Chính phủ đang đề nghị nâng trần bội chi ngân sách từ 162.000 tỉ đồng (4,8% GDP) lên 224.000 tỉ (5,3% GDP) để có thêm tiền chi cho các dự án đầu tư công. Nhưng hiệu quả đầu tư công, lâu nay vốn rất kém, lại chưa thấy được đặt ra khi bàn chuyện tăng bội chi. Trong bối cảnh đó, nhiều người đang trông chờ vào dự thảo Luật Đầu tư công nhằm giúp tăng hiệu quả đầu tư công. Liệu dự luật này có đáp ứng sự mong đợi của xã hội?
Sau hơn bốn năm trễ hẹn, dự thảo Luật Đầu tư công sẽ được trình ra tại kỳ họp Quốc hội lần này. Trước đây, ngay từ cuối năm 2009, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ phải sớm đệ trình dự Luật Đầu tư công, để khắc phục những yếu kém trong quản lý nhà nước về đầu tư công, hạn chế tình trạng phê duyệt dự án tràn lan, không phát huy hiệu quả, gây thất thoát, tham nhũng, lãng phí, khiến cho gánh nợ ngân sách ngày càng nặng.
- Ảnh bên: Dù Nhà nước đã có quyết định siết những dự án đầu tư công không hiệu quả, nhưng nhiều địa phương vẫn xin được xây sân bay, cảng biển (Ảnh: Thanh Tao)
Bằng chứng của việc phê duyệt các dự án đầu tư công tràn lan nhiều không kể hết. Các ví dụ tiêu biểu phải nhắc đến là việc chính quyền các địa phương nợ tiền xây dựng cơ bản 91.000 tỉ đồng đến nay chưa trả khiến cho hàng ngàn doanh nghiệp lao đao. Hiện Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương phải bố trí 30% vốn ngân sách hàng năm để trả dần các khoản nợ này. Hoặc phê duyệt hàng loạt các chủ trương đầu tư lớn nhưng không tính đến nguồn vốn khiến các dự án thiếu khả thi, hoặc làm dở dang. Bội chi ngân sách phải dự kiến tăng từ 4,8% lên 5,3% GDP cho giai đoạn 2014-2016 mới có vốn hoàn thành 1.092 dự án kiểu như vậy. Chưa tính đến việc thiếu vốn cho các dự án mới.
Dự thảo Luật Đầu tư công được đưa ra lấy ý kiến trong thời điểm này, muốn gì chăng nữa phải giải quyết được hai vấn đề lớn: 1) Các quy định đề ra có hạn chế và chấm dứt được tình trạng phê duyệt dự án tràn lan hay không? 2) Có quy được trách nhiệm đối với những người có thẩm quyền phê duyệt dự án không, do từ trước đến nay xảy ra rất nhiều trường hợp dự án đầu tư công không hiệu quả nhưng cuối cùng không ai chịu trách nhiệm.
Theo dự thảo luật, sẽ tập trung quản lý toàn bộ quá trình sử dụng các nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách, công trái quốc gia, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và các khoản vốn đầu tư khác có tính chất ngân sách nhà nước (NSNN), các khoản vốn vay của ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng. Nói khác đi là tất cả các dự án có dùng một phần hay toàn bộ vốn ngân sách sẽ chịu quy định của luật này theo từng cấp độ dùng vốn.
Nói như thế không có nghĩa rằng từ trước đến nay các khoản vốn đầu tư có nguồn vốn từ ngân sách bị thả nổi. Về lý, các nguồn này chịu sự quản lý và giám sát rất chặt từ trung ương đến địa phương, qua nhiều tầng nấc và nhiều luật định, như Luật NSNN, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng... Nhưng thực tế các quy định thiếu rõ ràng, không xuyên suốt, thiếu bao quát nên lỗ hổng thất thoát đầu tư công vì thế cứ lớn dần. Vậy thì Luật Đầu tư công giải quyết thế nào các quy định chồng chéo thiếu hiệu quả giữa các luật nói trên?
Các quy định thiếu rõ ràng, không xuyên suốt, thiếu bao quát nên lỗ hổng thất thoát đầu tư công vì thế cứ lớn dần. |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), cơ quan soạn luật cho rằng thẩm quyền và trình tự thủ tục phê duyệt các chương trình đầu tư công từ trước đến nay chưa có. Nếu có, như quy định của Luật Xây dựng, lại không quy định chi tiết về nội dung lập, thẩm định và phê duyệt dự án. Song, các quy định mới, lẽ ra cũng không cần đến nếu các bên phê duyệt và sử dụng vốn đầu tư công chấp hành đúng quy định hiện có của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng bởi vốn trong hay ngoài ngân sách đều phải tính đến hiệu quả và khả năng thu hồi vốn (với các dự án đầu tư công là khả năng trả nợ của ngân sách).
Để giải quyết mối e ngại lớn nhất hiện nay là việc phê duyệt tràn lan các dự án đầu tư công, dự luật đề ra các quy định chặt chẽ từ khâu xác định chủ trương đầu tư. Theo đó chỉ được phê duyệt dự án khi đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Song với việc phân cấp cụ thể quyền lập, thẩm định và phê duyệt dự án vẫn theo quy định hiện hành, liệu có giải quyết được việc phê duyệt tràn lan. Hoặc chỉ được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án khi không trùng lắp với các chương trình, dự án khác trong quy hoạch, kế hoạch là rất khó, bởi sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương ở nước ta là rất kém.
Thêm vào đó quá trình phân cấp và cát cứ tại địa phương còn lớn hơn nên tình trạng trùng lắp quy hoạch đầu tư, lãng phí là chuyện thường ngày. Nếu muốn giữ nguyên việc phân cấp thì việc phối hợp và giám sát phải được đặt lên hàng đầu, nhưng dự luật chưa quy định cụ thể (tính từ quá trình thẩm định chủ trương, quyết định đầu tư).
Đơn cử như trường hợp UBND tỉnh Thanh Hóa thấy cần thiết phải xây dựng một sân bay ở tỉnh, cho dù Nghệ An ở kế bên đã có sân bay. Do chưa có nguồn vốn để làm việc này, tỉnh cầu cứu Bộ KH-ĐT và cuối cùng Bộ Giao thông Vận tải phải đưa ra giải pháp trung hòa là cho Thanh Hóa nâng cấp sân bay quân sự Sao Vàng phục vụ cả mục đích dân dụng.
Mặt khác, vấn nạn của các dự án đầu tư công là hay điều chỉnh tổng mức đầu tư, làm “đội” vốn. Muốn xóa bỏ vấn nạn này, rất cần phải quy định cụ thể trong luật về trường hợp “các nguyên nhân bất khả kháng làm thay đổi mục tiêu, nội dung đầu tư, chi phí...” là gì. Nếu không thì diện dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư sẽ có nguy cơ lan rộng. Việc quy trách nhiệm người ra chủ trương, quyết định đầu tư vì thế sẽ khó mà thực hiện được.
Và sẽ càng khó hơn bởi ngay trong dự luật, phần trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư chưa có quy định xác định cụ thể trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt các dự án đầu tư công trong trường hợp ra các quyết định sai, kém hiệu quả, làm tăng vốn...
Những khoảng trống kiểu như vậy trong dự luật nếu không được lấp thì việc cho ra đời thêm một luật mới, vốn đã trễ hẹn, lại chưa trúng đích chẳng khác gì tình trạng “thêm bát, thêm mâm” trên bàn làm luật.
Ngọc Lan
- Ứng xử với di tích: “Nhiệt tình mà thiếu hiểu biết”
- Xây dựng nông thôn mới còn "vướng" quy hoạch
- Tài nguyên đất ở Tây Nguyên ngày càng bị thoái hóa
- Bồi thường phải là đền bù thiệt hại
- Nghệ thuật chiếu sáng công cộng: Từ sơ khai đến mãn khai
- Quy hoạch sử dụng đất đai tại Việt Nam - Thiếu dài hạn, dự báo kém
- Đổi mới quy hoạch kinh tế đô thị để phát triển
- Thêm ý cho quy hoạch mở rộng lãnh thổ Đà Lạt gấp 8 lần
- Không tránh né được thực tế về sở hữu đất đai
- Chính quyền đô thị - Những vấn đề cốt lõi