- Ảnh bên: Nhân viên Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Sở TN-MT TPHCM hướng dẫn người dân làm hồ sơ nhà đất. (Ảnh: Kim Ngân)
Theo TS Trần Du Lịch, Đề án CQĐT sẽ tạo ra những đổi mới lớn, mà điểm đột phá đầu tiên là TPHCM (bao gồm cả khu vực nông thôn và đô thị) được tổ chức thành chuỗi đô thị với 13 quận nội thành là đô thị trung tâm. Trong đó, chính quyền TP (trực thuộc Trung ương) có HĐND và UBND. Chính quyền TP vừa đóng vai trò là chính quyền cấp trên cơ sở, vừa là chính quyền đô thị (quản lý) của 13 quận nội thành. Tại 13 quận nội thành sẽ tổ chức cơ quan đại diện hành chính của chính quyền TP và được gọi tên dưới hình thức là ủy ban hành chính, có chủ tịch ủy ban hành chính quận (hoặc quận trưởng) do Chủ tịch UBND TPHCM bổ nhiệm và bãi hoặc miễn nhiệm. Tương tự, dưới quận có đơn vị hành chính phường và tại mỗi phường cũng tổ chức cơ quan đại diện hành chính dưới hình thức ủy ban hành chính, có chủ tịch ủy ban hành chính phường (hoặc phường trưởng) do chủ tịch ủy ban hành chính quận bổ nhiệm và bãi hoặc miễn nhiệm.
Với khu vực còn lại sẽ hình thành chính quyền 4 đô thị (4 TP trong TP). Đây là chính quyền cơ sở dưới cấp chính quyền TPHCM và có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao. Chính quyền 4 TP được lập có HĐND và UBND, hoạt động theo cơ chế phân cấp. Các đô thị này được tạm gọi tên là các TP Đông, Tây, Nam, Bắc và UBND cấp này do HĐND cùng cấp bầu, UBND TP phê chuẩn. Người đứng đầu UBND 4 TP là chủ tịch hoặc thị trưởng, có ngạch bậc tương đương với phó chủ tịch UBND TP. Với đề án này, các sở ngành cũng sẽ thực quyền hơn. Giám đốc sở sẽ được Chủ tịch UBND TP giao chức năng, thẩm quyền và tổ chức bộ máy để thực hiện nhiệm vụ. Chủ tịch UBND TP thực hiện việc bổ nhiệm giám đốc sở - ngành và miễn nhiệm khi không hoàn thành nhiệm vụ. Theo phương thức này, giám đốc sở - ngành có thực quyền đồng thời chịu trách nhiệm cuối cùng về lĩnh vực phụ trách, chứ không phải đóng vai trò tham mưu như trước đây.
Mở rộng thẩm quyền của đại biểu HĐND
Theo TS Trần Du Lịch, do mô hình này hướng tới lấy lợi ích của dân là chính, bộ máy chính quyền chỉ để phục vụ nên HĐND ở các đô thị có tính trách nhiệm rất cao trong việc đưa ra quyết sách, giám sát thực thi. HĐND có quyền tự chủ theo phân cấp để thực sự là cơ quan có quyền quyết định cao nhất các vấn đề kinh tế, ngân sách, văn hóa - xã hội và đô thị thuộc thẩm quyền của địa phương, nâng cao vai trò giám sát đối với cơ quan hành chính địa phương cùng cấp. Thẩm quyền của các đại biểu HĐND TP được mở rộng theo hướng thực quyền và có tính chuyên nghiệp cao. Số lượng đại biểu HĐND sẽ tăng tối thiểu 150 người (hiện nay là 95), trong đó tăng số đại biểu chuyên trách tối thiểu bằng 1/3 tổng số đại biểu để mỗi quận, huyện có ít nhất 1 đại biểu chuyên trách.
Đối với CQĐT tại các TP trực thuộc (hoặc thị xã), Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm cho biết, HĐND TP trực thuộc (thị xã) được tổ chức gọn hơn HĐND cấp huyện theo quy định hiện hành nhưng chuyên nghiệp hơn. Lợi ích của người dân trên địa bàn chủ yếu được thực hiện tại HĐND cùng cấp. Ngân sách của chính quyền các TP trực thuộc độc lập với ngân sách chính quyền cấp TPHCM do HĐND quyết định dựa trên sự phân cấp của TPHCM. Chủ tịch UBND TP trực thuộc (hoặc thị trưởng) không nhất thiết phải là đại biểu HĐND cùng cấp.
Đặt lợi ích của dân lên cao
Nếu đề án được triển khai, quận 2 hiện nay sẽ nằm trong TP Đông. Theo Bí thư Quận ủy quận 2 Nguyễn Văn Hiếu, cái dễ thấy nhất chính là bộ máy sẽ được tinh gọn tối đa, cải cách hành chính sẽ triệt để hơn. Nhiều thủ tục hành chính sẽ được giao dứt điểm cho một cấp chính quyền, hạn chế tối đa hiện tượng cùng một hồ sơ phải chuyển qua nhiều cấp như hiện nay. Khi đó, công dân các khu vực thuộc 4 TP thì sẽ nộp và nhận lại hồ sơ từ chính quyền TP vệ tinh hoặc nộp và nhận lại hồ sơ tại chính quyền TP; công dân 13 quận nội thành thì chỉ nộp mọi loại hồ sơ tại một cơ quan duy nhất là chính quyền TP. Còn GS-TS Nguyễn Thị Cành (ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM) cho rằng việc xây dựng CQĐT ở TPHCM sẽ “giải” triệt để bài toán cắt khúc đang gây ra nhiều hệ lụy trong quản lý hiện nay. “Nếu CQĐT được áp dụng thì sẽ bớt nhiều đầu mối, chỉ còn một đầu mối là TP với cách quản lý thông suốt giúp giảm thời gian chờ đợi cho người dân rất nhiều”, GS-TS Nguyễn Thị Cành nhấn mạnh.
Cái đích cuối cùng là mọi sửa đổi phải đặt lợi ích của nhân dân lên cao nhất và điều quan trọng là đồng bộ với việc sửa đổi mô hình phải làm sao tuyển chọn được những cán bộ công chức có chất lượng và đạo đức tốt hơn. Cùng với đó phải có những biện pháp, những chính sách kèm theo để việc sửa đổi mô hình đạt hiệu quả cao hơn. Nếu làm được như vậy người dân sẽ rất hài lòng - ông Đặng Văn Khoa nhấn mạnh.
Các bước thực hiện: - Bước 1: Chính phủ trình QH để QH có nghị quyết cho phép TPHCM thực hiện thí điểm. - Bước 2: Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lập ban chỉ đạo, quán triệt nghị quyết của QH đến tất cả tổ chức trong hệ thống chính trị TP, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nhân sự, dự toán ngân sách cho việc triển khai đề án. - Bước 3: Vào thời điểm bầu cử đại biểu QH khóa XIV và HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 tiến hành triển khai áp dụng mô hình mới. |
Hồng Hiệp - Vân Anh - Ái Chân (SGGP)
- Quy hoạch sử dụng đất đai tại Việt Nam - Thiếu dài hạn, dự báo kém
- Đổi mới quy hoạch kinh tế đô thị để phát triển
- Thêm ý cho quy hoạch mở rộng lãnh thổ Đà Lạt gấp 8 lần
- Không tránh né được thực tế về sở hữu đất đai
- Chính quyền đô thị - Những vấn đề cốt lõi
- Quy hoạch trung tâm TPHCM mới phê duyệt đã xin điều chỉnh
- Nên quy định hạn mức thu hồi đất đối với hội đồng nhân dân
- Ban hành khung giá đất hằng năm để... ngắm?
- Quản lý và phát triển chợ dân sinh vẫn nhiều bất cập
- Quy hoạch kiến trúc khu phố cổ: Người dân được lợi gì?