Gia chủ của J House là một cô giáo sống độc thân, sau khoảng thời gian dài tích góp, cô đã mua được lô đất nhà phố nhỏ có kích thước 4 x 24 (m). Với tính cẩn thận và chu toàn, cô đã làm việc cùng đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc CTA từ rất sớm để chuẩn bị cho ngôi nhà mới của mình.
Cô giáo chia sẻ, bình thường, cô thích dành nhiều thời gian ở nhà, có thói quen chăm sóc cây cối quanh vườn và mong muốn ngôi nhà phải sáng sủa, thoáng mát, gần gũi thiên nhiên. Tuy vậy, với mặt bằng dạng nhà phố hẹp về chiều ngang, trong trường hợp J House là 4 x 24 (m) và cách xây trải dài, chia phòng thông thường sẽ gây thiếu sáng, khả năng thông gió và chống ồn kém, cũng như không đủ khoảng không gian xanh cho sở thích của gia chủ.
Sau khi phân tích ra được những khiếm khuyết điển hình của nhà phố, team đã đưa các tiêu chí về không gian xanh, ánh sáng tự nhiên, thông gió tự nhiên và chống ồn vào danh sách ưu tiên hàng đầu trong quá trình thiết kế. Qua những buổi workshop làm việc liên tục, hàng loạt các phương án được đưa ra để phân tích thảo luận, cuối cùng mọi người cũng thống nhất giải pháp bố trí công năng giúp hạn chế các khuyết điểm khi thiết kế nhà phố:
- Thứ nhất, khi bố trí mặt bằng nhà phố, cần đảm bảo được một không gian chức năng sẽ phải gắn liền một không gian xanh (giếng trời + khoảng xanh). Từ đó, tất cả các không gian đều được tiếp xúc với cây xanh và ánh sáng tự nhiên.
- Thứ hai, khi cho ánh sáng tự nhiên vào nhà phải tính toán, thử nghiệm và kiểm tra thực tế để điều tiết lượng ánh sáng cho phù hợp cho sinh hoạt hằng ngày cũng như cung cấp đầy đủ để cây xanh sinh trưởng và phát triển. Cụ thể trong công trình J House này, kính solar được sử dụng để giảm 40-45 % lượng nhiệt cho khu vực giếng trời đồng thời điều tiết ánh sáng, tạo bóng mát bằng giải pháp rải đá mi phía trên kính. Nhờ vậy không gian trong nhà khi nào cũng ngập tràn ánh sáng tự nhiên nhưng lại ko bị nóng, hơn nữa, bóng đổ xuyên từ lớp đá tạo ra một hiệu ứng tương tự hoa nắng xuyên qua tán cây, giúp tăng cảm giác thiên nhiên;
- Thứ ba, việc bố trí công năng để thiết lập hai trục thông thoáng tự nhiên theo phương đứng và phương ngang đã đảm bảo tất cả các không gian trong nhà phố đều được thông thoáng tự nhiên. Hệ lam chữ Z bố trí ở phía trên giếng trời giúp thoát khí nóng, từ đó, làm giảm áp suất bên dưới mái kính. Không khí vào nhà từ hai hệ cửa trước và sau, tạo ra dòng đối lưu luân chuyển qua mọi không gian, rồi đi tới khu vực có áp suất thấp bên dưới mái kính, mang theo hơi nóng, hướng lên trên rồi qua hệ lam Z thoát ra ngoài. Quá trình này giữ cho không khí trong nhà luôn luôn được trao đổi, tươi mới và mát mẻ.
- Thứ tư, đối với không gian tiếp xúc gần đường thường bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn giao thông, vật liệu hoàn thiện tường trong nhà được chọn là những vật liệu có bề mặt gồ ghề và hệ trần cũng được thiết kế thành hệ khung rỗng, có bề dày, vừa có tác dụng thẩm mỹ, vừa giúp tiêu giảm lượng âm thanh bên ngoài vào trong nhà.
Thông qua bốn giải pháp trên đã biến J House thành một không gian sống thú vị, thoải mái, cùng cây xanh, ánh sáng tự nhiên và không khí thoáng mát, không như một ngôi nhà phố thông thường. Sau khoảng thời gian sử dụng ngôi nhà mới, với môi trường sống đầy cây xanh, nắng, gió như mong muốn, dần dần cô hiểu rõ hơn mục đích mà văn phòng tư vấn thiết kế kiến trúc CTA trước giờ đang theo đuổi. Cô giáo đã viết một bức thư tay gửi đến các anh em trong team thiết kế. Bức thư là lời cảm ơn đầy ắp tình cảm, cùng lời chia sẻ niềm vui khi tận hưởng tổ ấm nhỏ bình yên của riêng mình. Thành quả này khiến mọi người cùng vui lây và có thêm một khoảnh khắc đặc biệt trong quá trình hành nghề của mình.
J HouseĐịa điểm: Biên Hòa |
CTA
- Wyndham Clubhouse / thiết kế: MIA Design Studio
- Alchemy Bar on Rock / thiết kế: Chi.Arch
- Sun House / thiết kế: SPACE+ Architecture
- TT House / thiết kế: PsA
- Nhà Bùng Binh / thiết kế: NH VILLAGE Architects
- Bình Thuận House / thiết kế: MIA Design Studio
- Cao Xanh House / thiết kế: HGAA
- Văn phòng Coway tại Việt Nam / thiết kế: AK Interiors
- Nunu House / thiết kế: CEEB Architects
- C2–Apartment / thiết kế: NH VILLAGE Architects