Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Tương tác Phản biện Nghệ thuật chiếu sáng công cộng: Từ sơ khai đến mãn khai

Nghệ thuật chiếu sáng công cộng: Từ sơ khai đến mãn khai

Viết email In

TP.HCM vừa khánh thành công trình chiếu sáng mỹ thuật Bưu điện Thành phố, công trình hợp tác giữa Công ty Chiếu sáng Lyon, Pháp và UBND TP.HCM, nối tiếp các dự án chiếu sáng mỹ thuật tại Bảo tàng Bến Nhà Rồng, trụ sở UBND và Nhà hát Thành phố. Còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng chiếu sáng nghệ thuật, hay chiếu sáng mỹ thuật từ lâu đã trở nên phổ biến, nhất là tại các đô thị hiện đại trên thế giới.  

Ban đầu, việc chiếu sáng công cộng dừng lại ở công năng “làm sáng”, nhưng mau chóng, nó đã kiêm thêm việc “làm đẹp”, thậm chí đẹp ngày càng chiếm ưu thế. Nhà phê bình nghệ thuật chiếu sáng Hilarie M.Sheets cho rằng “sự tương tác của ánh sáng và bóng tối là một chủ đề lớn của nghệ thuật, nó chạy dài từ điêu khắc Hy - La đến tranh thời Phục hưng và cả phim thử nghiệm sau này. Ánh sáng đã được sử dụng để tạo hiệu ứng thẩm mỹ cho kiến trúc trong suốt lịch sử con người. Tuy nhiên, khái niệm hiện đại của nghệ thuật chiếu sáng chỉ nổi lên cùng với sự phát triển của nguồn sáng nhân tạo và các thử nghiệm trong nghệ thuật hiện đại. 


Nhà hát TP.HCM sau khi chiếu sáng mỹ thuật (Ảnh: Nhật Nam) 

Nhận diện... từ khi có điện

Từ đầu thế kỷ 20, tại châu Âu và Mỹ, nhất là mùa băng tuyết, việc chiếu sáng công cộng vào ban đêm đã chốt lại bằng hai tiêu chí quan trọng. Thứ nhất, phục vụ cho giao thông, sinh hoạt, an ninh…; thứ hai, chiếu sáng mỹ thuật cho các công trình kiến trúc tượng đài, lễ hội, sân khấu, tầm nhìn… Điều này không chỉ đáp ứng về an ninh và dân sinh, mà còn làm cho đời sống đô thị bớt lạnh lẽo, đa dạng về thị giác; thậm chí, còn sưởi ấm nhiều công trình đã “rêu phong”. 

Tại châu Á, Nhật Bản là nước sớm định hình khái niệm và thẩm mỹ về nghệ thuật chiếu sáng công cộng, một phần do “biểu tượng Mặt trời” đã soi rọi vào trong xây dựng, kiến trúc của họ từ xa xưa. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, trong công cuộc tái thiết đất nước, ánh sáng ngoại thất đã được tận dụng tối đa để giúp gia tăng cảm giác hồi sinh mạnh mẽ, để kích thích sức làm việc, sáng tạo của giới trẻ Nhật. Không phải ngẫu nhiên mà rất sớm Tokyo đã được gọi là “thành phố không ngủ”. Tính chất “không ngủ” của nhiều thành phố trên thế giới đến từ hai nhận diện căn bản: các hoạt động về đêm của con người và cách chiếu sáng công cộng của đô thị.

Ban đầu, việc chiếu sáng công cộng chỉ tập trung vào các công trình công cộng như lâu đài, tượng đài, cầu, sân vận động… nhưng về sau thì mở rộng hơn, bao quát cả không gian đô thị nói chung, mà phần lớn của tư nhân. Khoảng 30 năm gần đây, chiếu sáng công cộng không còn là công việc đơn phương của cơ quan công quyền hay người dân, mà đã có sự tham dự sâu sát của giới chuyên ngành và các nghệ sĩ ánh sáng. Nhiều trường học trên thế giới đã có bộ môn hoặc chuyên khoa dạy về nghệ thuật chiếu sáng công cộng; nhiều nghệ sĩ và đạo diễn thành danh về bộ môn này. Nhiều thành phố đã có ban hoặc ủy ban chuyên trách “tầm nhìn thành phố” về đêm, mục đích chính nếu không nói là duy nhất: làm cho thành phố lung linh, đẹp đẽ và giàu sức sống hơn.


Tác phẩm "Vệ sĩ thời gian" của Manfred Kielnhofer ở Lễ hội Ánh sáng (Festival Of Lights) tại Nghị viện Berlin, năm 2011 

Sự bùng nổ của nghệ thuật chiếu sáng công cộng chịu tác động trước hết từ sự tiến bộ trong kỹ thuật chế tác các công cụ chiếu sáng ngày càng đa dạng, tinh vi. Thứ nữa, sau sự lan tỏa của trào lưu pop art (thập niên 1960 - 1970) từ Mỹ sang châu Âu, nơi khai sinh ra các nhóm Tượng hình mới (Nouvelle Figuration), Hiện thực mới (Nouveau Réalisme)… làm thay đổi về “màu sắc” của điện ảnh, truyền hình, quảng cáo, truyện tranh và nghệ thuật công cộng; và sau các cuộc cách mạng trong kiến trúc tân chiết trung (neo-eclectic architecture, cuối thế kỷ 20) và của công nghệ kỹ thuật số, thị giác 3D (đầu thế kỷ 21), nghệ thuật chiếu sáng công cộng đã có một bước tiến mạnh mẽ. 

Jocelyn Peissel (Giám đốc sáng tạo của Citelum, công ty đã thực hiện chiếu sáng mỹ thuật hơn 300 công trình lớn trên khắp thế giới, trong đó có Nhà hát TP.HCM) cho biết bộ môn này phát triển mạnh tại Pháp từ thập niên 1980. Tại Việt Nam, trong 10 năm qua hình thức này cũng đã phát triển nhanh, đến mức hiện nay việc xây các cao ốc hay nhà cao tầng, chiếu sáng mỹ thuật là yếu tố không thể tách rời. 


Sắp đặt ánh sáng Velden Van Nevel Beeld 1 của Rudi Van De Wint tại Hoogeveen, Hà Lan, năm 2007 

Thời của nghệ thuật chiếu sáng 

Kiến trúc sư Jean Nouvel, chủ nhân giải Pritzker 2008, bậc thầy về sử dụng ánh sáng, bày tỏ quan điểm: “Ánh sáng cũng là một vật liệu”. Nếu đầu thế kỷ 20 được xem là buổi sơ khai của nghệ thuật chiếu sáng công cộng, thì đầu thế kỷ 21 thật sự mãn khai khi có mặt tại hàng trăm thành phố với hàng triệu công trình xây dựng khác nhau. Tại nhiều khoa kiến trúc, bộ môn kỹ thuật chiếu sáng, chuyển thành nghệ thuật chiếu sáng - là môn bắt buộc.

Nhiều nghệ sĩ đô thị thời nay lớn lên giữa bối cảnh mà mọi thứ đã quá sẵn sàng và chật chội, họ khó can dự hay tạo tác một tác phẩm nào mới nơi công cộng, nên nghệ thuật chiếu sáng ngày càng được ưa chuộng. Nếu so với nhiều vật liệu khác, tính “vô can” của ánh sáng là rõ ràng nhất. Đã có nhiều nghệ sĩ dùng ánh sáng để “xâm phạm” các công trình thuộc loại “nội bất xuất ngoại bất nhập”, mà hậu quả chỉ nhận về lời cảnh cáo hoặc xử phạt hành chính. Nếu họ dùng một vật liệu nào khác thì chắc chắn hậu quả sẽ nặng nề hơn rất nhiều. Ánh sáng thuộc diện dễ sử dụng, dễ sửa sai, an toàn và đặc biệt ít chiếm không gian, lại thấp về mặt đầu tư nên ngày càng có nhiều nghệ sĩ ưa thích. 

Việt Nam đã thực hiện chiếu sáng mỹ thuật bổ sung (nghĩa là đến sau công trình) cho Nhà hát lớn Hà Nội, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, quanh Hồ Hoàn Kiếm, Bến Nhà Rồng, UBND TP.HCM, Nhà hát Thành phố, khách sạn Continental, khách sạn Majestic,…, gần đây nhất là Bưu điện trung tâm TP.HCM. Với nhiều công trình mới xây dựng khác, chiếu sáng mỹ thuật là một thành tố được thiết kế từ đầu. 

Từ những năm 1960, các nghệ sĩ như Dan Flavin, Bruce Nauman, James Turrell… đã tạo ra nhiều tác phẩm điêu khắc ánh sáng thuộc hàng mẫu mực. Những nghệ sĩ ánh sáng hiện đại quan trọng trên thế giới có thể kế đến Chul Hyun Ahn, Olafur Eliasson, Spencer Finch, Dan Flavin (khoảng 1963), James Turrell, Bruce Munro, Leo Villareal… Ngoài ra còn có Gyula Kosice (1946), Lucio Fontana (1949), Martial Raysse (1962), Chryssa (1962), François Morellet (1963), Joseph Kosuth (1965), Bruce Nauman, Piotr Kowalski, Mario Merz, Yann Kersalé…

Biennale về nghệ thuật ánh sáng đầu tiên diễn ra tại Áo năm 2010, với 60 nghệ sĩ từ 21 quốc gia của 4 châu lục tham dự. Trong 10 năm qua đã có vô số lễ hội về nghệ thuật ánh sáng diễn ra trên khắp thế giới; điêu khắc ánh sáng đã trở thành trào lưu lớn, lan tỏa rộng. Nhiều thành phố và quốc gia đã dựa vào đây để cải tạo tầm nhìn đô thị bằng các phương thức chiếu sáng nghệ thuật mới mẻ, hiện đại.

Điểm khác biệt tạo thành ưu thế tuyệt đối của nghệ thuật chiếu sáng so với các vật liệu khác là dễ thay đổi về bố cục và hình thức mà không để lại dấu vết xâm thực lên công trình hiện hữu. 

Văn Bảy 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo