Ngày 27/8, đại diện cộng đồng dân cư 10 phường của khu phố cổ Hà Nội đã cho ý kiến vào dự thảo Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ. Chưa hài lòng với dự thảo Quy chế, người dân phố cổ muốn cơ quan soạn thảo chỉ ra được, họ sẽ được lợi gì nếu quy chế đi vào cuộc sống.
Góp ý cho dự thảo, ông Nguyễn Văn Thiện (Hàng Ngang) thẳng thắn cho rằng, quy chế lần này cũng “từa tựa như các quy chế trước”, nhất là việc thiếu nhiều quy định cụ thể rõ ràng. Ông Nguyễn Văn Thiện nêu hàng loạt vấn đề: “Phải nói rõ người dân được hưởng lợi gì khi thực hiện quy chế? Khi cải tạo hay bảo tồn một ngôi nhà thì tiền ở đâu? Bài học nhãn tiền về việc người dân làng cổ Đường Lâm trả lại di sản rất đáng được các cơ quan quản lý phố cổ lưu tâm”. Nhắc tới nỗi khổ “đầu ra” ở khu phố cổ, ông Nguyễn Văn Thiện đề nghị, cần có quy hoạch cụ thể cho từng ô phố trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật thoát nước thải bởi hiện nay “có những nhà vệ sinh 7 đến 9 hộ gia đình dùng chung”. Ông Hoàng Viên (Hàng Mã) lại bày tỏ sự lo lắng về chỗ để phương tiện giao thông khi quy chế đưa ra quy định không được xây dựng tầng hầm trong khu phố cổ.
Nhiều hộ dân phố cổ đang phải sống trong không gian chật hẹp
Ông Phạm Anh Vũ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hàng Gai đề nghị phải đánh giá kỹ hơn kiến trúc phố cổ. Hình thái kiến trúc với những số nhà có kiến trúc hình ống, trong đó có 18-20 hộ dân sinh sống, chưa được đề cập rõ. Muốn quản lý phố cổ cần quản lý chặt chẽ quy hoạch xây dựng, vừa qua có lúccho xây dựng đến 9-10 tầng trong khi quy chế yêu cầu chỉ xây dựng đến 5 tầng. Bà Phạm Thị Lý, phường Hàng Bồ lưu ý cơ quan soạn thảo cần quan tâm đến vấn đề phòng cháy chữa cháy. Hiện trong khu vực phố cổ chưa có hệ thống cấp nước chữa cháy.
Thay mặt nhóm xây dựng quy chế, Trưởng phòng Thông tin kiến trúc (Sở Quy hoạch & Kiến trúc Hà Nội), ông Trần Việt Thắng thừa nhận việc quy chế chưa đưa ra được giải đáp về tài chính trong trường hợp cải tạo hay bảo tồn những ngôi nhà có giá trị và giá trị đặc biệt (khoảng trên 500 căn nhà). Tuy nhiên, ông Trần Việt Thắng cho biết, nhiều nội dung người dân góp ý kiến hôm nay sẽ được giải quyết trong Quy hoạch phân khu đang được Viện Quy hoạch Hà Nội xây dựng. Chẳng hạn, trong quy hoạch phân khu, trên cơ sở dân số từng ô phố, sẽ có tính toán cụ thể việc dùng ống tiết diện bao nhiêu cho thoát nước thải và các hạ tầng kỹ thuật khác. Riêng với 249 công trình có giá trị, việc đưa ra các cơ chế để Nhà nước hỗ trợ cho người dân trong việc bảo tồn là nội dung rất khó. Tuy chưa giải quyết được một cách rốt ráo nhưng quy chế cũng đã gắn trách nhiệm của thành phố, quận Hoàn Kiếm và các sở, ngành đối với việc thực hiện bảo tồn, tôn tạo.
Cũng tại buổi góp ý kiến, Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Văn Hải cho rằng, đây là một trong những quy chế khó nhất mà Sở này đang xây dựng. Ông Nguyễn Văn Hải cho biết, nhiều ý kiến của các đại biểu rất xác đáng mà nhóm xây dựng dự thảo quy chế chưa bao giờ đề cập. Giám đốc Sở QH-KT cho rằng, quy hoạch phải giải quyết được những vấn đề mà thực tế đang bức xúc. Việc cần chú ý đầu tiên là ưu tiên giãn dân phố cổ. Lộ trình thực hiện như thế nào? Quy hoạch sẽ được phối hợp triển khai ra sao? Đặc biệt, chỉ khi có quy hoạch mới giải quyết được vấn đề hạ tầng. Cho rằng quy chế lần này đã có nhiều điểm khác so với trước đây, đặc biệt là định hướng cho công tác quy hoạch, công tác quản lý đến từng ô phố, ông Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh, quy chế đã nhận diện được các loại kiến trúc đặc trưng cần bảo vệ.
Nhắc đi nhắc lại yêu cầu của người dân, ông Nguyễn Văn Hải nói: “Khi có quy chế, cơ quan quản lý có một công cụ, nhưng người dân được gì? Đây là vấn đề chúng tôi sẽ ghi nhận và bổ sung ngay để hoàn thiện quy chế. Cơ quan soạn thảo cũng đã rút kinh nghiệm từ chuyện ở làng cổ Đường Lâm. Bức xúc của người dân Đường Lâm đang từng bước được thành phố giải quyết. Từ đó, cơ quan soạn thảo sẽ rút ra được kinh nghiệm quý báu”.
Chính Trung
- Nhận diện chính quyền đô thị TPHCM
- Quy hoạch trung tâm TPHCM mới phê duyệt đã xin điều chỉnh
- Nên quy định hạn mức thu hồi đất đối với hội đồng nhân dân
- Ban hành khung giá đất hằng năm để... ngắm?
- Quản lý và phát triển chợ dân sinh vẫn nhiều bất cập
- Chính quyền đô thị TPHCM: Đổi mới - yêu cầu bức thiết
- Dự án cầu đường Bình Triệu 2: Quy hoạch lạc hậu, cần giảm quy mô?
- Dân đủ sáng suốt để bầu thị trưởng
- Dân được lợi gì từ chính quyền đô thị?
- Bảo tồn làng cổ Đường Lâm trong sự phát triển tiếp nối