Theo tin từ sở Giao thông vận tải TP.HCM, vào ngày 2/9 tới, một đoạn đường thuộc dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài sẽ đưa vào sử dụng. Và trong thời gian không xa, chậm nhất đến năm sau (tức 2014) toàn bộ tuyến đường được coi là đại lộ trên cũng sẽ được khai thác, kết nối giao thông toàn trục từ khu vực quận Tân Bình – Bình Thạnh qua Thủ Đức và ngược lại. Ngoài ra, theo kế hoạch của công ty Samco, chậm nhất đến năm 2018, bến xe Miền Đông hiện hữu sẽ được dời khỏi nội thành ra tận khu vực Suối Tiên (quận 9) – nơi đang triển khai xây dựng bến xe Miền Đông mới.
Với diễn biến này, nhiều người cho rằng, trong tương lai gần, cửa ngõ phía đông mà cụ thể là quốc lộ 13 – bên kia cầu Bình Triệu sẽ không còn chịu áp lực lớn về xe cộ như hiện nay. Như vậy, vấn đề đặt ra là có cần mở rộng quốc lộ 13 như quy hoạch ban đầu – trong tổng thể dự án cầu đường Bình Triệu 2 – là 60m, với 10 làn xe lưu thông?
Khi đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài (phía trước) đưa vào sử dụng cùng với việc bến xe Miền Đông dời đi thì áp lực giao thông cửa ngõ Bình Triệu sẽ giảm hẳn. (Ảnh: Thanh Hảo)
Quy hoạch đã lạc hậu
Anh Trần Thanh Tài, tài xế xe buýt thuộc liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP.HCM, cho rằng tuyến quốc lộ 13 (đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước) hiện nay nhiều nhất là xe khách, xe buýt và xe tải nhẹ lưu thông. Do đó, nếu bến xe Miền Đông dời đi thì rõ ràng giảm ngay được hàng ngàn lượt xe khách mỗi ngày qua quốc Lộ 13. Chưa hết, khi đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài đưa vào sử dụng thì chắc chắn có rất nhiều xe tải, phương tiện công cộng hay xe ôtô con chọn tuyến này để từ đường Xuyên Á vào trung tâm thành phố (và ngược lại), chứ không phải là quốc lộ 13.
“Theo tôi, hiện tại quốc lộ 13 chỉ kẹt xe vào giờ cao điểm trùng với lúc có đoàn tàu qua lại, còn các giờ khác thì khá thông thoáng. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải tính lại xem có nên mở rộng quốc lộ 13 lớn hơn hiện hữu gần gấp ba lần, trong khi thành phố phải chịu tiền giải phóng mặt bằng?”, anh Tài băn khoăn.
Một cán bộ của sở Giao thông vận tải TP.HCM (xin được giấu tên) chia sẻ thêm rằng, tiểu dự án mở rộng quốc lộ 13 đã được tính toán từ cả chục năm trước – khi đó – gần như các bên liên quan cũng chưa tính đến cụ thể các dự án sẽ thực hiện sau đó, nên việc người dân đặt vấn đề có cần thiết mở rộng như quy hoạch cũ không là có cơ sở. Còn tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, tuy không đưa ra bình luận về việc nên hay không nên mở rộng như quy hoạch cũ, nhưng lại khuyến cáo: thành phố cần xem lại quy hoạch tổng thể dự án cầu đường Bình Triệu 2 – đã quá lâu – xem có còn phù hợp thực tế. Rồi trong điều kiện kinh tế khó khăn, ngân sách cũng còn khá eo hẹp, thì nhất thiết thành phố phải buộc các đơn vị liên quan có một cuộc khảo sát đầy đủ để đánh giá lại lượng xe lưu thông trên quốc lộ 13... Sau khi có những số liệu cụ thể thì đưa ra quyết định, tránh lãng phí.
“Đã có phương án...”
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị xung quanh vấn đề trên, ông Dương Quang Châu, giám đốc đầu tư công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII – chủ đầu tư dự án cầu đường Bình Triệu 2) cho hay, trong tuần tới, CII sẽ trình sở Giao thông vận tải TP.HCM phương án xây dựng các hạng mục còn lại của cầu đường Bình Triệu 2.
Theo ông Châu, ở lần này, về cơ bản CII vẫn giữ nguyên thiết kế ban đầu của các tiểu dự án; riêng tiểu dự án mở rộng quốc lộ 13, ngoài phương án mở rộng lên 60m (lòng đường 53m – 10 làn xe) như thiết kế ban đầu, CII có trình thêm hai phương án khác.
Đó là phương án chỉ mở rộng quốc lộ 13 từ 18 - 22m hiện hữu lên 42m và phương án mở rộng lên 32m. “Sở dĩ thêm hai phương án trên là do thời gian qua chúng tôi đã thử đếm xe và nhận thấy khi đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài cũng như bến xe Miền Đông dời đi, thì lượng xe trên quốc lộ 13 sẽ giảm đáng kể. Và phương án thu hẹp cũng đang được thành phố và sở Giao thông vận tải cân nhắc”, ông Châu nói.
Cũng theo ông Châu, nếu như giữ nguyên mốc 60m thì theo tính toán, thành phố phải chi ít nhất 5.000 tỉ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng. Với số tiền trên, theo ông Châu, sẽ rất khó khăn trong việc bố trí vốn đẩy nhanh tiến độ, vì nó tương đối lớn. Còn thu hẹp lại thì tiền giải phóng mặt bằng sẽ giảm đáng kể, việc bố trí vốn dễ dàng hơn. “Và hiển nhiên theo đó tiến độ thực hiện dự án cũng nhanh hơn, bởi có thể thu xếp nguồn vốn và khối lượng công việc thấp hơn”, ông Châu nói.
ĐÀO LÊ
Được khởi công từ tháng 2/2001, đến nay sau hơn 12 năm dự án cầu đường Bình Triệu 2, chỉ mới thi công hoàn thành 2/5 tiểu dự án. Cụ thể, dự án này ban đầu do tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) đầu tư theo hình thức BOT: xây dựng cầu Bình Triệu 2, mở rộng quốc lộ 13 từ ngã năm Đài liệt sĩ (quận Bình Thạnh) đến ngã tư Bình Phước (Thủ Đức), mở rộng đường Ung Văn Khiêm (ngã năm Đài liệt sĩ – cầu Sài Gòn), xây dựng nút giao Nguyễn Xí – Đinh Bộ Lĩnh và nút ngã năm Đài liệt sĩ... Tổng vốn đầu tư dự án là 341,9 tỉ đồng, dự kiến hoàn tất sau hai năm nhưng đến năm 2004, Cienco 5 chỉ hoàn thành một số hạng mục như: xây mới cầu Bình Triệu 2, nâng cấp mở rộng các tuyến đường quanh bến xe Miền Đông. Trong khi đó, năm 2003, TP.HCM điều chỉnh dự án mở rộng quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước lên 53m, thay vì 32m. Lúc này Cienco 5 xin rút khỏi dự án. Năm 2005, TP.HCM giao dự án cho CII làm chủ đầu tư giai đoạn 2. Theo tính toán của CII tại thời điểm 2007, tổng mức đầu tư đã tăng lên 3.493 tỉ đồng, chưa kể chi phí giải phóng mặt bằng gần 5.000 tỉ đồng. Gần 5 năm sau khi khởi động lại, chủ đầu tư mới thực hiện được hai tiểu dự án đã ký kết là hoàn vốn cho dự án cầu Bình Triệu 2 (do Cienco 5 đã thực hiện) và sửa chữa cầu Bình Triệu 1. Trong khi ba tiểu dự án khác gồm: tiểu dự án 1 (nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu 1), tiểu dự án 4 (mở rộng đường Nguyễn Xí và xây dựng nút giao thông ngã năm Đài liệt sĩ), tiểu dự án 5 (nâng cấp mở rộng đường Ung Văn Khiêm từ Đài liệt sĩ đến Tân Cảng) thì chưa biết lúc nào triển khai. |
(SGTT)
- Nên quy định hạn mức thu hồi đất đối với hội đồng nhân dân
- Ban hành khung giá đất hằng năm để... ngắm?
- Quản lý và phát triển chợ dân sinh vẫn nhiều bất cập
- Quy hoạch kiến trúc khu phố cổ: Người dân được lợi gì?
- Chính quyền đô thị TPHCM: Đổi mới - yêu cầu bức thiết
- Dân đủ sáng suốt để bầu thị trưởng
- Dân được lợi gì từ chính quyền đô thị?
- Bảo tồn làng cổ Đường Lâm trong sự phát triển tiếp nối
- Những vấn đề trong bồi thường, di dân, tái định cư
- Mơ hồ như... định giá đất