Vị trí: TPHCM
Thiết kế: 324 PRAXIS
Đơn vị thi công: Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trung Long, Luu’s Atelier
Đơn vị cung cấp: M&A Art Tiles, Lighting Art
Thể loại: Nội thất căn hộ chung cư
Diện tích: 93m2
Hoàn thành: 2020
Thuyết minh của KTS:
GIỚI HẠN KHÔNG GIAN – NHẬN THỨC MỚI VÀ KHÔNG GIAN SỐNG MỚI CHO CĂN HỘ CHUNG CƯ
Đáp ứng nhu cầu nhà ở đô thị tăng không ngừng, cùng với nhiều chiến lược kinh doanh của các tập đoàn bất động sản; số lượng chung cư cao tầng với hình thức ở -căn hộ- gia tăng nhanh. Như một hệ quả tất yếu, khái niệm về “phong cách sống/ không gian sống hiện đại”, về “tiện nghi”, về “văn hóa định cư đô thị thông qua lựa chọn mua nhà”… lan nhanh, phát sinh nhiều những hiểu lầm. Điều này một cách vô hình, đã đang dần thay đổi nhu cầu thật sự, khát vọng thật sự về giá trị thật của chất lượng không gian sống ở thế hệ trẻ cư dân dô thị.
1. Bàn về Bối cảnh “Kiến trúc trao tay” của mô hình Căn hộ:
Giải pháp chung của mô hình ở này là Kiến trúc rập khuôn – với nhiều đơn vị căn hộ giống nhau lặp lại – bao gồm việc chia nhỏ diện tích cho nhiều phòng, chừa lại vài ban-công hẹp, nhiều không gian đóng kín được chuẩn bị sẵn sàng cho hệ thống điều hòa, sự tự do bao bọc giữa các diện tường và diện cửa kính v.v…
Cá tính không gian kiến trúc được kiểm soát đồng bộ, thông qua những giới hạn tiêu chuẩn về kết cấu, vật liệu hoàn thiện, hệ thống kỹ thuật nhà cao tầng, bài toán hiệu quả đầu tư và xây dựng… Sự đồng bộ ở khía cạnh nào đó đã cào bằng độ phong phú của đời sống, của từng cá tính đối tượng ở, đồng thời và quan trọng hơn cả là tạo ra nhiều giới hạn cho không gian sống của mô hình căn hộ.
Căn hộ chung cư gói gọn 100 m2 của Dự án này là một ví dụ điển hình. Cấu trúc sẵn có của tòa nhà chia căn hộ làm 3 nhịp cột (3m chiều rộng, 3m chiều cao) – tại vị trí mặt đứng; theo đó: 1 nhịp dành cho phòng khách hẹp và dài, 2 nhịp còn lại dành cho 2 phòng ngủ kèm vệ sinh. Những căn phòng tách biệt nối với nhau qua một hành lang nhỏ và trở thành không gian sinh hoạt cô lập từng thành viên sống về cả khía cạnh vật lý lẫn tâm lý. Một ý niệm về văn hóa sống hiện đại dường như vì đó đã dần hình thành.
2. Bàn về Thiết kế nội thất và vị trí của Kiến trúc sư:
Ý thức rõ những giới hạn về mặt kiến trúc của căn hộ, nhận ra những điểm tiềm năng từ chính mặt hạn chế đó để khai thác, tạo nên trải nghiệm mới và vạch ra những khía cạnh thú vị mới cho không gian là mục tiêu quan trọng của giải pháp thiết kế.
Cụ thể cho dự án: Một hệ hiên gỗ thấp (1.85m cách sàn) có chiều dài bằng 1 nhịp rưỡi cột, cùng với bộ phản thép thấp phía dưới được thêm cắn vào khung kết cấu tòa nhà – tại vị trí mặt đứng căn hộ. Việc bố trí này vừa phá đi bố cục lặp 3 nhịp cột, thông qua việc nhấn mạnh phương trục ngang; vừa định hướng sử dụng, gợi việc ngồi xuống và tận hưởng cảnh quan.
Bên cạnh đó giới hạn khung nhìn lặp tại mỗi nhịp cột, bị cản trở bởi hệ tay-vịn kính của tòa nhà, kết cấu tường và cửa kính, cũng được định hướng lại thông qua hệ khung lưới thép, bố trí chạy dọc suốt 3 nhịp cột. Bằng hình thức mong manh của những sợi lưới thép mảnh được khéo léo đan móc thủ công, nghiêng góc 75 độ; hệ lưới tạo ra một diện mặt phẳng, nghiêng, thanh mảnh, định hướng lại góc nhìn mới.
Những yếu tố thêm thắt của thành phần nội thất và những yếu tố kiến trúc được sắp xếp đồng thời, hướng tới việc hài hòa hỗ trợ lẫn nhau. Theo đó, từng món đồ đạc nội thất cũng được chăm chút với thứ tự ý thức rõ: cá tính kiến trúc hiện hữu của không gian, vai trò và mục tiêu của từng yếu tố nội thất, cảm hứng từ những nguyên tắc hình học bám chặt với yếu tố kiến trúc, thẩm mỹ công năng của từng chi tiết nội thất.
Từ một khía cạnh nhận thức -ở vị trí kiến trúc sư- yếu tố nội thất không phải những lớp trang hoàng được thêm thắt, đặt để dựa trên nguyên tắc cảm tính nghệ thuật mơ hồ; cũng không nỗ lực bài trí và tìm kiếm bối cảnh phù hợp cho những món đồ nội thất đã được thiết kế sẵn và mang theo cá tính/ phong cách riêng của nhà thiết kế.
3. Độ phong phú và chất lượng của không gian sống – trong mô hình ở Căn hộ, bao gồm 3 điểm chính sau:
- Thứ nhất, không gian cây xanh sân vườn và mức độ tham gia vào đời sống gắn liền với chất lượng không gian sống. Thực tế, diện tích dành cho mảng xanh/ ban công trong mỗi đơn vị căn hộ được xem là xa xỉ, khi “con số diện tích sử dụng trong nhà” luôn được tối đa hóa, bởi được hiểu như là giá trị của bất động sản. Vì vậy, ngoài việc tăng diện tích mảng xanh, giải pháp cần tăng cả khả năng tương tác, gắn kết sân vườn với các hoạt động thường nhật.
- Thứ hai, ranh giới giữa không gian trong nhà – ngoài nhà là điểm chính của giải pháp với mô hình căn hộ. Ngôn ngữ ranh giới là hệ vách ngăn tường và kính. Thay vì tìm cách tối ưu “con số diện tích sử dụng trong nhà” -mà theo phần đông cư dân đô thị- con số mang ý niệm sở hữu cao và gắn chặt với tiện nghi, chất lượng sống của họ. Việc “làm mờ đi” đường ranh giới này, bằng cách nào đó, tạo ra nhiều hơn nữa những “lớp khoảng không giao thoa trong ngoài” mang giá trị khác mới mẻ hơn.
- Cụ thể: các đối tượng mang cá tính của không gian ban-công sân vườn: những viên bê-tông đúc thô ráp của mảng ốp sân, những chậu xanh cây và dây leo, khung lưới thép đan thủ công, phản thép, và nắng, và gió… được tràn sâu vào không gian nội thất; và ngược lại, đối tượng sàn nội thất epoxy trắng bóng tràn ra ban-công; …gợi mở nhiều thêm những hoạt động của con người tại vùng giao thoa này. Sự thú vị của trải nghiệm đến từ các lớp không gian nối tiếp, khơi gợi trí tưởng tượng và kích thích hoạt động ở từng góc nhỏ. Bên cạnh đó, việc phân chia không gian công năng cũng chỉ mang tính gợi và giữ mức độ riêng tư vừa đủ, để các thành viên trong không gian ở có thể quan sát, tham gia và hòa nhịp sinh hoạt cùng nhau nhiều hơn. Sự tự do của các vùng chức năng dường như vì vậy cũng giao thoa và cộng hưởng.
- Thứ ba, chất cảm vật liệu và yếu tố thủ công là ngôn ngữ mô tả phần nào độ phong phú của đời sống. Tương phản với những sản phẩm công nghiệp rập khuôn, đề cao hiệu quả sản xuất; chính tính chất khác biệt ngẫu nhiên nhưng tinh tế của sản phẩm thủ công càng nhấn mạnh độ mong manh, sự tạm thời, năng lượng và sư sống động của đời sống.
Ý niệm về giới hạn của không gian không phải điều gì mới mẻ với kiến trúc, tuy nhiên với mô hình căn hộ đô thị hiện đại, khía cạnh nhận thức về giới hạn của không gian đặt ra nhiều cơ hội, nhiều tiềm năng để hướng tới giá trị thật của chất lượng không gian sống.