Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Đối thoại Đóng cửa chợ- người dân sống trong "hộp"

Đóng cửa chợ- người dân sống trong "hộp"

Viết email In

Ngày 17/3, Hội thảo "Chợ dân sinh trong thành phố của các tập đoàn" diễn ra tại Hà Nội. Chợ - trong đời sống hiện đại là môt chủ đề thú vị. Càng thú vị hơn dưới cách nhìn của người nước ngoài. Chúng tôi có cuộc phỏng vấn TS Michael DiGregorio (Đại học California) về chủ đề này.

Vì sao khách không muốn vào chợ mới

- Ông quan tâm đến đề tài về chợ từ lúc nào?

TS Michael DiGregorio (ảnh bên): - Khi tôi còn là sinh viên đại học chuyên ngành Quy hoạch đô thị (tại Mỹ), một người bạn cùng khóa với tôi đã làm luận văn về đề tài "Chợ ở Jakarta". Tôi đã trò chuyện với cô ấy rất nhiều về biến đổi của mô hình chợ ở Jakarta , và từ đó tôi bắt đầu quan tâm đến chợ.

Từ khi tôi sống ở Việt Nam, 18 năm trước, tôi luôn luôn đi chợ để mua sắm, cũng như trước đây khi tôi sống ở Thái Lan. Nếu nói những ngôi chợ lớn, tên tuổi thì điểm đến thường xuyên của tôi là chợ Hôm - Đức Viên. Nhưng thời đó, ngoài những ngôi chợ chính thức, còn có rất nhiều chợ tạm chỉ nhóm họp vào buổi sáng, buổi chiều, chủ yếu phục vụ dân cư xung quanh khu vực. Tôi sống ở phố Tuệ Tĩnh, nên thường đi chợ tạm ở phố Thể Giao. Chúng tôi  đi chợ gần nhà, chứ không đến Big C. Tất nhiên, khi đó cũng chưa có Big C.

- Bây giờ chợ trên phố Thể Giao vẫn hoạt động đấy chứ?

- Nhưng không giống ngày xưa. Ngày xưa họ đóng cửa cả dãy phố vào buổi sáng và buổi chiều để họp chợ.

Thời đó, chợ Hôm (hiện nay) cũng đang được xây dựng, nên chợ họp dọc phố Trần Xuân Soạn.

- Ông đang nhắc chuyện ngày xưa. Còn hiện tại có thực tế là người ta  xây nhiều chợ, nhưng hoạt động mua bán lại diễn ra chủ yếu trên những khu phố xung quanh, hoặc ở khoảng sân trống phía trước chợ, còn chính ngôi chợ lại vắng. Tôi đã tận mắt chứng kiến thực tế này không chỉ ở Hà Nội mà ở cả TPHCM, Bắc Giang, Lào Cai...

- Khi chợ Hôm được xây dựng, các chủ sạp hàng đã cảm thấy lo lắng. Họ sợ người mua sẽ không trả 1000, 2000đ để đỗ xe rồi đi bộ vào chợ. Nhưng chợ Hôm may mắn vì nếu người mua hàng đang vội, họ có thể đi xe đạp, xe máy thẳng vào trong chợ, nên chợ Hôm đã thích nghi, đã có đời sống sôi động.

Nhiều chợ mới khác được xây dựng lên, nhưng không thuận tiện như thế, khi họ xây chợ cho tầng lớp trung lưu, người mua phải đỗ xe để vào chợ, thậm chí không đủ chỗ đỗ xe. Trong quy hoạch đô thị, người ta gọi nó là "sự chia rẽ" (grade separation), khi tầng của tòa nhà không ngang với tầng của đường phố, khiến người mua/ bán phải đỗ xe và lên cầu thang.

Bạn biết đấy, phụ nữ Việt vẫn có thói quen mua thực phẩm mỗi ngày, hoặc cách ngày. Họ không mua nhiều, mà chỉ mua cho bữa tối hoặc tran h thủ mua vào buổi sáng sớm, họ thường đi xe đến chợ gần nhất, nhặt vài thứ từ các sạp hàng nhỏ, móc đồ mua được vào xe, rồi rời chợ về nhà.

Mọi người chỉ đến siêu thị vào cuối tuần khi họ có nhiều thời gian. Khi đó họ đỗ xe, hoặc đi taxi, và vào siêu thị mua nhiều đồ hơn, nhưng phần lớn không phải những đồ ăn thường ngày. 

Vậy những chợ mới có đáp ứng nhu cầu của người mua không? Nếu không, khách hàng sẽ không muốn vào chợ, và người bán thực phẩm vì thế sẽ tràn ra các đường phố xung quanh chợ để bán.

Những người lập quy hoạch không thể chỉ nghĩ về mong muốn của mình, dù đó có là mong muốn xây dựng một Hà Nội văn minh, hiện đại đi chăng nữa. Họ phải nghĩ xem người đi chợ muốn gì, thường làm gì? Xây dựng siêu thị, khu mua sắm hiện đại không sai, nhưng đó không phải là tất cả những gì người dân cần. Nhiều người Việt vẫn muốn đi chợ mua thực phẩm tươi hàng ngày, và thường chỉ dành vài chục phút cho việc đi chợ.

  • Ảnh bên : Chợ Bắc Giang xây đàng hoàng, nhưng tầng 2 gần như bỏ trống... (Ảnh: Khánh Linh)

Tiếc vì chợ Hàng Bè đóng cửa

- Ông bảo rằng khi sống ở Hà Nội, ông muốn đi mua sắm ở chợ, chứ không muốn vào siêu thị. Có lý do nào khác, bên cạnh sự thuận tiện không?

- Người dân rất quan tâm đến chất lượng thực phẩm mà họ mua, nhất là gần đây khi họ nghe nhiều câu chuyện về sự ô nhiễm, về thực phẩm với hóa chất độc hại, về biến đổi gen, về các loại thuốc tăng trọng...

Nhiều người chọn mua hàng ở siêu thị, nơi thực phẩm được đóng gói, vì họ nghĩ rằng chất lượng thực phẩm tốt hơn. Nhưng giá cả ở siêu thị đắt hơn, nên những người không giàu có sẽ không thể vào siêu thị.

Họ phải mua hàng ở chợ, và họ sẽ chọn mua ở hàng quen, để người bán đảm bảo chất lượng cho họ. Người bán biết điều đó, và họ sẽ tỏ ra rất vui khi gặp bạn, sẽ gọi tên bạn, sẽ hỏi han bạn. Dần dần bạn tin tưởng họ. Nếu bạn tin một người bán, bạn sẽ chỉ mua hàng ở đó, nơi người bán thậm chí còn  biết thói quen ăn uống của bạn, giới thiệu với bạn những thực phẩm ngon của ngày hôm đó. Rồi bạn sẽ giới thiệu với bạn bè, người quen để mua hàng của người đó. Đó là một cách khác để bạn cảm thấy bạn mua thực phẩm an toàn.

- Vậy du khách thì sao? Vì sao du khách thích đến chợ? Họ đâu có hàng quen?

- Chợ là không gian rất sống động để bạn cảm nhận về văn hóa của một nơi chốn, với nhiều màu sắc, nhiều mùi vị. Đến chợ bạn gặp rất nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, được nghe những câu chuyện rất đời thường.

Du khách sẽ đến chợ, nơi họ có thể mua những sản vật mà họ không thấy ở những chỗ khác.

Nói đến đây, tôi lại thấy rất tiếc khi chợ Hàng Bè đóng cửa. Vì ở đó bạn có thể mua rất nhiều sản vật của Hà Nội, không có ở đâu khác? Chẳng hạn như mắm tép...

Vệ sinh của chợ chỉ là cái cớ

- Chợ mang nhiều ưu điểm thế, vậy tại sao cứ lâu lâu ta lại phải nghe chuyện một ngôi chợ nổi tiếng bị đóng cửa?

Chợ là không gian rất sống động để bạn cảm nhận về văn hóa của một nơi chốn, với nhiều màu sắc, nhiều mùi vị. Đến chợ bạn gặp rất nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, được nghe những câu chuyện rất đời thường.

Du khách sẽ đến chợ, nơi họ có thể mua những sản vật mà họ không thấy ở những chỗ khác.

Nói đến đây, tôi lại thấy rất tiếc khi chợ Hàng Bè đóng cửa. Vì ở đó bạn có thể mua rất nhiều sản vật của Hà Nội, không có ở đâu khác? Chẳng hạn như mắm tép...

- Họ thường lấy lý do chợ không vệ sinh để đóng cửa. Vậy thì câu trả lời của tôi là: Nếu chợ không sạch, thì hãy làm sạch nó. Hãy thỏa thuận với những chủ sạp trong chợ để họ phải giữ sạch chỗ của họ, hãy dành chỗ cho các loại rác, hãy có đủ nước...

Nhưng ai cũng hiểu, vệ sinh không phải là lý do duy nhất, thậm chí nó chỉ là cái cớ. Điều quan trọng là những khu đất đã được dành cho chợ bao nhiêu năm nay, giờ đó là những khu đất đẻ ra vàng, nhất là những chợ ở trung tâm Hà Nội. Nên họ sẽ muốn dành khu đất đó cho một mục đích khác để thu lợi nhuận nhiều hơn.

Áp lực với những nhà quản lý là liệu họ có nên tiếp tục duy trì chợ, và có trợ cấp cho chợ không? Vì những người bán trong chợ thường không giàu, là những tiểu thương nhỏ, nên họ không thể trả tiền thuê quá cao. Hay họ sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất đó, cho những nhà đầu tư để tối đa lợi nhuận.

- Không lẽ lợi nhuận là thước đo duy nhất? Người dân sẽ được gì từ lợi nhuận đó?

- Bạn thấy đấy, giá thực phẩm tăng lên rất nhanh, vì nhiều lý do. Thứ nhất, vì giá cước vận chuyển tăng cao. 10 năm trước, nguồn thực phẩm cho Hà Nội chủ yếu từ các huyện ngoại thành, nên giá vận chuyển rẻ hơn bây giờ rất nhiều. Thứ hai, giá thuê mặt bằng tăng cao, nhất là những khu trung tâm.

Với nông dân, họ cũng bị áp lực để tăng lợi nhuận, nếu không họ sẽ không muốn giữ đất cho nông nghiệp nữa. Họ phải cân bằng thời gian cũng như hiệu quả sử dụng đất, nên họ cũng sử dụng nhiều hơn các loại hóa chất, các thuốc tăng trọng... để có thể thu lợi nhiều nhất và tốn ít thời gian, nhân công nhất. Tất cả những điều đó tạo áp lực lên giá cả thực phẩm, trong khi rõ ràng, thu nhập không thể tăng nhanh đến thế.

Vậy thì chính quyền phải cân đối giữa mong ước một bộ mặt hiện đại của thành phố với nhu cầu hiện tại của người dân để họ có thể sống.

Những khu chợ như chợ Hôm là cách hỗ trợ người dân, bởi giá thuê mặt bằng ở đó được hỗ trợ để không quá cao. Hoặc cho phép chợ tạm sinh hoạt vào một số khung giờ nhất định, chẳng hạn ngoài giờ cao điểm, để người dân có thể mua thực phẩm với giá phải chăng hơn.

  • Ảnh bên: ...trong khi bên ngoài chợ Bắc Giang lại mua bán tấp nập. (Ảnh: Khánh Linh)

Con người hiện đại sống trong những cái hộp

- Vậy còn chợ như môi trường của giao tiếp xã hội thì sao, thưa ông? 

- Tôi đã rất buồn khi thấy một phụ nữ lớn tuổi mặc rất đẹp, trang điểm như đi tiệc, để vào siêu thị ở Los Angeles. Tôi hiểu, bà vào siêu thị vì bà thấy cô đơn, và cần được trò chuyện với ai đó. Bà đã trò chuyện với người tính tiền ở siêu thị, nhưng chắc chắn người tính tiền không quan tâm. Có lẽ trong trí nhớ của bà, bà đã từng đến chợ để giao tiếp, nên bà muốn tìm lại không khí đó.

Los Angeles, một thành phố rất hiện đại, nhiều siêu thị, nhưng có rất nhiều chợ họp mỗi ngày chẳng hạn từ 4 - 6h chiều, nơi người nông dân mang sản vật của họ đến bán trực tiếp.

Ở Mỹ, chúng tôi đã từng có chợ trời, rồi chợ trời đóng cửa vì chính quyền nghĩ nó không hiện đại, không sạch sẽ. Nhưng rồi chợ trời lại mở cửa trở lại, vì đó là nhu cầu, nơi bạn có thể giao tiếp, trò chuyện, hỏi han nhau, thay vì vào siêu thị bạn chỉ nhìn giá cả rồi lấy món hàng.

- Một vấn đề nữa là họ đóng cửa chợ, xây dựng trên đó một trung tâm thương mại, nhưng trung tâm lại không đủ hiện đại để cạnh tranh. Như Trung tâm thương mại Cửa Nam chẳng hạn? 

- Chợ Cửa Nam đã tồn tại hàng trăm năm, nhưng khi chợ đóng cửa, dường như chúng ta đã mất một vị trí văn hóa.

Khi cuộc sống hiện đại hơn, con người cô đơn hơn, xa cách hơn, họ như sống trong những cái hộp. Căn hộ, xe hơi, văn phòng, trung tâm thương mại... tất cả đều là hộp.

Văn hóa Việt Nam không phải như thế. Văn hóa Hà Nội là văn hóa gặp gỡ, nhưng Hà Nội đang bị ép để rời xa văn hóa này.

Tôi lại đang đi ngược lại. Khi mới đến Hà Nội, tôi đi xe đạp, sau đó đi xe máy, rồi lái ô tô trong 6 năm. Nhưng giờ tôi lại quay về với xe đạp, với đi bộ, vì như thế thú vị hơn nhiều. Khi đi xe máy hay ô tô, bạn chỉ nghĩ đến điểm đến. Thậm chí nếu bạn có lái xe riêng, bạn còn tranh thủ thời gian nhắn tin, gọi điện...

Còn khi đi xe đạp, bạn có nhiều thời gian để nhìn ngắm, để nhận ra sự thay đổi của những con phố. Khi bạn đi bộ, bạn thậm chí ngẫu hứng dừng ăn một món ăn bên đường chẳng hạn. Bạn thấy đấy, du khách nước ngoài đến Việt Nam, đến Hà Nội, rất thích đi bộ trên các đường phố, vì cuộc sống ở đây rất sống động.

Tôi thấy buồn khi nhìn sự thay đổi của Hà Nội. Thật khó trở về với ngày xưa, nhưng Hà Nội không nên đánh mất những không gian cho sự gặp gỡ, như chợ, công viên, và phải tạo không gian tốt hơn cho sự đi bộ.

Khánh Linh (thực hiện) 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2631 khách Trực tuyến

Quảng cáo