Chỉ mục bài viết |
---|
Không gian công cộng và "Thành phố của tập đoàn" |
Cuộc trò chuyện với kiến trúc sư Kông Thiện |
Tất cả các trang |
Không dễ tìm định nghĩa chính thức về không gian công cộng. Theo nghĩa rộng nhất, Bộ Xây dựng(1) coi không gian công cộng là mọi không gian do nhà nước quản lý, bao gồm: đường phố, vỉa hè, bờ sông, bờ đê, hay thiết bị công cộng như bãi đổ rác, công trình công cộng, tượng đài. Nhưng bên cạnh đó, một số diện tích chung trong một số khu vực tư nhân, như nhà chung cư, khu ở biệt lập cũng được coi như một dạng không gian công cộng. Do đó, trong thực tế, nhiều loại không gian khác nhau ở Việt Nam được nhìn nhận như là không gian công cộng(2), bao gồm: các không gian “bán công cộng” như khoảng sân trước đình chùa, quán cà phê, hay tượng đài; các không gian công cộng chính thức như công viên công cộng; hay các diện tích chung trong các công trình tư nhân như nhà chung cư hay trung tâm mua sắm dịch vụ.
(ảnh minh họa)
Tại các khu vực đông dân cư trong thành phố, nơi người dân sống nhiều thế hệ trong các căn nhà chật hẹp, người ta càng cần không gian công cộng hơn cả. Với họ, không gian công cộng không chỉ giúp đi lại, mà còn là những không gian hiếm hoi để giao tiếp xã hội, chơi, nghỉ ngơi, và tạo ra thu nhập kinh tế. Đồng thời, đó cũng lại là không gian mà các thành viên phải cùng nhau chia sẻ, điều chỉnh nhu cầu và hoạt động của mình, cho tương thích với nhau. Sự giao tiếp xã hội, thương lượng và điều chỉnh các hoạt động cá nhân(3) tạo ra cuộc sống sinh động trong không gian công cộng: với các hoạt động đa dạng, tự điều chỉnh, thay đổi liên tục trong ngày. Không gian công cộng mở, sôi động, tự quản, đáp ứng người sử dụng đa dạng được coi là một trong nhưng biểu hiện lành mạnh của đời sống đô thị.
Nhưng không gian công cộng cũng là không gian xung đột giữa một bên là các cơ quan nhà nước và bên kia là các biểu hiện đời sống sinh hoạt kinh tế xã hội hàng ngày của người dân. Vấn đề nằm ở chỗ không gian công cộng là không gian do nhà nước chính thức quản lý, thông qua bộ máy quản lý(4), các quy định, chính sách, và quyết định về những vấn đề như: ai được phép sử dụng, ai cho phép ai, với phí tổn thế nào. Mục đích của chính quyền là nhằm buộc người dân Hà Nội, nhất là người mới nhập cư, sống “cuộc sống văn minh”(5) – định nghĩa theo các khía cạnh kỷ luật xã hội, vệ sinh và thẩm mỹ. Sự khác biệt giữa thực tế hàng ngày và quan điểm của các cơ quan nhà nước khiến không gian công cộng trở thành nơi diễn ra và giải quyết các xung đột, trong đó mỗi phía (người dân và cơ quan nhà nước) phát triển riêng cho mình các thủ thuật để thuận tiện trong việc kiểm soát và chiếm lĩnh không gian công cộng.
Không cái nào trong số các xung đột về không gian công cộng này là mới(6) hay mang tính đặc trưng Việt Nam. Đã có bằng chứng cho thấy các xung đột tương tự đã từng diễn ra thời thuộc Pháp, trong thời gian đầu của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong thời kinh tế bao cấp sau năm 1975, và tiếp diễn cho đến thời nay, thời kỳ di dân và đô thị hóa mạnh mẽ sau Đổi Mới. Có lẽ chỉ sự biến đổi về hình thể của thành phố là điều mới mẻ.
Phần còn lại của một ngôi nhà dành cho khách du lịch tại làng Lai Xá nằm ở phía tây Hà Nội. Ngôi nhà nguyên gốc thường có khoảng trống ở phía trước.
Tại Hà Nội, giống như nhiều nơi khác của Việt Nam, ranh giới giữa không gian công cộng và tư nhân rất mờ nhạt. Kết quả là đời sống xã hội, văn hóa, thậm chí đời sống làm ăn của người dân Hà Nội tràn cả ra ngoài những không gian công cộng chính thức, như vỉa hè, đường phố, công viên và tượng đài, theo nhiều cách khác nhau – và do đó tạo ra một đô thị mang sắc thái công cộng rất đậm nét. Khách du lịch đến Hà Nội, trong khi phải thăm viếng nhiều thắng cảnh khách nhau, thường hay bị lôi cuốn bởi cuộc sống sinh động chảy xung quanh họ, từ luồng xe cộ náo nhiệt, đến hoạt động dày đặc khu phố cổ, cũng như các trình tự tập luyện hàng ngày của người dân tại các công viên. Dù có luật lệ, không dễ để thấy luật lệ được cả nhà nước hay người dân chấp hành. Nhìn từ xa, tất cả khá “hỗn độn” và “lộn xộn”.
Hỗn độn và lộn xộn không phải là điều mà cả nhà nước lẫn nhà phát triển mong muốn. Khi các dự án do nhà nước hay tư nhân làm chủ ngày càng có quy mô lớn hơn trong ba thập kỷ qua, xu hướng phát triển trên quy mô toàn cầu càng ngày càng hướng tới sự kiểm soát chặt chẽ hơn tới các ranh giới giữa một bên là không gian bên trong dự án và bên kia là không gian bên ngoài của không gian công cộng (như đường phố, vỉa hè). Kết quả là các không gian đô thị mới càng ngày càng mang tính hướng nội, với điều hòa không khí, cảnh quan hoàn hảo, camera giám sát mọi nơi, người gác cổng và những quy định để kiểm soát khách cũng như người sử dụng. Những không gian đó có thể trở thành như những pháo đài(7) nhằm bảo vệ các không gian bên trong, chống lại các không gian bên ngoài của đường xá hay vỉa hè.
Chúng tôi gọi sự hình thành cảnh quan kiểu pháo đài như vậy là “thành phố tập đoàn” (corporate city).
Phần thành phố của các tập đoàn tại Hà Nội bao gồm trung tâm mua sắm, cao ốc văn phòng, khách sạn quốc tế, cao ốc chung cư và khu ở biệt lập. Càng ngày, sự kết hợp các dạng công trình đó càng xuất hiện trong các dự án mang tính tổng thể, nhằm tái phát triển cả khu phố hay phát triển mới các khu đất nông nghiệp lớn. Việc xây dựng các tổ hợp dự án đó thường xuất phát từ việc chuyển đổi chức năng đất nông nghiệp giá rẻ ở ngoại thành(8) và đất cơ quan nhà nước, thậm chí cả đất công cộng (như chợ và công viên) tại các khu đô thị cũ.
Việc chuyển đổi đất sở hữu nhà nước thành đất tư – bao gồm đất do cơ quan nhà nước quản lý, chợ, công viên, thậm chí vỉa hè(9) – được thực hiện thông qua các chính sách, thường được gọi là “xã hội hóa”. Trong bối cảnh Việt Nam, xã hội hóa là khái niệm nhằm chỉ sự chia sẻ chi phí đầu tư giữa nhà nước, khối tư nhân, các tổ chức và nhân dân nhằm tiến hành các hoạt động phát triển hay cung cấp các dịch vụ công. Trong thực tế xã hội hóa thường mang hình thức dịch vụ trả tiền, cụ thể như trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Nhưng xã hội hóa còn có nhiều hình thức khác. Dùng thu nhập từ phí cầu đường trả cho đơn vị quản lý và tu bổ cầu đường, trong khi cầu đường được xây dựng bằng kinh phí nhà nước, cũng được coi là xã hội hóa. Khuyến khích phát triển tư nhân trên đất công bằng cách xây dựng đường tới các khu đất này cũng được coi là xã hội hóa. Khi dự án có quy mô nhỏ, chẳng hạn nhượng bộ cho tư nhân chỗ xây dựng công trình dịch vụ trong công viên, thì sự nhượng bộ đó không làm giảm đặc điểm công cộng cơ bản của không gian công cộng. Tuy nhiên, khi quy mô của dự án tăng lên, đặc điểm công cộng của các không gian đô thị bị suy giảm và bắt đầu mang các yếu tố của thành phố tập đoàn.
Xã hội hóa và tập đoàn hóa quá trình phát triển đô thị đang song hành với nhau để biến đổi Hà Nội. Vậy, không gian công cộng, cũng như động lực đời sống công cộng của Hà Nội, mai này sẽ ra sao?
TS. Michael DiGregorio
Chú thích:
(1) http://www.moc.gov.vn/site/moc/legal?v=detail-doc&;id=29833
(2) http://en.wikipedia.org/wiki/Public_space
(3) http://www.ecoplan.org/carfreeday/EarthCFD/partners/writer-jacobs.htm
(4) http://usj.sagepub.com/content/early/2011/06/23/0042098011408934
(5) http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/j.1548-744X.2009.01021.x/abstract
(6) http://davidharvey.org/media/public.pdf
(7) http://www.contemporaryurbananthropology.com/pdfs/Davis,%20City%20of%20Quartz.pdf
(8) http://liverpool.metapress.com/content/tl811938n7g17273/
(9) http://english.vietnamnet.vn/social/200911/HCMC-to-charge-sidewalk-business-fees-877575/
Cuộc trò chuyện với kiến trúc sư Kông Thiện
Đối với anh không gian của Hà Nội đã thay đổi như thế nào? Vì trước đây anh đã nói có những không gian công cộng, người không có nhà ở có thể ở tạm thời?
KTS Kông Thiện (Bộ môn Quy hoạch, Đại học Xây dựng): - Đấy là các điểm dừng chân tại các nơi như chùa chẳng hạn. Những ngôi chùa nằm rải rác trên dọc đất nước này. Những người hành hương có thể vào trú chân, nghỉ lại qua đêm và hôm sau người ta lại tiếp tục cuộc hành trình. Hiện nay có sự thiếu vắng của các không gian kiểu như vậy. Trong đó, trong các đô thị lớn, có một lượng người vô gia cư tụ tập về đây. Đó là điều không tránh khỏi trong quá trình phát triển. Các nước phát triển cũng tồn tại người vô gia cư trong các đô thị lớn. Họ không có không gian để dừng chân, họ tự tìm đến những nơi như một góc nhỏ bé trong công viên, nơi gầm cầu, một nơi nào đó trong bến xe hoặc những nơi ít được quan tâm đến, người ta tạm dừng chân tại đấy. Nhưng do điều kiện rất thấp nên có thể gây ra một số hậu quả về môi trường, mất vệ sinh môi trường. Hoặc là về mỹ quan đô thị, gây nên một số hiệu ứng không hay. Nếu như có một số quan tâm hợp lý về giải pháp không gian cho họ, sẽ rất là tốt.
Mình mới gặp ông Nghiêm (ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội - Ashui.com), ông ấy nói trong 5 năm vừa qua giá đất Hà Nội lên rất nhanh, liệu có ảnh hưởng đến vấn đề nhà ở?
- Rất ảnh hưởng. Một người lao động bình thường ở Việt Nam, tính cho cả quãng đời lao động của người ta, cũng không thể mua nổi một ngôi nhà. Vì giá so với mức lương người ta nhận được và trang trải cho cuộc sống hàng ngày thì chuyện tích lũy để mua một ngôi nhà là điều không thể.
Tôi muốn hỏi anh về một số vấn đề khác, như Hà Nội vẫn chưa giải quyết được vấn đề văn hóa vỉa hè?
- Văn hóa vỉa hè là nét đăc trưng của Hà Nội. Thực ra cái này sâu xa phải tìm hiểu cơ sở văn hóa của Việt Nam, sẽ có nhiều lý giải thích hợp hơn. Tại Việt Nam, việc tồn tại các sinh hoạt bên vỉa hè rất là nhiều, và có các chợ tạm nữa. Những chợ được phát sinh do nhu cầu tức thời của người dân sinh sống tại khu vực đấy. Nó hình thành nên những cái chợ ở những thời điểm nhất định thôi, sau đó nó lại giải tán ngay. Hoặc là có những người đi gánh hàng rong chẳng hạn…
Gọi là chợ cóc?
- Vâng, chợ cóc. Đó là cách hình thành nên các không gian theo nhu cầu của người dân, nó rất là tự phát. Tôi nghĩ có thể là do các quy hoạch chưa có điều tra về mặt xã hội học tốt. Lắm khi những con đường mở ra người ta không đi nhiều bằng những con đường mà tự người ta đi. Có câu danh ngôn cổ là “Trên thế gian này làm gì có đường, đường chẳng qua do người ta đi mãi mà thành”. Người ta thấy là, nếu theo quy hoạch mà thành ra người ta đi lòng vòng quá mới đến một điểm, sẽ rất tốn năng lượng cho việc di chuyển. Trong khi đó để đi từ A đến B, có những con đường rất là hay.
Trước đây người ta nói khi công nghiệp hóa, hiện đại hóa, văn hóa vỉa hè sẽ giảm dần. Người ta sẽ ở nhà để xem TV. Nhưng có vẻ như người Việt Nam thích ở ngoài nhà, vì họ có thể nói chuyện, gặp một người bạn ở ngoài đường. Anh có nghĩ giống tôi không?
- Tôi đồng ý với ý kiến này ở góc độ là nhu cầu sinh hoạt của người ta cần tồn tại một không gian giao tiếp, đó là không gian công cộng. Người ta không thể xem TV và đóng mình lại trong gian phòng nhỏ được. Như vậy con người ta bị độc lập hóa, các giao tiếp về quan hệ xã hội không được hình thành. Như vậy cuộc sống sẽ kém đi một phần thú vị rất lớn, đó là phần giao tiếp với cộng đồng. Ông có thể quan sát quán bia ở Tạ Hiện, quán bia cỏ, ở đấy rất đông người ngồi ở vỉa hè để uống bia. Việc di chuyển trong những khu phố này có những nét văn hóa rất đặc thù. Nếu chúng ta quan niệm vỉa hè là một trong những không gian của đô thị thì không có gì là xấu cả. Mọi sinh hoạt của đô thị đều diễn ra trong đô thị, và vỉa hè là một phần của đô thị. Thế thì không nên coi đó là văn hóa thấp. Đấy là một nét văn hóa, đúng nghĩa của nó, không nên đánh giá nó một cách thiên vị.
TS. Michael DiGregorio (thực hiện)
- Phát triển bền vững - Nhận diện từ giới chuyên môn
- Thủy điện phát triển quá nóng: Nhiều hệ lụy
- Căn hộ siêu nhỏ: Bước lùi quy hoạch?
- Phản biện đề xuất cấm ô tô vào trung tâm
- Cắt giảm đầu tư công và thành tích “ảo”
- Cây xanh trang điểm cho đô thị
- Chức năng kinh tế của đại học
- Thủy điện Sông Tranh 2: Chưa có đánh giá về độ an toàn
- Bán đảo Cà Mau: Biển đang lấn đất
- Mô hình thị trưởng