Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện Khách sạn Novotel on the park nên đặt ở đâu?

Khách sạn Novotel on the park nên đặt ở đâu?

Viết email In

KTS Trần Thanh Vân có đôi lời kiến giải và gợi ý về địa điểm cho khách sạn Novotel on the park - dự án vừa bị phản đối xây ở công viên Thống Nhất.

Novotel on the park nên ở đâu?

Hà Nội đã được mở rộng địa giới hành chính Thủ đô theo cấu trúc phong thuỷ tựa núi nhìn sông, nhưng địa giới mới chỉ xét đến trục không gian phẳng. Muốn có một Thủ đô phát triển bền vững, các nhà quy hoạch phải quan tâm đến trục không gian ba chiều.

Từ khi chưa có quyết định mở rộng, từ gần 10 năm nay, Hà Nội đã xuất hiện khu đô thị mới Mỹ Đình với nhiều công trình: Trung tâm hội nghị quốc gia, toà nhà Keangnam 70 tầng, Nhà thi đấu, Sân vận động quốc gia… và trục đường Láng Hoà Lạc.

Có điều, khi quyết định những việc này, người ta quên mất vai trò thu nước tự nhiên ở vùng thấp trũng này và gần như toàn bộ đất đai phì nhiêu và ao hồ nơi đây đã bị phủ một lớp bê tông. Rất may, trận lụt lịch sử đã cảnh tỉnh những ai trót quên đi quy luật tất yếu của tự nhiên, để kịp thời sửa sai khi chưa quá muộn.

Khi người Pháp xây dựng thành phố Hà Nội đầu thế kỷ thứ 20, đã nghiên cứu rất kỹ cấu trúc phong thuỷ của Thăng Long cổ xưa để lập ra trục quy hoạch cảnh quan cho thành phố Hà Nội.

Lúc đó, hệ thống đê 2 bên sông Hồng dài trên 1600 km đã hoàn thành, thành phố Hà Nội đã cách ly hẳn với con sông, nhưng trục không gian cảnh quan từ Ba Vì về Hồ Tây vẫn được tuyệt đối tôn trọng. Một “vệt xanh” cực lớn như một đại công viên dài 40 km, mang không khí trong lành từ núi cao về trung tâm thành phố, ra Bách Thảo, vào sát bên Phủ toàn quyền. Vùng trũng nhất của trục này là vùng đồng ruộng ao hồ qua các huyện Thạch Thất, Hoài Đức và Từ Liêm.

Trong trận lụt lịch sử cuối năm 2008, theo quan sát của tôi, mực nước Hồ Tây rộng hơn 400 ha đã dâng cao 1,5m. Tức là Hồ Tây đã chứa được hơn 6 triệu khối nước mưa để quận Ba Đình và quận Tây Hồ không bị ngập lụt. Vậy khu đất xanh quanh khu Mỹ Đình phải rộng ít nhất 1500 ha và phải có một hệ thống hồ lớn nhỏ và sông đào với tổng diện tích mặt nước trên 1000 ha, để chứa được từ 10-15 triệu khối nước trong mùa mưa bão.

Vì quy hoạch tổng thể chưa làm mà đã làm xong quy hoạch chi tiết, thậm chí đã cho mọc lên rất nhiều toà nhà đồ sộ đắt tiền, nên "vệt xanh" trên có thể phải ôm trọn vào trong lòng hầu hết những toà nhà hoành tráng kia. Mặt nước các hồ và kênh mương nhân tạo có thể không rộng như Hồ Tây, nhưng nối tiếp liên tục, tạo thành một hệ giao thông thuỷ trong tiểu vùng.

Với cách làm như vậy, tất cả những công trình đã có sẽ là những "Building on the park". Và tôi trộm nghĩ Novotel Hanoi on the Park có thể cũng nên đặt ở một vị trí nơi đây.

Chuyện về hai trung tâm hội nghị

Nhiều người có thể cho rằng nơi này còn lâu mới thu hút được khách thì bao giờ mới mong hoàn vốn? Đúng vậy, nếu cứ tiếp tục chủ trương đầu tư rải thảm, mỗi nơi một ít, không có chính sách khai thác công trình, thì không chỉ không thể hoàn vốn mà kết cấu hạ tầng sẽ cọc cạch và chất lượng công trình sẽ xuống cấp rất nhanh.

  • Ảnh bên : Khu Nam Trung Yên ngập nước trong trận lụt lịch sử 2008. (Ảnh: VNN)

Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, một công trình đã đầu tư hết 4300 tỷ đồng, tọa lạc trên 64 ha đất, có 60.000 m2 sàn, nhưng bản thân công trình đã không có sức hấp dẫn về kiến trúc, đặt ở mặt bằng và cốt nền quá thấp.

Nếu công trình này được cải tạo một chút cho thêm đa năng, cốt thềm được “nâng lên” một chút và gắn bó hơn với các khách sạn cao cấp kiểu như Novotel Hà Nội on the park, sẽ thuận lợi cho việc hình thành loại hình du lịch kết hợp với hội họp (Meeting Incentive Conference Event - MICE). Chỉ với cách đó, Hà Nội mới giải toả được sức ép, tránh được úng ngập, mà còn tạo ra nguồn kinh tế du lịch rất lớn.

Ở Trung tâm Lingotto Fiere thành phố Torino, kinh đô cũ của Italy, người ta đã sử dụng một cách rất hiệu quả tính đa năng và tính liên hoàn của công trình này. Cùng một lúc, ở tầng chính trong trung tâm có một phòng hội thảo lớn chứa hàng ngàn người tham gia. Phòng triển lãm, quầy sách và các phòng nghỉ được bố trí ở những góc riêng biệt, đủ chỗ cho các nhóm tách ra ngôì uống cafe và đàm đạo việc riêng.

Tầng trên của khu vực hội họp này lại là một thế giới độc lập hoàn toàn, không khác gì một đô thị thu nhỏ, với đầy đủ các hạng mục phố xá như bưu điện, hiệu sách, quán ăn, ngân hàng, văn hoá phẩm, mỹ phẩm và cả cửa hàng thời trang.

Khu “đô thị” này đón tiếp tất cả mọi người và không ai cảm thấy mình bị lạc lõng khi đến đây. Với cách tổ chức như vậy, một vài đại biểu chính đến dự hội nghị có thể kéo cả đoàn hàng chục hoặc hàng trăm người cùng đi.

Bỏ một m2 đất xây dựng, phải thu lại một m3 đất màu

Hà Nội khó trở thành một trung tâm buôn bán lớn, nhưng nhờ địa hình rất phong phú, con người cởi mở và rất hiếu khách, rất thuận lợi cho việc đăng cai tổ chức các hội nghị quốc tế thiên về thông tin, nhân văn và xã hội.

Thế giới đang ở trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế và đang bị đe doạ bởi biến đổi khí hậu. Việt Nam đang là nước thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo. Nhưng chúng ta đang mất đi 5 triệu tấn thóc mỗi năm. Hàng triệu người phải ly hương kiếm ăn. Vậy vấn đề an ninh lương thực cho cả thế giới cũng đang là việc hệ trọng mà Việt Nam phải đặc biệt quan tâm.


Phối cảnh khách sạn Novotel Hanoi on the Park trong công viên Thống Nhất (Ảnh tư liệu dự án).

Hà Nội mở rộng với hơn 2.000 km2 làng xóm ruộng đồng hiện tại, có thể đi đầu thực hiện thành công mọi giải pháp do WAWSC (Hội bảo vệ tài nguyên đất và nước) đề ra và là một đề tài cho nhiều MICE trong tương lai. Bỏ đi một mét vuông đất ruộng để xây dựng là ta phải thu lại một mét khối đất mầu, một đất nước gốc nông nghiệp như nước ta không được quên việc hệ trọng đó.

Phá bỏ ruộng vườn để đào hồ và xây dựng, chúng ta phải di chuyển dân cư lên núi cao cùng với việc đưa đất mầu lên thềm núi, các hốc đá vôi, để tạo ra những ruộng vườn bậc thang, tăng thêm nguồn lương thực và thực phẩm cho con người, mặt khác tạo ra những “công viên địa cảnh” và các khả năng đầu tư du lịch mà các nhà kinh doanh du lịch đang tìm kiếm.

Vậy tìm kiếm vị trí mới cho một Novotel Hanoi on the park có khó không? Theo tôi thì không khó. Cái chính là phải mở tầm mắt và phải có chính sách di dân triệt để, giúp họ thay đổi lối sống và điều kiện sống.

Trong phạm vi bài viết này, tôi không muốn bàn đến một địa điểm nào đó trong nội đô Hà Nội cũ, bởi vì mật độ dân cư hiện thời đã quá cao, nhà trẻ trường học đang thiếu trầm trọng.

Theo một điều tra gần đây của VietNamNet, người ta phát hiện ra chỉ riêng trường tiểu học Lê Ngọc Hân, đã có hàng chục lớp bán trú không đủ tiêu chuẩn về diện tích và vệ sinh môi trường. Ngay trên phố Lò Đúc đã có mấy địa chỉ có gần 30 cháu bé phải nằm xếp hàng trở đầu đuôi trong một căn phòng diện tích 10m2, cạnh đó là vòi nước rửa bát và bếp lò bẩn thỉu. Nhà ở đã chật chội, đến trường thì phải học hai ca, cô giáo dẫn các cháu đi tìm nhà để thuê bán trú thì không tìm ra những phòng khả dĩ để thuê.

Bởi vậy, nếu ở phố Lò Đúc hay nơi nào quanh đó có một cơ sở sản xuất có thể di dời, thì nên ưu tiên cho trường tiểu học và nhà trẻ chứ không phải cho khách sạn hoặc trung tâm thương mại. 

KTS Trần Thanh Vân

>> Phản đối "xén" đất công viên Thống Nhất để xây khách sạn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo