Kiểu nhà cổ của vùng đồng bằng Bắc Bộ thường là 3 gian 2 chái tiền kẻ hậu bảy, gian giữa là ban thờ, phía trước ban thờ kê bộ ghế dài (tràng kỷ). Nhà to thì 5, 7 gian. Nhà giàu thì làm gỗ quý, tường gạch, mái ngói. Nhà nghèo thì bằng tre, tường trình đất, mái rơm, rạ.
Dù thế nào thì gian giữa, gian chính vẫn có bàn thờ và bộ tràng kỷ, gian giữa là trái tim của ngôi nhà, là không gian tâm linh, là không gian chung của cả nhà, là nơi tiếp khách.
Tràng kỷ có nhiều loại, thường nhất là loại con tiện, ở hai đầu và lưng ghế. Đặc biệt hơn thì phần lưng chia làm 5 ô, ô giữa có cuốn thư đề thơ, 4 ô còn lại là tứ quý, 4 mùa, đục chạm tinh tế, khảm ốc… đơn giản nhất là tràng kỷ tre, mộc mạc nhưng vẫn đẹp, một kiểu đẹp khác.
Ngai thờ.
Có lẽ nhà 3 gian là kiến trúc nhà ở điển hình và lâu đời nhất của người Việt cũng như bộ ghế dài đi kèm ở gian giữa. Nhà – thuyền trên mặt trống đồng Đông Sơn, đình và ngay cả cầu có mái (thượng gia hạ kiều) cũng là gốc của kiến trúc này.
Vậy có nghĩa là người Việt không dùng ghế đơn?
Có một loại ghế đơn, kiểu ghế vách, vì ghế kê áp vào tường, luôn là một đôi, chạm trổ con dơi ngậm đồng tiền hoặc hoa lá, hoặc lưng ghế có một miếng đá hình tròn có vân mây. Giữa hai ghế có một bàn nhỏ chỉ để vừa một bát hoa thủy tiên hoặc bộ ấm chén uống trà khi độc ẩm hoặc đối ẩm. Nhưng kiểu ghế này là du nhập từ Tàu sang ta, thường chỉ nhà quan lại hoặc nhà giàu ở thành thị dùng. Ghế đơn của Tàu vào ta còn một loạt kiểu nữa, phong cách đời Minh. Phong cách đồ gỗ Minh là niềm tự hào của người Tàu và là một di sản của thế giới nhưng đồ gỗ Minh không hề có mẫu trường kỷ.
Từ khi Pháp vào Việt Nam, họ cũng mang theo nhiều mẫu ghế đơn, dùng trong công sở và các gia đình ở thành thị. Người Pháp không có trường kỷ, nếu có thì chỉ được gọi là ghế băng, thô sơ không có yếu tố thẩm mỹ, dùng ở các phòng họp hoặc trong nhà thờ. Người Pháp đến Việt Nam, họ thích tràng kỷ nhưng vì người Pháp nhiều riêng tư không như người Việt nên họ đã biến tràng kỷ thành đoản kỷ. Một số mẫu đoản kỷ dáng sofa hoặc chân lai cẳng hươu giai đoạn Đông Dương là minh chứng rõ nhất về chuyện này.
Ngoài tràng kỷ thì người Việt ngồi bằng gì?
Ghế tràng kỷ
Hai gian bên trong ngôi nhà 3 gian thường kê bộ phản gỗ, 2 tấm (gọi là cặp lếp) kích cỡ rộng khoảng 80cm, dài 2m10, dày 10cm, người biết thì dùng gỗ gụ, dâu đen hoặc xoan vì gỗ lim nằm đau lưng. Nhà khá giả thì dùng phản khuôn tranh, có lèo có mộng cầu kỳ. Phản thì để nằm nhưng khi nhà có việc thì mâm cỗ đặt giữa, khách ngồi xếp chân bằng tròn ăn luôn trên phản.
Ngày thường, mâm cơm đặt ngay trên nền bếp, vợ chồng con cái chan chan húp húp xong bữa, mấy cái ghế nhỏ (ghế đẩu) đóng bằng gỗ tận dụng là ngồi được rồi. Nếu không ăn ở bếp thì ngồi ăn trên chõng tre ở giữa sân hoặc trải chiếu dưới hiên. Các tộc người thiểu số ở nhà sàn, bếp ngay giữa nhà, ăn quanh bếp, ghế ngồi đan tết bằng mây tre, thấp, nhỏ, cao khoảng hai chục phân, vuông hoặc tròn. Người Kinh không tiếp khách trong bếp nên ghế đẩu rất sơ sài. Các tộc người thiểu số, gian chính của nhà sàn là bếp, tiếp khách quanh bếp nên ghế đẩu của họ, nhiều kiểu khác nhau, trang trí hoa văn họa tiết rất đẹp.
Tỷ lệ của bộ trường kỷ (dài khoảng 1,8m đến 2m, cao 60cm, sâu 50cm) rất hợp với bố cục gian giữa, một bộ gồm 2 ghế 1 bàn và kê vuông góc với ban thờ. Trường kỷ thì ngồi được nhiều người, cả gia đình quây quần hoặc tiếp khách, đương nhiên một, hai người vẫn được và thỉnh thoảng, trưa hè vắng vẻ, chủ nhà có thể “kềnh” ngay trên trường kỷ, đầu gối lên vai ghế chợp mắt một lát.
Ghế đơn con dơi ngậm đồng tiền
Trường kỷ là ghế dài, để ngồi chung nhiều người, mà đã là chung thì chỉ kê ở gian giữa chứ không ai kê bộ trường kỷ trong bếp hoặc chái vì bếp và chái (buồng ngủ) thì riêng. Theo giáo sĩ Cristophoro Borri ở cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621 –NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh in năm 2014: “Cách thứ nhất kém hơn cả là cách ngồi của những kẻ cùng cấp bậc. Cách thứ hai là ngồi trên những thứ dây bố hay dây da căng thẳng có trải chiếu nhỏ và mịn hơn, dành cho người đáng kính hơn. Cách thứ ba là trên một thứ bục cao hơn đất chừng tám tấc làm thành như cái giường và chỉ dành cho các quan và bậc chức vị”. Chứng tỏ ngay đến đầu thế kỷ 17 ghế nói chung và ghế đơn không có trong đời sống Việt. Còn theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều trong Cuốn Mùi của ký ức ở các vùng thôn quê, chợ quê loại ghế dài bằng tre thô sơ đơn giản rất phổ biến: “Quán bánh đúc riêu cua là một túp lều lợp rạ có kê chiếc chõng tre và những cái ghế tre dài thường là ghép hai cây tre lại với nhau cho khách ngồi ăn”.
Đoản kỷ
Ghế đơn chân lai cẳng hươu giai đoạn Đông Dương.
Ở đình và chùa cũng kê trường kỷ, vì đình chùa cũng là chung. Người Việt không có ghế đơn vì người Việt ít “riêng tư”, có mỗi một ghế đơn là cái ngai thờ, để thờ, để trên ban thờ và để rước mỗi khi hội làng chứ không để ngồi. Hoặc ngai vàng là cái ghế đẩu đặc biệt, ghế đơn đặc biệt chỉ có vua được ngồi thì không tính, vì vua thì chỉ có một, một vua thì một ghế, ghế đơn, đủ cho vua ngồi một mình. Trong Tử Vi có sao Đẩu quân, sao này có tính nghiêm cẩn, trung thực… nhưng rất cô đơn.
Lê Thiết Cương
(Tia Sáng)
- 9 yếu tố giúp bạn thiết lập một “văn phòng làm việc” tại nhà
- Tái sinh vật liệu trong thiết kế nội thất cửa hàng thời trang, tại sao không?
- 21 thiết kế khác nhau chỉ cho một phòng tắm
- Sử dụng màu sắc thay đổi cảm nhận không gian nội thất như thế nào
- Căn hộ trăm tuổi có những tấm ván uốn lượn
- 10 đề cử chính thức cho danh hiệu “Nội thất của Năm” tại Ashui Awards 2019
- Một số ý tưởng thiết kế nội thất cho nhà có diện tích nhỏ
- Khám phá văn phòng đa tiện nghi của Tập đoàn Saint-Gobain
- Những căn hộ siêu nhỏ cực chất nhờ thiết kế thông minh
- Những yếu tố cần lưu ý khi thiết kế văn phòng xanh