Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện Thêm ý cho quy hoạch mở rộng lãnh thổ Đà Lạt gấp 8 lần

Thêm ý cho quy hoạch mở rộng lãnh thổ Đà Lạt gấp 8 lần

Viết email In

Ở ta, trong quá khứ, hầu hết các đô thị nảy sinh từ các trung tâm hành chính. Chẳng thế mà, đa phần các đô thị - thủ phủ của các huyện, các tỉnh trùng tên với các đơn vị hành chính ấy: tỉnh Nam Định – thành phố Nam Định, tỉnh Thanh Hóa – thành phố Thanh Hóa, tỉnh Tây Ninh – thành phố Tây Ninh, tỉnh Bến Tre – thành phố Bến Tre, v.v… 

Một số không nhiều thủ phủ của các đơn vị hành chính mang tên khác. Song, các thủ phủ - đô thị ấy vẫn dai dẳng mang vác trên mình cái bản chất trung tâm hành chính mà, hễ coi kĩ, nhận ra: cả kiến trúc lẫn con người đều bị chi phối.  

Đà Lạt nằm trong số ít những ngoại lệ. Nhìn từ bề sâu lịch sử, nhìn từ toàn cảnh quốc gia và từ hệ thống các đô thị, Đà Lạt trước tiên là một thành phố, có cái “Tôi” gọn và chắc, có cái “Tôi” khác biệt, có cái “Tôi” thành danh, nổi vượt hơn cả cái việc nó là trung tâm hành chính của một đơn vị lãnh thổ. Điều này có thể là bản chất cốt lõi, làm xuất phát điểm và làm một trong các hướng cho việc định đoạt chủ trương về cơi nới hoặc bành trướng thành phố.

Ở nửa sau thế kỷ 19, người Tây định cư ở xứ ta, khốn khổ vì sự nóng nực. Những chiếc quạt gió vận hành bằng cơ bắp không giải cứu được họ. Họ đành tìm đến những vùng đất mát lành hơn. Tam Đảo – Mẫu Sơn – Sa Pa ở Bắc, Bạch Mã – Bà Nà ở Trung, Đà Lạt trên cao nguyên, trở thành những khu nghỉ mát là nhờ thế.

Trong trường hợp Đà Lạt, sự mát lạnh quanh năm đã biến nó thành cái cỗ máy airconditioner khổng lồ, mà người Tây dạo đó chưa nghĩ ra, một mảnh đất oasis ước mơ giữa cả đại vùng nóng nực xích đạo. Người Tây du nhập mô hình thị trấn nghỉ mát – nghỉ dưỡng quen thuộc của xứ mình và cùng với đó, những hình mẫu kiến trúc mà họ lưu luyến. Cả hai cái đó đổ bộ lên đất Đà Lạt, tự nhiên như nảy sinh từ đất trời này. Thêm một yếu tố nữa, rừng thông. Rừng thông bạt ngàn, mà Đà Lạt từng lọt thỏm, cũng lại là cỗ máy khổng lồ thứ hai tinh lọc bầu không khí cho lá phổi. Có mát lạnh và không khí tinh khiết, Đà Lạt đã từng là chốn địa đàng.

Cả hai thứ ấy là tài nguyên hiếm hoi, không đâu ở ta sánh bằng, mà Đà Lạt sở hữu. Chúng không thể thiếu nhau. Hợp làm một, chúng tạo nên độ tiện nghi, sự cảm khoái thể xác, mà không một hệ thống công nghệ cao nào có thể tạo nên.

Tuy nhiên, cả sự mát lạnh và cả độ trong lành ấy của thiên nhiên lại bị thách thức thẳng thừng, kèm theo nguy cơ triệt tiêu, từ phía Đô thị. Cùng với sự phát triển thành phố, rộng lớn hơn, đàng hoàng hơn và giàu có lên, cái tài nguyên vô song và vô giá của đất trời Đà Lạt bị suy suyển – nóng hơn và ô nhiễm hơn.
Đó là điều thứ hai phải đặt vào bài tính vĩ mô cho mọi chiến lược và giải pháp mở rộng cũng như quy hoạch thành phố, với ý thức trách nhiệm và độ cẩn trọng cao, đối với hôm nay và mai sau. Bởi quy hoạch, xem ra, nhằm vào tương lai là chính.

Nhìn rộng hơn đòi hỏi về bảo tồn, bài tính sinh tử về sự CÂN BẰNG, giữa tài nguyên thiên nhiên Trời cho và công cuộc xây dựng đô thị, nên đặt vào hàng ưu tiên số một, làm trọng tâm, làm thước đo trong sự cân nhắc, cho sự hoạch định. Với Đà Lạt, lại càng hệ trọng, bởi thế mạnh trước tiên là từ đây.

Có lẽ không bao giờ đủ, không bao giờ thừa, với những phân vân và tự vấn. 



Người viết bài này không phản biện hồ sơ “Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, mà chỉ xin góp thêm vài ý và vài ý tứ để những nhà quản lý và những nhà quy hoạch cân nhắc.

- So với quy hoạch chung được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2002, thành phố Đà Lạt mở rộng lãnh thổ hành chính gấp 8 lần. Nếu hiểu là sự điều chỉnh theo đúng nghĩa, thì quả đây là một quy hoạch điều chỉnh vô tiền khoáng hậu, chưa thấy trong thực tiễn xây dựng đô thị. Với sự mở rộng đất đai lên 8 lần và sự đô thị hóa tương ứng, thì đây chính là một chủ trương, một kế hoạch, một sự hoạch định với tầm và bước nhảy vọt vượt bậc mà những nội hàm và bài bản của “Điều chỉnh quy hoạch” thông thường không thể đáp ứng nổi. Nói như vậy, người viết không có ý định bày tỏ sự không tán đồng quyết định mạnh tay ở tầm quốc gia này, mà chỉ mong muốn ở các nhà quản lý và các nhà quy hoạch có sự cân nhắc thêm những luận cứ cho việc chiếm dụng đất đai, những tính toán khả thi cho công cuộc đô thị hóa một vùng lãnh thổ rộng gấp 3,5 lần tỉnh Bắc Ninh, rộng gần bằng Thủ đô sau mở rộng từ 01/8/2008. Do đó, tuy gọi là “điều chỉnh”, song nên coi đây là sự hoạch định một đô thị khổng lồ mới, hoặc một cấu trúc đô thị dạng “lâm – thị”, dạng “vùng – thị” cho riêng một trường hợp, với cách tiếp cận, sự nhận thức, sự tác nghiệp đa ngành và đa diện, cùng sự sáng tạo có tính chất khai phá. Tính đột phá của chủ trương, tính khác lạ của những nhiệm vụ đặt ra, hẳn đòi hỏi ở những nhà chuyên môn nhiều hơn rất nhiều so với những người làm quy hoạch điều chỉnh. Đòi hỏi số một có lẽ phải là tính và độ thuyết phục.

- Trong Hồ sơ quy hoạch điều chỉnh, bắt gặp những cụm từ: “bảo vệ cảnh quan thiên nhiên”, “rừng cảnh quan”, “cảnh quan rừng”. Cách tiếp cận như vậy gây e ngại. Trước tiên, 232.000 ha rừng (đồi núi + sông hồ + thảm thực vật + sinh vật) trên tổng diện tích 336.000 ha của thành phố mở rộng, phải được coi là tài nguyên thiên nhiên vô giá và đặc trưng, một tiềm năng nổi trội cho phát triển. Còn với thành phố, đó là yếu tố cơ bản và quan trọng hơn cả, với tư cách của vai trò khởi thị - tạo thị - định hình thị và tạo chất cùng danh cho thị. Tài nguyên này quyết định tính chất, cấu trúc không gian, tính riêng biệt và, sau hết, hình thái và diện mạo đô thị, với vai trò là yếu tố cảnh quan. Nhấn mạnh vào khía cạnh “cảnh quan”, vô hình trung ta mở đường cho việc đô thị hóa rừng, làm suy giảm vai trò chủ đạo và xuất phát điểm của nó. Một khi quỹ tài nguyên rừng được duy trì, trong sự nạm ghép nâng niu và khôn ngoan các cơ thể đô thị vào nó, con cháu mai này mới có cơ may vừa tiếp tục sở hữu tài nguyên rừng, vừa được sống trong một đô thị là một cấu trúc đan quyện, cộng sinh, tạo nên bởi thiên nhiên ít bị tổn thương và đô thị thông minh. Phải chăng, đó sẽ là dạng LÂM THỊ, mà tất thảy những gì cho sự tạo thành, dường như đã hiện hữu trong thấy. 

- Gây e ngoại cách đặt vấn đề về di sản kiến trúc đô thị của Đà Lạt, thường bắt gặp những cụm từ như “bảo tồn kiến trúc Pháp”, “bảo tồn các biệt thự cổ”, “bảo tồn trục di sản Hùng Vương – Trần Hưng Đạo – Trần Phú”, v.v… Thành phố Đà Lạt, ngay cả với những biến đổi lớn gần đây, vẫn tiếp tục còn là một cơ thể đô thị tổng hòa, là sản phẩm kiệt xuất của lịch sử phát triển đô thị và văn minh đô thị ở nước ta thời cận – hiện đại, là một dạng đô thị di sản, dĩ nhiên, sau Huế. Một chốn thị thành có ngày sinh tháng đẻ, xây dựng theo những đồ án quy hoạch có sự điều tiết, song theo một triết lý rõ ràng, có những công năng tạo thị được thực thi và với những biểu hiện kiến tạo thị sở, và điều đặc biệt có giá trị, là sự đan quyện giữa phần cứng của đô thị và phần mềm của nó – dân cư và văn hóa đô thị. Ta có thể mạnh dạn liệt Đà Lạt là một trong vài thành phố sở hữu cơ thể đô thị trong sự cân bằng tương đối, giữa cũ và mới, giữa kiến trúc và thiên nhiên, giữa đô thị - hoạt động kinh tế - cộng đồng… Nên chăng tránh sự chủ trương bảo tồn theo dạng danh mục công trình, theo diện hoặc theo mảng, mà cần phải đặt vấn đề mở hơn, khả thi hơn, đó là: bảo tồn tính toàn vẹn, đồng bộ và tính đa dạng. Bảo tồn tích cực với cách hiểu là sự tái sử dụng, cải tạo, thích nghi, và ở tầm nhìn vĩ mô, bảo tồn kết hợp với sự phát triển tiếp nối. “Di tích hóa” những di sản kiến trúc và đô thị dẫn tới xu hướng bảo tồn đơn chiếc trong sự đánh mất cái chung và, nguy hại hơn, tạo nên sự đối kháng giữa bảo tồn và phát triển. Trong ứng xử với các di sản văn hóa của thành phố này, phù hợp hơn cả là sự phối hợp nhuần nhị cả hai.

- Với một vùng lãnh thổ rộng lớn, với nền cảnh thiên nhiên đặc biệt phong phú và phức tạp, với dân số không tương xứng và với những cấu trúc đô thị đa phần là nhỏ (5 trên 7 thuộc loại IV và V), thì việc chọn “mô hình chuỗi các đô thị liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm” xem ra chưa phù hợp, ít tính khả thi về kinh tế, và đặc biệt có phần áp đặt cứng với thiên nhiên, dễ dẫn tới sự can thiệp vào những không gian rừng núi rộng lớn, xé nhỏ chúng.

- Một trong những định hướng chiến lược cho sự phát triển thành phố Đà Lạt mở rộng đột biến nên là sự bảo tồn – cải tạo – hiện đại hóa và kiện toàn thực thể đô thị hiện hữu; kế thừa những giá trị và ưu việt đã tạo nên đô thị Đà Lạt có thương hiệu, chuyển tải chúng vào cơ thể các cấu trúc đô thị mới và tạo sự tiếp nối, ngay cả ở tầm vĩ mô của thành phố mở rộng.

- Xuất phát từ việc quy hoạch và xây dựng thành phố Đà Lạt mới nhắm tới mốc năm 2050, thiết nghĩ có thể tính tới việc xây dựng nó thành một phức hợp đô thị, có thể là đầu ra duy nhất phù hợp cho bài toán đô thị Đà Lạt và có cơ may trở thành duy nhất trong số các đô thị Việt Nam, bằng cách tạo dựng những cấu trúc đô thị: “đô thị lõi” (center city), “nông thị” (agrocity), “lâm thị” (forestcity), “nghỉ dưỡng thị” (resortcity), “trí thị” (intelcity), v.v... Những định hướng được chọn cho phát triển và những điều kiện thực tế tại chỗ hình như hướng các nhà quy hoạch về sự sáng tạo nhiều hứa hẹn này.

- Cơ thể đô thị Đà Lạt cũ bị chất tải một cách thách thức bởi sự gia tăng dân số và sự xây cất các công trình hành chính và công cộng. Nên chăng tính tới khả năng thuyên chuyển các công trình này về đô thị Liên Nghĩa – Liên Khương, dành Đà Lạt cũ và lõi cho du lịch – dịch vụ - lễ hội là chính, củng cố thương hiệu đang phai mờ.

- Sau cùng, việc quy hoạch mở rộng và xây dựng một thành phố phức hợp tầm cỡ đòi hỏi những bước đi đúng, chắc, bền, và hữu hiệu. Không nên để những quy hoạch treo, những dự án triển khai dở dang, những sự chiếm dụng đất đai và núi rừng nham nhở… làm tổn hại đến hai tài nguyên – gia tài – di sản của Đà Lạt, đó là núi rừng và di sản văn hóa, chắc chắn đang và sẽ là những cái gốc, cái cốt, và cái nền để Đà Lạt to ra, giàu lên, mà vẫn giữ lấy thương hiệu./. 

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính 

(Bài tham luận tại hội thảo "Đà Lạt: thành phố trong rừng, rừng trong thành phố - Mô hình phát triển đô thị hiện đại và bản sắc" tổ chức ngày 28/9/2013 tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Lời bình  

 
0 # NGUYỄN ĐỨC 06/01/2014 22:50
Admin có thể cho mình xin file ảnh bản đồ quy hoạch Đà Lạt được không ạ, file gốc ấy (độ phân giải có thể đọc được ghi chú). Cảm ơn admin nhiều nha!
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo